Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tác động đối với ASEAN trong bối cảnh hiện nay (Phần 1)

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tác động đối với ASEAN trong bối cảnh hiện nay (Phần 1)

03:30 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

TS. Phạm Hoàng Tú Linh*

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần đề cập đến khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong các bài phát biểu của mình cuối năm 2017, khái niệm này có liên quan đến Chiến lược An ninh quốc gia và Chiến lược Quốc phòng của Mỹ, nó được các nước trong khu vực đón nhận với nhiều cách thức khác nhau. Vậy chiến lược này có tác động như thế nào đến tình hình khu vực và các quốc gia ASEAN? Thái độ và phản ứng của các quốc gia ASEAN như thế nào đối với chiến lược này? Liệu rằng, chiến lược này có giúp xây dựng một khối đại đoàn kết các quốc gia ASEAN sống trong hòa bình - thịnh vượng hay không?

II. Nội dung

1. Bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dưới góc độ vị trí là không gian địa lý bao gồm các quốc gia nằm ở ven bờ Ấn Độ Dương và phía Tây Thái Bình Dương, cùng với các vùng biển nối hai đại dương này lại với nhau, chia thành 03 khu vực như sau:

(i) Tây Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gồm phần phía Tây và trung tâm Ấn Độ Dương, bao gồm bờ biển phía Đông châu Phi, Biển Đỏ, vịnh Aden, vịnh Pecxich, biển Ả Rập[1], vịnh Bengan và biển Andaman, cũng như các vùng nước ven biển đảo Madagascar, quần đảo Seychelles, Comoros, quần đảo Mascarene, Maldives và quần đảo Chagos.

(ii) Trung Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gồm rất nhiều biển và eo biển nối Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm: các vùng biển bao quanh quần đảo Indonesia, Biển Đông, Philippines, biển phía Bắc Australia, các vùng biển bao quanh New Guinea, Tây và Trung Micronesia, quần đảo Solomon, Vanuatu, Fiji và Tonga.

(iii) Đông Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gồm hải vực bao quanh hầu hết các hòn đảo núi lửa nằm ở trung tâm Thái Bình Dương, trải dài từ quần đảo Marshall đến Trung và Đông Nam Polynesia, đảo Phục Sinh và Hawaii.

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có dân số chiếm gần một nửa dân số thế giới, bao gồm các nước ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á đầy năng động, cùng với nhiều quốc gia thuộc Trung Đông và châu Phi có tài nguyên phong phú và có nhiều tuyến đường biển yết hầu quan trọng của kinh tế thương mại toàn cầu. Hiện khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có ba nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc. Có 7 trong số 8 thị trường phát triển nhanh nhất thế giới, điển hình là Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Timor Leste, Papua New Guinea,v.v… và 7 trong số 10 lực lượng quân đội có quy mô lớn nhất toàn cầu như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan, Australia. Khu vực này không chỉ có các nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, mà còn là nơi chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt nhất về các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như có thể tạo ra các điểm nóng chiến lược nguy hiểm. Có thể nhìn nhận rằng, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là chìa khóa đảm bảo an ninh toàn cầu.

Do vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của khu vực, các nước, nhất là các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ đều có những điều chỉnh chiến lược, nhằm tăng cường ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích của mình ở khu vực này. Tại diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương ngày 11/11/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập ý tưởng xây dựng một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Tiếp theo ngày, 18/12/2018, lần đầu tiên trong Chiến lược An ninh quốc gia của Mỹ đã đề cập đến chiến lược mới của nước này bao gồm cả một khu vực rộng lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bản chất của chiến lược này không khác gì ngoài sự tiếp nối chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ trước đây và mở rộng sang cả khu vực Ấn Độ Dương. Cốt lõi của chiến lược là nhằm xây dựng một trục liên minh bộ tứ Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ để kiềm chế, ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực và giành quyền chủ đạo, khống chế toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Những thay đổi chiến lược này đã mang đến nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho những nước ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là những nước nhỏ, đang phát triển. Ấn Độ là một trong tứ trụ của chiến lược đã có cách tiếp cận cụ thể, rõ ràng về chiến lược này. Từ chính sách hướng Đông đến chính sách hành động phía Đông là một loạt những toan tính của Ấn Độ trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang diễn ra trên các giác độ chiến lược quân sự, kinh tế, kiềm chế và phong tỏa chiến lược.

Đối thoại Shangri La thường niên lần thứ 17 ở Singapore năm 2018 có số lượng Bộ trưởng Quốc phòng và các quan chức cấp cao tham dự đạt mức kỷ lục, với nội dung địa chiến lược của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nổi lên là chủ đề trọng tâm. Bài phát biểu khai mạc được dành cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ông Modi đã sử dụng cơ hội đó để nhấn mạnh sự gắn kết lịch sử giữa Ấn Độ với khu vực. Đặc biệt, ông Modi nhấn mạnh mối quan hệ sâu sắc Ấn Độ - Đông Nam Á là mối quan hệ liền núi liền sông. Ông Modi cũng cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực tự nhiên “với Đông Nam Á ở trung tâm, đồng thời hoan nghênh Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đặt nền tảng cho khu vực này”. Ông Modi đã diễn tả tầm nhìn của Ấn Độ về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là tất cả các quốc gia đều có quyền tiếp cận bình đẳng theo luật pháp quốc tế trong việc sử dụng các không gian chung trên biển, trên không. Những điều đó sẽ đưa lại quyền tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ông Modi đánh giá cao vai trò quan trọng của Singapore và cho rằng, khi các vùng biển được mở cửa, an toàn, các quốc gia có thể kết nối với nhau, thúc đẩy các quy phạm pháp luật, khu vực sẽ trở nên ổn định, các quốc gia từ nhỏ tới lớn đều phát triển thịnh vượng như những nước có chủ quyền thực sự. Các nước này muốn tự do và không sợ hãiTấm gương của Singapore thể hiện khi các quốc gia trong khu vực ủng hộ những nguyên tắc đó, không chịu đứng sau một cường quốc hay thế lực nào, thì họ có thể giành được sự tôn trọng của thế giới và có tiếng nói trong các vấn đề quốc tế. Ông Modi nhấn mạnh việc nâng cấp quan hệ Ấn Độ - Indonesia lên Đối tác Chiến lược Toàn diện và đưa ra Tuyên bố chung về tầm nhìn chung cho hợp tác hàng hải ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này phản ánh việc coi trọng sử dụng khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Indonesia, cũng như phản ánh sự gắn kết của Ấn Độ đối với chiến lược này. Tầm nhìn chung của Ấn Độ - Indonesia kêu gọi hợp tác quốc phòng và chiến lược sâu sắc hơn, bao gồm kế hoạch xây dựng cảng biển chiến lược của Ấn Độ tại đảo Sabang vốn nằm ngay cửa ngõ Eo biển Malacca.

Bài phát biểu của ông Modi cũng diễn tả mối quan hệ sâu sắc Ấn Độ - Mỹ đã vượt qua sự do dự trong lịch sử và hiện là đối tác chiến lược lớn dựa trên tầm nhìn chung về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở cửa, ổn định, an ninh và thịnh vượng. Trong khi đó, ông Modi cho rằng, quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc ít nồng ấm hơn, song thừa nhận, hai nước đã mở rộng quan hệ thương mại và hợp tác trên các lĩnh vực khác để thúc đẩy lòng tin, sự tin cậy, hiểu biết về những lợi ích của nhau.

Cũng tại đối thoại này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã vạch ra khuôn khổ của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với vai trò trung tâm của ASEAN, ủng hộ quan hệ đối tác với ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, đồng thời tái đảm bảo với các nước Đông Nam Á rằng, chiến lược này ở mức độ nào đó, khi được đúc kết thành cơ chế hợp tác Đối thoại Tứ giác (Ấn Độ - Mỹ - Úc - Nhật Bản) không có nghĩa là loại trừ hoặc giảm bớt vai trò của Đông Nam Á. Ông Mattis cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đoàn kết ASEAN, cho rằng, ngày càng có nhiều nước thành viên ASEAN thể hiện quan điểm riêng và cách tốt hơn là các nước này nên thúc đẩy sự tự do trong khu vực trước các hành động cưỡng ép và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Ông Mattis đã phác thảo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở gồm 4 yếu tố: tập trung vào lĩnh vực hàng hải và bảo vệ các quyền tự do hàng hải; xây dựng mạng lưới đồng minh, đối tác; đẩy mạnh quy phạm pháp luật, xã hội dân sự, minh bạch trong điều hành chính phủ; phát triển kinh tế với vai trò đi đầu của lĩnh vực tư nhân. Ông Mattis cũng khẳng định, chiến lược của Mỹ thừa nhận không một nước nào có thể hoặc sẽ thống trị khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là một nguyên tắc mà ASEAN nên đưa vào vấn đề Biển Đông. Theo bài phát biểu bế mạc của Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang tiến hành các hành động đơn phương gây chệch hướng các tiêu chí toàn cầu, thách thức các quy tắc được thống nhất về cách hành xử và giữ nguyên trạng. Các nước trong khu vực không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc nỗ lực tìm cách thích nghi khi những quy tắc đó bị thay đổi.

2. Nội dung của Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump

Việc Tổng thống Mỹ D. Trump đưa ra chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” và cách hành xử của ông trong chuyến thăm châu Á vừa qua bước đầu định hình một chiến lược cam kết của Mỹ trong khu vực, đồng thời là chỉ dấu quan trọng cho thấy, Mỹ đang dần trở lại châu Á, hay ít nhất, khu vực châu Á vẫn nhận được sự quan tâm của Mỹ. Ngày 18/10/2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lần đầu tiên đưa ra khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) ở Washington.

Kể từ đó, Chính quyền Tổng thống Donald Trump bắt đầu sử dụng thuật ngữ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để thay thế cho châu Á - Thái Bình Dương của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. 

Mỹ đang dần hình thành chính sách đối với châu Á.

Trong bài phát biểu với tiêu đề Định nghĩa lại quan hệ Mỹ - Ấn trong thế kỷ mới, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cho rằng, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao gồm tất cả các quốc gia nằm ở ven bờ Ấn Độ Dương và phía Tây Thái Bình Dương sẽ là bộ phận quan trọng nhất của thế giới trong thế kỷ XXI. Mỹ cần tăng cường hợp tác với Ấn Độ nhằm đảm bảo Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một khu vực ngày càng hòa bình, ổn định và phồn vinh, không trở thành một khu vực hỗn loạn, xung đột và cướp đoạt về kinh tế.

Không lâu sau khi Ngoại trưởng Tillerson trình bày khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Chính phủ Mỹ đã triển khai rất nhiều hoạt động ngoại giao tại khu vực này. Từ ngày 20 đến 26/10/2017, ông Tillerson đã thực hiện các chuyến thăm đến các nước dọc phía Bắc Ấn Độ Dương từ Saudi Arabia, Qatar đến Afghanistan và Iraq, tiếp đó đến Pakistan và Ấn Độ. (Xem tiếp phần 2)


* TS. Phạm Hoàng Tú Linh, Học viện Quản lý giáo dục

[1] Arabian Sea.

** Bài tham luận Hội thảo khoa học quốc tế "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở" tổ chức tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày 24/8/2018.

Nguồn:

Cùng chuyên mục