Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Cách tiếp cận của Ấn Độ và Nga tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Phần 1)

Cách tiếp cận của Ấn Độ và Nga tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Phần 1)

Tác giả: ELLINA P. SHAVLAY, nghiên cứu viên Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (IMEMO), Mátxcơva, thuộc Viện Nghiên cứu Đổi mới Sáng tạo của Bộ Khoa học và Công nghệ Nga

03:13 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

TÓM TẮT

Bài báo thảo luận các điều kiện tiên quyết cho sự xuất hiện của khái niệm về  không gian địa chiến lược mới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và cách các quốc gia có mối liên hệ chặt chẽ với không gian này hiểu về khái niệm này. Bài báo phân tích những chuyển dịch địa chính trị dẫn đến sự thay đổi trong khái niệm về khu vực vĩ ​​mô này và chiến lược chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Bài báo cung cấp một cái nhìn tổng quan về đặc điểm của cách tiếp cận của Mátxcơva và New Delhi tới khái niệm này theo chủ nghĩa tân hiện thực và chủ nghĩa kiến ​​tạo. Bài báo lập luận rằng, ngày nay Nga tham gia vào khu vực một cách hạn chế và do tập trung vào khu vực theo khái niệm cũ là châu Á-Thái Bình Dương, Nga đã bỏ qua những viễn cảnh của mối quan hệ chặt chẽ hơn với Ấn Độ. Nga có thể đạt được nhiều lợi nhuận hơn nếu nước này thay đổi nhận thức về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như một khái niệm của Mỹ và tiếp cận theo hướng kiến ​​tạo. Do không tính đến những diễn biến mới trong thực tế, Nga tự tước đi các cơ hội mới ở châu Á có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Nga nhìn chung chuyển hướng sang phương Đông và trong bối cảnh không ngừng đối đầu với phương Tây.

TỪ KHÓA Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Ấn Độ, Nga, yếu tố Trung Quốc, các khái niệm chính sách đối ngoại.

Một trong những thay đổi quan trọng vào cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI là sự trỗi dậy của các nước châu Á, và theo đó là sự xuất hiện của các trung tâm quyền lực mới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Những thay đổi như vậy đã thu hút sự chú ý, các cường quốc bắt đầu hiện diện ở những trung tâm đó. Đặc biệt là Nga với chiến lược “bước ngoặt sang phương Đông”. Tuy nhiên, có một thực tế mới là không chỉ các cường quốc truyền thống, mà cả những quốc gia lớn ở châu Á ngày càng tự tin hơn trong việc khẳng định vị thế của họ trên thế giới.

Một trong những ví dụ mới đây của những diễn biến đó có thể được quan sát qua việc Ấn Độ nỗ lực thúc đẩy khái niệm chính sách đối ngoại của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPR) trên trường thế giới. New Delhi cho rằng thuật ngữ mới này phản ánh sự thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực và gắn kết hai khu vực rất quan trọng thành một, qua đó tăng không gian hợp tác kinh tế và an ninh (Bộ Ngoại giao Ấn Độ, 2013). Ấn Độ cho rằng, việc thay đổi từ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APR) sang khu vực Ấn Độ Dương là vì lợi ích của tất cả các quốc gia nhờ tính bao trùm và cởi mở với tất cả các bên trong khu vực đang mong muốn tăng cường hợp tác với nhau ( Ganapathi, 2019). Theo quan điểm của Ấn Độ, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một không gian địa lý bao gồm các lãnh thổ và quốc gia nằm trong khu vực của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, bao gồm các vùng trải dài từ Nam Á, Đông Nam Á, Đông Á và Đông Bắc Á, cũng như Trung Đông, các cực của Bán đảo Ả Rập (Trung Đông) và Bờ Đông của Châu Phi (Jaishankar, 2020). Tuy khái niệm khu vực vĩ ​​mô mới chỉ đơn thuần là sự mở rộng ranh giới của Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trước đây, vốn là sự kết hợp của ba tiểu vùng Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương, nhưng điều này rất có ý nghĩa về mặt địa chính trị, vì nó phản ánh sức mạnh tập trung vào của Ấn Độ và tầm quan trọng ngày càng tăng của các tuyến vận tải biển.

Mặc dù Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cố gắng làm rõ cách giải thích của Ấn Độ về IPR (Bộ Ngoại giao Ấn Độ, 2020), nhưng có nhiều ý kiến ​​khác nhau (của Mỹ, Nhật Bản, Úc, v.v.) về vùng địa lý của IPR và các chiến lược chính sách đối ngoại của những nước này. Hơn nữa, một số quốc gia không lạc quan về sự xuất hiện của định nghĩa mới này trong không gian khu vực. Đặc biệt, Nga (Bộ Ngoại giao Nga, 2020a) và Trung Quốc (Xiaoyong, 2020, phản ứng của một nhà ngoại giao Trung Quốc đối với một bài báo về chính sách của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đăng trên cùng tờ báo The Straits Times của Singapore) ở cấp chính thức không đồng ý với việc định dạng lại khu vực APR. Họ cho rằng, động thái như vậy có hại cho lợi ích chung của các nước trong khu vực và quyền lực tập trung vào tay Mỹ. Vì khái niệm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thực sự quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Ấn Độ và đối với toàn bộ khu vực châu Á nói chung, và Mátxcơva quan tâm đến việc phát triển các mối quan hệ hữu ích nhất với New Delhi và có được chỗ đứng vững chắc hơn ở châu Á, nên mối tương quan của các cách tiếp cận của Ấn Độ và Nga đối với IPR trở nên vô cùng quan trọng.

Ở giai đoạn này, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hay IPR, không thể được coi là một thực thể địa chính trị, vì sự tích hợp không gian của hai đại dương này mới chỉ là một mục tiêu mong muốn đạt được và chưa trở thành hiện thực (Jaishankar, 2020). Vì lý do này, tác giả thấy nên xem xét quan điểm của Ấn Độ về IPR từ quan điểm kiến ​​tạo, vì quan điểm này cho phép giải thích sự xuất hiện của một số “cấu trúc” và phân tích vai trò của các ý tưởng trong quan hệ quốc tế. Cách giải thích của Ấn Độ về khái niệm này về cơ bản khác với các nước khác, trong khi nhận thức về ngữ cảnh là rất quan trọng trong việc phân tích các ý tưởng, đặc biệt là ở châu Á. Diễn ngôn của Nga ngược lại với cách tiếp cận này, do Nga tập trung vào sự cân bằng quyền lực, cấu trúc và lợi ích của các quốc gia, và coi các cấu trúc ý thức hệ khác chỉ là phái sinh từ ý thức hệ gốc của Nga. Nói cách khác, các chiến lược và kỳ vọng chính sách đối ngoại của Nga dựa trên cơ sở chủ nghĩa hiện thực, và do đó, cách hiểu của Nga về chính sách của Ấn Độ khác với cách hiểu của Ấn Độ về chính sách của Ấn Độ. Tại sao Nga miễn cưỡng chấp nhận cấu trúc địa chính trị mới? Điều gì có thể thay đổi quan điểm của Bộ Ngoại giao Nga về vấn đề này? Và Nga có thể đạt được những kết quả ra sao? Giả thuyết của bài viết này là ở giai đoạn hiện tại, diễn ngôn chính sách đối ngoại của Nga dựa trên mô hình của chủ nghĩa tân hiện thực và coi thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” là một khái niệm do Mỹ quảng bá nhằm chống lại Trung Quốc, và do đó Nga từ chối chấp nhận thuật ngữ này vì lợi ích quốc gia của Nga và của các đối tác chiến lược của Nga. Đồng thời, việc xem xét khái niệm IPR từ quan điểm của chủ nghĩa kiến ​​tạo sẽ có thể đạt được những kết quả to lớn trong việc thực hiện chiến lược “chuyển hướng về phía đông” do nó không chỉ phản ánh những ý tưởng thay đổi thực tế khu vực, mà còn là nguyện vọng của các các quốc gia (đặc biệt là Ấn Độ), mỗi nước có cách hiểu riêng về khái niệm này. Đổi lại, điều này sẽ góp phần vào việc Nga đạt được sự hiểu biết lẫn nhau tốt hơn với Ấn Độ và củng cố vị thế của Nga ở châu Á. Do đó, mục đích của bài báo là cho người đọc thấy quan điểm về khái niệm IPR từ một góc độ khác có thể hóa giải định kiến ​​của Nga về chiến lược địa chính trị của Ấn Độ và mang lại lợi ích cho cả Mátxcơva và New Delhi.

 

ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG THEO CÁCH HIỂU CỦA ẤN ĐỘ

Khái niệm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một không gian tích hợp đã xuất hiện từ rất lâu trước đây. Trong lịch sử, các tuyến đường biển đóng vai trò to lớn trong vận chuyển hàng hóa, giao lưu giữa các dân tộc và phổ biến kiến ​​thức. Tuy nhiên, Ấn Độ, cũng giống như Trung Quốc, tại một số thời điểm trong lịch sử, đã từ bỏ việc phát triển hạm đội hàng hải để củng cố tiềm lực là cường quốc lục địa. Do đó, đế chế Hồi giáo Mughal ở Ấn Độ (1526-1858) chủ yếu dựa vào sức mạnh của lực lượng lao động trên bộ, trong khi việc bảo vệ các không gian hàng hải chỉ giới hạn ở việc củng cố cảng trên bộ và chuyển giao chức năng vận tải biển cho các công ty thương mại, thay vì phát triển hạm đội tầm quốc gia (Gommans, 2002, tr. 163-164). Tuy nhiên, đế chế Hindu giáo Marathi (1674-1820) đã phát triển hạm đội khá mạnh cho đến giữa thế kỷ XVIII. Tuy nhiên, thực dân phương Tây đã làm suy yếu đáng kể và làm giảm quy mô đóng tàu của Ấn Độ (Kantak, 1993, tr. 20-21; Po, 2018, tr. 80, 207). Mặt khác, Trung Quốc không có khát vọng phát triển hàng hải trong thế kỷ XV-XVI dưới triều đại nhà Minh. Vận tải biển của Trung Quốc đã có lúc đạt đến đỉnh cao, nhưng sau sa sút do giới lãnh đạo bỏ bê, và hải quân khi đó chỉ thuần túy giữ chức năng phòng thủ (Lo, 1958). Nói cách khác, Trung Quốc đã ngừng các cuộc thám hiểm hàng hải đường dài, mặc dù vẫn tiếp tục đóng tàu để bảo vệ bờ biển. Triều đại nhà Thanh, thời kỳ cai trị kéo dài suốt thế kỷ XVII-XIX, cũng coi trọng sự an toàn trên bộ hơn trên biển. Kết quả là, hạm đội Trung Quốc dần bị lãng quên (Zurndorfer, 2016, tr. 84). Ngày nay, cả hai nước Ấn Độ và Trung Quốc đều phát triển tiềm lực hải quân, cũng như vận tải biển, và đây trở thành hòn đá tảng ngăn cách hai gã khổng lồ châu Á (đặc biệt, điều này khiến New Delhi nghi ngờ thêm về lời đồn đại về chiến lược cờ vây Chuỗi ngọc trai của Trung Quốc, được cho là để bao vây quanh Ấn Độ).

Ngày nay, trung tâm của nhiều hoạt động kinh tế và chính trị đang hướng về châu Á, và do nhu cầu cung cấp năng lượng ngày càng tăng, tất cả các quốc gia ven biển trong khu vực, bằng cách này hay cách khác, đều nỗ lực tăng cường tiềm năng hàng hải. New Delhi đã tuyên bố một trong những mục tiêu của chính sách đối ngoại của Ấn Độ là xây dựng vị thế của một cường quốc hàng hải (Bộ Ngoại giao Ấn Độ, 2011). Đáng chú ý là Ấn Độ thường không có văn bản chính thức nêu lên khái niệm/chiến lược chính sách đối ngoại (theo thông lệ, giới lãnh đạo Ấn Độ xây dựng chiến lược qua các bài phát biểu), nhưng Ấn Độ đã thông qua Chiến lược An ninh Hàng hải trong một văn bản chính thức hiếm hoi. Ấn Độ tin rằng, việc tăng cường an ninh hàng hải là cấp thiết “không chỉ giúp đảm bảo lợi ích của Ấn Độ trong lĩnh vực hàng hải mà còn đóng vai trò là rào chắn chống lại bất kỳ chủ nghĩa phiêu lưu manh động nào trên biên giới trên bộ” (Singh, 2016). Chính phủ Ấn Độ tin rằng, một trong những hoạt động chính sách chủ yếu trên con đường này là tăng cường hợp tác với Mỹ (Rajagopalan, tr. 84), do Mỹ ủng hộ nguyện vọng của Ấn Độ trong khu vực trước đây vẫn được gọi là Châu Á - Thái Bình Dương và hiện được gọi là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hợp tác hải quân ngày càng tăng với Mỹ, kết hợp với việc người Mỹ quyết định từ bỏ thuật ngữ Châu Á - Thái Bình Dương đã được sử dụng trước đây để ủng hộ thuật ngữ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời tích cực quảng bá thuật ngữ này trên trường quốc tế, khiến các nước khác nghi ngờ rằng, thuật ngữ mới là ý đồ của Mỹ để đưa ra tầm nhìn của riêng họ về phát triển khu vực. Sự ngờ vực này không phải không có lý do: vào năm 2019, chính quyền Trump đã công bố tài liệu có tiêu đề Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuy vậy, chúng ta không nên quên rằng, ý thức hệ của New Delhi và Washington dù trong cùng một “cấu trúc” nhưng có những hợp phần rất khác nhau: Ấn Độ muốn tất cả các quốc gia hợp tác, trong khi Mỹ muốn lập liên minh chống Trung Quốc. Tất nhiên, Ấn Độ nhận thấy yếu tố Trung Quốc là đáng lo ngại, nhưng khái niệm khu vực mới nhằm tăng cường vị thế và đối trọng với ảnh hưởng của Bắc Kinh, chứ không nhằm tạo liên minh chống Trung Quốc.

Ấn Độ tìm nhiều cách để được quốc tế công nhận là “cường quốc”. Ấn Độ phản đối mạnh mẽ việc bị cô lập trong khu vực Nam Á, và chỉ được giữ lại bên lề của khái niệm khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Khurana 2017, tr. 3). Là quốc gia đông dân nhất thế giới, nền kinh tế đứng thứ ba thế giới xét theo sức mua tương đương, và là một trong những quốc gia hàng đầu xét về tiềm lực quân sự và chính trị, Ấn Độ xứng đáng có vị thế lớn hơn ở cả cấp độ toàn cầu và khu vực. Các quan chức cấp cao cho rằng, việc sáp nhập các khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương vào trong một khái niệm khu vực không chỉ phản ánh khách quan cấu trúc địa chính trị mới ở châu Á mà còn hợp lý về mặt địa lý và lịch sử. Ví dụ, ngoại trưởng Ấn Độ đã gọi Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là một khái niệm lịch sử với ý nghĩa mới (Câu lạc bộ thảo luận Valdai, 2019). Đáng chú ý là New Delhi vô cùng quan tâm đến việc hài hòa nguyện vọng của các nước trong khu vực và hình thành kiến ​​trúc an ninh mới ở châu Á, nơi các tuyến hàng hải ngày càng trở nên quan trọng. Thuật ngữ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPR) do Thuyền trưởng Gurpreet Khurana của Hải quân Ấn Độ đưa ra vào năm 2007 (Kupriyanov, 2019). Cần nói thêm rằng, trái ngược với Nam Á, Đông và Đông Nam Á từ lâu đã nằm ở ngoài phạm vi ảnh hưởng của chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Mối quan tâm đến những khu vực này chỉ nảy sinh từ cuối thế kỷ XX, khi Đông Á phát triển bùng nổ, mở ra những triển vọng đầy hứa hẹn. Trên thực tế, nó báo trước “sự chuyển hướng về phía đông” của Ấn Độ, mà cuối cùng làm nên chính sách Hướng Đông (Rajendram, 2014, tr. 3). Năm 2014, chính sách này được thay thế bằng khái niệm Hành động phía Đông, theo đó, Ấn Độ hy vọng đạt được hai mục tiêu chính là tăng cường an ninh dọc biên giới và tăng cường quan hệ kinh tế với các nước châu Á - Thái Bình Dương, nhưng lý do thực sự cho sự thay đổi hướng chính sách của Ấn Độ là do sự củng cố của Trung Quốc và sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực (Rajendram, 2014, tr. 5). Đồng thời, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar trong cuốn sách Chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương mới của Ấn Độ: Hành động hướng Đông của Modi lập luận rằng, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “đối với Ấn Độ, đó là bước tiếp theo hợp lý bên cạnh chính sách Hành động phía Đông và giúp Ấn Độ vượt lên giới hạn của khu vực Nam Á” (Jaishankar, 2020). Trong khi đó, chúng ta còn thấy những điểm cốt lõi trong tư duy của Ấn Độ về khái niệm khu vực mới trong bài phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á, Đối thoại Shangri-La, vào tháng 6/2018. Trong đó, ông lưu ý rằng, phát triển thương mại và nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng, cũng như nỗ lực chung để tăng cường an ninh là những lập luận khá thuyết phục để ủng hộ sự ra đời một “cấu trúc” mới “tự do, rộng mở và bao trùm” hơn, trong khi vẫn coi ASEAN là trung tâm (Bộ Ngoại giao Ấn Độ, 2018). Đó là bài phát biểu mà tất cả các đại diện của Ấn Độ đều tham khảo trong các tuyên bố của họ về chủ đề này.

Nguồn: Bản tin Tư liệu Khoa học Lý luận và Thực tiễn Thế giới, số 231, 232, tháng 6/2021 - Viện Thông tin Khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bấm vào đây để đọc phần 2 của bài viết này

Bấm vào đây để đọc phần 3 của bài viết này

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục