Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bốn thập niên hợp tác kinh tế và thương mại Ấn Độ - Việt Nam và con đường phía trước (Phần 2)

Bốn thập niên hợp tác kinh tế và thương mại Ấn Độ - Việt Nam và con đường phía trước (Phần 2)

Bài viết gồm 2 phần: (1) Bốn thập niên quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Ấn Độ - Việt Nam; (2) Hướng đi cho thập niên tiếp theo.

06:12 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bốn thập niên hợp tác kinh tế và thương mại Ấn Độ - Việt Nam và con đường phía trước

Shantanu Srivastava*

(Tiếp theo phần 1)

Tăng trưởng nhanh trong thương mại song phương, tăng mạnh trong xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Ấn Độ và việc ký kết Hiệp định Thương mại song phương là nhưng điểm chính trong thập niên này.

Chính phủ đương thời của Ấn Độ sắp kết thúc 1 năm của nhiệm kỳ 5 năm. Chính sách của Thủ tướng Ấn độ, Ngài Narendra Modi, là “sab ka saath, sab ka vikaas” (tất cả chúng ta phải làm việc tay trong tay) để đạt sự tiến bộ cho tất cả và xóa nghèo đói. Ông đã phát động nhiều khởi xướng theo hướng này, bắt đầu bằng “Jan Dhan Yojna”, một qui hoạch tài chính toàn diện, theo đó có hơn 140 triệu người dân Ấn Độ đã mở tài khoản mới trong chưa đầy 1 năm. Chương trình “Sản xuất tại Ấn độ” là bước khởi đầu đột phá nhằm đưa Ấn Độ trở thành trung tâm tuyệt hảo về sản xuất và dịch vụ. Chương trình này cũng nhằm đưa Ấn Độ lên top 50 thế giới về kinh doanh thuận lợi. Chính sách ngoại thương mới (2015 - 2020) đã thay thế Kế hoạch Dịch vụ từ Ấn Độ bằng Kế hoạch Xuất khẩu dịch vụ từ Ấn Độ. Mục tiêu của Kế hoạch Xuất khẩu dịch vụ từ Ấn Độ mới là khuyến khích xuất khẩu các dịch vụ nổi trội từ Ấn Độ và kế hoạch này sẽ áp dụng cho tất cả các nhà cung cấp dịch vụ đặt tại Ấn Độ thay vì chỉ là các nhà cung cấp dịch vụ Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ cũng đề xuất ra Nghị viện hóa đơn mới mua lại đất và đã bắt đầu các cải tổ cần thiết nhất đối với luật lao động. Các công cuộc cải tổ này không chỉ bảo vệ lợi ích của công nhân lao động trên cả nước mà còn thúc đẩy được đầu tư trực tiếp vào Ấn Độ. Như chúng ta đã biết, kinh tế Ấn Độ đang tăng trưởng ở mức trên 7,5% và GDP (trên danh nghĩa) đã tăng trên 1,80 nghìn tỷ USD, đưa Ấn Độ thành nước có nền kinh tế lớn thứ 10 trên thế giới về GDP danh nghĩa và lớn thứ 3 trên thế giới về sức mua tương đương. Là nước có nền kinh tế nội địa lớn, tiêu thụ bởi gần 40% dân số ở tầng lớp trung lưu, tỷ lệ tăng trưởng cao ở khu vực ngoại thành và mức độ tự tin tiêu dùng cao, Ấn Độ là nơi hứa hẹn nhiều cơ hội nhất trên thế giới.

Tất cả những sự phát triển đó ở Ấn Độ, kết hợp với viễn cảnh nền kinh tế thay đổi nhanh chóng ở Việt Nam làm cho hợp tác Ấn Độ - Việt Nam hấp dẫn hơn, thích hợp hơn và có lợi hơn cho cả hai nước. Nằm trong những nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới, Ấn Độ và Việt Nam có tiềm năng hợp tác rất to lớn. Nếu như chúng ta nhìn vào con số thương mại trong những năm vừa qua và theo năm tài khóa của Ấn Độ (tháng Tư đến tháng Ba), thì thương mại song phương 200 triệu USD vào năm tài khóa 2000 - 2001 đã tăng 3,90 tỷ USD vào năm 2010 - 2011, 5,40 tỷ USD vào năm 2011-2012, 6,30 tỷ USD vào năm  2012-2013 và gần 8 tỷ USD vào năm 2013-2014. Các con số này đã bao gồm cả nhập khẩu và xuất khẩu qua nước thứ ba nữa. Mặc dù có sự tiến bộ trong 10 năm qua, nhưng tôi vẫn cần phải chỉ ra rằng, những gì mà chúng ta đạt được là chưa đủ và còn rất nhiều việc chưa làm. Ấn Độ và Việt Nam có tiềm năng hợp tác to lớn và rất nhiều tiềm năng còn chưa được khai thác. Thương mại của chúng ta chỉ đạt 8% của thương mại Ấn Độ với ASEAN và là người hiểu rất rõ cả hai nước, tôi hoàn toàn có thể được thuyết phục rằng, có đầy đủ tiềm năng cho thương mại song phương vượt quá 20 tỷ USD vào năm 2020, là năm mà hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ. Hai bên nên đặt đây là mục tiêu tiếp theo và là mốc mới trong hợp tác của chúng ta. Đây nghe có vẻ như là mục tiêu quá khả quan nhưng hoàn toàn có thể đạt được nếu chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước có bước khởi xướng cho quá trình thực hiện. Tôi xin được nêu một số gợi ý ở mức độ vĩ mô có thể tạo hướng thúc đẩy nỗ lực tiến tới đạt được mục đích:  

(1) Có rất nhiều công ty Ấn Độ, tôi tin là trên thực tế là 130 công ty, đã thành lập văn phòng đại diện ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo như tôi được biết, cho tới nay, chưa có công ty Việt Nam nào mở văn phòng đại diện tại Ấn Độ. Khoảng cách này đang tạo cản trở trong việc cung cấp thông tin và giảm mức độ thoải mái vốn có ở cả hai bên.

(2) Cầu nối thông tin thông qua việc truyền bá thông tin đều đặn và kịp thời thông qua các kênh thông tin quan trọng như Trung tâm Nghiên cứu Ấn độ, FIEO, ASSOCHAM, VCCI, FICCI, CII, Incham…

(3) Thúc đẩy sự kết nối lớn hơn giữa con người với con người thông qua giao lưu văn hóa.

(4) Thiết lập kết nối đường bộ, thường thủy và đường không tốt hơn nữa. Đường cao tốc 3 bên Ấn Độ - Thái Lan - Myanmar nên được mở rộng sang Việt Nam. Nên cân nhắc cả tuyến đường thủy trực tiếp giữa các cảng lớn của hai nước vì việc chuyển tải rất đắt và tốn nhiều thời gian

(5) Đơn giản hóa và thực hiện hiệu quả các qui định hải quan ở hai nước.

(6) Phát triển hệ thống logistic/trung tâm quanh hành lang kinh tế Mekong - Ấn Độ.

(7) Khuyến khích và tạo điều kiện đầu tư từ Việt Nam sang Ấn Độ. Thời cơ đã chín muồi cho việc thay đổi quan điểm về việc này và tôi để nghị rằng, các công ty Việt Nam nên cân nhắc nghiêm túc việc tìm hiểm cơ hội đầu tư ở Ấn Độ.

(8) Thúc đẩy dòng đầu tư từ Ấn Độ sang Việt Nam thông qua các hoạt động xúc tiến. Chúng ta nên khai thác cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực như thiết kế, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, dệt may, vận tải, thông tin, y tế, thảo dược, chế biến thực phẩm, giáo dục, nông nghiệp, lâm nghiệp, mỏ, du lịch, công nghệ thông tin, dịch vụ tư vấn, ngân hàng và đầu tư.

(9) Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và chúng ta nên có biện pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ và chia sẻ kinh nghiệp trong các lĩnh vực chuyên môn.

(10) Thúc đẩy hợp tác du lịch. Điều này sẽ tăng cường việc tiếp xúc giữa con người với con người và hiểu biết hơn về nền văn hóa đa dạng của chúng ta.

(11) Eximbank có gói tín dụng người mua để tài trợ cho các dự án xuất khẩu từ Ấn Độ và nguồn vốn tín dụng Ấn Độ thực sự là rất có ích và nên được tận dụng trong các lĩnh vực cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, các điều kiện điều khoản của các tín dụng này cần phải được cân nhắc lại để có sức hấp dẫn hơn.

(12) Thương mại song phương và đầu tư cho thấy tín hiệu tăng trưởng khả quan. Giờ là lúc các ngân hàng Ấn Độ nên mở chi nhánh tại Việt Nam.

(13) Để giảm thiểu sự phụ thuộc vào tỷ giá và rủi ro phát sinh do giao động tỷ giá, chúng ta nên cân nhắc để tiến tới Hiệp định Thương mại Rupi hạn chế.

(14) Thúc đẩy hợp tác trong giáo dục, nghiên cứu khoa học, nguồn nhân lực và phát triển kỹ năng.

(15) Thành lập Trung tâm Đầu tư và Thương mại Ấn Độ - ASEAN.

(16) Kết thúc đàm phán RCEP trong khuôn khổ thời gian.

(17) Cuối cùng, tôi xin đề xuất, hai chính phủ nên cân nhắc cấp visa dài hạn hơn và nhiều lần cho các thương nhân. Visa ngắn hạn tạo nhiều cản trở cho các thương nhân đi lại thường xuyên khi có các dự án đang triển khai và cần phải di chuyển gấp.

Tôi hy vọng rằng, những gợi ý của tôi sẽ khuyến khích cả hai phía có những bước khởi đầu tiếp theo. Thập niên cuối cùng chúng ta cũng đã thấy được dự tăng trưởng mạnh trong hợp tác Ấn Độ - Việt Nam. Thương mại song phương đã tăng gấp nhiều lần và đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đã tăng. Tuy nhiên, còn vô số các cơ hội chưa được khai thác và chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần phải khai thác các lĩnh vực và mở rộng phạm vi hợp tác. Ấn Độ và Việt Nam có nhiều thứ có thể làm được cho nhau và nên nổi lên là các đối tác thành công trong quá trình phát triển. Hai bên hãy cùng nhau hun đúc mối quan hệ hợp tác hơn nữa vì lợi ích chung và đưa tình hữu nghị lâu đời giữa Ấn Độ và Việt Nam lên tầm cao mới phản ánh trung thực tình cảm vốn có giữa hai dân tộc.

Người dịch: Nguyễn Thị Phượng
Hiệu đính: TS Nguyễn Thị Phương Thảo

* Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến doanh nghiệp Ấn Độ - ASEAN, ASSOCHAM, Chủ tịch sáng lập Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam, Tổng Giám đốc điều hành Công ty Ishan International Pvt. Ltd, Chủ tịch Sáng lập Ishan, Vinh dự được trao tặng Huân chương Hữu nghị của Việt Nam.

Nguồn:

Cùng chuyên mục