Cẩn trọng với Trung Quốc? Cơ hội cho giới khởi nghiệp Ấn Độ
BENGALURU: Thông điệp “Cẩn trọng với Trung Quốc” có lẽ đã trở nên quen thuộc trên WhatsApp ở Ấn Độ, nhưng trong thế giới khởi nghiệp, Ấn Độ và Trung Quốc đang xích lại gần nhau.
Các doanh nghiệp và quỹ đầu tư của Trung Quốc đang trở thành nhà đầu tư lớn trong các dự án khởi nghiệp (startup) ở Ấn Độ, và họ đang trở nên đặc biệt hữu ích khi các quỹ đầu tư Mỹ giảm sút. Beijing Miteno Communication Technology – một tập đoàn công nghệ cao của Trung Quốc – đã mua lại công ty Media.net, một công ty con của Mumbai-based Directi, được thành lập bởi anh em Bhavin và Divyank Turakhia, với giá 900 triệu USD, đây là thương vụ lớn nhất trong năm thuộc giới khởi nghiệp công nghệ.
Alibaba – người khổng lồ về thương mại điện tử - đã thực hiện thương vụ đầu tư lớn vào Paytm và Snapdeal. Didi Chuxing, một doanh nghiệp tương tự Uber ở Trung Quốc đã đầu tư vào Ola. Tập đoàn Internet khổng lồ Tencent gần đây đã tài trợ 175 triệu USD vào ứng dụng nhắn tin Hike; trước đó, tập đoàn này đã đầu tư 90 triệu USD vào giải pháp chăm sóc sức khỏe của Practo, và thông qua việc liên doanh với công ty Naspers của Nam Phi, Tencent cũng đã đầu tư vào công ty du lịch trực tuyến Ibibo Group.
“Có rất nhiều điểm tương đồng về nhâu khẩu học và cả hai nước đang chứng kiến sự tăng trưởng tiêu dùng trong lĩnh vực kỹ thuật số. Ngoài ra, các đối tác Trung Quốc có kinh nghiệm trong việc tạo ra thị trường và vận hành các công ty công nghệ một cách thành công, cho nên họ đóng vai trò lớn hơn vai trò chỉ là nhà đầu tư tài chính” Ashish Kashyap, nhà đồng sáng lập Ibibo – tháng trước đã sáp nhập với đối thủ MakeMyTrip, cho biết.
Bhavin Turakhia nói rằng, người Trung Quốc hiểu thị trường Ấn Độ tốt hơn các công ty Mỹ, và thị trường Ấn Độ đang đi trên con đường tương tự với Trung QUốc, nhưng chậm hơn 5 đến 10 năm.
Các công ty và quỹ đầu tư Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn vào giới khởi nghiệp Ấn Độ. Cheetah Mobile sở hữu các sản phẩm như Clean Master năm ngoái đã đầu tư vào ứng dụng thể dục GOQii.
Ctrip một trong những công ty du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc đã đầu tư 180 triệu USD vào MakeMyTrip vào tháng 1/2016. Qũy đầu tư đóng trụ sở tại Trung Quốc là Hillhouse Capital đã đầu tư vào CarDekho. Nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi đã đầu tư 25 triệu USD trong vai trò nhà cung cấp nội dung cho hãng Hungama Digital Media Entertainment vào tháng 4/2016.
Baidu, nhà cung cấp dịch vụ web cho biết, họ đang hướng đến các cơ hội đầu tư vào giới khởi nghiệp Ấn Độ.
Không có các công ty châu Á nào khác đầu tư vào khởi nghiệp Ấn Độ nhiều như Trung Quốc. Japan's SoftBank và Singapore's Temasek là một số ít những nhà đầu tư không đến từ Trung Quốc.
Tập đoàn Foxconn Đài Loan cũng có một vài đầu tư như Qikpod, Hike và Snapdeal, nhưng thực tế cho thấy, họ cũng là công ty của Trung Quốc với rất nhiều hoạt động thực tế được diễn ra ở Trung Quốc.
Có hai lý do khiến các công ty công nghệ của Trung Quốc đầu tư lớn vào Ấn Độ: Một là, rất nhiều trong số họ đang kiếm được lợi nhuận lớn ở thị trường trong nước, một phần nhờ vào sự hạn chế cạnh tranh từ nước ngoài; hai là, nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc.
Vì thế, họ muốn sử dụng thặng dư để mở rộng vào thị trường kỹ thuật số lớn thứ ba thế giới.
“Chỉ có hai thị trường đang phát triển lớn mà họ có thể đầu tư là Ấn Độ và Hoa Kỳ. Thung lũng Silicon không tôn trọng dòng vốn từ Trung Quốc. Cho nên ngành công nghệ Ấn Độ đã thu hút họ.” Mohan Kumar,
Giám đốc Điều hành tại Norwest Ventures, một quỹ liên doanh Mỹ có trụ sở hoạt động tại Ấn Độ, cho hay. Ông Kumar cũng chỉ ra rằng, các nhà đầu tư Trung Quốc thường định giá các dự án khởi nghiệp Ấn Độ cao gấp ba đến năm lần so với những nhà đầu tư khác. Vì thế, các doanh nghiệp đương nhiên thích họ hơn.
Định giá cao hơn có nghĩa là các nhà đầu tư Trung Quốc giữ cổ phần thấp hơn với cùng một lượng đầu tư, và người sáng lập có thể hy vọng định giá sẽ cao hơn ở vòng huy động vốn tiếp theo của họ.
Ngôn ngữ và chính trị là một thách thức, có lẽ vì lý do này nên người Trung Quốc hiện đang thích là đối tác hơn là mua đứt. Thậm chí các công ty đầu tư cũng đang xây dựng quan hệ đối tác. Qũy đầu tư Chinese VC đã liên kết với quỹ đầu tư IvyCap Ventures để cho phép các nhà đầu tư đối tác có cái nhìn gần hơn đến những cơ hội đầu tư tiềm năng đối với các dự án khởi nghiệp Ấn Độ.
Trung Quốc cũng đang cho thấy sự quan tâm trong các ngành công nghiệp truyền thống Ấn Độ. Vào tháng 7/2016, công ty dược phẩm Trung Quốc Shanghai Fosun Pharmaceutical Con đã mua lại nhà sản xuất thuốc tiêm Ấn Độ Gland Pharma với giá 1,27 tỉ USD; vào tháng 8, tập đoàn Công nghệ và Hợp tác Phát triển Thương mại Jiangsu Longzhe, Trung Quốc đã mua lại tập đoàn Diamond Power Infrastructure, Vadodara - nhà sản xuất dây cáp, dây dẫn, máy biến áp và khác thiết bị ngành điện của Ấn Độ với giá 125 triệu USD. Nhưng công nghệ kỹ thuật số có vẻ vẫn là mảng đầu tư lớn nhất.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch
Nguồn: http://timesofindia.indiatimes.com/business/india-business/Boycott-China-Dragon-now-angel-for-Indian-startups/articleshow/55519014.cms
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ: Chứng khoán bùng nổ và cách bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ
Kinh tế 10:00 09-12-2024
Tập đoàn Vietravel mở rộng hoạt động tại Ấn Độ
Kinh tế 03:00 16-11-2024
Ấn Độ đạt kỷ lục trong xuất khẩu hàng hóa
Kinh tế 03:00 17-11-2024
Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và những tác động
Kinh tế 02:00 28-10-2024