Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bốn thập niên hợp tác kinh tế và thương mại Ấn Độ - Việt Nam và con đường phía trước (Phần 1)

Bốn thập niên hợp tác kinh tế và thương mại Ấn Độ - Việt Nam và con đường phía trước (Phần 1)

Bài viết gồm 2 phần: (1) Bốn thập niên quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Ấn Độ - Việt Nam; (2) Hướng đi cho thập niên tiếp theo.

06:19 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bốn thập niên hợp tác kinh tế và thương mại Ấn Độ - Việt Nam và con đường phía trước

Shantanu Srivastava*

 

Tôi xin trân trọng cám ơn Quý vị đã mời tôi tới đây chia sẻ kinh nghiệm cá nhân trong suốt 30 năm gắn bó thân thiết với Việt Nam. Tôi gắn bó chặt chẽ với Việt Nam từ năm 1982 và đã được tận mắt chứng kiến quá trình hội nhập và tái thiết nền kinh tế sau nhiều năm dài chiến tranh. Công cuộc đấu tranh vô cùng dũng cảm và trường kỳ của Việt Nam để giành độc lập dân tộc và tiếp theo đó là quyết tâm thực hiện nhiệm vụ lớn lao tái thiết nền kinh tế đã cho cả thế giới bài học quan trọng về vấn đề quản lý.

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã rất khâm phục Bác Hồ vì tính kiên trì, bền bỉ, tầm nhìn, sự quyết tâm giành tự do cho Việt Nam và sứ mệnh của Người trong việc mang lại hòa bình và tình hữu nghị trên toàn thế giới. Tôi thấy giữa Bác Hồ và Ngài Mahatma Gandhi, vị cha già của dân tộc chúng tôi, có rất nhiều sự tương đồng, họ đã cùng hy sinh cuộc đời cho đất nước mình. Ngài Mahatma Gandhi thường nói: “Swadhinta Kisi Bhi Dam Pe Mahengi Nahin Hoti. Ye To Jivan Ka Adhar Hoti Hai” nghĩa là “Độc lập là vô giá. Đó là cơ sở của cuộc sống” và Bác Hồ thường nói: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đây thực sự là nét tương đồng đáng kể trong tư tưởng của hai nhà lãnh đạo lớn nhất thế giới.   

Lịch sử cho thấy, Ấn Độ và Việt Nam là hai người bạn đáng tin cậy với mối quan hệ chặt chẽ hàng thế kỷ. Đối với Ấn Độ, quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam hết sức quan trọng và điều đó được nêu bật trong Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ. Những thay đổi trong bối cảnh địa - chính trị và kinh tế toàn cầu đã tác động tích cực tới quan hệ đối tác Ấn Độ - Việt Nam. Những chương trình cải cách kinh tế của hai nước và hội nhập kinh tế toàn cầu đã mở ra vô số cơ hội cho sự hợp tác cùng có lợi giữa hai bên. Chúng ta đã nâng mối quan hệ hợp tác giữa hai nước lên đối tác chiến lược trên cơ sở lợi ích chung và chia sẻ nhận thức về sự phát triển toàn cầu và khu vực.

Kính thưa Quý vị đại biểu!

Tôi xin trình bày ngắn gọn về sự phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước chúng ta trong bốn thập niên qua. Tôi cũng xin chia sẻ với Quý vị tầm nhìn của tôi trong tương lai để chúng ta sẽ có thể cùng nhau xây dựng chiến lược hợp tác đổi mới và hiệu quả. Trình bày của tôi được chia thành 2 phần: (1) Bốn thập niên quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Ấn Độ - Việt Nam; (2) Hướng đi cho thập niên tiếp theo.

Bốn thập niên quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Ấn Độ - Việt Nam

Thập niên thứ nhất (1972 - 1982): “Những ngày khởi đầu; Kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, Nguồn tín dụng đầu tiên và thành lập Ủy ban Hỗn hợp Ấn Độ - Việt Nam”

Đây là giai đoạn cuối cùng của cuộc Chiến tranh giải phóng Sài Gòn và sau đó là thống nhất và xây dựng đất nước. Tình hình thế giới khi đó bị chi phối bởi Chiến tranh Lạnh và kêu gọi “Hợp tác Nam - Nam” để giảm bớt phụ thuộc vào thế giới phát triển. Đây là những năm khó khăn cho Việt Nam vì khi đó Việt Nam mới nổi lên sau 30 năm đấu tranh giành tự do. Ấn Độ tích cực ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam tái thiết kinh tế kể từ khi giải phóng Sài Gòn. Năm 1978, Ấn Độ đã cấp cho Việt Nam nguồn tín dụng đầu tiên trị giá 400 triệu Rupi để nhập khẩu 980 toa xe hàng, 1000 giá chuyển hướng và 50 toa xe khách từ Ấn Độ. Trong thập niên này không có hoạt động thương mại lớn nhưng có một việc rất ý nghĩa là năm 1982, hai nước đã thành lập Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật.   

Thập niên thứ hai (1983 - 1992): “Tái thiết nền kinh tế Việt Nam và phát triển chính sách kinh tế mới ở cả hai nước, Thương mại song phương cấp thấp”

Năm 1983, Ấn Độ cấp cho Việt Nam nguồn vốn tín dụng thứ hai được sử dụng cho việc nhập khẩu 15 đầu máy diesel. Các đầu máy này được sử dụng tại thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp theo là nguồn vốn tín dụng thứ ba vào năm 1984 – 1985, được sử dụng để nhập khẩu thiết bị hoàn tất và nồi hơi cho Nhà máy dệt Nam Định và sợi cotton. Nguồn vốn tín dụng tiếp theo được cấp năm 1986, được sử dụng để nhập khẩu 300 toa xe hàng dùng phễu nạp liệu than cho mỏ than Hồng Gai và mỏ than Cẩm Phả.

Thương mại song phương trong thập niên này chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng và chỉ có một số lượng nhỏ thương mại ngoài vốn tín dụng, phần lớn là xuất khẩu máy móc thiết bị chế biến chè, sợi và dệt từ Ấn Độ sang Việt Nam và, vào cuối thập niên, xuất khẩu hạt điều thô, lụa thô và gỗ từ Việt Nam sang Ấn Độ.

Tại Đại hội Đảng VI năm 1986, Chính phủ Việt Nam đã đề ra chính sách kinh tế mới, thường được gọi là “Đổi mới” và chính sách kinh tế mở cửa này đã được chứng minh là thành công thực sự của Việt Nam. Đại hội Đảng lần thứ VII năm 1991 đã áp dụng chương trình tái thiết quốc gia. Cũng trong năm này, Ấn Độ đã thực hiện chính sách kinh tế mới đưa tới sự tăng trưởng GDP nhanh chóng và biến Ấn Độ thành cường quốc kinh tế quan trọng trên thế giới.

Một điều rất thú vị là từ năm 1988 đến năm 1992 việc hoàn trả các khoản tín dụng trước đây của Ấn Độ được thực hiện bằng gạo do một số công ty Ấn Độ và Thái Lan mua. Các công ty này xuất khẩu gạo đến các nước thứ ba và thanh toán cho Chính phủ Ấn Độ trên cơ sở tính toán giảm giá được thống nhất trước mỗi vụ.

Thập niên này cũng bắt đầu có các đầu tư Ấn Độ vào Việt Nam.  Năm 1989, OVL (trước đây gọi là Công ty trách nhiệm hữu hạn Hydro Carbon Ấn Độ) khởi xướng liên danh nước ngoài đầu tiên của họ ngoài khơi Vũng Tàu, phía Đông thành phố Hồ Chí Minh. 

Thập niên thứ ba (1993 - 2002): “Tăng trưởng hạn chế trong thương mại song phương, khủng hoảng kinh tế khu vực ở Đông Nam Á, đầu tư từ Ấn độ tăng, thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam”

Đây là giai đoạn tăng trưởng nhanh ở cả hai nước, mặc dù có thời gian hơi chậm về phía Việt Nam do khủng hoảng kinh tế ở Đông Nam Á năm 1997 - 1998. Ở Việt Nam diễn ra hai Đại hội mang tính lịch sử: Đại hội Đảng lần thứ VIII năm 1996 với sự kết thúc khủng hoảng kinh tế - xã hội, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Đại hội Đảng lần thứ IX năm 2001 chuẩn bị chiến lược 10 năm phát triển kinh tế xã hội, dẫn tới quyết định dấu mốc đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và biến Việt Nam thành một trong những nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài.

Năm 1993, Ấn Độ cấp cho Việt Nam nguồn tín dụng được sử dụng để nhập thiết bị chè cho Sơn La và Nghệ An và thiết bị ngành dệt cho tỉnh Vĩnh Phú và thành phố Hồ Chí Minh. Toàn bộ nhà máy mía đường Cần Thơ công suất 1.250 tấn mía/ngày được xây dựng bằng nguồn vốn tín dụng khác được ký kết năm 1995. Đây là dự án rất thành công, không chỉ có hiệu quả rõ rệt, mà còn tạo cơ hội cho việc tiếp tục xuất khẩu thiết bị mía đường vào Việt Nam ngoài nguồn vốn tín dụng. Một nguồn vốn tín dụng khác được cấp năm 1998, sử dụng cho việc cấp dây chuyền chế biến nước hoa quả ở Hà Nội và một dây chuyền sản xuất băng keo dùng cho ngành đóng gói bao bì ở tỉnh Vĩnh Phúc.

Tuy nhiên, trong thập niên này, thương mại song phương không tăng nhiều lắm. Năm 1996, thương mại hai chiều chỉ đạt khoảng 100 triệu USD, năm 1999, chỉ nhích lên đến khoảng 150 triệu USD. Ngoài ra, xuất khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam là trên 90%. Vào năm 2000, con số này tăng lên hơn 200 triệu USD và xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ vẫn chỉ nằm trong khoảng 10%. Tuy nhiên, điều đáng phấn khởi là trong thời gian này, đầu tư Ấn Độ tăng nhanh vì các công ty như KCP và Nagarjuna xây dựng nhà máy mía đường ở Phú Yên và Long An, Ranbaxy xây dựng nhà máy dược ở thành phố Hồ Chí Minh, United Phosphorous và Godrej xây dựng nhà máy ở Bình Dương.

Một phát triển chính nữa trong thập niên này là việc thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam vào tháng 8 năm 1998 (được cấp phép chính thức vào tháng 2 năm 1999) với nhiệm vụ tạo nền tảng cung cấp dòng thông tin và tạo điều kiện cho các giao dịch.

 Thập niên thứ tư (2003 - 2012): “Thời kỳ phát triển thực sự trong thương mại song phương, xuất khẩu Việt Nam sang Ấn Độ tăng trưởng mạnh, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ký kết Hiệp định Thương mại tự do”

Thập niên mới mang lại nguồn năng lượng mới cho thương mại song phương, đánh dấu bước ngoặt vì thương mại đã tăng mạnh trong thời kỳ này. Trong chuyến thăm Hà Nội năm 2001, Thủ tướng Ấn Độ khi đó, Ngài Atal Bihari Vajpayee, đã bày tỏ nguyện vọng tăng thương mại song phương từ 200 triệu USD lên 500 USD triệu trong 5 năm. Tại thời điểm đó mục tiêu này là khó đạt được. Tuy nhiên, thực tế là thương mại đã tăng trưởng nhanh hơn và con số đã tăng lên tới 1.000 triệu USD vào năm 2006, mặc dù tại thời điểm đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ vẫn chỉ là dưới 20%. Năm 2009, thương mại song phương đã vượt 2.000 triệu USD với xuất khẩu của Ấn Độ là 78% và xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ là 22%. Năm 2010 và 2011 đã có sự tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ, tăng tới 1,55 tỷ USD hoặc 39% tổng thương mại của 3,90 tỷ USD trong năm 2011. Năm 2012, thương mại đã đạt giá trị  5,40 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt nam là 1,70 tỷ USD hay 31% của tổng xuất khẩu Ấn Độ là 3,70 tỷ USD hay 69% của tổng thương mại.

Trong thập niên này, nguồn vốn tín dụng Ấn Độ trị giá 27 triệu USD và 45 triệu USD đã được ký kết và các nguồn vốn này đã được sử dụng để nhập khẩu thiết bị thủy điện từ Ấn Độ. Tất cả các dự án thủy điện đều đã chạy rất thành công và tạo ra hiệu quả rất tốt ở Việt Nam. Việc này cũng đã dẫn tới việc nhập khẩu nhiều thiết bị thủy điện từ Ấn Độ ngoài nguồn vốn tín dụng Ấn Độ.

Công ty IT như NIIT và Aptech nằm trong số những nhà đầu tư lớn từ Ấn Độ trong thập niên này. Ngoài ra còn có các đầu tư từ công ty R.K. Marble, Alliance Mineral và Philips Carbon.

Hiệp định Thương mại tự do Ấn độ - ASEAN về hàng hóa được ký kết tháng 8 năm 2009. (Còn tiếp) (Xem tiếp phần 2)


* Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến doanh nghiệp Ấn Độ - ASEAN, ASSOCHAM, Chủ tịch sáng lập Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam, Tổng Giám đốc điều hành Công ty Ishan International Pvt. Ltd, Chủ tịch Sáng lập Ishan, Vinh dự được trao tặng Huân chương Hữu nghị của Việt Nam.

Người dịch: Nguyễn Thị Phượng
Hiệu đính: TS Nguyễn Thị Phương Thảo

Nguồn:

Cùng chuyên mục