Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Các mối liên kết địa - văn minh và vai trò của quyền lực mềm: hướng tới tăng cường quan hệ văn hóa giữa ASEAN và Ấn Độ (Phần 2)

Các mối liên kết địa - văn minh và vai trò của quyền lực mềm: hướng tới tăng cường quan hệ văn hóa giữa ASEAN và Ấn Độ (Phần 2)

03:56 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Các mối liên kết địa - văn minh và vai trò của quyền lực mềm: hướng tới tăng cường quan hệ văn hóa giữa ASEAN và Ấn Độ

GS. Baladas Ghoshal*

Những liên kết hiện đại

Ở giai đoạn gần thời kỳ đương đại, các phong trào dân tộc ở Myanmar, Malaya và Indonesia chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư  duy và chiến lược chính trị không bạo lực của Ấn Độ. Cuộc đấu tranh tự do ở Indonesia không chỉ chịu ảnh hưởng bởi phong trào quốc gia của Ấn Độ mà còn nhận được sự hỗ trợ cụ thể dưới hình thức hàng hoá, dịch vụ và hỗ trợ ngoại giao tại Liên hợp quốc trong giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đấu tranh chống chính quyền thực dân Hà Lan. Rabindranath Tagore là người châu Á đầu tiên nói về tình đoàn kết châu Á dựa trên sự tác động lẫn nhau giữa văn hoá và tri thức của người dân châu Á, được thể hiện trong các bài viết của ông cũng như qua nỗ lực của ông nhằm truyền bá một số tư tưởng tốt nhất và tư tưởng của những học giả từ ​​Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia và các khu vực khác của châu Á. Trường học Shantiniketan của Tagore đã ảnh hưởng sâu sắc đến Ki Hadjar Dewantoro, nhà tư tưởng hàng đầu của Indonesia, và giúp ông thành lập trường Taman Siswa tại Jogjakarta theo tầm nhìn của Tagore. Tagore, người xây dựng cầu nối đầu tiên giữa Ấn Độ và Indonesia ít được biết đến ở đất nước này, và do đó đòi hỏi cần được biết đến nhiều hơn nữa trong số các nhà hoạch định chính sách và công chúng. Trong thời kỳ hậu độc lập, Ấn Độ đã thúc đẩy ý tưởng về tình đoàn kết ở khu vực châu Á thông qua các nguyên tắc không liên kết, chống thực dân và chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và có thể ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách đối ngoại của nhiều nước Đông Nam Á. Thời gian gần đây hơn, quyền lực mềm của Ấn Độ chính là nguồn nhân lực, nền dân chủ và văn hoá có lợi thế rõ rệt so với các nước châu Á khác.

Văn hoá Ấn Độ, bởi vậy là một phần không thể tách rời của các phong tục tập quán ở Đông Nam Á. Các nền văn hoá và giá trị của chúng ta liên quan chặt chẽ với nhau, rõ ràng là có nguồn gốc từ lịch sử các mối liên hệ nền văn minh giữa Ấn Độ và các nước Đông Nam Á trải dài trên 2000 năm. Di sản văn hoá chính là các giá trị và khái niệm văn hoá quan trọng; các công trình kiến trúc và các hiện vật; những địa điểm và môi trường sống của con người; di sản văn hóa truyền miệng hoặc dân gian, trong đó có phong cách sống, tư duy và hành động truyền thống, văn hóa dân gian, ngôn ngữ và văn học, nghệ thuật truyền thống và nghề thủ công, nghệ thuật  biểu diễn, các trò chơi, các hệ thống kiến ​​thức  và thực hành bản địa, những truyện thần thoại, phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghi lễ và các truyền thống sinh hoạt khác; di sản dưới dạng chữ viết; và di sản văn hoá phổ biến. Những điểm chung giữa Ấn Độ và Đông Nam Á tạo nền tảng cho việc xây dựng sự phối hợp với các nước trong khu vực. Hơn nữa, hội nhập về chính trị và kinh tế sẽ không bền vững nếu không có sự liên kết của con người và xã hội. Điều đó có thể đạt được thông qua sự chia sẻ kinh nghiệm của nhau trong việc xây dựng đất nước, xác định những điểm mạnh và điểm yếu của nhau và bằng cách giúp đỡ lẫn nhau xây dựng năng lực quản lý những thách thức đa dạng khác nhau mà các nước trong khu vực phải đối mặt trong hành trình xây dựng sự toàn vẹn lãnh thổ, an ninh con người, phát triển kinh tế và cuối cùng là thiết lập nền  hòa bình và ổn định tập thể của khu vực chống các mối đe dọa trong tương lai.

Làm thế nào để mở rộng các mối liên kết Ấn Độ - ASEAN?

Mở rộng và phát huy ảnh hưởng của quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN, thúc đẩy lợi ích quốc gia và các mục tiêu chiến lược của hai bên không chỉ cần thông qua sức mạnh quân sự cứng rắn như trường phái "Realist" (hiện thực) vẫn tin tưởng, mà có thể hiệu quả hơn bằng việc tăng cường các mối quan hệ nền văn minh và quyền lực mềm của nhau, dưới hình thức giáo dục, văn hoá, nền dân chủ và thành tựu khoa học. Cách tiếp cận theo thể chế tự do nhấn mạnh những khía cạnh của quyền lực mềm bằng các nguồn lực văn hoá, tư tưởng và các thể chế quốc tế làm nguồn lực chính. Các chiến lược về quyền lực mềm phụ thuộc nhiều vào những giá trị chính trị chung, những biện pháp hòa bình để quản lý xung đột và hợp tác kinh tế nhằm đạt được các giải pháp chung. Khả năng Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương không nổi trội ở lĩnh vực thương mại và đầu tư, dĩ nhiên, quan trọng đối với sự phát triển quan hệ giữa các nước và là những lĩnh vực Trung Quốc thể hiện vai trò áp đảo, mà là trong lĩnh vực nguồn nhân lực, nền dân chủ, văn hóa và những thành tựu xuất sắc trong một số lĩnh vực phát triển khoa học và thể chế mà Ấn Độ có  lợi thế  rõ ràng so với các nước châu Á khác. Đó là lĩnh vực tạo ra và duy trì các năng lực mà Ấn Độ có lợi thế cạnh tranh so với Trung Quốc, bắt đầu từ điểm cơ bản như tiếng Anh được sử dụng rộng rãi và có cơ sở hạ tầng lớn về giáo dục và dạy nghề. Xuất phát từ quan điểm địa - chính trị và địa - kinh tế, những vấn đề thảo luận chủ yếu trong cộng đồng các nhà nghiên cứu chiến lược xoay quanh khái niệm về  "net security provider” (khái niệm chỉ một nước tăng cường an ninh của mình và các quốc gia khác  bằng cách quan tâm giải quyết những lo ngại an ninh chung như khủng bố, cướp biển,…) trong bối cảnh không có gì chắc chắn về mặt chiến lược. An ninh chắc chắn là mối quan tâm trọng yếu đối với tất cả các nước và tất cả các công cụ cần phải được sử dụng để tăng cường nó, nhưng không thể chỉ sử dụng quyền lực cứng để đảm bảo an ninh. Cần phải bổ sung những biện pháp khác để khắc phục yếu điểm của một quốc gia bằng cách xây dựng năng lực cung cấp và thực hiện. Khi các quốc gia trong một không gian văn minh gặp phải những vấn đề và thách thức tương tự, thành viên có khả năng lớn hơn cần phải chia sẻ các năng lực của mình để xây dựng khả năng cho những nước khác đương đầu với những thách thức đó. Từ quan điểm địa - nền văn minh, chúng ta nên tập trung trọng tâm nhiều hơn vào "nước cung cấp khả năng xây dựng năng lực" - để chia sẻ năng lực của nước đó với nước thiếu năng lực trong các lĩnh vực cụ thể.

Hai khía cạnh của các liên kết nền văn minh Ấn Độ - ASEAN

Làm thế nào để triển khai các mối liên kết địa - văn hoá và quan điểm xây dựng mối quan hệ hợp tác có ý nghĩa giữa Ấn Độ và các nước ASEAN nhằm tăng cường xây dựng sự phối hợp? Các mối liên kết nền văn minh và văn hoá giữa Ấn Độ với Đông Nam Á có hai khía cạnh: Khía cạnh đầu tiên là điều tra và nghiên cứu các mặt khác nhau của các mối liên kết văn hoá giữa Ấn Độ và Đông Nam Á, xem xét dưới ánh sáng mới về kiến ​​thức hiện có về các liên kết văn hoá, khảo sát các sự kiện, đặc biệt là những liên kết giữa vùng Đông Bắc Ấn Độ với Đông Nam Á hoặc những liên kết hàng hải (trong bối cảnh Tổng thống Indonesia Jokowi Indonesia nói nước này là trục hàng hải của khu vực); khía cạnh khác là sử dụng văn hoá tương tự một công cụ để tìm những điểm tương đồng trong bối cảnh hiện nay và thúc đẩy hợp tác chính trị, kinh tế và chiến lược. Các mối liên kết lịch sử và văn hoá tạo ra sự cộng hưởng trong trái tim và khối óc của nhân dân các nước ở Đông Nam Á như thế nào và làm thế nào có thể xây dựng và mở rộng sự cộng hưởng đó để tạo ra sự hiệp lực giữa hai khu vực, xây dựng mối quan hệ giữa nhân dân với nhân dân các nước và chia sẻ với nhau những kinh nghiệm trong công cuộc xây dựng quốc gia để thúc đẩy sự hòa hợp, phát triển và thịnh vượng ở riêng từng nước thuộc hai khu vực này. Về khía cạnh thứ nhất, có thể hợp tác theo đuổi và tiến hành những nghiên cứu và khảo sát các đề xuất tại ​​Hội nghị quốc tế lần gần đây nhất, do Trung tâm ASEAN - Ấn Độ (AIC) tổ chức tại New Delhi ngày 23-24 tháng 7 năm 2015, nhằm khẳng định các mối liên kết nền văn minh của Ấn Độ với Đông Nam Á. Cho đến nay chủ yếu chỉ có các sử gia Ấn Độ và các học giả phương Tây nói về các liên kết này, còn các học giả ở Đông Nam Á có rất ít những nghiên cứu, đặc biệt là những nghiên cứu viết bằng tiếng Anh, về chúng. Chúng ta biết nhiều về ảnh hưởng văn hoá của Ấn Độ đối với tôn giáo, phong tục, truyền thống, trang phục, hàng dệt may và nhiều khía cạnh khác của cuộc sống hàng ngày ở Đông Nam Á, nhưng không biết liệu văn hóa, truyền thống, ẩm thực, ngôn ngữ Đông Nam Á có tác động đến Ấn Độ hay không. Sắc tộc Ahoms ở miền Đông Bắc Ấn Độ nhận Thái Lan là quê hương của tổ tiên họ. Liệu có cuộc di cư lớn nào từ vùng Đông Nam Á đến khu vực Đông Bắc Ấn Độ hay không? Chúng ta biết về người Ấn Độ ở Đông Nam Á. Chúng ta có thể lần theo dấu vết của một cộng đồng di cư từ Đông Nam Á đến Ấn Độ hay không? Việc hợp tác nghiên cứu giữa các học giả Ấn Độ và các học giả Đông Nam Á nhằm tiến hành những nghiên cứu như vậy là một nhu cầu cấp bách. Các học giả Ấn Độ cũng cần phải học tiếng Malay / Indonesia hoặc Thái Lan để tìm hiểu xem những ngôn ngữ này có ảnh hưởng đến ngôn ngữ Ấn Độ hay không? Một ví dụ thú vị là từ “sampan” trong tiếng Malay có nghĩa là chiếc thuyền nhỏ. Những người ở vùng phía Đông của Bengal cũng sử dụng thuật ngữ tương tự để chỉ chiếc thuyền nhỏ. Có thể người ta có thể tìm thấy nhiều từ như vậy trong các ngôn ngữ Ấn Độ, đặc biệt là ở vùng Bengali, Oriya và Tamil, ba nhóm ngôn ngữ đã có tương tác với vùng Đông Nam Á. Vì vậy, để đánh giá đúng đắn về các liên kết nền văn minh của Ấn Độ với khu vực Đông Nam Á và có thể thúc đẩy mối liên hệ này nhằm tăng cường các mối quan hệ hiện tại, cần phải hiểu rõ quan niệm của khu vực này về các mối liên kết đó. Các khía cạnh khác nhau của quan hệ văn hoá cần được chứng minh bằng các tài liệu để giúp các nhà hoạch định chính sách có được chiến lược làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa ASEAN và Ấn Độ. Cần tiến hành những dự án cụ thể ở mức độ vi mô để có thể giúp chúng ta thực hiện những chính sách trong lĩnh vực liên kết nền văn minh giữa Ấn Độ và Đông Nam Á.  (Xem tiếp phần 3)


* Tổng thư ký, Hội Nghiên cứu Ấn Độ Dương và Giáo sư thỉnh giảng về Chính sách công, Đại học Amity, Noida; Nguyên Giáo sư và Chủ tịch, Trung tâm Nghiên cứu Nam Á và Đông Nam Á, Đại học Jawaharlal Nehru. 

Nguồn:

Cùng chuyên mục