Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở” và tác động đến tiềm năng hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ (Phần 2)
TS Nguyễn Thị Phong Lan*
Trong bài phát biểu của mình trước Quốc hội Ấn Độ vào năm 2007, Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe - đã lập luận rằng, “châu Á rộng lớn hơn”, được hình thành nhờ mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Nhật Bản và Ấn Độ, “sẽ tiến triển thành một mạng lưới rộng lớn bao trùm toàn bộ Thái Bình Dương, trong đó có cả Mỹ và Australia. Rộng mở và minh bạch, mạng lưới này sẽ cho phép người dân, hàng hóa, vốn và tri thức... tự do lưu thông. Khuôn khổ bốn bên dường như đã tàn lụi chỉ sau một vòng tham vấn giữa các quan chức cấp cao của 4 nước vào mùa hè năm 2007 do sự phản đối từ phía Trung Quốc. Năm 2008, Chính phủ Australia mới đắc cử, do Kevin Rudd lãnh đạo, đã công khai bác bỏ khái niệm về khuôn khổ bốn bên ở châu Á.
Sau khi trở lại làm Thủ tướng Nhật Bản vào cuối năm 2012, ông Shinzo Abe đã tìm cách khôi phục khuôn khổ bốn bên. Trong một bài viết cho truyền thông đại chúng và khi ông phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ vào năm 2007, Shinzo Abe thừa nhận mình đã đánh giá thấp tiến độ và phạm vi của sự trỗi dậy trên biển của Trung Quốc. Khi Trung Quốc thể hiện thái độ quyết đoán ở biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời triển khai sức mạnh vào Ấn Độ Dương, ông Shinzo Abe đã vạch ra một chiến lược “mà nhờ đó Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và bang Hawaii của Mỹ hình thành một hình thoi để bảo vệ các vùng biển chung, trải dài từ khu vực Ấn Độ Dương đến Tây Thái Bình Dương. Tôi sẵn sàng đầu tư, ở mức độ nhiều nhất có thể, các năng lực của Nhật Bản vào hình thoi an ninh này”[1]. Vì vậy, Nhật Bản đã tăng cường hoạt động hàng hải ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời thúc đẩy Ấn Độ, Mỹ và Australia khôi phục khuôn khổ bốn bên. Mặc dù ở phương diện chính trị, các nhà lãnh đạo Ấn Độ có cảm tình đặc biệt với Abe, nhưng họ dường như chưa sẵn sàng cho kế hoạch này.
Như vậy, quan niệm “Ấn Độ - Thái Bình Dương” như một không gian địa - chính trị cố kết, đã dần dần có được sức hút bởi sự trỗi dậy của Ấn Độ, cùng mối quan hệ chiến lược ngày càng sâu sắc hơn giữa nước này với Mỹ và sự ủng hộ của Nhật Bản. Chính quyền của Tổng thống D. Trump đã biến ý tưởng về một “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” thành nét mới, thể hiện tầm nhìn đối với chính sách châu Á của Mỹ. Ấn Độ - Thái Bình Dương không chỉ với tư cách là một không gian địa - chính trị mà còn là dấu mốc của việc Ấn Độ bắt đầu đóng một vai trò lớn hơn trong cấu trúc an ninh đang hình thành tại một khu vực rộng lớn, kéo dài từ bờ Đông châu Phi đến Tây Thái Bình Dương, đồng thời được cho là rộng mở hơn trước khi xúc tiến những thỏa thuận cộng tác vì an ninh khu vực trong cơ chế bốn bên giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia[2].
Đây là một diễn biến phù hợp với xu thế địa chiến lược hiện tại, đặc biệt là trong bối cảnh có sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc và nước này có xu hướng bành trướng sự ảnh hưởng của mình ra bên ngoài. Tiến trình này đụng chạm tới lợi ích của các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ cũng như các quốc gia trong bộ tứ. Do đó, họ có những hành động vừa để thúc đẩy các lợi ích hợp tác giữa bốn quốc gia thành viên cũng như vừa có lập trường, sự phối hợp hành đồng để có thể đối phó với sự trỗi dậy và bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Vị trí, vai trò và thái độ của Ấn Độ đối với Chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở”
Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với tư cách là một ý tưởng địa - chính trị chỉ có khả năng tồn tại nếu New Delhi đóng một vai trò lớn hơn trong việc định hình nền chính trị an ninh của một khu vực rộng lớn, kéo dài từ bờ Đông châu Phi đến Tây Thái Bình Dương và rộng mở hơn trước những thỏa thuận cộng tác vì an ninh khu vực như cơ chế 4 bên giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia[3].
Việc Washington quyết định gắn chặt Ấn Độ vào Chiến lược châu Á của họ và việc New Delhi sẵn sàng từ bỏ những do dự về khuôn khổ bốn bên chắc chắn sẽ cải thiện các triển vọng cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như một khái niệm địa chính trị đáng tin cậy.
Sự hội nhập ngày càng gia tăng giữa hai đại dương và một Ấn Độ đang trỗi dậy sẽ đóng góp nhiều cho hòa bình và sự phồn thịnh trong khu vực. Ngoài nhân tố Ấn Độ, việc tạo dựng một không gian nối hai đại dương đã nhanh chóng tìm thấy sự cộng hưởng ở hai nước Australia và Indonesia - vốn nằm ở nơi giao nhau giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Tranh luận về các vấn đề và triển vọng cho khái niệm địa chính trị mới đã thu hút đông đảo sự tham gia của giới trí thức trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI. Mặc dù có nhiều người ủng hộ nhưng cũng có nhiều người chỉ trích, đặc biệt là từ Bắc Kinh, lập luận Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một siêu khu vực nhân tạo đang được xây dựng nhằm cô lập Trung Quốc.
Giống như nhiều nước khác, New Delhi có phần do dự về việc đón nhận ý tưởng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong khi một số người nhìn thấy cơ hội để Ấn Độ mở rộng sự hiện diện toàn cầu của họ, thì những người khác lại coi đó là một nỗ lực có thể có của Mỹ nhằm lôi kéo Ấn Độ vào một vòng kiềm chế chống lại Trung Quốc. Mặc dù cựu Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh trước đây vẫn sử dụng thuật ngữ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng không phải tất cả mọi người trong Chính phủ đều tỏ ra bị thuyết phục. Nếu như đó là một vấn đề về ý thức hệ đối với một số người, thì những người khác lại đặt câu hỏi về tính thiết thực của khái niệm này. Cố vấn an ninh quốc gia của Singh là Shivshankar Menon đã chỉ ra các vấn đề với việc định nghĩa “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” như một không gian riêng rẽ: “Lý do tôi phản đối việc gọi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một không gian là vì nếu chúng ta làm vậy, thì có nguy cơ đưa ra một giải pháp cho các vấn đề an ninh khác nhau gây lo lắng ở Ấn Độ Dương, các vùng biển gần Trung Quốc và Tây Thái Bình Dương”[4].
Chính quyền Narendra Modi, vốn chịu trách nhiệm về quốc gia từ tháng 5/2014, bắt đầu chấp nhận thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” theo một cách chậm mà chắc. Trong tuyên bố “Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” được N. Modi và B. Obama đưa ra vào tháng 1/2015, hai nhà lãnh đạo đã gọi khu vực này là “châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”. Một năm sau, New Delhi bắt đầu sử dụng cả hai thuật ngữ “châu Á - Thái Bình Dương” và “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Kể từ năm 2017, N. Modi và các cố vấn của ông đã sử dụng thuật ngữ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thường xuyên hơn. Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ D. Trump và Tổng thống Ấn Độ N. Modi tại Washington vào cuối tháng 6/2017 đã tạo dựng mối quan hệ đối tác Mỹ - Ấn Độ trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. “Với vai trò là các bên quản lý có trách nhiệm ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Tổng thống Mỹ D. Trump và Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đã nhất trí rằng, một mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa Mỹ và Ấn Độ có ý nghĩa trung tâm đối với hòa bình và sự ổn định trong khu vực”[5].
New Delhi cũng tán thành quan niệm về một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” được Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe trình bày rõ ràng. Vào cuối buổi gặp gỡ của họ tại Gujarat vào tháng 9/2017, Ông N. Modi và ông Abe đã nhấn mạnh “cam kết mạnh mẽ của họ về mối quan hệ đối tác dựa trên các giá trị của hai nước trong việc đạt được một khu vực tự do, rộng mở và phồn thịnh mà ở đó chủ quyền và luật pháp quốc tế được tôn trọng, và những bất đồng được giải quyết thông qua đối thoại, ở đó tất cả các nước, dù lớn hay bé, đều được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không, sự phát triển bền vững, và một hệ thống thương mại và đầu tư tự do, công bằng và rộng mở”. Hai nhà lãnh đạo cũng cam kết kết hợp Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Nhật bản với Chính sách “Hành động Phía Đông” của Ấn Độ, thông qua việc tăng cường hợp tác an ninh hàng hải, cải thiện tính kết nối trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn hơn và tăng cường hợp tác với ASEAN.
Mỹ cũng chấp nhận chủ đề “Một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Trong bài phát biểu của mình tháng 10/2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã kêu gọi phải có một quan hệ đối tác kéo dài 100 năm ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương giữa Mỹ và một Ấn Độ “đang trỗi dậy một cách có trách nhiệm”. “Trọng tâm của thế giới đang dịch chuyển sang trung tâm của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ và Ấn Độ - với các mục tiêu chung của chúng ta là hòa bình, an ninh, tự do hàng hải, và một cấu trúc tự do và rộng mở - phải đóng vai trò như là những ngọn đèn dẫn đường ở phía Đông và phía Tây của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, là ngọn đèn bên trái và ngọn đèn bên phải mà ở giữa chúng khu vực này có thể đạt tới tiềm năng lớn nhất và tốt nhất của mình”. Tillerson phát đi tín hiệu rằng, Washington chắc chắn đã đưa “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” vào từ điển chiến lược của Mỹ[6].(Xem tiếp phần 3)
[1] “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Tổng thống Donald Trump và câu đố Ấn Độ của Mỹ”, Tạp chí ISAS Insights, số 476, 13/11/2017.
[2] “Hé lộ chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ”,… Tài liệu đã dẫn.
[3] “Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương của Tổng thống Donald Trump...”, Tài liệu đã dẫn.
[4] “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Tổng thống Donald Trump…”, Tài liệu đã dẫn.
[5] “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Tổng thống Donald Trump”,… Tài liệu đã dẫn.
[6] “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Tổng thống Donald Trump”,… Tài liệu đã dẫn.
* Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
** Bài tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế: “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở” tổ chức ngày 24/8/2018 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục