Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ trong quan hệ với các nước ASEAN và Việt Nam (Phần 1)
Từ những năm 1990 đến nay, cùng với Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ ngày càng trỗi dậy, ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia, khu vực trong đó có ASEAN và Việt Nam. Một chính sách đối ngoại của Ấn Độ đã được thực thi là “Chính sách Hướng Đông”. Triển vọng của quan hệ Việt Nam – Ấn Độ là to lớn, tốt đẹp, bắt nguồn từ quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam mà Ấn Độ luôn luôn ủng hộ, giúp đỡ. Khi Ấn Độ chủ trương Chính sách Hướng Đông thì triển vọng này càng có cơ hội phát triển tốt đẹp và bền vững.
Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ trong quan hệ với các nước ASEAN và Việt Nam
PGS, TS Nguyễn Quốc Phẩm*
1. Ấn Độ trỗi dậy và Chính sách Hướng Đông
Từ những năm 1990 đến nay, cùng với Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ ngày càng trỗi dậy, ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia, khu vực trong đó có ASEAN và Việt Nam. Một chính sách đối ngoại của Ấn Độ đã được thực thi là “Chính sách Hướng Đông”.
Báo cáo thường niên 2012 – 2013 do Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã chỉ rõ: “Ấn Độ mong muốn một khu vực hòa bình và an toàn, phát triển các mối quan hệ láng giềng rộng mở, quan hệ thân thiết và cân bằng với các cường quốc lớn và quan hệ đối tác hai bên cùng có lợi với các nước đang phát triển… Ấn Độ mong muốn có quan hệ gần gũi và tốt đẹp với các nước láng giềng. Chính sách của Ấn Độ hướng đến đẩy mạnh hòa bình và ổn định đồng thời thiết lập mạng lưới liên kết lẫn nhau, thương mại và đầu tư để tất cả các nước trong khu vực có thể hưởng chung lợi ích của sự phát triển”(1).
Chủ trương mở rộng quan hệ liên kết, đầu tư, cùng có lợi với các nước trong khu vực gắn liền với những nỗ lực sắp xếp lại Đông Á và Đông Nam Á bắt đầu từ những năm 1990 với việc Ấn độ đi đầu trong tự do hóa kinh tế và cố gắng tạo thêm nhiều liên kết với Đông Nam Á bằng Chính sách Hướng Đông.
Thuật ngữ “hướng Đông” xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1992 trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ P.V.Narasiha Rao và Thủ tướng Lý Quang Diệu tại Singapore. Sau đó, thuật ngữ này được chính thức nêu ra trong Báo cáo năm của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Gafral cho rằng: “Chính sách Hướng Đông nhắc tới một Ấn Độ mở cửa, tập trung sức mạnh của sự vận động trong nước và khu vực, tạo ra được sự phối hợp những nước láng giềng đang phát triển nhanh chóng, vì sự phát triển của khu vực Đông Á”(2).
Nội dung và mục tiêu của Chính sách Hướng Đông được xác định và thực hiện trong 2 giai đoạn chính: (từ 1992 – 2002 và từ 2002 đến nay). Bốn mục tiêu của chính sách bao gồm: Cải cách kinh tế; Duy trì sự phát triển nhanh; Hòa nhập vào nền phát triển khu vực; Phát triển bền vững.
Phương châm cơ bản của Chính sách Hướng Đông là: Thắt chặt quan hệ với Đông Á; khẳng định vị thế của Ấn Độ ở khu vực và châu Á. Thủ tướng Ấn Độ Manmoha Singh từng tuyên bố: “Thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của châu Á. Ấn Độ cùng với Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế chính trong thời kỳ này”(3).
Từ sau Chiến tranh Lạnh kết thúc, chính sách ngoại giao của Ấn Độ chuyển đổi theo hướng: Từ sự ủng hộ của Ấn Độ với phong trào không liên kết và thế giới thứ ba được thay thế bằng chủ trương linh hoạt, thực tế hơn, tập trung cho chính sách kinh tế tự do mới cả trong nước và ngoài nước, các lĩnh vực thương mại và đầu tư ra nước ngoài là mối tâm của Chính phủ Ấn Độ. Chính sách Hướng Đông cũng nằm trong quỹ đạo đó nhằm tăng cường vai trò của một cường quốc trong khu vực. Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ đã được thực hiện trong khi vừa phải đấu tranh vừa giữ thế cân bằng với các cường quốc khác nhất là với Trung Quốc và với Mỹ. Mục tiêu chính sách ngoại giao địa chính trị này được đặt ra trong chiến lược phát triển của Ấn Độ. Với chủ trương lấy “chủ nghĩa khu vực” vươn lên bá chủ châu Á và cường quốc của thế giới, Chính sách Hướng Đông đã thể hiện rõ cuộc chạy đua giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở châu Á. Chính sách này đang diễn ra trong quan hệ với ba tổ chức kinh tế và an ninh đang cạnh tranh nhau là Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Từ khi Ấn Độ thực hiện Chính sách Hướng Đông, Chính phủ Ấn Độ đã đặt ra mục đích sử dụng khu vực bên ngoài này làm một trong những động lực tăng trưởng. Rất nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có Johannes Dragbaek Schimidt cho rằng, Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ được tiến hành nhằm đem lại sức sống mới cho mối liên kết kinh tế và văn minh lâu đời của Ấn Độ với phần còn lại của châu Á, đặc biệt là những nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều này đã dẫn đến những mối quan hệ kinh tế phát triển mạnh mẽ với Singapore, Việt Nam, Indonexia(4)… Vị thế của Ấn Độ trên thực tế đã được khẳng định.
2. ASEAN – hòn đá tảng của Chính sách Hướng Đông
Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bao gồm những quốc gia đang phát triển năng động với nhiều tiềm năng mà Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ đều rất chú trọng xâm nhập, gây ảnh hưởng. Biển Đông lâu nay là khu vực chiếm lưu lượng giao thông đường thủy rất lớn trên thế giới với eo biển Malacca, kéo dài 600 dặm giữa Thái Lan, Malaixia, Singapore sang phía Đông, chảy vào Biển Đông là nơi có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa rất giàu tài nguyên và đang diễn ra tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước của ASEAN. Một ước tính rằng, hơn 50.000 tàu thuyền đi qua Malacca hàng năm, chuyên chở hơn 30% hàng hóa thương mại của thế giới, bao gồm cả dầu lửa từ Vịnh Ba tư đến những quốc gia lớn ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Có đến 20 triệu thùng dầu hàng hàng ngày đi qua eo biển Malacca và sẽ tăng lên trong tương lai… Hơn 50% thương mại của Ấn Độ, hơn 80% dầu lửa của Trung Quốc phải đi qua Malacca. Vì vậy, đây là một trong những đường hàng hải có tầm chiến lược sống còn nhất thế giới(5).
Từ khi thực hiện Chính sách Hướng Đông đến nay, Ấn Độ luôn luôn phát triển các quan hệ, sử dụng nhiều chiến lược, sách lược để xác định quỹ đạo cho trật tự ở Đông Nam Á và châu Á.
Để thực hiện Chính sách Hướng Đông, Ấn Độ đã thường xuyên tham gia vào các mối quan hệ song phương và đa phương với các nước châu Á. Ấn Độ đã trở thành tác nhân trong cuộc họp thượng đỉnh Đông Á (EAS) được tổ chức ở Kuala Lumpur từ năm 2005, bao gồm 16 nước: 10 nước thành viên ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và NewZealand.
Ấn Độ còn là thành viên của cuộc họp Á – Âu (ASEM) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) chuyên sâu về lĩnh vực an ninh. Ấn Độ chính là đối tác, đối thoại của ASEAN. Năm 2011, Hiệp định Thương mại tự do Ấn Độ - ASEAN (FTA) được chính thức hóa trong cuộc họp thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN tại Singapore. Đây là một bước tiến rất quan trọng của Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ. Tại cuộc họp này, Ấn Độ đã đưa ra lộ trình loại bỏ dần thuế quan đánh vào 80% dòng thuế trong năm 2015. Với 10% mức thuế bổ sung nằm trong danh mục nhạy cảm, mức thuế quan sẽ giảm xuống còn 5% nhằm cải thiện trong các biện pháp thúc đẩy thương mại, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho xuất khẩu dịch vụ. Chính sách Hướng Đông đã nhận được sự đồng thuận của tất cả các đảng ở Ấn Độ, đặc biệt là việc thắt chặt quan hệ với các nước ASEAN.
Mặc dù sự hội nhập của Ấn Độ với Đông Nam Á được thúc đẩy chủ yếu bởi thị trường và khu vực tư nhân, nhưng nền ngoại giao thương mại của Chính phủ cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Nhà nghiên cứu Johannes Dragbaek Schimidt cho rằng: “Một ý nghĩa quan trọng là mối liên kết khá mạnh với cộng đồng người Ấn Độ ở Đông Nam Á, đóng vai trò như là đại sứ không chính thức và củng cố mối quan hệ giữa những người họ hàng, xã hội dân sự và khu vực doanh nghiệp. Việc củng cố cộng đồng hơn 30 triệu người gốc Ấn Độ trên toàn thế giới là một tài sản quan trọng của chính sách ngoại giao, có một tác động tích cực đối với quá trình hội nhập dựa trên cơ sở thị trường giữa Ấn Độ và phần còn lại của châu Á”(6).
Thủ tướng Ấn Độ, Mamohan Singh đã tuyên bố rất rõ ràng rằng: Ưu tiên của chính sách ngoại giao của Ấn Độ sẽ là Đông Á và Đông Nam Á, những khu vực đạt được tốc độ tăng trưởng bền vững trong thế kỷ XXI.
Các mối quan hệ nhờ có FTA đã được làm sâu sắc và tăng cường hơn: Từ 1970 – 2010, các nhà đầu tư Ấn Độ đã thực hiện 120 dự án ở Thái Lan với tổng vốn đầu tư là 22,5 triệu Baht. Hơn 2000 công ty Ấn Độ có trụ sở ở Singapore đang có dự định mở rộng sang Đông Á. Các công ty công nghệ thông tin như TCS và Satyam đã biến Singapore thành tổng hành dinh khu vực của mình. Công ty Tata Steel đã mua lại NatSteel của Singapore và tất cả các công ty con ở khắp Đông Á, Millenninm Steel ở Thái Lan và đang thiết lập một nhà máy thép Greenfield ở Việt Nam. Các doanh nghiệp nhà nước Ấn Độ đã đầu tư vào lĩnh vực khí đốt ở Myanmar. Các công ty Ấn Độ cũng đầu tư vào các ngành khai thác than và ô tô ở Indonexia với nhiều ngành khác với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD.
Đặc biệt với Myanmar – một nước có tiềm năng về dầu lửa và khí đốt tự nhiên - Chính phủ Ấn Độ đã quan tâm, thắt chặt quan hệ trong cuộc cạnh tranh, kình địch với Trung Quốc. Đây cũng là một trọng tâm của Chính sách Hướng đông của Ấn Độ.
Hiện nay, Ấn Độ đang tham gia đối tác tích cực với Myanmar theo 3 mục tiêu chủ yếu: Ngăn cản ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực; Ngăn chặn những hoạt động tội phạm và nổi loạn dọc theo biên giới Ấn Độ - Myanmar; Thiết lập sự tiếp xúc thật sự với các nước Đông Nam Á theo Chính sách Hướng Đông. Vị trí của Myanmar nằm ở trung tâm của Chính sách Hướng Đông, an ninh năng lượng và đối trọng với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ tư của Myanmar (sau Thái Lan, Trung Quốc, Singapore) với tổng kim ngạch ở mức 1,2 tỷ USD, tăng 27% so với năm tài khóa trước. Hiện tại, Ấn Độ đang tham gia với hơn 10 dự án ở nước này hầu hết đều liên quan đến liên kết giao thông và viễn thông.
Rõ ràng, Đông Nam Á nói chung và Myanmar nói riêng đang là trung tâm chú ý của Chính sách Hướng Đông mà Ấn Độ theo đuổi trong việc chạy đua gay gắt với Trung Quốc. (Xem tiếp phần 2)
* Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục