Các yếu tố địa kinh tế trong các thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương (Phần 1)
TÓM TẮT
Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở là thuật ngữ dưới góc độ địa kinh tế phản ánh vị trí và tầm quan trọng chiến lược mà các quốc gia trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đang nỗ lực hướng tới. Thuật ngữ này nhằm mục đích tạo lập hệ thống phụ thuộc lẫn nhau vì lợi ích của mọi bên liên quan, hệ thống này vạch ra tình huống “các bên đều có lợi” đối với mọi quốc gia thành viên tham gia. Mỗi quốc gia cần có cách tiếp cận riêng, có quyết tâm lớn và có định hướng ở phạm vi quốc gia, các yếu tố này sẽ góp phần định hình ứng xử của các nhà nước trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương năng động về mặt địa chính trị. Nhìn chung, các quốc gia vận dụng phương pháp tiếp cận dưới góc độ địa kinh tế hoặc địa chính trị hoặc dưới cả hai góc độ địa kinh tế và địa chính trị để diễn giải ý nghĩa và tầm quan trọng về địa chính trị của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Trong bối cảnh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, tham luận phân tích, đánh giá sức nặng ảnh hưởng của yếu tố địa kinh tế đối với các thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ. Ngoài ra, tham luận cũng khái quát các quy luật trong thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ, đồng thời trao đổi, thảo luận về xuất, nhập khẩu, thương mại hàng hóa nói chung và tỷ lệ tăng trưởng trong những năm qua. Trong mục tiếp theo, tham luận nhận diện và xác định: các nhân tố “địa-kinh tế” khác nhau góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - Ấn Độ; và các thách thức cũng như cách thức để vượt qua những thách thức. Các nhân tố “địa-kinh tế” thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - Ấn Độ bao gồm: Tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh; các vấn đề liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế tại Biển Đông; nhu cầu tuần tra chung và việc duy trì hoạt động tuần tra chung; tác động, ảnh hưởng tới các chuỗi giá trị toàn cầu; việc thúc đẩy hợp tác về an ninh mạng; xây dựng trung tâm phần mềm quân đội; đa dạng hóa nhóm hàng hóa, dịch vụ thương mại; quan tâm về chính sách với các doanh nghiệp vừa và nhỏ; và, nhu cầu xây dựng tiềm lực trong lĩnh vực các dịch vụ. Ngoài các nhân tố địa kinh tế thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam và Ấn Độ, việc coi trọng và tập trung thể chế hóa kênh kết nối nhân dân có thể rất hữu ích để làm sâu sắc các kênh kết nối khác trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ. Các nỗ lực và quyết tâm dưới góc độ địa kinh tế của các quốc gia khác nhau trong khu vực này trên thực tế sẽ giúp hình thành khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở - cần rất nhiều nỗ lực và quyết tâm của các bên liên quan./.
1. Lời giới thiệu
Khái niệm “Ấn Độ - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” (FOIP) là ý tưởng hữu ích dưới góc độ địa kinh tế nhằm góp phần định hình lại cấu trúc khu vực các quốc gia Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trên thực tế, cả Nhật Bản và Hoa Kỳ đều là các quốc gia khởi xướng và đề xuất khái niệm “Ấn Độ - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở”. Nhật Bản đang thúc đẩy FOIP với tư cách là chiến lược nhằm mục hình thành và phát triển trật tự tự do khu vực và toàn cầu[1]. Cùng với Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ví FOIP như là “khu vực mà các quốc gia độc lập và có chủ quyền, với sự đa dạng về văn hóa và có những ước mơ rất khác nhau, có thể cùng nhau thịnh vượng và phát triển lớn mạnh trong tự do và hòa bình”[2].
Ý nghĩa và tầm quan trọng địa chính trị ngày càng tăng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ dẫn tới sự phát triển nổi trội và vượt bậc của châu Á, trong đó các nền kinh tế châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ có vị trí và vai trò chiến lược. Ngoại giao đại dương trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương được định hình bởi đồng thời hai thành tố: những đặc điểm về địa chiến lược và những đặc điểm về địa kinh tế. Phạm vi bao quát toàn cầu của các yếu tố sau đây trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương: dân số, tài nguyên, các tuyến trung chuyển, các thị trường mới nổi, các tổ chức có quy mô lớn và các tiềm năng thị trường to lớn, đã khiến cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trở thành “khu vực đẹp hút hồn” của toàn cầu.
Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương dưới góc độ địa sinh học đã dần trở thành khu vực nổi trội về địa chính trị trong vài năm gần đây. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác cũng đã thể hiện sự quan tâm tới việc làm sâu sắc các thỏa thuận hợp tác giữa các bên trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trong khi các quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ và Nhật Bản đã tỏ ra e ngại với thủ đoạn và chiến thuật địa chính trị của Trung Quốc tại Biển Đông và biển phía Nam Biển Đông cũng như tại Vành đai Ấn Độ Dương, thì các quốc gia khác như Hoa Kỳ và Australia lại đang triển khai phương thức ngoại giao cẩn trọng với việc vạch ra kế hoạch sẽ đảm nhận vị trí và vai trò lớn hơn trong khu vực này. Ví dụ, Das (2013) đánh giá các thỏa thuận hợp tác liên quan tới quốc phòng của Ấn Độ với ASEAN, trong khi đó Chacko (2012) đã phân tích, đánh giá về tầm nhìn khu vực đối với Ấn Độ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Prasad (2017) đã thảo luận và trao đổi về vị trí và vai trò của Ấn Độ, Nhật Bản trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ngoài ra, Pant (2018) đã trao đổi, thảo luận về quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam. Tiếp đó, trong các bài thuyết trình về khu vực, có một số thuật ngữ chuyên ngành được sử dụng hiện nay như Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương, châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ - Thái Bình Dương. Chong và Wu (2018) đã nỗ lực kiểm tra và đánh giá về mối quan hệ giữa Ấn Độ - Thái Bình Dương với châu Á - Thái Bình Dương dưới góc độ mâu thuẫn hoặc đối lập nhau.
Các mục tiếp theo trong tài liệu nghiên cứu này phân tích, đánh giá các phương pháp tiếp cận được sử dụng bởi nhiều quốc gia khác nhau trong khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đồng thời tập trung phân tích quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ cũng như các nhân tố “địa - kinh tế” thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - Ấn Độ; đây là những nhân tố định hình cấu trúc kinh tế và chiến lược trong các thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ.
2. Các phương pháp tiếp cận xuyên quốc gia đối với các vấn đề địa chính trị khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương
Các quốc gia chủ yếu vận dụng phương thức tiếp cận dưới góc độ địa kinh tế hoặc địa chính trị hoặc kết hợp cả địa kinh tế và địa chính trị để diễn giải ý nghĩa và tầm quan trọng về mặt địa chính trị của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở đối với các quốc gia này. Scott (2013) trao đổi và thảo luận về tầm quan trọng của địa kinh tế và địa chính trị của Biển Đông liên quan tới vị trí và vai trò của Ấn Độ, đồng thời phân tích, đánh giá phương thức tiếp cận chiến lược của Ấn Độ đối với vấn đề Biển Đông. Ahmed (2012) đã cho rằng, “trong nhiều vấn đề nêu trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), giống như các vấn đề gắn liền với hàng hải, bảo vệ môi trường biển, các chế định trung chuyển và thềm lục địa (đây là, đáy biển liền kề vùng biển của một quốc gia), vấn đề liên quan Vùng Đặc quyền kinh tế[3] (EEZ) là vấn đề tương đối quan trọng ở Biển Đông”. Đồng thời, đối với việc làm giảm căng thẳng địa kinh tế tại Biển Đông thì việc hiểu rõ sự cần thiết phải phụ thuộc lẫn nhau vì lợi ích của các bên chỉ là cách thức duy nhất để giải quyết vấn đề và đây cũng là thách thức mà các bên phải đối mặt.[4]
Mặt khác, Hoa Kỳ cũng đã và đang nổi lên trở thành quốc gia có vai trò chủ đạo tại Biển Đông. Trong bối cảnh hiện nay, tầm nhìn của Hoa Kỳ là phải chống lại tác động, ảnh hưởng địa chính trị ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, điều này đã phải thay đổi và phải được rút lại. Bởi vì chính Tổng thống Mỹ D. Trump cũng đang tìm kiếm sự thịnh vượng, tự do và hòa bình trong khu vực Biển Đông. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang tìm cách thúc đẩy chế định chính sách tự do trong khu vực Biển Đông. ASEAN cũng đang nỗ lực hướng tới FOIP với tư cách đây là chiến lược toàn diện, không chỉ liên quan tới an ninh mà còn liên quan tới vấn đề địa kinh tế, trong phương thức tiếp cận. Ấn Độ và Việt Nam quyết định chung tay hợp tác vì khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Sau cuộc gặp song phương giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tại New Delhi vào tháng 3/2018, điều đã được quyết định là Ấn Độ và Việt Nam sẽ làm sâu sắc quan hệ hợp tác quốc phòng và an ninh, đồng thời nỗ lực hướng tới thiết lập cấu trúc an ninh dựa trên quy tắc hoặt luật lệ trong khu vực Biển Đông[5].
Vị trí và vai trò của Nhật Bản cũng rất quan trọng trong quyết định chiến lược đối với FOIP. Garge (2016) đã phân tích hợp tác giữa Nhật Bản và Ấn Độ cũng như vị trí vai trò của hai nước trong an ninh hàng hải tại khu vực Biển Đông. Đồng thời, Lee và Lee (2016) cho rằng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi thành lập “kim cương an ninh dân chủ” nhằm bảo vệ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Hợp tác trong bộ tứ vừa nêu sẽ bao gồm Australia, Ấn Độ, Hoa Kỳ và Nhật Bản; với bộ tứ này, mọi quốc gia khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ tham gia và tự do hàng hải của những quốc gia sẽ được đảm bảo. Vào tháng 4/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam thăm Nhật Bản và thảo luận về các thỏa thuận hợp tác an ninh song phương cũng như các thỏa thuận gắn liền với các liên kết trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. (Xem tiếp phần 2)
[1] “It’s too early to write off the Indo-Pacific strategy”, Article by Stephen R. Nagy, The Japan Times, July 24, 2018
[2] Asia Maritime Transparency Initiative, CSIS, Available: https://amti.csis.org/making-foip-appealing-southeast-asia/
[3] exclusive economic zones
[4] Ahmed, Faisal (2012). “Easing Geo-economic tensions in the South China Sea”, The Financial Express, November 14, 2012
[5] “India, Vietnam to work jointly for free, open Indo-Pacific”, The Indian Express, March 4, 2018
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục