Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bối cảnh khu vực, thế giới và những cơ sở khoa học thúc đẩy việc hình thành chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” (Phần 3)

Bối cảnh khu vực, thế giới và những cơ sở khoa học thúc đẩy việc hình thành chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” (Phần 3)

03:43 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

ThS. Vũ Hồng Hà *

Một là, Ấn Độ Dương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng tới an ninh và thương mại thế giới trong thế kỷ XXI bởi nhiều lý do, trong đó đặc biệt là kinh tế, quân sự và chính trị quốc tế. Tuyến đường biển ở Ấn Độ Dương đóng vai trò quan trọng cho dòng chảy dầu mỏ, khí đốt, và hàng hoá trên thế giới. Đây cũng là nơi có hai eo biển quan trọng nhất với tuyến vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông tới Australia và Đông Á. Trung bình mỗi ngày có 17 triệu thùng dầu mỏ được vận chuyển qua Eo biển Hormuz và 15,2 triệu thùng qua Eo biển Mallacca[1]. Mặt khác, đây cũng là vùng biển nổi tiếng bất ổn định với nạn cướp biển và khủng bố. Trong khi đó, năng lực hàng hải của các nước trong khu vực vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, việc đảm bảo an ninh cho tuyến huyết mạch của kinh tế thế giới được các quốc gia đặc biệt quan tâm. Bên cạnh các yếu tố về chống cướp biển, khủng bố, hỗ trợ cứu hộ cứu nạn thì còn một nguyên nhân không kém phần quan trọng dẫn tới sự ra đời của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ là siêu cường biển và đại dương với lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới nhưng trong ba đại dương: Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, là những khu vực cực kỳ quan trọng, thì Ấn Độ Dương chưa được coi trọng đúng mức.

Hai là, Ấn Độ là một đối tác cực kỳ quan trọng trong tứ giác chiến lược Mỹ - Nhật Bản - Australia - Ấn Độ. Ấn Độ được Mỹ coi là quốc gia có nền dân chủ lớn nhất thế giới về dân số, lãnh thổ và kinh tế. Ấn Độ được dự đoán sẽ vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2024 và vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030. Về quân sự, Ấn Độ là một trong chín quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và có lực lượng quân đội đông thứ hai thế giới. Không như Trung Quốc, sự trỗi dậy của Ấn Độ lại được các nước Phương Tây đón nhận một cách tích cực, vì cho rằng, một nước dân chủ Ấn Độ chính là minh chứng rõ nhất rằng, chế độ chuyên quyền không phải là hình thức duy nhất có thể quản trị hơn một tỷ người cùng lúc đem lại thịnh vượng và phát triển.

Ba là, Ấn Độ - Thái Bình Dương được coi là đối trọng với chiến lược “một vành đai, một con đường” nhằm củng cố niềm tin cho các đồng minh và cá đối tác đang bị Bắc Kinh gây sức ép cả về kinh tế và an ninh.

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chiếm gần một nửa dân số thế giới; hành lang thương mại có ý nghĩa chiến lược và nhộn nhịp nhất thế giới với 1/3 nguyên liệu thô và 2/3 dầu mỏ của thế giới phải đi qua đây; với sự hiện diện của các quốc gia công nghiệp hóa mới, các nền kinh tế Đông Bắc Á và Đông Nam Á năng động; cùng với Trung Đông và châu Phi giàu tài nguyên,... khu vực này trở thành một trong những động lực phát triển kinh tế thế giới và nơi sản xuất hàng tiêu dùng toàn cầu.

Như vậy, cơ sở khoa học của việc chuyển từ chiến lược “châu Á - Thái Bình Dương” thành chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” trước hết xuất phát từ cương lĩnh “Nước Mỹ trên hết” dưới sự điều hành của Tổng thống Mỹ Donald Trump, siêu cường Mỹ có nhiều điều chỉnh chính sách toàn cầu, dồn ưu tiên cho các mục tiêu đối nội trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động khó lường, đan xen thuận lợi, thời cơ với những khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, là sự vươn lên chủ động, mạnh mẽ và ngày càng xác quyết của cường quốc Trung Quốc như thực thể mới dẫn dắt nhiều quá trình hội nhập toàn cầu; đồng thời, Liên bang Nga, Nhật Bản, Ấn Độ,… đặc biệt Ấn Độ cũng triển khai nhiều chính sách thể hiện rõ nét hơn vị thế của các cường quốc đang cạnh tranh quyết liệt quyền lực quốc tế.

 Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã và đang là chủ đề được nhiều người quan tâm trong bối cảnh có những thay đổi nhanh chóng và phức tạp trên thế giới và khu vực, sự thay đổi trong cán cân quyền lực và những thách thức ngày càng nghiêm trọng đối với hòa bình, ổn định và phát triển, đặc biệt là với an ninh hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tình hình hiện nay ở Biển Đông là một trong những mối đe dọa cho hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không và thương mại ở khu vực này.

 Hiện nay, thế giới đang chứng kiến không chỉ hoạt động bồi đắp và xây đảo nhân tạo ở Biển Đông mà còn cả hoạt động quân sự hóa thông qua việc lắp đặt các thiết bị và vũ khí có khả năng kiểm soát Biển Đông. Những hoạt động này đang đe dọa không chỉ chủ quyền của các nước Đông Nam Á mà còn cả tới tự do hàng hải, hàng không và thương mại của những nước ở ngoài khu vực này. Nếu những thách thức chung ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không được các nước trong và ngoài khu vực chung tay giải quyết thì khu vực này sẽ bị chia rẽ và giấc mơ về một khu vực đại dương rộng mở và tự do sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.

 Với Việt Nam, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung và khu vực Biển Đông nói riêng là vô cùng quan trọng. Tại khu vực Biển Đông, Việt Nam có chủ quyền không chỉ với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn với 3.000 hòn đảo lớn nhỏ khác. Với đường bờ biển dài 3.260 km trải dài từ Bắc tới Nam, Việt Nam có hơn 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, Biển Đông có tầm quan trọng sống còn với nền kinh tế Việt Nam khi khu vực này trở thành cửa ngõ chính để Việt Nam đi ra thế giới và nếu khu vực này bị độc chiếm thì không chỉ an ninh của Việt Nam bị đe dọa mà nền kinh tế của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn hơn cũng có tầm quan trọng sống còn với Việt Nam vì hầu hết các đối tác chiến lược và kinh tế lớn nhất của Việt Nam đều nằm ở khu vực này nên những thách thức đối với hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực này cũng là những thách thức đối với Việt Nam.

 Tất cả các nước cần chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực mở, dựa trên luật pháp quốc tế, cùng chia sẻ lợi ích trong việc duy trì hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng bao trùm, trong đó không một quốc gia, không một dân tộc nào, không một nhóm dân cư nào bị bỏ lại phía sau; tất cả các nước cùng nỗ lực bảo vệ sự tự do, thông suốt của các tuyến đường hàng hải, hàng không, thương mại để Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương không bị chia cắt thành các khu vực ảnh hưởng, bị thao túng bởi chính trị cường quyền, bị ngăn cản bởi chủ nghĩa bảo hộ hay bị chia rẽ bởi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.

Các nước cần nỗ lực hình thành các cơ chế hữu hiệu để duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật, bảo đảm an ninh chung, ngăn ngừa xung đột và chiến tranh, ứng phó hiệu quả với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Có thể nói, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang nổi lên là khu vực quan trọng nhất. Tầm quan trọng này càng được khẳng định khi nơi đây trở thành một trung tâm đầu não về địa chính trị và địa kinh tế, đã và đang trở thành hành lang thương mại sầm uất và có tầm quan trọng nhất về mặt chiến lược trên thế giới khi nơi đây là nơi chuyên chở gần 2/3 lượng dầu mỏ và 1/3 lượng hàng vận tải toàn cầu. Tuy nhiên, việc thiếu vắng những quy tắc hợp tác và biện pháp xây dựng lòng tin đáng tin cậy với những tranh chấp chưa được giải quyết, sự cạnh tranh những nguồn tài nguyên khan hiếm đang đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định ở khu vực này. Do vậy, không chỉ có Hoa Kỳ, Trung Quốc và các nước còn lại trong “bộ tứ” Ấn Độ - Nhật Bản - Australia - Mỹ và Việt Nam rất quan tâm tới khu vực này./.


[1] Báo mới, 03-04-2018.


* ThS. Vũ Hồng Hà, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo

** Bài tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở” tổ chức ngày 24/8/2018 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.​

Nguồn:

Cùng chuyên mục