Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Cách tiếp cận của Ấn Độ và Nga tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Phần 3)

Cách tiếp cận của Ấn Độ và Nga tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Phần 3)

ELLINA P. SHAVLAY, nghiên cứu viên Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (IMEMO), Mátxcơva, thuộc Viện Nghiên cứu Đổi mới Sáng tạo của Bộ Khoa học và Công nghệ Nga

03:01 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

CƠ SỞ HÌNH THÀNH NHỮNG SUY NGHĨ CỦA ẤN ĐỘ VỀ CÁCH TIẾP CẬN MỚI CỦA NGA

Tuy nhiên, mô hình theo chủ nghĩa tân hiện thực không tính đến những đặc điểm riêng mang bản sắc khu vực. Những bản sắc rất quan trọng đối với việc định hình hệ thống nhỏ làm nên tổng thể các mối quan hệ quốc tế ở châu Á. Không giống như những người ủng hộ chủ nghĩa hiện thực, một trong những người sáng lập ra thuyết kiến ​​tạo với tư cách là một lý thuyết chính trị, Alexander Wendt, bắt đầu từ định đề rằng, tất cả các hiện tượng cơ bản trong hệ thống quốc tế (chủ quyền quốc gia, bản chất không phụ thuộc vào một chính phủ cụ thể nào của quan hệ quốc tế, lợi ích quốc gia, v.v.) là cấu trúc được xác định bởi các đặc điểm của đối tượng, cũng như môi trường ngữ cảnh (Wendt, 1992). Do đó, có nhiều câu hỏi nghi ngờ tính khách quan của các khái niệm này, và thực tế là việc khách quan hóa khái niệm bằng cách đạt được sự đồng thuận khi nghiên cứu khái niệm lý thuyết không có nghĩa là các quốc gia sẽ tuân thủ hoàn toàn trong thực tế, và đây là mâu thuẫn chính giữa cách tiếp cận của chủ nghĩa kiến tạo và chủ nghĩa tân hiện thực. Sự khác biệt này đòi hỏi nhà nghiên cứu cần chú ý hơn tới bối cảnh mà hiện tượng tồn tại, và sự khác biệt trong hiện tượng học, cũng như phải ý thức rõ rằng, vẫn còn thiếu hệ tọa độ chung để hai bên cùng nhận thức về hiện tượng (Finnemore và Sikkink, 2001, tr. 393). Một trong những nhà nghiên cứu xuất sắc nhất về chủ nghĩa khu vực trong quan hệ quốc tế, Amitav Acharya, lập luận rằng, sự gần gũi về lãnh thổ và sự tương tác giữa các quốc gia khi thực hiện các nhiệm vụ chung là không đủ để xây dựng một khu vực mới gồm có các quốc gia đó, mà cần phải có một hệ tư tưởng thống nhất tất cả các quốc gia trong khu vực (Acharya, 2000, tr. 163). IPR có thể được coi hệ tư tưởng kết nối như vậy và việc giải thích IPR phải mang tính quyết định phù hợp với các khái niệm theo chủ nghĩa kiến ​​tạo (Adler, 1997, tr. 322). Nếu những khái niệm này được thêm vào các định đề theo trường phái tân hiện thực, bức tranh sẽ ngược lại:

1) Trước hết, các phiên bản Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không phải của Mỹ đang củng cố trật tự thế giới đa tâm. Thế giới đa tâm chính là hệ thống mà Mátxcơva, New Delhi và Bắc Kinh đang nỗ lực tìm kiếm (Lunev, 2012, tr. 122, 130). Như Mirski và Tellis viết trên Crux of Asia, “nếu coi lịch sử của các cường quốc trỗi dậy trước đây là dấu hiệu chỉ báo, khi Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục phát triển, họ sẽ có nguyện vọng dần dần định hình lại hệ thống quốc tế để thúc đẩy lợi ích của chính họ, những lợi ích có thể khác với của Mỹ, bá chủ vững mạnh duy trì trật tự toàn cầu hiện nay” (Tellis và Mirski, 2013, tr. 5). Tuy nhiên, nhiệm vụ của định dạng ba bên RIC (Nga-Ấn Độ-Trung Quốc) không chỉ là hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề toàn cầu mà còn thúc đẩy tầm nhìn chung về trật tự khu vực vẫn chưa được hình thành thông qua các cuộc thảo luận chung. Do ba nước có quan điểm gần gũi hoặc giống nhau về các vấn đề chính trị thế giới (ví dụ, có thể thấy khi so sánh cách họ bỏ phiếu tại LHQ, trong các tuyên bố và hành động chung của họ trong các khối RIC, BRICS và SCO, và trong phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa các bên), cũng như sự gần gũi về vị trí của các bên khác trong khu vực IPR, khái niệm mới có thể trở thành một cơ chế hiệu quả để cùng nhau giải quyết các vấn đề mà các nước châu Á phải đối mặt và tăng cường xu hướng khu vực hóa, góp phần để hợp tác sâu hơn, về nhiều vấn đề hơn.

2) Lập trường của Ấn Độ là đưa các quốc gia vào một cấu trúc địa chính trị mới phản ánh sự cân bằng quyền lực hiện có, và không loại trừ Ấn Độ khỏi cấu trúc mới. Về cơ bản, điều này có thể khả thi do Ấn Độ đã thay đổi vị thế trở thành một cường quốc (có thể khẳng định như vậy khi theo dõi nhiều thông số chính) và theo đó, Ấn Độ có vai trò lớn hơn ở cấp khu vực và toàn cầu. Vấn đề được công nhận là vô cùng khó khăn, khó đối với cả một siêu cường hay cường quốc nhỏ. Trước hết, các nước phải tự công nhận, sau đó được cộng đồng thế giới công nhận, và đặc biệt là các cường quốc phải công nhận lẫn nhau; nếu không, các nước sẽ không thể hoàn toàn được công nhận vị thế đúng với trạng thái của từng nước. Ấn Độ là ví dụ hùng hồn trong vấn đề này (Buzan, 2003, tr. 36-37). Các tác nhân chính của hệ thống quốc tế, cả tác nhân vốn có và tác nhân mới hình thành, đã tác động kìm hãm tầm ảnh hưởng của Ấn Độ. Trên thực tế, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APR) coi Ấn Độ như một nước ngoài rìa (đáng chú ý là Ấn Độ vẫn chưa phải là thành viên của APEC), và sự hiện diện của Ấn Độ trong khu vực khá hạn chế. Mặt khác, việc thay thế cấu trúc địa chính trị bằng một cấu trúc rộng lớn hơn không có nghĩa là chuyển sự chú ý từ Đông Nam Á sang không gian Ấn Độ Dương. Mục đích cuối cùng là mở rộng và bổ sung cho không gian Ấn Độ Dương. Hơn nữa, việc định vị ASEAN là trung tâm trong kiến ​​trúc khu vực quy mô lớn là một nỗ lực nhằm bảo vệ khỏi sự xói mòn các vị trí mà khối này đang nắm giữ cũng như các vị trí chủ chốt của các quốc gia Đông Nam Á có ảnh hưởng vượt ra ngoài khu vực APR.

3) Việc hợp nhất các khu vực của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nói chung, đáp ứng lợi ích quốc gia của một số lượng lớn các quốc gia hơn là không gian châu Á - Thái Bình Dương. Điều này xuất phát từ thực tế là cấu trúc rộng lớn hơn, cho dù có nhiều đặc điểm cụ thể riêng, vẫn trở thành một phần trong chiến lược chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia, thể hiện sự quan tâm của rất nhiều quốc gia trong việc thực hiện ý tưởng này. Đối với Nga, dự án này có thể bổ sung cho ý tưởng của Nga về Đại Á-Âu (đặc biệt, thông qua sự hội tụ của các dự án cơ sở hạ tầng trên bộ và hàng hải dọc theo biên giới của khu vực) và cải thiện triển vọng phát triển của vùng Viễn Đông thuộc Nga. Cuối cùng, điều này, cùng với những diễn biến khác, sẽ giúp Nga mở rộng dư địa để áp dụng trong mối quan hệ với Trung Quốc, trong bối cảnh sự bất cân xứng trong mối quan hệ giữa Nga với Trung Quốc không ngừng gia tăng (Gabuev, 2016). Tuy nhiên, mối lo ngại của các đối tác Trung Quốc có thể được giảm bớt ở một mức độ nhất định, nếu Mátxcơva, New Delhi và Bắc Kinh cùng nỗ lực tăng cường tính toàn vẹn của khu vực và đảm bảo an toàn cho các tuyến đường vận tải biển ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương (Kupriyanov, 2018; Lunev và Shavlay, 2018, tr. 726); do mức tiêu thụ năng lượng tăng vọt, nhiệm vụ này là quan trọng trong chương trình nghị sự của Trung Quốc.

Các bài phát biểu của chính phủ Nga và Ấn Độ liên quan đến cấu trúc địa chính trị mới của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đi tới kết luận rằng, các chính sách của Mátxcơva và New Delhi khác nhau về bản chất, điều này ngăn cản việc phân tích chính sách của hai nước trong cùng một hệ quy chiếu. Bộ Ngoại giao Nga chọn lập trường theo chủ nghĩa tân hiện thực, có hàm ý phản đối khát vọng bá quyền của Mỹ và các dự án của Mỹ. Trong khi đó, Ấn Độ có tầm nhìn theo chủ nghĩa kiến tạo về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tin tưởng vào sự ủng hộ và tham gia của Matxcơva trong vai trò là đối tác chiến lược ... Hai nước có những quan niệm khác nhau nên không thể đạt được đồng thuận có thể giúp cả hai tránh bỏ lỡ những cơ hội hiện hữu.

Ấn Độ thúc đẩy IPR như một sự tiếp nối tự nhiên của chính sách Hành động phía Đông, vì Ấn Độ coi sáng kiến ​​này là cơ hội để đạt được vị thế vững chắc hơn ở châu Á. Đồng thời, Ấn Độ tìm cách khẳng định vai trò trong khu vực không nhằm gây tổn hại đến các bên trong khu vực, mà quan tâm đến lợi ích của họ, thông qua việc họ tham gia vào việc hình thành một cấu trúc khu vực chung, cách giải thích này của Ấn Độ khá linh hoạt. Theo hướng đó, New Delhi sẽ được hưởng lợi từ sự tương tác với Nga và Trung Quốc, những nước có thái độ tiêu cực đối với IPR do cả hai đều coi đây là sản phẩm của chính sách Mỹ. Đó là cơ sở tư tưởng hình thành nên nhận thức của Ấn Độ về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Bộ Ngoại giao Nga có xu hướng đánh giá thấp, vì Bộ Ngoại giao Nga phân tích các hiện tượng quốc tế trên lập trường quan điểm của chủ nghĩa tân hiện thực, lợi ích quốc gia của các bên và cán cân quyền lực có tầm quan trọng quyết định. Bộ Ngoại giao Nga tin rằng, sáng kiến ​​mới đang được Washington thúc đẩy, và do đó, Nga coi đây là “nỗ lực bền bỉ của các cường quốc ngoài khu vực nhằm định hình lại trật tự đã thiết lập để phục vụ lợi ích hẹp của họ” (Bộ Ngoại giao Nga, 2020b), trong khi phớt lờ thực tế là thuật ngữ này đã được đề xuất bởi chính Ấn Độ từ rất lâu trước khi người Mỹ đưa ra và phủ lên một tấm áo hoàn toàn khác cho khái niệm này. Nói cách khác, chính sách của Nga dựa trên một bản thể luận khác với Ấn Độ. Tầm quan trọng mà những người theo chủ nghĩa kiến ​​tạo gắn vào thành phần ý thức hệ đã nhường chỗ cho những tính toán thực dụng trong trò chơi tổng bằng không giữa Nga và Mỹ. Tuy nhiên, nếu các định đề theo chủ nghĩa tân hiện thực được nhìn từ một quan điểm khác, sẽ dễ dàng xác định được một số lợi thế có thể thu được từ việc phát triển một cách tiếp cận chung giữa hai nước đối với IPR. Đối thoại với Mỹ có thể mang lại lợi ích trong vấn đề này.

Việc bộc lộ những bất đồng giữa hai quốc gia về một trong những vấn đề chính sách đối ngoại cốt lõi của Ấn Độ và tìm ra các thỏa hiệp sẽ là yếu tố quan trọng để nâng cao hiểu biết lẫn nhau và làm sâu sắc hơn hợp tác song phương. Nếu đạt được, sự hội tụ của các phương pháp tiếp cận sẽ tạo thêm động lực cho mối quan hệ Nga-Ấn phát triển. Ngoài ra, Nga có thể sử dụng IPR để củng cố vị thế ở hai đại dương, điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đối đầu với phương Tây và chiến lược Hướng Đông của Nga. Mặt khác, việc phớt lờ những thực tế mới có thể tước đi những cơ hội mới của Nga ở châu Á, nơi mà sự hiện diện hiện tại của Nga hầu như không đáng kể.

Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta không nên đánh giá thấp hay đánh giá quá cao tác động của những thay đổi về khái niệm, nhưng cần nhấn mạnh sự tham gia của Mátxcơva vào những chuyển đổi đang diễn ra trong khu vực và lợi ích của Nga trong việc góp tiếng nói vào việc định dạng lại kiến ​​trúc an ninh. Tác giả tin rằng, các cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Nga cần thay đổi lập trường chính thức liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nên hình thành cách hiểu của riêng mỗi bên về thuật ngữ này, và dung hòa nó với tầm nhìn của các bên khác cùng tham gia IPR thông qua các cuộc thảo luận về hợp tác khu vực, đặc biệt chú ý cách hiểu của Ấn Độ là quan trọng nhất. Có lẽ, việc xem xét vấn đề này trong khuôn khổ ba nước Nga-Ấn Độ-Trung Quốc và phát triển một tầm nhìn chung về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ giúp giải quyết các mâu thuẫn và xây dựng lòng tin không chỉ ở thể thức ba bên, mà còn giữa New Delhi và Bắc Kinh, vốn là đối thủ địa chính trị. Việc này vô cùng quan trọng đối với Mátxcơva, do Ấn Độ và Trung Quốc đều là đối tác chiến lược quan trọng. Việc hình thành tầm nhìn của Nga về IPR sẽ phục vụ cả lợi ích chính trị nội bộ của Nga (phát triển vùng Viễn Đông) và chính sách đối ngoại (củng cố vị thế ở châu Á). Sự tiến bộ của “kiến trúc” mới sẽ góp phần thúc đẩy nhiệm vụ đầy tham vọng của Nga là hoàn thành một bước ngoặt thực sự sang phương Đông và khôi phục vị thế của Nga ở châu Á với tư cách là một cường quốc có ảnh hưởng trên thế giới, thay vì vẫn là quốc gia ngoài lề. Sự ủng hộ cách tiếp cận của New Delhi sẽ tái khẳng định quan điểm thân thiện của Nga đối với Ấn Độ và tăng cường hợp tác song phương và khu vực. Đồng thời, việc xây dựng một chính sách chung của ba nước Nga-Ấn Độ-Trung Quốc về vấn đề này, dựa trên lợi ích chung, sẽ mang lại kết quả xứng đáng, thay vì sự đối nghịch, cho khái niệm Châu Á - Thái Bình Dương và đảm bảo sự xuất hiện của khu vực địa chính trị thực sự rộng mở và bao trùm (ngược lại với ý tưởng của Mỹ). Điều này chắc chắn sẽ củng cố vị thế của ba quốc gia và cải thiện sự tương tác những nước này ở châu Á.

Nguồn: Bản tin Tư liệu Khoa học Lý luận và Thực tiễn Thế giới, số 231, 232, tháng 6/2021 - Viện Thông tin Khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bấm vào đây để đọc phần 1 của bài viết này

Bấm vào đây để đọc phần 2 của bài viết này

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục