Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

“Chính sách Hướng Đông” của Ấn Độ trong quan hệ hợp tác với ASEAN (Phần 2)

“Chính sách Hướng Đông” của Ấn Độ trong quan hệ hợp tác với ASEAN (Phần 2)

Dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng có thể nói rằng Chính sách Hướng Đông đã đóng một vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy Ấn Độ trở thành một trong những cường quốc ở vùng châu Á – Thái Bình Dương. Ngày nay, không có cuộc thảo luận nào về chính trị, chiến lược hay kinh tế được coi là hoàn tất nếu không đề cập đến Ấn Độ

02:50 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

“Chính sách Hướng Đông” của Ấn Độ trong quan hhợp tác với ASEAN                                  

     PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hà*

                                                TS. Nguyễn Thị Mai**

Về chính trị, năm 1992, Ấn Độ là thành viên đối thoại từng phần của ASEAN và trở thành thành viên đối thoại đầy đủ của tổ chức này vào năm 1995. Năm 1996, Ấn Độ tham gia ARF, tham dự cuộc họp các quan chức cấp cao lần thứ tư của ARF vào năm 1997. Năm 2001, Ấn Độ và ASEAN đã thiết lập cơ chế ASEAN+1; Năm 2002, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ lần đầu tiên được tổ chức ở Phnômpênh (Campuchia), trong đó hai bên đã ra Tuyên bố chung về hợp tác ASEAN - Ấn Độ trong thế kỷ XXI. Kể từ đó, Ấn Độ và ASEAN đã tổ chức nhiều cuộc họp thượng đỉnh hàng năm. Năm 2002, Ấn Độ  chính thức trở thành một bên của cơ chế hợp tác ASEAN + 1; Nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 2 (Bali, 10/2003), Ấn Độ tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và hai bên ký Tuyên bố chung về Hợp tác Chống khủng bố quốc tế. Hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 3 (Viên Chăn, Lào, ngày 30/11/2004) đã thông qua Tuyên bố Đối tác ASEAN-Ấn Độ vì Hòa bình, Tiến bộ và Thịnh vượng chung và Kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố chung, mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ ASEAN - Ấn Độ trên các lĩnh vực chính trị - kinh tế, an ninh, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa. Ngày 1/1/2009, Ấn Độ chính thức bổ nhiệm Đại sứ Ấn Độ tại ASEAN. Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 8 (Hà Nội, 10/2010) nhất trí thành lập Nhóm các Nhân vật Nổi tiếng ASEAN-Ấn Độ để kiểm điểm 20 năm quan hệ đối thoại, khuyến nghị phương hướng và các biện pháp dài hạn để phát triển quan hệ ASEAN-Ấn Độ đến năm 2020. Ngày 2-3/8/2011, cuộc họp lần thứ nhất của Nhóm đã diễn ra tại Phnom Penh. Tháng 12-2012, Ấn Độ - ASEAN đã tổ chức kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ và 10 năm Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN, nhất trí nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược và thông qua Tuyên bố “Tầm nhìn Ấn Độ - ASEAN” định hướng cho quan hệ đa phương. Việc ASEAN và Ấn Độ đã nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược và hai bên thông qua Tuyên bố Tầm nhìn đánh dấu một lộ trình phát triển quan trọng, hướng tới mối quan hệ đối tác bền vững vì hòa bình và thịnh vượng. Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN - Ấn Độ được đánh giá là chứa đựng nhiều nội dung hợp tác toàn diện, từ kinh tế đến chính trị, an ninh, hợp tác văn hóa - xã hội và phát triển, tăng cường kết nối, và xây dựng cấu trúc khu vực.

Hiện nay, ASEAN và Ấn Độ có 26 cơ chế đối thoại thường xuyên trên nhiều lĩnh vực. Trong ba năm (2011-2014), ASEAN và Ấn Độ đã tổ chức hơn 60 cuộc họp, các sự kiện cũng như thực hiện một số sáng kiến theo Kế hoạch hành động ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2010-2015[1].

Về an ninh, Ấn Độ đã lần lượt ký hiệp nghị hợp tác song phương với các nước Việt Nam, Singapo, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Nhật Bản và Mông Cổ, trọng tâm hợp tác bao gồm hợp tác đào tạo nhân viên, tập trận chung, an ninh trên biển v.v. Trong vấn đề Biển Đông, hải quân Ấn Độ đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc chống buôn lậu và cướp biển ở eo biển Malaca. Ấn Độ đã xây dựng các căn cứ của mình tại các đảo Andaman và Nicobar tạo ra một vành đai đặc biệt dựa trên các đảo của vùng biển viễn Đông, tập trận chung với Hải quân Singapo tại Biển Đông. Hải quân Ấn Độ cũng có quan hệ với các nước khác như Indonesia và Malaysia.

Về kinh tế, Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ đang mang lại những kết quả đáng khích lệ trong việc cải thiện và tăng cường quan hệ giữa Ấn Độ với ASEAN. Thương mại hai chiều giữa Ấn Độ và ASEAN từ đầu những năm 90 đến những năm đầu thế kỷ XXI có những bước phát triển tích cực. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 2,9136 tỷ USD (năm 1993) lên tới 8,8787 tỷ USD (năm 1997). Do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á (1997 - 1998), thương mại hàng hoá hai chiều trong năm 1998 giảm xuống còn 6,9683 tỷ USD. Năm 2003, Ấn Độ và ASEAN đạt được Hiệp định khung về khu vực mậu dịch tự do (FTA) ASEAN - Ấn Độ. Tháng 8-2009, thỏa thuận FTA với ASEAN được ký tại Thái Lan đã thúc đẩy mối quan hệ kinh tế và thương mại của ASEAN với Ấn Độ. Năm 2008- 2009, thương mại của Ấn Độ với ASEAN đã tăng lên 45,34 tỷ USD. Đến năm 2014, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 6 của ASEAN với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 67,7 tỷ USD; xuất khẩu từ ASEAN sang Ấn Độ tăng 3,4%. Về đầu tư trực tiếp, số vốn đầu tư trực tiếp của Ấn Độ vào ASEAN và ngược lại ngày càng tăng.

Đối  với Việt Nam, từ những ngày đầu khó khăn của công cuộc tái thiết đất nước cũng như trong sự nghiệp đổi mới, Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ chí tình quý báu của Ấn Độ. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao cũng như đoàn thăm các cấp. Qua đó, sự đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau, tình hữu nghị truyền thống hai bên ngày càng được tăng cường. Trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (năm 2003), hai bên đã ký Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện Việt Nam - Ấn Độ bước sang thế kỷ XXI. Mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ không chỉ diễn ra trong khuôn khổ song phương, hai nước còn tích cực hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, Phong trào không liên kết, hợp tác Nam – Nam, ASEM, APEC, các cơ chế hợp tác của ASEAN như ARF, Cấp cao Đông Á, Hợp tác sông Hằng, sông Mê kông… Trong khuôn khổ ASEAN, Ấn Độ đã giúp đỡ Việt Nam triển khai hai dự án trọng điểm nằm trong khuôn khổ hợp tác ASEAN-Ấn Độ là Trung tâm phát triển doanh nhân Việt Nam - Ấn Độ (VIEDC) tại Hà Nội (chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5/2006) và Trung tâm Đào tạo Tiếng Anh Việt Nam-Ấn Độ (VICELT) tại Đà Nẵng được thành lập tháng 7/2007.... Hiện nay, Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Từ khi Việt Nam và Ấn Độ nâng quan hệ lên thành đối tác chiến lược đến nay, hợp tác song phương liên tục được thúc đẩy trên tất cả các lĩnh vực. Kim ngạch thương mại song phương tăng mạnh, từ 1 tỷ USD (năm 2006) lên hơn 8 tỷ USD (năm 2014). Ấn Độ đã đầu tư vào Việt Nam hơn 220 triệu USD, trong khi đầu tư của Việt Nam vào Ấn Độ là khoảng 26 triệu USD[2].

Đến nay, dù không có một văn bản chính thức nào của Chính phủ Ấn Độ chỉ rõ sự xác lập của Chính sách Hướng Đông, nhưng nỗ lực của Chính phủ Ấn Độ trong thời gian qua đã chứng tỏ cho thế giới thấy Chính sách Hướng Đông là một trong những con bài chiến lược trong chính sách ngoại giao Ấn Độ. Sự ra đời của Chính sách Hướng Đông cho thấy rõ sự chuyển hướng trong chiến lược ngoại giao của Ấn Độ nói chung và chiến lược ngoại giao của Ấn Độ đối với ASEAN nói riêng. Cùng với sự thành công của Chính sách Hướng Đông, vai trò của Ấn Độ tại Đông Nam Á ngày càng được ASEAN công nhận. Tác giả G.V.C.Naidu trong bài viết “Whiter the Look East Policy” đăng trên tạp chí Strategic Analysis, số 2, năm 2004 đã viết: “Dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng có thể nói rằng Chính sách Hướng Đông đã đóng một vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy Ấn Độ trở thành một trong những cường quốc ở vùng châu Á – Thái Bình Dương. Ngày nay, không có cuộc thảo luận nào về chính trị, chiến lược hay kinh tế được coi là hoàn tất nếu không đề cập đến Ấn Độ”, điều đó nói lên vai trò của Ấn Độ trong mối quan hệ Ấn Độ - ASEAN. Đây là nền tảng vững chắc để quan hệ ASEAN - Ấn Độ tiếp tục được củng cố và phát triển trong những năm tiếp theo.

 

 

* Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

** Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

[1] http://www.tgvn.com.vn/printContent.aspx?ID=22199

[2] http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=2455&idcm=227

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục