Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Các Hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA) giữa Ấn Độ với các nước và khu vực (Phần 2)

Các Hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA) giữa Ấn Độ với các nước và khu vực (Phần 2)

Bài viết đề cập Hiệp định Khu vực thương mại tự do (FTA), Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện (CECA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) đã được ký kết và thực hiện giữa Ấn Độ với các nước và khu vực

06:17 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Nguyễn Tuấn Quang*

FTA Ấn Độ – ASEAN (IATIG)

Việc ký kết FTA Ấn Độ - ASEAN (hay còn gọi là IATIG/India - ASEAN Trade in Goods Agreement) theo kế hoạch tại Bangkok cuối năm 2008 bị đình hoãn do tình hình bất ổn tại Thái lan.

Ấn Độ và ASEAN đã kết thúc đàm phán vào tháng 8/2008 sau 6 năm làm việc căng thẳng, đặc biệt là với các mặt hàng dầu cọ, cà phê, hạt tiêu và chè và ký kết cuối cùng tháng 8/2009. Hiệp định này đã giúp thúc đẩy mậu dịch mở trong khu vực và tăng buôn bán giữa ASEAN và Ấn Độ từ mức 38 tỷ USD năm 2007/08 lên 71,6 tỷ USD vào năm 2016/17, trong đó, xuất khẩu của Ấn Độ là 30,96 tỷ USD chiếm 11,22% tổng xuất khẩu của nước này và nhập khẩu 40,62 tỷ USD chiếm 10,56% tổng nhập khẩu. Do coi trong vai trò của các nước châu Á, trong đó có khối ASEAN và Đông Á, các chính phủ của Ấn Độ đã liên tục thúc đẩy và thực hiện “Chính sách hướng Đông”, rồi “Chính sách Hành động hướng Đông” từ năm 2014.

Theo FTA, Ấn Độ sẽ giảm thuế đến 0% cho 3.666 mặt hàng nhập khẩu từ ASEAN bắt đầu tháng 1/2010 đến năm 2011. Đó là các mặt hàng: quạt, phụ tùng điều hoà nhiệt độ, hàng trang sức và kim hoàn, sản phẩm cao su và nhựa. Tuy nhiên, FTA không áp dụng cho tất cả các hàng hóa. Khoảng 600 mặt hàng nông nghiệp của Ấn Độ không trong danh mục cắt giảm hoặc nhượng bộ thuế.

Những mặt hàng trong danh mục loại trừ nhượng bộ thuế (không giảm thuế) của Ấn Độ gồm: rau, quả và hạt, gia vị, dầu và hạt có dầu, thủy và hải sản, cao su tự nhiên, thuốc lá, hàng dệt, ô tô, sản phẩm dầu, hóa chất…

Hiệp định có hiệu lực vào tháng 1/2010 với Malaysia, Singapore và Thái Lan; tháng 6/2010 với Việt Nam; tháng 9/2010 vơi Myanmar; tháng 10/2010 với Indonesia; tháng 11/2010 với Brunei; tháng 1/2011 với Lào; tháng 6/2011 với Philippines và tháng 7/2011 với Cambodia.

Đây là FTA kết nối 2 khu vực lớn thứ 2 trên thế giới sau FTA ASEAN - Trung quốc. ASEAN có 644 triệu người, GDP 2.700 tỷ USD, GDP bình quân 4.200 USD/người năm 2016. Nếu tính gộp cả ASEAN và Ấn Độ thì dân số gồm 1,9 tỷ người, GDP 5.000 tỷ USD, đứng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.

ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ, với 10,2% tổng lượng thương mại của Ấn Độ. Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 7 của ASEAN. Dòng vốn đầu tư cũng được hai bên quan tâm. ASEAN chiếm khoảng 12,5% vốn FDI vào Ấn Độ từ năm 2000. Singapore là địa điểm đầu tư chiến lược cả trong và ngoài Ấn Độ. FDI của ASEAN vào Ấn Độ từ tháng 4/2000 đến tháng 5/2016 đạt 49,40 tỷ USD và FDI từ Ấn Độ vào ASEAN đạt 38,67 ty USD từ tháng 4/2007 đến tháng 3/2015.

Nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế, chính phủ Ấn Độ đã đưa vào hoạt động Quỹ phát triển dự án để thiết lập các cơ sở sản xuất của Ấn Độ tại các quốc gia Cambodia, Myanmar, Lào và Việt Nam.

FTA Ấn Độ Sri Lanka

Hiệp định thương mại tự do Ấn Độ - Sri Lanka (India - Sri Lanka Free Trade Agreement/FTA) được ký tháng 12/1998 và có hiệu lực từ tháng 3/2000. Mục đích của Sri Lanka là tăng cường xuất khẩu, giảm nhập siêu và thu hút đầu tư từ Ấn Độ.

Ấn Độ duy trì danh mục loại trừ 431 mặt hàng; giảm thuế 25% cho 605 mặt hàng; cắt thuế ngay lập tức 1.357 mặt hàng; giảm thuế 50% và cắt thế theo từng giai đoạn 2.870 mặt hàng.

Sri Lanka duy trì danh mục loại trừ gồm 1.216 mặt hàng; cắt thuế ngay lập tức 319 mặt hàng; cắt thế theo từng giai đoạn 889 mặt hàng và danh mục cắt thuế dài hạn hơn cho 2.742 mặt hàng.

Những mặt hàng xuất khẩu chính của Ấn Độ sang Sri Lanka: dầu (dầu thô và sản phẩm), phương tiện giao thông, bông, sợi, đường, thuốc gốc dược phẩm, hóa chất...Những mặt hàng xuất khẩu chính của Sri Lanka: gia vị, máy và thiết bị điện, phương tiện vận tải, bột giấy, cao su tự nhiên, giấy và bìa...

Kể từ khi có FTA, mậu dịch 2 nước tăng khá nhanh.  Năm 2004, kim ngạch 2 chiều đạt 1,7 tỷ USD. Năm 2007/2008, đạt 3,46 tỷ USD, trong đó, Ấn Độ xuất khẩu 2,83 tỷ USD, nhập khẩu 631 triệu USD. Năm 2017/2017, kim ngạch song phương đạt 4,51 tỷ USD, tăng -25,4% so với mức 6,1 tỷ USD năm 2015/16, trong đó, Ấn Độ xuất khẩu 3,91 tỷ USD và nhập khẩu 602 triệu USD.

Tuy nhiên, sau thời gian dài thực hiện FTA, cả hai nước đều nhận thấy chưa kết quả đạt được như mong muốn, nhất là Sri Lanka liên tục nhập siêu từ Ấn Độ, các doanh nghiệp xuất khẩu nước này phải đối mặt với các rào cản kỹ thuật phi thuế quan. Do đó, hai nước có ý định mở rộng FTA sang lĩnh vực dịch vụ, đưa ra các cắt giảm thuế hơn nữa trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA).

CECA Ấn Độ – Singapore (ISCECA)

Ấn Độ và Singapore ký Hiêp định Hợp tác kinh tế toàn diện (India - Singapore Comprehensive Economic Cooperation Agreement/CECA) vào tháng 6/2005 nhân chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và có hiệu lực từ tháng 8/2005. Hiệp định này đã được Chính phủ Ấn Độ thông qua ngày 20/6/2005.

Đây là lần đầu tiên Ấn Độ ký hiệp định song phương dạng này với nước ngoài. Hiệp định này bao trùm các lĩnh vực thương mại về hàng hoá và dịch vụ, thỏa thuận hợp tác về hải quan, khoa học và công nghệ, giáo duc, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ và truyền thông đại chúng, trong đó trọng tâm là đầu tư và xuất khẩu, mở cửa dịch vụ tài chính, liên kết giữa các thị trường chứng khoán và nhượng bộ thuế.

Trên cơ sở CECA, đầu tư về tài chính và dịch vụ của Singapore vào Ấn Độ sẽ dự kiến đạt mức 5 tỷ USD trong vòng 3 năm tới. FDI của Singapore vào Ấn Độ dự kiến sẽ là 2 tỷ USD, đặc biệt là đầu tư vào cở sở hạ tầng Ấn Độ và các khu kinh tế đặc biệt (SEZs). Hiệp định cũng xác định rõ quy chế xác định xuất xứ, tránh để hàng hoá của nước thứ 3 tìm cách hưởng lợi từ Hiệp định song phương này với quy định 40% hàm lương tăng thêm cho hàng hóa sản xuất tại từng nước và được hưởng mức thuế của Hiệp định.

Về dịch vụ, 2 nước cam kết tuân thủ bản chào của mình tại WTO. Ba ngân hàng của Singapore là Development Bank of Singapore, Oversea Chinese Banking Corporation và United Oversea Bank sẽ được hưởng quy chế như một ngân hàng trong nước khi hoạt động tại Ấn Độ trong việc mở các chi nhánh, lựa chọn địa điểm hoạt động…Một điều khoản quan trọng của lĩnh vưc dịch vụ là điều khoản liên quan tới các cá nhân (Mode 4). Sự công nhận lẫn nhau trong Mode 4 sẽ có hiệu lực trong thời gian 12 tháng với lĩnh vực kiến trúc, kế toán và ngành y dược. Singapore cho phép các lao động chuyên môn của Ấn Độ và làm việc tại nước này với khoảng 120 ngành nghề.

Hiện nay, Singapore là đối tác thương mại quan trọng của Ấn Độ và là đối tác số một của nước này trong khối ASEAN. Khối lượng thương mại của Ấn Độ với Singapore chiếm khoảng 37,5% thương mại của Ấn Độ với khối ASEAN và khoảng 3,4% thương mại với các nước trên thế giới.

Các nhượng bộ của Ấn Độ về thuế được áp dụng cho 80% hàng hóa xuất khẩu từ  Singapore sang Ấn Độ. Thương mại về hàng hoá sẽ tăng trưởng hơn nữa với việc trao đổi nhương bộ thuế quan theo danh mục ITCHS, 8 Digit cho 11.666 dòng thuế.

Về thương mại hàng hoá, bản chào của Ấn Độ gồm 4 Danh mục :  Thu hoạch sớm, Loại trừ  từng giai đoạn, Hạn chế từng giai đoạn và Danh mục cấm.

2.407 dòng thuế được đưa vào danh mục hạn chế từng giai đoạn, trong đó, Ấn Độ sẽ giành cho Singapore một mức thuế ưu đãi theo quy chế Tối huệ quốc (MFN) hàng năm từ ngày thứ nhất cho đến ngày 1/4/2009. Mức ưu đãi tối đa cho Singapore là 50% vào ngày 1/9/2009. Và mức giảm thuế được xác định là 5, 10, 20, 35 và 50%.

6.551 mặt hàng còn lại thuộc danh mục cấm, tức là Ấn Độ không nhượng bộ thuế cho Singapore.

Đối với hàng nhập khẩu từ Ấn Độ, Singapore chấp nhận thuế suất hải quan 0% cho Ấn Độ. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, Singapore đã áp dụng thuế suất hải quan 0% đối với tất cả các sản phẩm với tất cả các nước. Ngoại trừ chỉ có 6 mặt hàng có thuế suất nhâp khẩu.

Chính phủ Ấn Độ đã quyết định gỡ bỏ thuế quan đối với 555 sản phẩm nhập khẩu từ Singapore kể từ đầu tháng 12/2007.   

Kim ngạch thương mại song phương Ấn Độ – Singapore trong tài khoá 2016/2017 lên tới 16,7 tỷ USD, trong đó, Ấn Độ xuất khẩu 9,6 tỷ USD và nhập khẩu 7,1 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của Singapore vào Ấn Độ năm 2016/17 đạt 8,7 tỷ USD so với 6,7 tỷ USD năm 2013/2014.

Singapore liên tục là nhà đầu tư thứ hai tại Ấn Độ với FDI lũy kế từ tháng 4/2000 đến tháng 3/2017 trị giá 54,59 tỷ USD, chỉ sau Mauritius với 111,64 tỷ USD.

CEPA Ấn Độ  – Hàn Quốc (IKCEPA)

Các cuộc thương lượng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (India - Korea Comprehensive Economic Partnership Agreement/CEPA) với Hàn Quốc kéo dài trong 3 năm và Hiệp định được ký kết tháng 8/2009 sau 12 vòng thương lượng. Có hiệu lực từ tháng 1/2010, Hiệp định đã giúp các Công ty Ấn Độ trong lĩnh vực xuất khẩu hải sản, dệt may, dày dép, polyester, sắt thép, phụ tùng đầu máy xe lửa,, máy và thiết bị…vào thị trường Hàn Quốc.

Hàn Quốc đã chấp nhận bỏ thuế 5.362 mặt hàng cho phía Ấn Độ. Trước đây, Hàn Quốc đã có 498 mặt hàng với mức thuế 0% cho Ấn Độ.

Về phần mình, Ấn Độ vẫn bảo hộ nông nghiệp, ôtô và dệt may ngoài danh mục cắt giảm thuế. Ấn Độ chấp nhận loại trừ thuế với các mặt hàng như da trâu làm nguyên liệu cho ngành da giày, sách báo, nhạc cụ, một số máy và robot công nghiệp trong nước chưa sản xuất được.

Đồng thời, CEPA cũng tạo điều kiện cho ngành dịch vụ Ấn Độ như audio visual, công nghiệp bệnh viện và giải trí, hệ thống cơ khí kết nối, và dịch vụ bảo dưỡng máy bay.

Hàn Quốc cũng đã dỡ bỏ những yêu cầu về lưu trú với các dịch vụ tài chính và bảo hiểm, cho phép các công dân Ấn Độ làm các công việc này tại Hàn Quốc.

Các công ty Ấn Độ cũng được mở văn phòng tại Hàn Quốc như các công ty Hàn Quốc tại Ấn Độ. Mặc dù có những khác biệt giữa 2 bên về nguồn gốc xuất xứ (ROO) trong quá trình đàm phán, nhưng cuối cùng đã thông nhất được các quy định chặt chẽ về vấn đề này để bảo vệ các lĩnh vực nhậy cảm của cả 2 nuớc.

Kim ngạch thương mại hai chiều Ấn Độ - Hàn Quốc đạt 16,83 tỷ USD năm 2016/17, sáu năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Các công ty, tập đoàn Hàn Quốc như Huyndai Motors, Samsung Electronics, LG…đã đầu tư 4,43 tỷ USD tại Ấn Độ đến tháng 3/2017. Các tập đoàn Ấn Độ như Mahndra & Mahindra, Aditya Birla Group và Tata đầu tư gần 3 tỷ USD vào Hàn Quốc.

Tỷ trọng của Ấn Độ trong thương mại quốc tế của Hàn Quốc là 1,75% năm 2016. Đóng góp của Ấn Độ trong nhập khẩu của Hàn Quốc tăng từ 0,78% năm 2008 lên 1,03% năm 2015. Ấn Độ là thị trường nhập khẩu thứ 14 của Hàn Quốc năm 2016 và thị trường xuất khẩu thứ sáu. (Xem tiếp phần 3)

* Nguyên tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ

Nguồn:

Cùng chuyên mục