Các nhà nghiên cứu Ấn Độ cảnh báo tình trạng lạm phát
Hai nhà nghiên cứu kinh tế Dharmakirti Joshi và Pankhuri Tandon cho rằng, đã đến thời điểm Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI, ngân hàng trung ương) chuyển sự chú ý sang vấn đề lạm phát.
Đến tháng 4/2021, lạm phát bán buôn (WPI) tăng, dẫn đầu là giá nhiên liệu và hàng hóa, song bước sang tháng Năm, ngay cả lạm phát bán lẻ (CPI) cũng tăng lên, ở mức 6,3%. Đáng chú ý, lạm phát CPI vượt qua giới hạn trên của RBI là 6% sau 5 tháng. Liệu sự thay đổi quỹ đạo lạm phát có ý nghĩa gì với nền kinh tế Ấn Độ?
Lạm phát gia tăng làm ảnh hưởng đến người cho vay và có lợi cho người đi vay. Ở mức độ đó, Chính phủ Ấn Độ, một trong những nước đi vay lớn nhất, sẽ được hưởng lợi vì lạm phát cao sẽ làm giảm gánh nặng nợ quốc gia so với quy mô của nền kinh tế. Ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2022 giả định mức tăng trưởng GDP danh nghĩa là 14,4%. Tuy nhiên, tăng trưởng thực tế dự kiến sẽ vượt qua mức này và có thể đạt 16%.
Lạm phát làm giảm sức mua và ảnh hưởng đến tiêu dùng tư nhân. Khi thu nhập bị giảm thì tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng. Điều quan trọng trong bối cảnh hiện nay là lạm phát có khả năng tác động vào tiêu dùng tư nhân ở khu vực nông thôn nhiều hơn khu vực thành thị.
Lạm phát chung về thực phẩm (5%) thấp hơn lạm phát phi thực phẩm (7,1%) trong tháng Năm. Xu thế này duy trì trong 5 tháng qua, khi lạm phát thực phẩm trung bình là 3,5% so với lạm phát phi thực phẩm ở mức 6%. Lạm phát lương thực thấp hơn, cùng với lạm phát phi lương thực cao hơn đồng nghĩa với việc sức mua của người nông dân giảm.
Điều đó có nghĩa là những gì người nông dân thường bán có tốc độ tăng giá chậm hơn so với những gì họ không sản xuất và phải mua từ thị trường. Năm ngoái, thời tiết thuận lợi, một vụ mùa bội thu và lạm phát lương thực cao ở các chợ bán buôn và bán lẻ đã giúp tăng thêm thu nhập ở nông thôn.
Hỗ trợ của Chính phủ đã tăng lên, với các chương trình thu mua lương thực ở quy mô lớn cũng mang lại hiệu quả. Năm nay, thời tiết dự báo là bình thường, nhưng một số chương trình hỗ trợ người nông dân bị giảm ngân sách, xu hướng giá cả hiện nay cũng không hỗ trợ cho người dân nông thôn.
Xu hướng lạm phát, cụ thể là giá nguyên liệu đầu vào, cũng đóng vai trò quan trọng đối với hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế. Trong khi các nhà sản xuất dường như đang chịu một phần gánh nặng do chi phí đầu vào tăng cao hiện nay, những chi phí này có thể được chuyển giao cho người tiêu dùng một cách hiệu quả hơn khi nhu cầu phục hồi.
RBI đã không can thiệp điều chỉnh lạm phát mà tập trung hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát hiện tại đang ở mức cao và xu hướng gần đây sẽ thuyết phục ngân hàng trung ương nước này quay lại tập trung vào lạm phát.
Lạm phát gia tăng làm giảm lợi nhuận trên các công cụ thu nhập cố định, bao gồm cả tiền gửi ngân hàng, chiếm hơn 50% tiết kiệm tài chính của các hộ gia đình. Điều này đã dẫn đến sự chuyển dịch sang các loại tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu, vốn có tác động đối với sự ổn định tài chính tổng thể.
Các chuyên gia khuyến nghị RBI xem xét các biện pháp can thiệp từ phía cung khác như cắt giảm tỷ lệ tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm xăng dầu để làm dịu bớt lạm phát.
(theo The Indian Express)
Nguồn: https://baoquocte.vn/cac-nha-nghien-cuu-an-do-canh-bao-tinh-trang-lam-phat-149406.html
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ và Mexico: Đầu tư, thương mại và những con đường hợp tác
Kinh tế 10:00 30-10-2024
Rào cản ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế ở Ấn Độ
Kinh tế 10:00 26-08-2024
Vietnam Airlines, Innovation India seal MoU for collaboration
Kinh tế 10:00 31-07-2024
Tạo cơ hội kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ
Kinh tế 09:00 19-07-2024
Dòng tiền toàn cầu lại đổ về thị trường chứng khoán Ấn Độ
Kinh tế 10:00 22-09-2024