Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính sách Kinh tế của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và gợi mở một số hướng hợp tác kinh tế với Việt Nam (Phần 1)

Chính sách Kinh tế của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và gợi mở một số hướng hợp tác kinh tế với Việt Nam (Phần 1)

Ngay sau khi lên nắm quyền, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã tập trung đẩy mạnh cải cách kinh tế bằng cách tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư mạnh phát triển cơ sở hạ tầng với những mục tiêu đầy tham vọng như sớm đưa GDP trở lại mức tăng trưởng 7% trong vòng 3 năm tới. Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược đang phát triển rất tốt đẹp. Trong bối cảnh Chính phủ Ấn Độ đang đẩy mạnh cải cách kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tăng cường liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư với Ấn Độ, nắm bắt những cơ hội hợp tác to lớn đang mở ra giữa hai nước

06:45 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính sách Kinh tế của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi
và gợi mở một số hướng hợp tác kinh tế với Việt Nam

Nguyễn Thanh Tân*

1. Về Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi

Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi được thành lập sau khi Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) và Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) giành thắng lợi vang dội tại cuộc bầu cử Hạ viện Ấn Độ (tháng 5/2014)[1]. Chính phủ Liên minh NDA do Đảng BJP lãnh đạo được thành lập. Tân Thủ tướng Narendra Modi và một nội các gồm 23 thành viên đã tuyên thệ nhậm chức[2]. Đây là thắng lợi lớn nhất của Đảng BJP kể từ khi thành lập năm 1980 đến nay, đánh dấu mốc lịch sử trong chính trường Ấn Độ là kể từ năm 1984 đến nay một đảng duy nhất vẫn có đủ số ghế tại Quốc hội để thành lập Chính phủ.

Việc Đảng BJP giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử Hạ viện lần này thể hiện đa số ý nguyện của người dân mong muốn có sự thay đổi và đưa Ấn Độ thoát khỏi nền kinh tế đang phát triển trì trệ hiện nay. Đảng BJP và Liên minh giành đa số ghế tại Hạ viện (282 ghế) tạo điều kiện thuận lợi cho Thủ tướng Narendra Modi trong việc thực hiện một cách mạnh mẽ, quyết đoán các cam kết tranh cử của mình như thành lập một Chính phủ gọn nhẹ (Chính phủ UPA nhiệm kỳ trước có tới 71 Bộ trưởng), đưa ra quyết sách cải cách, đưa nền kinh tế Ấn Độ sớm trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh.

Thủ tướng Narendra Modi xuất thân từ đảng cấp thấp, với tư tưởng dân tộc và có đầu óc thực dụng, được đào tạo cơ bản (thạc sỹ khoa học chính trị), đã kinh qua nhiều chức vụ trong đảng BJP; làm gần 4 nhiệm kỳ Thủ hiến bang Gujarat và có nhiều công lao trong việc đưa bang Gujarat, với dân số 60 triệu, trở thành một trong những bang phát triển nhanh và giàu có nhất tại Ấn Độ.

Trong thời gian cầm quyền tại bang Gujrat, ông đã đề ra nhiều chính sách kinh tế như thành lập các khu công nghệ và tài chính, đầu tư lớn cho thủy lợi, phát triển nông nghiệp, sản xuất bông, xây dựng hệ thống truyền tải điện đến tận các vùng nông thôn; đồng thời, ông tập trung làm trong sạch đội ngũ lãnh đạo, chống tham nhũng, cải cách chính sách tài chính,… Đáng chú ý, trong thời gian này, ông đã thực hiện nhiều chuyến công du nước ngoài nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào bang, ông Modi đã nhiều lần đi thăm Trung Quốc, Singapore và Nhật Bản. Năm 2006, ông đi thăm Trung Quốc để nghiên cứu mô hình đặc khu kinh tế mà sau đó ông đã áp dụng những thành công của mô hình này tại bang Gujarat[3]. Nhờ các chính sách đó mà bang Gujarat đã trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất Ấn Độ, luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số liên tục trong thập kỷ qua, trở thành bang đầu tàu của nền kinh tế Ấn Độ.

2. Tình hình kinh tế xã hội Ấn Độ khi Chính phủ của Thủ tướng Modi thành lập

Mặc dù Chính phủ của Liên minh Tiến bộ thống nhất (UPA) do Đảng Quốc đại đứng đầu đã đạt được rất nhiều thành tựu trong 10 năm cầm quyền, tuy nhiên, vào những năm cuối của nhiệm kỳ cầm quyền thứ 2, Ấn Độ lại lâm vào tình trạng hết sức khó khăn, kinh tế phát triển trì trệ, xã hội bất ổn định,… Sau giai đoạn phát triển nhanh (trung bình 7% trong giai đoạn 2003 - 2011), kinh tế Ấn Độ lâm vào trì trệ và sụt giảm nghiêm trọng xuống chỉ còn 4,5% trong năm 2012 - 2013. Năm 2013, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới chỉ đạt khoảng 5%, đồng Rupee mất giá mạnh, nguồn vốn đầu tư suy giảm, lạm phát cao, thâm hụt thương mại tăng[4]. Ấn Độ là một trong những nước có tỷ lệ lạm phát cao hàng đầu Châu Á[5].

Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tình hình chính trị trở nên rối ren, Liên minh cầm quyền bị chia rẽ và Chính phủ UPA bị mất uy tín nghiêm trọng. Nhiều chính sách cải cách lớn được Chính phủ đề ra để kích thích tăng trưởng kinh tế hoặc không được thông qua, hoặc chỉ được thực hiện nửa vời do không hội đủ sự ủng hộ chính trị cần thiết[6]. Đây được coi là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại nặng nề của Đảng Quốc đại và Liên minh UPA; đồng thời là cơ sở quan trọng để đảng BJP và Liên minh NDA giành chiến thắng áp đảo tại cuộc bầu cử vừa qua.

Đánh giá về chính sách kinh tế của Chính phủ tiền nhiệm, Thủ tướng Narendra Modi cho rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay là kết quả của sự nhầm lẫn trong chính sách quản lý và là hệ quả của sự quản lý yếu đuối và nhu nhược. Bi kịch tiếp tục tăng lên bởi sự thất bại của Đảng Quốc đại trong việc chẩn đoán “căn bệnh” và tìm những biện pháp khắc phục. Thay vì tạo ra một mô hình quản trị kinh tế, xã hội và chính trị bắt nguồn từ văn minh của Ấn Độ, các nhà lãnh đạo cố gắng làm theo bất cứ điều gì đó theo các quốc gia phương Tây”[7].

3. Chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ Modi

Trong cương lĩnh tranh cử, ông Narendra Modi và Đảng BJP đã đề ra chủ trương sớm xây dựng Ấn Độ thành một cường quốc về kinh tế có trình độ khoa học công nghệ phát triển. Để làm được điều đó, ngay sau khi lên cầm quyền, Thủ tướng Narendra Modi đã đặt ưu tiên sớm đưa Ấn Độ trở lại quỹ đạo phát triển, ưu tiên cho các hoạt động kinh tế, phát triển điện năng, thu hút đầu tư nước ngoài, tạo việc làm, quan tâm đến các vấn đề nhà ở, y tế, chống tham nhũng,… Theo các nhà phân tích chính trị, nhiều chính sách phát triển kinh tế của Thủ tướng Narendra Modi được xây dựng dựa trên Chương trình phát triển bang Gujrat của ông Modi (Vision of Modi) mà trước đó ông đã áp dụng rất thành công tại bang Gujarat. Cụ thể hóa các cam kết này, ngày 10/7/2014, Chính phủ Modi đã đệ trình Quốc hội Ngân sách cho tài khóa mới, theo đó, Ấn Độ sẽ nỗ lực và ưu tiên tập trung ngân sách vào những lĩnh vực mà nền kinh tế Ấn Độ đang cần nhất, giải quyết các vấn đề xã hội nhằm sớm ổn định và đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ và phát triển trở lại; đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong 3 - 4 năm tới là 7 - 8%/ năm. Nhiều biện pháp cụ thể đã được Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đưa ra nhằm lấy lại đà tăng trưởng bao gồm:

3.1. Tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tăng tốc đô thị hóa

Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, coi đây là điểm then chốt tháo gỡ nút thắt trong tăng trưởng kinh tế, trong đó có phát triển hệ thống đường bộ, đường sắt hiện đại, xây dựng thêm các nhà máy điện (gồm cả điện hạt nhân), xây dựng các khu đô thị mới, trong đó đặt trọng tâm triển khai sáng kiến xây dựng 100 “thành phố thông minh” (Smart Cities) với tổng kinh phí ước tính trên 70 tỷ USD. Sáng kiến xây dựng “thành phố thông minh” do Thủ tướng Narendra Modi đề xuất được coi là đột phá để phát triển một Ấn Độ hiện đại, đồng bộ. Để sản xuất quy mô lớn, hàng triệu lao động cần tập trung về đô thị, trong khi Ấn Độ có 2/3 dân số sống ở khu vực nông thôn (theo các dự báo, sẽ có hơn 600 triệu người Ấn Độ sống tại các thành phố lớn vào năm 2030 so với hiện nay khoảng 290 triệu). Trong khi đó, Trung Quốc có hàng trăm đô thị lớn, các đặc khu kinh tế, khu công nghiệp rộng lớn, phát triển.

Trước đây, các thành phố hầu hết được xây dựng bên bờ các con sông và hiện nay là trên cơ sở các đại lộ, trục đường giao thông chính. Tuy nhiên, Thủ tướng Narendra Modi cho rằng, trong tương lai các thành phố sẽ được xây dựng trên cơ sở mạng lưới điện tử hiện đại, thông minh. Thành phố thông minh ở Ấn Độ bao hàm tầm nhìn về một không gian đô thị hiện đại, thân thiện về sinh thái, đồng bộ về công nghệ và có tổ chức chặt chẽ nhờ vào ứng dụng công nghệ thông tin tân tiến. Đây sẽ là những thành phố phát triển bền vững, thân thiện với người lao động.

Cho tới nay, vẫn chưa có danh sách cụ thể 100 thành phố thông minh. Tuy nhiên, theo một số dự báo, những thành phố thông minh này sẽ chủ yếu dựa trên cơ sở các thành phố và các đô thị vệ tinh hiện hữu dọc hành lang công nghiệp Delhi-Mumbai, hành lang Công nghiệp Chennai-Bengaluru và khu Công nghiệp lớn Amrisar-Kolkata. Để triển khai sáng kiến trên, Chính phủ Ấn Độ đang xây dựng các khung pháp lý, hành chính cụ thể và đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD cho các thành phố để phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin trong những năm tới. Nguồn đầu tư sẽ bao gồm đầu tư từ Chính phủ, khu vực tư nhân và thu hút đầu tư  nước ngoài.
(Còn tiếp) (Xem tiếp phần 2)


* Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ, Vụ trưởng, Bộ Ngoại giao.

[1] Theo kết quả bầu cử được công bố, Liên minh Dân chủ quốc gia 22 đảng (NDA) do BJP dẫn đầu giành được tổng cộng 334 ghế trong đó Đảng BJP giành được 282 ghế. Liên minh Tiến bộ thống nhất 13 đảng (UPA) do Đảng Quốc đại dẫn đầu giành được 56 ghế trong đó Đảng Quốc đại giành được 44 ghế.

[2] Chính phủ mới của Ấn Độ gồm 45 Bộ trưởng, giảm so với con số 77 Bộ trưởng trong Chính phủ Liên minh UPA trước đó.

[3]  Trong số khoảng 900 triệu USD đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ thì phần lớn là tới bang Gujrat.

[4] Năm 2013: đồng Rupee mất giá hơn 20% (một trong những đồng tiền mất giá mạnh nhất thế giới), tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm 4%, lạm phát tăng 11%.

[5] “India has the highest inflation rate in Asia”, http://timeofIndia.indiatimes.com

[6] Ngày 19/9/2012, Đảng TMC tuyên bố rút khỏi Liên minh cầm quyền để phản đối quyết định của Chính phủ về việc mở cửa rộng hơn cho đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp chủ chốt do nhà nước quản lý như bán lẻ đa thương hiệu, phát thanh-truyền hình và hàng không dân dụng…

[7] Bharatiya Janata Party (2014), Election Manifesto 2014, p2.  

Nguồn:

Cùng chuyên mục