Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ và quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam (Phần 3)

Chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ và quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam (Phần 3)

“Cả Ấn Độ và Việt Nam đều nằm trong một khu vực có tiềm năng to lớn nhưng cũng nhiều thách thức. Chúng ta đều có mối quan tâm mạnh mẽ về việc cùng nhau hợp tác, … vì một châu Á ổn định, hòa bình và thịnh vượng. .... Ấn Độ rất hoan nghênh Việt Nam nổi lên như là một nền kinh tế năng động nhất, đặc biệt là vì chúng tôi coi Việt Nam là một đối tác chiến lược tin cậy và ưu ái, một trụ cột quan trọng trong Chính sách hướng Đông của chúng tôi”

02:37 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

Chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ và quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam

TS Sampa Kundu*

 

Quan hệ an ninh quốc phòng:

Hợp tác quốc phòng của Ấn Độ với Việt Nam bắt đầu từ rất sớm, ngay sau khi cuộc khủng hoảng ở bán đảo Đông Dương kết thúc. Kể từ đó, nhiều đoàn đại biểu quốc phòng hai bên đã đến thăm đất nước của nhau.

Trong giai đoạn đầu cuộc Chiến tranh lạnh, Việt Nam chưa có nhiều ưu tiên cho Hải quân của mình. Chính sách quốc phòng và ngoại giao của Việt Nam đã thay đổi từ cuối những năm 1980 sau khi chịu nhiều tổn thất trước người Trung Quốc trong trận chiến tại quần đảo Trường Sa năm 1988. Điều này khiến Hà Nội quan tâm nhiều hơn đến việc tăng cường sức mạnh hải quân của mình và chính sách quốc phòng Việt Nam hiện nay tập trung nhiều vào Hải quân. Các tác giả như Collin (2013) cho rằng trong vòng 1 thập kỷ, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã bắt đầu xây dựng chính sách quốc phòng với trọng tâm đặt vào khả năng xảy ra chiến tranh ở Biển Đông.[1] Bắt đầu tư năm 2000, Hà Nội đã mở rộng hợp tác hải quân với các nước châu Á Thái Bình dương, bao gồm cả Trung Quốc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi căng thẳng ở Biển Đông tăng lên, Việt Nam bắt đầu ủng hộ sự hợp tác hải quân nội khối ASEAN. Việt Nam cũng muốn sự hiện diện của Ấn Độ ở Biển Đông như là một đối trọng với Trung Quốc. Tuy nhiên, do tính toàn vẹn của ASEAN là có tầm quan trọng bậc nhất đối với liên kết khu vực, sự can thiệp quá nhiều của Ấn Độ hoặc của bất kỳ một cường quốc nào khác bên ngoài khu vực ở Biển Đông cũng có thể không được chào đón. Một số ý kiến cho rằng sự hợp tác hải quân sâu rộng với Ấn Độ có thể được coi là một yếu tố làm tăng căng thẳng trong khu vực và gây nguy hiểm cho an ninh khu vực.[2]

Năm 1994, quan hệ đối tác hai bên Ấn Độ và Việt Nam về an ninh quốc phòng bắt đầu bằng một Biên bản ghi nhớ nhấn mạnh đến ‘trao đổi, viếng thăm và huấn luyện quân sự’.[3] Nó cũng quyết định rằng Công ty Hindustan Aeronautics Ltd. (HAL) sẽ sửa chữa và cải tiến máy bay chiến đấu MiG 21 của Việt Nam.[4] Vì bản thân Ấn Độ đang sử dụng thiết bị quân dụng của Liên Xô cũ nên dễ dàng có thể giúp Việt Nam sửa chữa các thiết bị máy móc của Liên Xô. Năm 2000 một nghị định thư quốc phòng nữa đã được ký kết bao gồm sự hỗ trợ của Ấn Độ cho việc nâng cao năng lực hải quân của Việt Nam. Ấn Độ và Việt Nam cũng bắt đầu tập luyện chống cướp biển ở Biển Đông phù hợp với hợp tác an ninh song phương của các tuyến thông thương biển (SLOC) năm 2000. Tuyên bố chung và Khung hợp tác toàn diện năm 2003 đã củng cố hợp tác quốc phòng giữa Ấn Độ và Việt Nam.[5] Năm 2005, Ấn Độ đã chuyển giao một lô lớn phụ tùng tàu chiến cho Việt Nam như là một phần của kế hoạch hành động song phường đầu tiên cho giai đoạn 2004-2006. Năm 2006, Ấn Độ đồng ý giúp đỡ hải quân Việt Nam bằng việc cung cấp đào tạo chuyên môn. Năm 2008, Ấn Độ đồng ý đào tạo tầu ngầm trên tàu Satyavahana cho Hải quân Việt Nam. Một Kế hoạch hành động khác được ký kết năm 2011 cho giai đoạn 2011-13 nhằm mục đích nâng cao hợp tác quốc phòng bao gồm tăng cường phối hợp trong việc hiện đại hóa Hải quân Việt Nam. Kế hoạch hành động này cho phép hỗ trợ kỹ thuật của Ấn Độ đối với ngành đóng tầu đầy hứa hẹn của Việt Nam cũng như khai thác khả năng mua công nghệ quân sự của Ấn Độ. Năm 2010, một Biên bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng hai bên nữa được ký kết giữa Ấn Độ và Việt Nam và sau đó đề nghị Ấn Độ cung cấp cơ sở sửa chữa và bảo dưỡng tại cảng của Việt Nam. Việc cho phép Ấn Độ tiếp cận cảng Nha Trang tạo điều kiện cho hải quân Ấn Độ dễ dàng đi vào Biển Đông. Tháng 7/2011, tàu chiến Hải quân Ấn Độ Airavat đã neo đậu tại cảng Nha Trang trên đường đi tới cảng Hải Phòng, một điện đài không xác định nghi của Trung Quốc đã ra lệnh tàu chiến này giải thích sự có mặt ở đó.[6] Trước đó, Bắc Kinh đã cảnh báo Ấn Độ và Việt Nam về liên doanh giữa công ty ONGC Videsh Ltd. và Petro Vietnam ở một lô dầu trên Biển Đông. Năm 2012, Đối thoại quốc phòng chiến lược Ấn Độ - Việt Nam lần thứ 7 được tổ chức và hợp tác chiến lược quốc phòng hai bên được củng cố mạnh mẽ hơn. Vào tháng 6/2013, cả Ấn Độ và Việt Nam tham gia diễn tập tìm kiếm cứu nạn tại giữa thời điểm căng thẳng ở Biển Đông được Trung Quốc coi như là nỗ lực thách thức quyền tối cao tự xưng của Trung Quốc ở Biển Đông.[7] Việt Nam cũng là một đối tác của các cuộc tập trận hải quân nhiều bên, MILAN. Việt Nam cũng đề nghị Ấn Độ cung cấp tên lửa hành trình chống hạm BrahMos, thảo luận về những gì được coi là năng lượng tích cực hiện nay.[8] Diễn biến mới nhất cho thấy rằng Ấn Độ sẽ giúp Việt Nam sử dụng thành thạo hai tầu khu trục nhỏ lớp Petya để Việt Nam có thể đảm đương vai trò chống tầu ngầm.[9] Bên cạnh đó, kể từ 1976, Ấn Độ đã cấp 17 Hạn mức tín dụng (LoCs) trị giá hơn 165 triệu USD cho Việt Nam. Một hạn mức tín dụng quan trọng đã được cấp tháng 7/2013 trị giá 19.5 triệu USD để thực hiện dự án nhà máy thủy điện Nậm Trai 4 và Trạm bơm Bình Bộ.[10] Hơn nữa, Ấn Độ cũng cấp hạn mức tín dụng trị giá 100 triệu USD cho cơ sở hạ tầng và mua sắm quốc phòng.

Mới đây, chúng ta đã thấy truyền thông Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ đối với tin tức Ấn Độ thành lập trạm vệ tinh ở TP Hồ Chí Minh;

“Nếu hợp tác là nhằm chống lại Trung Quốc và xâm phạm lợi ích của Trung Quốc, thì đó là sai lầm và ngu ngốc. Biển Nam Trung Hoa là một lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Nếu Ấn Độ và Việt Nam lấy tranh chấp lãnh thổ làm biện pháp để đối phó với Trung Quốc thì điều đó là nguy hiểm về mặt chiến lược và Bắc Kinh giữ mức báo động cao”.[11]

Trước đó, đã có những ý kiến cho rằng hợp tác an ninh quốc phòng giữa Ấn Độ và Việt Nam chỉ là mối quan hệ hạn chế do năng lực hải quân Việt Nam ở trình độ thấp và sự liên quan trực tiếp trong những tranh chấp Biển Đông.[12] Tuy nhiên, hiện tại điều này đã thay đổi và chuyến thăm mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Manohar Parikkar tới Việt Nam cùng với đoàn đại biểu quốc phòng cấp cao đã cho thấy cách tiếp cận mới đối với Việt Nam. Các chuyên gia quốc phòng Ấn Độ có ý kiến rằng bộ quốc phòng Ấn Độ cuối cùng đã quyết định việc mua bán quốc phòng là “một công cụ chính sách ngoại giao khu vực” và những sáng kiến gần đây của Ấn Độ như bán tên lửa hành trình BrahMos và bốn tầu tuần tra hải quân của công ty GRSE (Garden Reach Shipbuilders and Engineers) cho Việt Nam đã chứng tỏ ý muốn sẵn sàng của Ấn Độ.[13]  Trong chuyến thăm của Parikkar, cả hai bên cũng xác định thêm những lĩnh vực hợp tác bao gồm việc nâng cấp những hệ thống vũ khí của Liên Xô trước đây, nâng cấp Hệ thống kiểm soát hoả lực dành cho xe chiến đấu bộ binh BMP, xe tăng T54 và T55 , nâng cấp máy bay trực thăng MI 17/Mi 8, các chương trình đóng tầu, hệ thống tên lửa của Ấn Độ và Hệ thống phát sóng vô tuyến điều khiển bằng phần mềm (SDR) của Vietnam. Tháng 6/2016, tầu chiến INS Satpura và Kirch đến Vịnh Cam Ranh như là một phần trong kế hoạch dàn quân của Hạm đội Western của Ấn Độ ở Biển Đông và Tây Thái Bình Dương.

Hợp tác kinh tế:

Thành tựu kinh tế của Việt Nam là to lớn bất chấp việc đến với tự do hoá kinh tế và toàn cầu hoá khá muộn. Kinh tế đạt mức tăng trưởng hàng năm 7-9% và tăng trưởng xuất khẩu đạt 25% trong những năm gần đây. Thương mại của Việt nam với Trung Quốc cũng rất lớn. Vị trí địa lý gần với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, mức lương thấp và hệ thống chính trị chuyên chính đã giúp Việt Nam trở thành đích đến cho đầu tư nước ngoài. Bên cạnh các nhà đầu tư nước ngoài lâu năm, Việt Nam cũng muốn Ấn Độ là một nhà đầu tư lớn. Năm 1975, Ấn Độ dành cho Việt Nam quy chế Tối huệ quốc (MFN), hiệp định thương mại song phương được ký kết năm 1978, hiệp định Bảo hộ và thúc đẩy đầu tư (BIPPA) được ký vào năm 1997 và 2003, đàm phán khu vực thương mại tự do đã được khởi xướng cùng với việc ký Tuyên bố chung về Hợp tác toàn diện. Năm 2010, Ấn Độ thực hiện FTA với Việt Nam (như là một phần của FTA Ấn Độ ASEAN) để cắt giảm thuế quan đối với một số sản phẩm và đổi lại, Việt Nam giảm thuế nhập khẩu đối với hàng nhận khẩu từ Ấn Độ.  Thậm chí với tất cả những nỗ lực này, Ấn Độ trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 10 của Việt Nam và là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Trong năm 2014 tổng kim ngạch thương mại hai bên Ấn Độ và Việt Nam ước đạt 5.60 tỷ USD (xuất khẩu của Ấn Độ là 3.1 tỷ USD, nhập khẩu 2.5 tỷ USD). (Xem tiếp phần 4)


Trợ lý nghiên cứu, Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng Ấn Độ (IDSA)

[1] Collin, K.S.L. 2013. Op. Cit.

[2] Collin, K.S.L. 2013. OP. Cit.

[3] Das, Ajaya Kumar. 2013. India’s Defence Related Agreements with ASEAN States: A Timeline. India Review. 12(3). pp-130-133.

[4] Das. 2013. Ibid

[5] Das. 2013. Op Cit

[6] Collin, K.S.L. 2013. OP. Cit. 

[7] For details see http://www.wantchinatimes.com/news-subclass-cnt.aspx?id=20130610000067&cid=1101. Accessed on December 31, 2013, as quoted in Mishra. 2014. Op. Cit.

[8] Brewster, David. 2013. India’s Defence Strategy and the India ASEAN Relationship. India Review. 12(3). pp.151-164.

[9] Pant, Harsh V. 2016. Delhi and Hanoi Get Serious About the Supersonic BrahMos Missile (And More). The Diplomat. July 6. 

[10] MEA. India-Vietnam Relations. January 2016. Op Cit

[11] Kun, Li. 2016. China should stay alert to India-Vietnam cooperation. CCTV. January 28. 

[12] Collin, K.S.L. 2013. OP. Cit. 

[13] Manu, Pubby. 2016. Manohar Parrikar to take along defence industry delegation to Vietnam with aim to boost military relations. Economic Times

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục