Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Mỹ và thái độ của Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam (Phần 2)

Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Mỹ và thái độ của Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam (Phần 2)

03:19 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

PGS. TS. Hoàng Thị Kim Thanh*

       ThS. Mạc Thị Thúy Quỳnh**

2. Thái độ của Trung Quốc và vị trí của Ấn Độ, Việt Nam trong chiến lược mới của Mỹ

Sau nhiều năm “thao quang dưỡng hối”, Trung Quốc đang có nhiều bước đi vững chắc và từng bước khẳng định được tầm ảnh hưởng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt là tham vọng trên biển của Trung Quốc trong việc kiểm soát Biển Đông được thể hiện rõ thông qua các hoạt động cải tạo, bồi đắp đảo nhân tạo và các hoạt động quân sự hóa, bất chấp sự phản đối của các nước có yêu sách khác, đặc biệt là sau phán quyết của Tòa trọng tài về Đường lưỡi bò. Trung Quốc còn luôn tìm cách đưa các nước khu vực vào quỹ đạo ảnh hưởng của mình thông qua các khoản viện trợ kinh tế, nên tích cực triển khai các dự án đường bộ, đường sắt và ống dẫn dầu. Tuy nhiên, “Giấc mộng Trung Hoa” sẽ không “dừng chân” tại châu Á - Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương mà tiếp tục vươn tầm sang các châu lục và đại dương khác. Do đó, năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Theo đó, Trung Quốc nỗ lực hợp tác với các quốc gia qua hai trục, trục đường bộ từ Bắc Kinh tới châu Âu và trục đường biển từ Trung Quốc xuống biển Đông và sang Ấn Độ Dương, vươn tới châu Phi.

Năm 2017, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, nhà cầm quyền, giới truyền thông và các học giả Trung Quốc đã dành sự quan tâm đặc biệt. Ông Cảnh Sảng, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khi trả lời câu hỏi về thái độ của Trung Quốc đối với chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, đã nói: Hợp tác khu vực nên cởi mở và toàn diện, giúp ích cho việc thúc đẩy sự hợp tác cùng thắng của tất cả các bên và tránh những sự dàn xếp bị chính trị hóa hoặc bị loại trừ. Đây là phản ứng đầu tiên của Bắc Kinh đối với chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Mỹ ở Châu Á bên lề Hội nghị ASEAN ở Manila với sự tham gia của các nhà ngoại giao cao cấp từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Về mặt chính thức, hội nghị đã xem xét đề xuất của Nhật Bản về việc tổ chức một cuộc đối thoại chiến lược 4 bên. Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sáng kiến "đối thoại an ninh 4 bên" nhanh chóng trở thành hai cụm từ đồng nghĩa vì hai khái niệm này bổ sung cho nhau. Các nhà quan sát cho rằng, việc Mỹ sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (Indo - Pacific) thay cho chiến lược “Châu Á - Thái Bình Dương” (Asia - Pacific) cũng khiến Trung Quốc phần nào bớt quan trọng đi và làm xói mòn sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương bằng cách tăng cường vị thế của Ấn Độ như một đối trọng với Trung Quốc. Nhà báo quốc tế kỳ cựu Chen Yinuo cũng nhấn mạnh: “Cốt lõi của khái niệm này đơn giản là nhằm làm yếu đi ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương và hạn chế năng lực của Trung Quốc trên biển”[1].

Trước tình thế đó, để đối phó lại với chiến lược mới của Mỹ, Trung Quốc đẩy mạnh triển khai sáng kiến "Vành đai, con đường" (BRI), đầu tư ồ ạt vào xây dựng cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường biển ở các nước Trung Á, Nam Á và Châu Phi nhằm không ngừng mở rộng ảnh hưởng của mình trong cuộc chạy đua với Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ. Nhiều dự án làm dấy lên hoài nghi và sự lo ngại ở nhiều nước, đặc biệt là các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Nhật Bản và Ấn Độ. Sáng kiến BRI của Trung Quốc bị phương Tây chỉ trích là thiếu minh bạch, chất lượng thấp, xâm phạm lãnh thổ và làm nhiều nước nghèo ngập trong nợ nần. Nhưng chính sự tham gia ở mức độ khác nhau của nhiều nước trong khu vực vào sáng kiến này đã cho thấy sức ảnh hưởng ngày một gia tăng của Trung Quốc trong khu vực và thế giới. Để làm đối trọng với chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Mỹ, Trung Quốc còn tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương với căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên ở Djibouti phía đông Châu Phi và đang xúc tiến mở thêm các căn cứ không - hải quân khác...

Chiến lược mới của Tổng thống Mỹ Donal Trump là sự nối tiếp chiến lược xoay trục sang châu Á của tổng thống tiền nhiệm - cho dù tên gọi có thay đổi, nhưng khác biệt lớn nhất ở đây là Ấn Độ trở thành một trung tâm trong chiến lược hợp tác giữa Mỹ và các đồng minh, nhằm đối phó hiệu quả hơn với trọng lượng ngày càng gia tăng về kinh tế và quân sự của Trung Quốc tại châu Á. Do đó, Mỹ cho rằng: Vai trò của Ấn Độ sẽ được nâng lên đáng kể: “Chúng ta nói về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bởi vì cụm từ này nêu hết được tầm quan trọng của việc Ấn Độ vươn lên trong khu vực”[2] và sẽ được coi là một cường quốc khu vực chứ không chỉ là một đất nước rộng lớn nhưng lẻ loi[3].

Đánh giá về tầm quan trọng của Ấn Độ trong chiến lược mới của Mỹ, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh: Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không chỉ có tầm quan trọng với Ấn Độ mà còn có ảnh hưởng sâu sắc với tất cả các nước trên thế giới. Trong điều kiện mới, Ấn Độ đã nâng cấp chính sách “Hướng Đông” thành “Hành động hướng Đông”, có sự chia sẻ lợi ích và tỏ ra sẵn sàng hợp tác hơn với Mỹ trong việc kiềm chế, ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc. Do đó, chính sách “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” được kỳ vọng sẽ là tiền đề cho “Tứ giác an ninh” Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Australia.

Ngày 19-12-2017, một ngày sau khi Chính phủ Mỹ công bố Chiến lược an ninh quốc gia  (NSS), ông Raveesh Kumar - Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Ấn Độ nhấn mạnh: Quan hệ Mỹ - Ấn Độ có một ý nghĩa chiến lược “quan trọng”, “hai quốc gia dân chủ có trách nhiệm (tức Ấn Độ và Hoa Kỳ) chia sẻ các mục tiêu chung, bao gồm cuộc chiến chống khủng bố, cổ vũ cho hòa bình và an ninh trên toàn cầu”, trong đó có khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương[4]

Trong tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Thủ tướng Narendra Modi đặc biệt quan tâm đến cấu trúc an ninh khu vực với nhiều thách thức đang nổi lên, đồng thời nhấn mạnh an ninh và ổn định trong khu vực có thể được thực hiện nếu dựa trên các nguyên tắc công bằng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, cùng theo đuổi mục tiêu hướng đến phát triển thịnh vượng và tiến bộ.

Một nhân tố quan trọng khác thúc đẩy Mỹ và Ấn Độ sát cánh với nhau, đó là mối đe dọa từ Trung Quốc. Chia sẻ về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ tại Đối thoại Shangri-La năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã không ngần ngại lên án các hành động có thể ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực, trong đó có những hành động đơn phương của Trung Quốc gần đây trên Biển Đông. Mỹ sẵn sàng hợp tác nhưng cũng sẽ hành động nếu cần thiết, bởi những việc làm của Trung Quốc thời gian gần đây là đi ngược lại những gì mà Mỹ cam kết, đó là mang lại hòa bình, ổn định và cởi mở cho khu vực. Với Ấn Độ, nguy cơ từ sự trỗi dậy của Trung Quốc còn “sát sườn” hơn. Các dự án cơ sở hạ tầng ngày một mở rộng của Trung Quốc ở Nam Á đang thách thức vị thế địa chính trị của nước này trong khu vực, thậm chí là ngay tại tiểu lục địa Ấn Độ. Bởi vậy, khi đề cập tới yêu cầu liên kết trong khu vực, Mỹ chắc chắn là một “mắt xích” quá phù hợp cho Ấn Độ để đối trọng với Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, với những thành tựu đạt được trong những năm qua, Ấn Độ được đánh giá như một siêu cường tương lai và từng bước vượt Trung Quốc để trở thành nền kinh tế chủ đạo có mức độ tăng trưởng cao nhất thế giới (7.1% năm 2016 so với 6.7% của Trung Quốc). Ấn Độ cũng được dự đoán sẽ vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2024 và vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030. Ấn Độ cũng là một trong chín quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và có lực lượng quân đội đông thứ hai thế giới… Điều đáng chú ý là sự trỗi dậy của Ấn Độ lại được sự đón nhận tích cực của Mỹ và các nước phương Tây. Với tiềm lực kinh tế và quân sự, Ấn Độ đã có những bước đi tích cực nhằm gia tăng vai trò an ninh và chính trị tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, từng bước mở rộng ảnh hưởng thông qua chính sách “Hành động Phía Đông”. Theo đó, Ấn Độ tìm cách cạnh tranh một cách có chọn lọc trong các dự án cơ sở hạ tầng để tăng cường kết nối khu vực; đảm bảo sẽ là một trong những nước đóng góp đầu tiên cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai trong khu vực; mở rộng hợp tác an ninh hàng hải song phương và nâng cấp đáng kể quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, Nhật Bản và Australia. Từ đó, Mỹ xây dựng chiến lược mới với mong muốn đưa Ấn Độ trở thành đối trọng và từng bước trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất trong khu vực thay cho vị trí của Trung Quốc. Như vậy, trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Ấn Độ là một trong bốn trụ cột quan trọng.

Đối với cả hai không gian chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Mỹ và sáng kiến BRI của Trung Quốc, Việt Nam đều chiếm một vị trí quan trọng. Bài học liên minh trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng. Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” và sáng kiến BRI đã bắt đầu va chạm nhau vào cuối năm 2017. Tổng thống Mỹ Donal Trump ví Việt Nam là trung tâm của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngược lại, Trung Quốc, trong những thông cáo chung Việt - Trung đều nói đến Việt Nam là đầu cầu của sáng kiến Vành đai và Con đường. Vấn đề bây giờ là Việt Nam lựa chọn như thế nào. Việt Nam cần nhận thức được sâu sắc sự khác nhau giữa hai không gian chiến lược  ấy. Trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, Việt Nam cần xác định và lựa chọn bước đi đúng đắn để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc, đồng thời không ngừng nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế.


[1] Dẫn theo VOV.vn.

[2] Nhận định của quan chức Nhà Trắng chia sẻ với truyền thông Ấn Độ.

[3] Theo VOV.vn.

[4] Dẫn theo Báo chí Ấn Độ ngày 19-12-2017.


* Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

** Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

** Bài tham luận Hội thảo khoa học quốc tế "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở" tổ chức tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày 24/8/2018.​​​

Nguồn:

Cùng chuyên mục