Chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ và quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam (Phần 4)
“Cả Ấn Độ và Việt Nam đều nằm trong một khu vực có tiềm năng to lớn nhưng cũng nhiều thách thức. Chúng ta đều có mối quan tâm mạnh mẽ về việc cùng nhau hợp tác, … vì một châu Á ổn định, hòa bình và thịnh vượng. .... Ấn Độ rất hoan nghênh Việt Nam nổi lên như là một nền kinh tế năng động nhất, đặc biệt là vì chúng tôi coi Việt Nam là một đối tác chiến lược tin cậy và ưu ái, một trụ cột quan trọng trong Chính sách hướng Đông của chúng tôi”
Chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ và quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam
TS Sampa Kundu*
Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 11/2013, Ấn Độ và Việt Nam đã nhất trí điều chỉnh mục tiêu thương mại lên 7 tỷ USD đến năm 2015 và lên 15 tỷ USD đến năm 2020.[1] Bảng 2 cho biết số liệu thương mại của Ấn Độ với Việt Nam. Nhiều công ty Ấn Độ cũng đã đầu tư vào những lĩnh vực như dầu khí, thép, khoáng sản, chè, cà phê, đường và chế biến thực phẩm.[2] Tính đến tháng 6/2013, dòng vốn FDI của Ấn Độ vào Việt Nam đạt 252.21 triệu USD và nếu tính đầu tư của các công ty Ấn Độ ở nước thứ ba thì dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tăng lên 936.23 triệu USD.[3] Những số liệu gần đây hơn cho thấy rằng Ấn Độ đứng thứ 27 trong những nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 111 dự án và vốn đăng ký lên tới 530 triệu USD.[4] Điều này cho thấy, đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam vẫn nhỏ bé nếu so với những nhà đầu tư nước ngoài lớn như Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Các công ty như ONGC Videsh Ltd. (OVL), ESSAR, Nagarjuna Ltd., Venkatswera Hatcheries, Philips Carbon, Mcleod Russel là một số công ty Ấn Độ đã đầu tư vào Việt Nam. NIIT, APTECH, Tata Infoctech đã bắt đầu thiết lập những trung tâm nhượng quyền ở Việt Nam. Ngân hàng Ấn Độ và Ngân hàng Ấn Độ Hải ngoại đã mở văn phòng đại diện ở TP Hồ Chí Minh. Công ty thép Tata Steel đã chấp thuận đầu tư cho dự án nhà máy nhiệt điện trị giá 2.1 tỷ USD ở Sóc Trăng.[5] Tháng 5/2013, Việt Nam và Ấn Độ đã ký một hiệp định thương mại hàng hải để thúc đẩy vận tải biển, tăng cường trao đổi kinh tế giữa hai nước cũng như giúp Việt Nam tăng cơ hội hàng hải của mình ở cả cấp độ khu vực và quốc tế.[6] Tương tự, về lĩnh vực năng lượng, công ty OVL của Ấn Độ đã đầu tư 360 triệu USD vào ba lô khai thác dầu khí của Việt Nam.[7] Một điều đáng ngạc nhiên là, bất chấp là đối tác chính trị gần gũi và lợi thế dân số trẻ có trình độ học vấn cao của Việt Nam, quan hệ thương mại và đầu tư của Ấn Độ với Việt Nam vẫn chưa có nhiều khích lệ lớn. Trái lại, đã có một số nhân tố giải thích vì sao Việt Nam không thuộc nhóm những nước ưu tiên thương mại và đầu tư của Ấn Độ. Việt Nam tạo cho Ấn Độ vị trí cạnh tranh tốt khi xét đến vấn đề dồi dào lao động rẻ. Ấn Độ và Việt Nam cùng cạnh tranh với nhau trên thị trường thế giới với cùng những sản phẩm như dệt may, hạt tiêu, chè và càphê.[8] Đồng thời, Trung Quốc cũng giành ưu thế đáng kể ở Việt Nam về thương mại và đầu tư do lợi thế gần gũi về mặt địa lý. Mặt khác, thái độ gần như miễn cưỡng của Ấn Độ đối với đầu tư vào Việt Nam là khá rõ như đã được nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam đề cập đến nhiều lần.[9] Thêm vào đó, trọng tâm của Ấn Độ đặt vào nhập khẩu những sản phẩm truyền thống và sơ chế từ Việt Nam cần được xem xét lại.
Bảng 3: Thương mại song phương Ấn Độ - Việt Nam (Triệu USD)
Nguồn: Bộ Thương mại Ấn Độ[10]
Biển Đông và mối quan tâm chung giữa Ấn Độ và Việt Nam:
Một số học giả Ấn Độ tin rằng hợp tác Ấn Độ - Việt Nam đã giành được ý nghĩa quan trọng hơn nhờ lĩnh vực hàng hải.[11] Việt Nam đóng vai trò quan trọng để Ấn Độ quyết định sự hiện diện của mình ở Biển Đông. Một mặt, Hà Nội muốn sự ủng hộ từ New Delhi trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc và mặt khác, Ấn Độ muốn tự do hàng hải trong khu vực. Ấn Độ cũng muốn đảm bảo tuyến thông thương hàng hải của mình. David Scott (2013) đã đúng khi lập luận rằng Ấn Độ không phải là ‘nhân vật lớn’ trong khu vực, nhưng Ấn Độ đang trở thành một tác nhân trong khu vực thông qua các mối quan hệ ngoại giao với các cường quốc trong và ngoài khu vực, thông qua những chuyến thăm hải quân định kỳ và hợp tác với những nước khác trong khu vực và thông qua việc ký kết quan hệ đối tác quân sự chiến lược với các nước.[12] Về mặt lý thuyết, những hợp tác này giữa Ấn Độ và Việt Nam không nhằm mục đích hình thành một sự cân bằng nào chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, ở góc độ thực tiễn, sự gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông đã trở thành nhân tố chung đóng vai trò là chất xúc tác cho các nước Đông Nam Á mang lại sự cân bằng trong khu vực bằng cách thúc đẩy quan hệ với một số cường quốc bên ngoài khu vực. George Friedman (2013) đã lập luận, “Việt Nam không thể đơn giản là nhường cuộc chơi cho Trung Quốc”. Và để làm điều đó, “nếu Việt Nam có thể mời đến Ấn Độ …. Và những nước khác để phát triển nguồn lực của mình ở những lĩnh vực không tranh chấp và giúp Hà Nội có được những công ngệ khai thác nguồn lực ngoài khơi, thì Việt Nam sẽ có được vị thế tốt hơn cũng như giành được nhiều sự ủng hộ mà một ngày nào đó có thể thách thức tuyên bố mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc”.[13] Sau phán quyết của Toà Trọng tài (PCA) về tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines, quan hệ của Ấn Độ với các nước Đông Nam Á nguyên đơn (cụ thể là Việt Nam và Philippines) giờ đây đang được xem xét lại theo chiều hướng thắt chặt hơn. Ấn Độ luôn nói với Việt nam và những nước liên quan khác cần biết kiềm chế như đã nêu trong Thông cáo chung giữa Việt Nam và Ấn Độ nhân dịp Tổng thống Pranab Mukherjee đến thăm Việt nam năm 2014;
“Họ nhất trí rằng tự do hàng hải ở Biển Đông/Biển Nam Trung Hoa phải được không bị cản trở và kêu gọi các bên liên quan biết kiềm chế, tránh đe doạ hoặc sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hoà bình phù hợp với những nguyên tắc luật pháp quốc tế đã được thừa nhận rộng rãi, bao gồm cả Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển UNCLOS-1982.”[14]
Kết luận:
Một số học giả đã xác định Ấn Độ có những cơ hội về đóng tầu, thép, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực, tài chính v.v. ở Việt Nam. Ấn Độ trong những năm gần đây cũng khắc phục được tình trạng hợp tác chưa chặt chẽ với Việt nam và giờ đây quan hệ của Ấn Độ với các nước Đông Nam Á ven biển đang được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề. Ấn Độ cần đóng chính xác vai trò gì ở khu vực, đặc biệt là với Việt Nam? Chính sách hành động phía Đông của Ấn Độ đòi hỏi Ấn Độ phải tham gia tích cực trong khu vực và rõ ràng không phải đóng vai trò là nước cung cấp an ninh “thứ cấp” như David Brewster đã nói trong năm 2013 hay là một con lắc như báo chí Đông Nam Á hay các chuyên gia khu vực dự đoán. Quan hệ song phương giữa hai nước, giống như với tất cả các nước khác, cần trên nguyên tắc có đi có lại của cả hai nước và bằng những hợp tác cụ thể trong tất cả các lĩnh vực có thể được, từ vũ trụ cho đến dệt may. Do mối quan hệ của Ấn Độ với ASEAN đang được cải thiện; hy vọng rằng điều đó cũng sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Việt nam và Ấn Độ.
[1] Ibid
[2] EXIM Bank. 2013. India’s Trade and Investment Relations with Cambodia, Lao PDR, Myanmar, Vietnam (CLMV):Enhancing Economic Cooperation, EXIM Bank Occasional Paper. 167, New Delhi.
[3] MEA. 2013. Op Cit
[4] India-Vietnam Relations. MEA. January 2016. Op Cit
[5]Ibid.
[6] EXIM Bank.2013. Op Cit.
[7] Mishra. 2014. Op Cit
[8] Jha.2008.Op. Cit
[9] Ibid
[10] Department of Commerce, Export Import Data Bank, Government of India.
[11] Bhonsle. 2013. Op Cit
[12] Scoot, David. 2013. India’s Role in South China Sea: Geopoltics and Geoeconomics in Play. India Review. 12(2). pp. 51-69.
[13] Friedman, George. 2013. Op Cit
[14] MEA. 2014. Joint Communiqué between the Socialist Republic of Vietnam and the Republic of India (Hanoi, 15 September 2014). Ministry of External Affairs. Government of India.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục