Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Cách tiếp cận của Ấn Độ và Nga tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Phần 2)

Cách tiếp cận của Ấn Độ và Nga tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Phần 2)

ELLINA P. SHAVLAY, nghiên cứu viên Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (IMEMO), Mátxcơva, thuộc Viện Nghiên cứu Đổi mới Sáng tạo của Bộ Khoa học và Công nghệ Nga

03:03 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

CÁCH TIẾP CẬN CỦA NGA, HAY ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG TRONG MÔ HÌNH CHỦ NGHĨA TÂN HIỆN THỰC

Vị thế của Nga thì khác. Thứ nhất, chính sách đối ngoại của Nga tiếp tục coi phương Tây là một trong những ưu tiên cao nhất, và do đó, chương trình nghị sự toàn cầu đang được định dạng trong khuôn khổ quan hệ Nga-Mỹ (Chekov, và các tác giả khác, 2019; Trenin, 2019). Vì lý do này, IPR được coi là một khái niệm thân Mỹ và chống Trung Quốc, do vậy khái niệm mới đi ngược lại lợi ích của Nga (Bộ Ngoại giao Nga, 2020c). Thứ hai, ở châu Á, Mátxcơva đứng về phía Bắc Kinh, từ chối ủng hộ sáng kiến ​​khu vực mới. Giới lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra nghi ngờ về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vì họ coi đây là bằng chứng cho thấy mục tiêu thực sự của các quốc gia có ảnh hưởng chính trong khu vực (cụ thể là nhóm Quad, hình thức hợp tác bốn bên giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc trong lĩnh vực an ninh; lần đầu tiên được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề xuất vào đầu năm 2007) là thành lập liên minh quân sự để bao vây Trung Quốc (Jiangtao và Zhou, 2017). Lập trường như vậy trở nên hợp lý, nếu chúng ta nhớ đến chiến lược của Washington, trong đó mô tả rõ ràng Trung Quốc là một “cường quốc xét lại”, sử dụng hình thức ép buộc để thực thi lợi ích quốc gia và vi phạm các quy tắc của luật pháp quốc tế (Bộ Quốc phòng Mỹ, 2019, tr. 7-10). Đồng thời, Bộ Ngoại giao Nga trực tiếp chỉ ra rằng, họ coi IPR là “một nỗ lực… nhằm tái cấu trúc các cấu trúc hiện có của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và chuyển từ các hình thức tương tác tìm kiếm sự đồng thuận lấy ASEAN làm trung tâm sang một hình thức gây chia rẽ. ... Các chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không nên được thảo luận theo cách ám chỉ rằng, sự hợp tác này là để kiềm chế một nước nào đó” (Bộ Ngoại giao Nga, 2020c). Trong bối cảnh này, quan điểm của Nga và Trung Quốc trùng nhau ở một điểm: bất kỳ sự ủng hộ nào đối với “việc xây dựng” khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có nghĩa là công nhận việc điều hành các vấn đề khu vực theo cách của Mỹ, và do đó không thể chấp nhận được đối với cả hai nước. Không nên quên rằng, Matxcơva và Bắc Kinh có các dự án của riêng họ, Đại Á-Âu (của Nga) và Một vành đai, Một con đường (của Trung Quốc), đặt ra câu hỏi liệu có cần thiết phải tìm các dự án khác để thay thế hoặc/và có cần kết hợp các các sáng kiến ​​với nhau hay không.

Cộng đồng chuyên gia Nga chia rẽ thành hai phe. Thứ nhất, những người đồng quan điểm với lập trường chính thức của Điện Kremlin rằng, đằng sau khái niệm mới này không có gì khác ngoài lợi ích của Mỹ và mong muốn của các đồng minh Mỹ trong việc kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc (Sumskii, 2017; Kanaev và Korolev, 2019). Thứ hai, những người cho rằng, Nga nên khẳng định vị thế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương càng sớm càng tốt, hình thành cách giải thích riêng của Nga về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và bổ sung cho tầm nhìn của Ấn Độ, vốn ít nhiều gần gũi với tầm nhìn của Nga, phù hợp với lợi ích quốc gia của Nga (Kupriyanov, 2018; Zolotukhin, 2019). Tác giả thuộc nhóm thứ hai do nhận thấy Nga có cơ hội thực hiện các bước đi tích cực hơn trên con đường hướng châu Á của chiến lược chính sách đối ngoại của Nga với tên gọi Bước ngoặt sang phương Đông. Trong thời điểm hiện tại, chiến lược đó phụ thuộc nhiều vào tiến trình đối thoại giữa Nga và phương Tây, và vẫn khá thụ động. Sự phát triển của vùng Viễn Đông của Nga và các liên kết của vùng này với châu Á có thể trở thành nền tảng hợp tác với Ấn Độ như một sự tiếp nối hợp lý của chiến lược Hành động phía Đông của New Delhi (Baru, 2019). Thời điểm năm 2017, New Delhi công khai bày tỏ mối quan tâm đến việc phát triển quan hệ kinh tế với vùng Viễn Đông của Nga và bắt đầu tham gia tích cực vào Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (The Hindu Business Line, 2017). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, mối quan hệ Nga-Ấn, mặc dù bắt đầu phát triển theo chiều hướng đi lên từ cuối những năm 1990, chủ yếu vẫn đi theo quỹ đạo do thời Liên Xô cũ đặt ra. Hơn nữa, sự sụp đổ của Liên Xô cũ và sự coi thường các vấn đề châu Á trong thời gian dài đã tạo ra một tình huống trong đó các thế hệ người Ấn Độ mới hầu như hoàn toàn hướng về Mỹ, trong khi Nga ngày càng bị coi là một cường quốc nhỏ. Tương tự như vậy, giới tinh hoa Nga cũng suy nghĩ như thế về Ấn Độ (Lunev và Shavlay, 2018, tr. 716-717). Hai bên đều kỳ vọng nhiều hơn vào giao dịch và tương tác kinh tế. Kim ngạch thương mại hai nước năm 2019 chỉ đạt hơn 11 tỷ USD (Ngoại thương Nga, 2020), do cả nguyên nhân khách quan (ví dụ, hậu cần) và nguyên nhân chủ quan (thiếu lợi ích trong kinh doanh). Mặt khác, cả hai nước đều duy trì quan hệ hợp tác chính trị ở mức độ cao trong các vấn đề toàn cầu và khu vực, ở cả định dạng song phương và đa phương (RIC, BRICS, SCO). Nhưng những lời hùng biện tích cực và những quan điểm chung cần được hỗ trợ bằng hành động thực tế: Mátxcơva nên hỗ trợ đồng minh tự nhiên của mình là New Delhi trong nỗ lực giành vị trí xứng đáng trong khu vực và trên thế giới và thúc đẩy khái niệm về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để đáp ứng các lợi ích của cả hai nước.

Bộ Ngoại giao Nga vô cùng nghi ngờ về việc áp dụng khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bởi vì, trên thực tế, Nga phân tích “cấu trúc” mới thông qua lăng kính của mô hình hiện thực. Tới ngày hôm nay, lý luận về vấn đề này dường như dựa vào những luận cứ như sau.

1) Hệ thống quan hệ quốc tế về bản chất là không phụ thuộc vào chính phủ cụ thể nào, những xung đột chủ yếu trong quan hệ quốc tế là nhằm chống lại việc một siêu cường nào đó được áp đặt trật tự thế giới đơn cực và thiết lập luật chơi của riêng mình (Waltz, 2000, tr. 29-30). Trong trường hợp này, chúng ta đang quan sát cuộc đối đầu giữa một bên là chủ trương đa cực (là Nga và Trung Quốc), và một bên là chủ nghĩa bá quyền của Mỹ ở mọi cấp độ (Bộ Ngoại giao Nga, 2020a): Mátxcơva và Bắc Kinh từ chối khái niệm IPR chỉ vì Washington ủng hộ khái niệm đó.

2) Vì Mỹ là cường quốc hàng đầu thế giới, nên có nhiều khả năng kiến ​​trúc mới của khu vực sẽ được xây dựng theo các khuôn mẫu của Mỹ. Trong trường hợp này, cán cân quyền lực khu vực sẽ chuyển sang một liên minh không chính thức của cái gọi là “các nền dân chủ hàng hải” (Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ) do Nhà Trắng lãnh đạo (Shearer, 2017). Đồng thời, người được lợi nhiều hơn cả là Ấn Độ: với mục đích nhấn mạnh tầm quan trọng của New Delhi trong các tính toán của Washington và từ đó “kéo” New Delhi vào quỹ đạo của mình, Mỹ đang tích cực thúc đẩy khái niệm mới về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Kliman, và cộng sự, 2019, tr. 3). Bộ Ngoại giao Nga trả lời rằng: “những người bạn Ấn Độ đã nhận thức đầy đủ” về cái bẫy này và sẽ tránh sập bẫy (Bộ Ngoại giao Nga, 2020a).

3) Bất chấp những tuyên bố chính thức rằng, không loại trừ khả năng Trung Quốc tham gia vào khu vực mới (Nhà Trắng, 2020), trên thực tế, những gì Mỹ đang thiết lập đã ngăn chặn khả năng này (Nhà Trắng, 2021; Henry, 2019 ). Các nhà phân tích Mỹ không giấu giếm thực tế rằng, một liên minh không chính thức như IPR không chỉ nhằm mục đích tăng cường hợp tác giữa các quốc gia chia sẻ các giá trị chung của tự do và dân chủ, mà còn nhằm tăng hợp tác an ninh, nhằm đối trọng với khả năng và tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc, và để thành lập một liên minh các nước có thể tham gia mặt trận chung trong trường hợp xảy ra xung đột toàn diện với Trung Quốc (Grossman, 2020). Cấu hình này mâu thuẫn với lợi ích quốc gia của Nga và nguyện vọng của các nước khác trong khu vực luôn tránh đối đầu với Bắc Kinh, tuy nhiên họ lo ngại rằng, Trung Quốc có ảnh hưởng ngày càng gia tăng (Bộ Ngoại giao Nga, 2019).

Nguồn: Bản tin Tư liệu Khoa học Lý luận và Thực tiễn Thế giới, số 231, 232, tháng 6/2021 - Viện Thông tin Khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bấm vào đây để đọc phần 1 của bài viết này

Bấm vào đây để đọc phần 3 của bài viết này

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục