Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Mỹ và thái độ của Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam (Phần 1)

Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Mỹ và thái độ của Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam (Phần 1)

03:23 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

PGS. TS. Hoàng Thị Kim Thanh*

       ThS. Mạc Thị Thúy Quỳnh**

Tóm tắt

1. Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” - trọng tâm chiến lược mới của Mỹ

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc đến tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Đà Nẵng, Việt Nam (11-2017) với mong muốn làm sống lại liên minh chiến lược 4 bên Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Australia, nhất là mở rộng tầm ảnh hưởng của Ấn Độ trên bàn cờ khu vực và ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

2. Thái độ của Trung Quốc và vị trí của Ấn Độ, Việt Nam trong chiến lược mới của Mỹ

Để đối phó lại với chiến lược mới của Mỹ, Trung Quốc đẩy mạnh triển khai Sáng kiến Vành Đai và Con Đường (BRI), đầu tư ồ ạt vào xây dựng cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường biển ở các nước Trung Á, Nam Á và Châu Phi; tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương... nhằm không ngừng mở rộng ảnh hưởng của mình trong cuộc chạy đua với Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ.

Trong chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Mỹ, Ấn Độ là một trong bốn trụ cột quan trọng và Mỹ coi Ấn Độ là một “mắt xích” có thể đối trọng với Trung Quốc. Với những thành tựu đạt được trong những năm qua, Ấn Độ ngày càng khẳng định vị thế của mình trong khu vực và có khả năng trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất trong khu vực thay cho vị trí của Trung Quốc.

Đối với cả hai không gian chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Mỹ và “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, Việt Nam đều chiếm một vị trí quan trọng. Do đó, Việt Nam cần lựa chọn bước đi đúng đắn để phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, không ngừng nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế./.

1. Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”- Trọng tâm chiến lược mới của Mỹ

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo - Pacific) được Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc đến tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Đà Nẵng, Việt Nam (11-2017) với mong muốn xây dựng một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” [1]. Một tháng sau (12-2017), cụm từ này tiếp tục xuất hiện trong Chiến lược An ninh quốc gia (NSS) với vị trí đứng đầu trong số những khu vực quan trọng đối với lợi ích của Mỹ.

Trên thực tế, thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” không phải là một thuật ngữ mới, mà được vay mượn từ lĩnh vực địa - sinh học chỉ vùng nước nhiệt đới trải từ bờ tây Ấn Độ Dương tới Tây và Trung Tây Thái Bình Dương. Người đầu tiên sử dụng thuật ngữ này với hàm ý về địa chính trị là Tiến sĩ Gurpreet S. Khurana - Giám đốc Quỹ Hàng hải quốc gia tại New Delhi (Ấn Độ). Trong bài luận năm 2007 tựa đề “An ninh hàng hải: Triển vọng hợp tác Ấn Độ - Nhật Bản”, ông cho rằng, các lợi ích chung và cốt lõi của Ấn Độ và Nhật Bản về hàng hải sẽ khó có thể được bảo đảm nếu Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương bị chia rẽ trong nhận thức chiến lược. Do đó, thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” ra đời như một tầm nhìn chiến lược mới trong khu vực.

Cùng năm 2007, thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề cập đến trong bài phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ về “sự hợp lưu của hai đại dương” như là “sự kết nối năng động của hai vùng biển tự do và thịnh vượng” ở Châu Á. Từ đó, ông cho rằng, khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là châu Á mở rộng gồm cả Mỹ và Australia và được coi là nền tảng hợp tác toàn diện vì lợi ích chung của hai nước Ấn Độ, Nhật Bản trong thế kỷ XXI. Tuy nhiên, thời điểm đó, khái niệm này chưa được quan tâm nhiều.

 Về phía Mỹ, năm 2010, khi đánh giá về tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với thương mại toàn cầu, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton nhấn mạnh: “Chúng ta [Mỹ] hiểu tầm quan trọng của lưu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với giao thương toàn cầu”, từ đó chủ trương xây dựng “Hành lang kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Đến năm 2017, tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Việt Nam và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 31 tại Philippines, khái niệm này một lần nữa được Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định. Thực chất của chiến lược này nhằm làm sống lại liên minh chiến lược 4 bên Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Australia, nhất là khuyến khích Ấn Độ mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trên bàn cờ khu vực và ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Giải thích bản chất chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở", ông Alex Wong, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương đã khẳng định rõ khi trả lời các phóng viên tại Mỹ ngày 2-4-2018. Trước đây, người ta sử dụng thuật ngữ châu Á - Thái Bình Dương (Asia - Pacific), hay chỉ đơn giản là châu Á (Asia), nhưng Tổng thống Donald Trump đã chọn cụm từ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” để xác nhận trong quá khứ và hiện tại về vai trò quan trọng của Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và khẳng định lợi ích Mỹ cũng như các nước trong khu vực. Trong đó, Ấn Độ có vai trò rất lớn, được phát triển theo hướng tự do và mở cửa, theo đó chính sách của Mỹ là bảo đảm để Ấn Độ có thể trở thành quốc gia với tầm ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực.

Giải thích về hai yếu tố “Tự do” và “Rộng mở” trong chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Mỹ, ông  Alex Wong nhấn mạnh: “Tự do” trong chiến lược trước hết là phạm vi quốc tế vì Mỹ muốn các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể tự theo đuổi con đường mình chọn mà không bị ép buộc; ở phương diện quốc gia, Mỹ mong các xã hội ở khu vực này dần trở nên tự do, quản trị tốt, đảm bảo các quyền cơ bản của người dân, minh bạch và chống tham nhũng.

Mở cửa” trước tiên và trên hết là giao thông đường biển và hàng không mở rộng. Vì giao thông trên biển thực sự là huyết mạch, là nguồn sống của khu vực vì với 50% lượng giao thương quốc tế đi qua Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dọc theo đường biển, đặc biệt là đi qua Biển Đông. Do đó, đường biển và đường hàng không mở rộng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dần trở nên thiết yếu và quan trọng với thế giới. Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ còn bao hàm khía cạnh “mở rộng” về hậu cần - cơ sở hạ tầng nhằm khuyến khích các quốc gia hội nhập khu vực tốt hơn và phát triển kinh tế mạnh hơn. Mỹ mong muốn giúp khu vực phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng phù hợp, thực sự hội nhập và tăng trưởng kinh tế: "Chúng tôi muốn giúp khu vực thực hiện cơ sở hạ tầng theo cách phù hợp, cơ sở hạ tầng thực sự hội nhập và tăng GDP của các nền kinh tế lập hiến, chứ không phải ép đè họ xuống"[2]. Mở rộng cũng có ý là đầu tư mở rộng hơn, cấu trúc luật lệ minh mạch hơn… Trong đó, Ấn Độ đóng vai trò quan trọng và mang lại lợi ích không chỉ cho Mỹ mà còn cho các quốc gia khác trong khu vực.

Bên cạnh đó, không chỉ Ấn Độ đang tham gia tích cực vào xu thế phát triển của khu vực Đông Á, Đông Nam Á thông qua Chính sách Đông Nam, mà các quốc gia khác cũng đang triển khai các chiến lược tương tự như Chính sách Nam mới của Hàn Quốc, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở của Nhật Bản hay Chính sách Đối ngoại của Australia. Mỹ nhận định các đối tác trong khu vực đều đang tìm cách tăng cường mối quan hệ chính trị, an ninh và kinh tế với các nước, đặc biệt là các nước ASEAN. Mỹ mong muốn thương mại hai chiều giữa Mỹ và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đạt 1,4 nghìn tỷ USD mỗi năm và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên…

Việc sử dụng thuật ngữ mới “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Tổng thống Donald Trump thay vì chính sách xoay trục sang châu Á của cựu Tổng thống Barack Obama là cách diễn đạt mềm dẻo hơn, tránh được cảm giác đối đầu trực diện với Trung Quốc. Giáo sư Trường Đại học quốc gia Australia Rory Medcalf nhấn mạnh: Trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đang mở rộng sang tận châu Phi, còn Ấn Độ cũng đưa ra chính sách Hướng Đông của riêng mình và các nền kinh tế Đông Nam Á tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, khái niệm mà chính quyền Tổng thống Donald Trump mới dùng đã bao trùm được cả 2 đại dương quan trọng trong một hệ thống chiến lược đơn nhất. Ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ lọt thỏm trong một bối cảnh khu vực rộng lớn hơn[3]. Như vậy, chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” là “cánh tay nối dài” của chính sách “nước Mỹ là trên hết” và từng bước tăng cường vai trò, duy trì sự ảnh hưởng của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. (Xem tiếp phần 2)


[1] Với bốn mục tiêu chính: Tránh tạo cảm giác đối đầu trực diện với Trung Quốc; làm sống lại liên minh chiến lược Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Australia; nhấn mạnh vai trò của Mỹ và Ấn Độ trong khu vực; phát đi thông điệp tự do hàng hải là trụ cột cho an ninh khu vực.

[2] Phát biểu của ông Alex Wong, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương.

[3] Phân tích của Giáo sư Trường Đại học quốc gia Australia Rory Medcalf trên The American Interest.


* Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

** Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

** Bài tham luận Hội thảo khoa học quốc tế "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở" tổ chức tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày 24/8/2018.​​​

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục