Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ: Nhân tố tác động và triển vọng 5 năm tới (Phần 2)

Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ: Nhân tố tác động và triển vọng 5 năm tới (Phần 2)

Thủ tướng Narendra Modi lên cầm quyền từ tháng 5/2014 tỏ rõ quyết tâm muốn Ấn Độ đóng vai trò chiến lược lớn hơn thông qua phát triển các mối quan hệ đối ngoại theo ba hướng chính gồm: (i) củng cố và tăng cường quan hệ với các nước láng giềng Nam Á và đảm bảo vai trò lãnh đạo tại khu vực Ấn Độ Dương, (ii) phát triển quan hệ với các cường quốc, (iii) đẩy mạnh quan hệ với châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông và Đông Nam Á, thông qua chính sách Hành động Hướng Đông (Act East Policy), nâng cấp từ Chính sách Hướng Đông (Look East Policy) vốn được thực hiện nhất quán qua các kỳ Thủ tướng từ năm 1992.

02:59 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ: Nhân tố tác động và triển vọng 5 năm tới

 

PGS, TS Nguyễn Vũ Tùng*

TS Đặng Cẩm Tú**

 

2. Chính sách Hành động Hướng Đông: Những nhân tố thúc đẩy

Thứ nhất, Ấn Độ có sức nặng địa chiến lược/địa kinh tế “tự thân”. Độ lớn của thị trường và mức độ tăng trưởng cao của nền kinh tế Ấn Độ tạo điều kiện tốt cho nước này kết nối được với chuỗi giá trị và chuỗi sản xuất của khu vực Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương dựa trên lợi thế so sánh. Ấn Độ đã vượt Trung Quốc trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới[1] và đến 2030, thậm chí 2020, có triển vọng trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Hiện nay, Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ ba châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản), thứ năm tại châu Á - Thái Bình Dương (sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga) và là nền kinh tế đứng thứ 11 thế giới. Ấn Độ có tiềm năng trở thành một hình mẫu về sự kết hợp giữa phát triển kinh tế với thể chế dân chủ lớn nhất thế giới có bề dày hơn 60 năm, với định hướng phát triển nhằm đạt khả năng tự chủ cao về năng lượng. Ngày 20/6/2016, Chính phủ Modi đã công bố kế hoạch cải cách quan trọng liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, mở một số khu vực quốc phòng và hàng không dân dụng cho nước ngoài sở hữu. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài vào Ấn Độ.

Về lực lượng lao động, Ấn Độ có dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào và số dân nói tiếng Anh đông thứ hai trên thế giới. Nhiều nhà phân tích cho rằng, đây là một lợi thế của Ấn Độ so với Trung Quốc. Đến năm 2030, nhiều khả năng Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất thế giới với khoảng hơn 1,5 tỷ người.

Về quân sự, Ấn Độ là cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân, có tiềm lực quân sự và có ảnh hưởng lớn nhất ở khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương. Trung tâm Nghiên cứu quân sự IHS Jane dự báo, năm 2020, Ấn Độ có thể sẽ vượt qua Nhật Bản, Pháp và Anh, trở thành nước chi tiêu quân sự lớn thứ tư thế giới[2]. Ấn Độ sở hữu trình độ khoa học công nghệ vũ trụ và vũ khí hạt nhân tiên tiến. Jane cũng dự báo, đến 2030, sức mạnh quân sự của Ấn Độ có thể đứng thứ tư thế giới, xếp sau Mỹ, Nga và Trung Quốc trong danh sách 10 nền quân sự mạnh nhất thế giới. Tiềm lực quân sự của Ấn Độ có thể đủ để tạo ra sự thay đổi trong các mối liên kết an ninh có sự tham gia của Ấn Độ.

Về mặt chủ quan, ý chí quyết tâm của giới lãnh đạo Ấn Độ muốn đưa đất nước phát triển trở thành một cường quốc cũng là một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự lớn mạnh của Ấn Độ. Trên thực tế, trở thành cường quốc đã được đặt thành mục tiêu chiến lược của Ấn Độ. Đặc biệt, chính quyền của Đảng BJP với thủ lĩnh Narendra Modi vừa được bầu lên tháng 5/2014 đã nêu quyết tâm phát triển kinh tế, ổn định chính trị nội bộ, chấn hưng và cách tân đất nước, tăng cường năng lực quốc phòng, đổi mới chính sách đối ngoại trong đó ngoại giao kinh tế và việc mở rộng các mối quan hệ đối tác chiến lược là hai trọng tâm ưu tiên. Tư tưởng “nước lớn” được giới lãnh đạo Ấn Độ nuôi dưỡng từ nhiều thập kỷ nay vẫn đang được kế thừa một cách xuyên suốt.

Thứ hai, Mỹ ngày càng coi trọng vai trò của Ấn Độ trong quá trình hoạch định và triển khai Chiến lược Tái cân bằng. Do chiến lược Tái cân bằng có mục tiêu kiềm chế Trung Quốc và tập hợp lực lượng trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, Mỹ có nhu cầu lôi kéo đồng minh và đối tác mới. Mỹ coi Ấn Độ là đối tác có sức nặng nhất về chiến lược[3]. Về phần mình, bằng việc tranh thủ kết hợp chính sách Hành động Hướng Đông với chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á, Ấn Độ muốn mở rộng không gian địa chiến lược để đối phó với sự lớn mạnh và chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán của Trung Quốc, đồng thời theo đuổi một mối quan hệ cân bằng hơn với Trung Quốc. Trong chuyến thăm Mỹ vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã phát biểu rằng, “sự thiếu vắng một cấu trúc an ninh khu vực đã tạo ra những bất ổn ở châu Á” và, trong bối cảnh đó, hợp tác Ấn - Mỹ sẽ giúp đảm bảo tự do hàng hải và an ninh cho các tuyến đường biển.

Mỹ đã có nhiều biện pháp lôi kéo Ấn Độ rõ rệt. Trước khi được bầu là Thủ tướng Ấn Độ, ông Modi từng bị cấm vào Mỹ theo điều luật năm 1998 về việc cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài có "vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về tự do tôn giáo”. Bản thân ông Modi, khi còn là Thủ hiến bang Gujarat, từng bị cáo buộc có liên quan đến cuộc thảm sát hơn 1.000 người Hồi giáo năm 2002. Tuy nhiên, kể từ khi trở thành Thủ tướng, ông đã được Mỹ nồng nhiệt hoan nghênh. Trước chuyến thăm Washington năm 2016 vừa qua, hai nhà lãnh đạo Mỹ, Ấn đã có 7 cuộc gặp gỡ trong vòng 2 năm. Đây là một con số ấn tượng trong bối cảnh Washington và New Delhi chưa thiết lập quan hệ đồng minh chính thức.

Điểm nổi bật nhất trong hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ hiện nay là lĩnh vực quân sự, an ninh, quốc phòng. Hai bên đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung và gần đây là chia sẻ nhiều điểm đồng lợi ích về an ninh hàng hải trên Biển Đông. Cựu Đại sứ Mỹ Frank Wisner nhận xét, Washington và New Delhi đang có “một trong những mối quan hệ quốc phòng lớn nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới”. Tháng 4/2016, Ấn Độ và Mỹ đã cam kết tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương bằng cách nhất trí cho phép hai bên sử dụng các cơ sở quân sự của nhau cho mục đích cung cấp hậu cần và sửa chữa.

Thủ tướng Narendra Modi cũng đã giành được sự hậu thuẫn của Mỹ và Mexico cho việc Ấn Độ gia nhập Nhóm các quốc gia cung ứng hạt nhân (NSG). Đây là tổ chức được thành lập để kiểm soát việc buôn bán, cung ứng chất liệu phóng xạ cũng như chuyển giao công nghệ hạt nhân. Tham gia nhóm này, Ấn Độ không chỉ có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển chương trình hạt nhân mà còn gia tăng đáng kể vị thế quốc tế, kéo theo vai trò và ảnh hưởng chính trị của một nước có năng lượng hạt nhân.

Nhằm gắn Ấn Độ vào chiến lược Tái cân bằng, Mỹ còn khuyến khích các đồng minh và đối tác của Mỹ phát triển quan hệ với Ấn Độ. Hợp tác Mỹ - Nhật - Ấn được đẩy mạnh. Trên thực tế, Ấn Độ đã tham gia hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Ấn diễn tập chiến tranh chống tàu ngầm, phòng không, tìm kiếm và cứu nạn tại vùng biển Philippines. Cựu ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã coi Ấn Độ là “một cường quốc toàn cầu đang trỗi dậy có thể trở thành một trụ cột cho sự ổn định của khu vực châu Á đang thay đổi nhanh chóng”. Mỹ luôn khuyến khích Ấn Độ đóng một vai trò lớn hơn trong cục diện an ninh châu Á - Thái Bình Dương[4], theo đó, Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2006 đã xác định Ấn Độ là một đối tác chiến lược chủ chốt của Mỹ, được xếp cùng hạng mục với các đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương[5].

Thứ ba, các nước khác ngày càng coi trọng hơn vai trò của Ấn Độ về an ninh. Lợi thế của Ấn Độ là chính sách không liên kết từ trong chiến tranh Lạnh cho đến nay cùng với Chính sách Hướng Đông và nay là Hành động Hướng Đông đã tạo cho Ấn Độ những mối quan hệ đối ngoại thân thiện, tốt đẹp với các nước lớn và hầu hết các quốc gia trong khu vực. Các nước chủ chốt trong khu vực ủng hộ vai trò ngày càng quan trọng của Ấn Độ trong các công việc quốc tế và trong chiến lược cân bằng và đối trọng của họ. Sự lớn mạnh của Ấn Độ được các nước lớn khác hoan nghênh nhiều hơn và ít đề phòng hơn so với Trung Quốc. Nói cách khác, giá trị địa chiến lược của Ấn Độ đang ngày càng tăng lên do các nguồn lực sức mạnh của Ấn Độ, do sự lớn mạnh của Trung Quốc và sự gia tăng cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung.

Thứ tư, Trung Quốc cũng coi trọng yếu tố Ấn Độ trong chiến lược của mình. Trung Quốc muốn lôi kéo, trung lập hóa Ấn Độ trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung nhằm đối phó với sự kiềm chế của Mỹ. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng muốn kết nối với Ấn Độ trong chiến lược phát triển kinh tế mới với các trọng tâm vươn ra hướng Tây, kết nối Nam Á - Trung Á - châu Âu và khai thác thị trường Ấn Độ làm nơi tiêu thụ hàng hóa và sức sản xuất dư thừa của Trung Quốc.

Mặt khác, cạnh tranh Ấn - Trung cũng là nhân tố thúc đẩy Ấn Độ nhất quán theo đuổi Chính sách Hướng Đông/Hành động Hướng Đông nhằm cân bằng lại sức cạnh tranh từ phía Trung Quốc. Hai nước vẫn còn một số tranh chấp lãnh thổ. Trung Quốc vẫn tiếp tục phủ nhận Sikkim sát nhập vào Ấn Độ và tuyên bố chủ quyền với Arunachal Pradesh - một bang thuộc Đông Bắc Ấn Độ[6]. Mặt khác, Trung Quốc vẫn quan ngại về khả năng Ấn Độ tăng cường ảnh hưởng ở Tây Tạng.

Tại Nam Á, được coi là “sân sau” của Ấn Độ, Trung Quốc cũng đang tăng cường ảnh hưởng, xây dựng mối quan hệ “liên minh” mật thiết với Pakistan - đối thủ lớn nhất của Ấn Độ tại khu vực. Trung Quốc đồng thời đẩy mạnh tiếp cận, tranh thủ mối quan hệ với các quốc gia Nam Á khác để tăng cường sự hiện diện của mình tại khu vực. Sự xuất hiện của Trung Quốc tại Nam Á đã ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của Ấn Độ. Đặc biệt, mối quan hệ Trung Quốc - Pakistan được xem như mối đe doạ an ninh đối với Ấn Độ và sẽ khắc sâu mặt cạnh tranh trong mối quan hệ Trung - Ấn. Tranh chấp lãnh thổ và cạnh tranh ảnh hưởng tại các tiểu khu vực như Nam Á làm cho mặt cạnh tranh nổi trội hơn mặt hợp tác giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Điều này làm cho nhu cầu hướng Đông của Ấn Độ càng mạnh lên. (Xem tiếp phần 3)

* Giám đốc Học viện Ngoại giao.

** Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các nước lớn, Học viện Ngoại giao.


[1] Năm 2015, mức tăng trưởng của Ấn Độ năm là 7,2% (theo OECD), 7,3% (theo IMF), 7,4% (theo ADB) trong khi mức tăng trưởng của Trung Quốc là 6,8% (theo OECD, IMF), 6,9% (theo ADB)

[2] “India as a great power: know your own strength,” The Economist, March 30, 2013

[3] Cuốn sách “Monsoon: The Indian Ocean and The Future of American Power” của Robert D. Kaplan (The Random House Inc., New York, 2010) đã cung cấp cơ sở lý thuyết của chiến lược gắn Ấn Độ với chiến lược Tái cân bằng của Mỹ với mục tiêu là kiểm soát sự phát triển của Trung Quốc, nhất là hải quân từ phía Ấn Độ Dương.

[4] Condoleezza Rice, “US-India Civilian Nuclear Cooperation Agreement,” 5/4/2006

[5] 2006 Quadrennial Defense Review Report, Washington D.C: Department of Defense, 6/2/2006, tr.28

[6] Như trên, trang125.

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục