Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính sách Kinh tế của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và gợi mở một số hướng hợp tác kinh tế với Việt Nam (Phần 2)

Chính sách Kinh tế của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và gợi mở một số hướng hợp tác kinh tế với Việt Nam (Phần 2)

Ngay sau khi lên nắm quyền, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã tập trung đẩy mạnh cải cách kinh tế bằng cách tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư mạnh phát triển cơ sở hạ tầng với những mục tiêu đầy tham vọng như sớm đưa GDP trở lại mức tăng trưởng 7% trong vòng 3 năm tới. Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược đang phát triển rất tốt đẹp. Trong bối cảnh Chính phủ Ấn Độ đang đẩy mạnh cải cách kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tăng cường liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư với Ấn Độ, nắm bắt những cơ hội hợp tác to lớn đang mở ra giữa hai nước

06:43 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Chính sách Kinh tế của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi
và gợi mở một số hướng hợp tác kinh tế với Việt Nam

Nguyễn Thanh Tân*

3.2 Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thân thiện, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài

Với quyết tâm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đang triển khai các biện pháp cải cách quan trọng gồm cải cách hệ thống thuế, tạo sự thuận lợi và bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước; nới lỏng những ràng buộc đối với nhà đầu tư tư nhân khi tham gia các Dự án Hợp tác công tư (PPP); lập Quỹ Bình ổn giá; điều chỉnh tỷ lệ lãi suất hợp lý, hạ lãi xuất cho vay. Bên cạnh đó, Thủ tướng Modi đã phát động một chiến dịch toàn cầu quảng bá thu hút đầu tư với khẩu hiệu “Sản xuất ở Ấn Độ” (Make in India) với tham vọng biến Ấn Độ thành trung tâm sản xuất toàn cầu (Manufacturing Hub). Thủ tướng Narendra Modi đã giành rất nhiều nỗ lực để quảng bá chiến dịch này trong các chuyến công du cả trong lẫn ngoài nước. Đây là một dự án đầy tham vọng với mục đích thu hút các công ty đầu tư vào Ấn Độ, sản xuất hàng hóa tại Ấn Độ để tiêu thụ nội địa và dành cho xuất khẩu. Thủ tướng Narendra Modi quyết tâm đặt Ấn Độ trong vị thế cạnh tranh mạnh mẽ với các mô hình phát triển kinh tế ở Đông Á, trong đó có Trung Quốc, mở ra con đường phát triển kinh tế nhanh, bền vững, “nếu Ấn Độ giành thắng lợi, nó sẽ chứng minh là một bước ngoặt lớn trong cuộc sống của 1,2 tỷ người và trở thành một cực quan trọng của kinh tế toàn cầu”. Nội dung của chiến dịch “Sản xuất tại Ấn Độ” bao gồm:

- Cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi: theo khảo sát của WB năm 2014, Ấn Độ hiện đứng thứ 134/189 về môi trường kinh doanh thuận lợi, trong khi Trung Quốc là 96. Thủ tướng Narendra Modi đã phát động cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm với phương châm “Chính phủ tối thiểu, quản lí tối đa” (Minimum government - maximum governance). ??? đến đây Chính phủ Ấn Độ cam kết “trải thảm đỏ” chào đón các công ty nước ngoài, tích cực đơn giản hóa thủ tục hành chính, thành lập một Ủy ban gồm 8 chuyên gia và các quan chức hàng đầu từ các Bộ/ngành để giải quyết nhanh những vướng mắc liên quan đến đầu tư. Các hồ sơ cấp phép đầu tư sẽ được tiến hành qua mạng; đối với các ngành sản xuất không mang tính rủi ro, độc hại có thể được áp dụng hệ thống tự cấp chứng chỉ. Trước mắt, Cục Chính sách và Xúc tiến công nghiệp Ấn Độ (DIPP) đã xác định 25 lĩnh vực để tiến hành đơn giản hóa thủ tục bao gồm sản xuất linh kiện ô tô, hàng không, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, hóa chất, điện tử, chế biến thực phẩm, khai thác và chế biến dầu mỏ, phát triển đường bộ.

- Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài: Ấn Độ là một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, có nguồn tài nguyên và lao động dồi dào, thị trường rộng lớn, tuy nhiên đầu tư nước ngoài vào Ấn Độ vẫn còn hạn chế. Thủ tướng Modi quyết tâm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài thông qua việc khuyến khích đầu tư nước ngoài vào tất cả các lĩnh vực miễn là Ấn Độ có nhu cầu và tạo việc làm, trừ một số lĩnh vực mang tính chiến lược phải cân nhắc như bán lẻ đa thương hiệu và nâng mức trần cổ phần nước ngoài có thể nắm giữ lên 100% đối với các dự án đường sắt và 49% trong nhiều lĩnh vực, gồm cả bảo hiểm và sản xuất vũ khí; tăng cường các chiến dịch quảng bá Ấn Độ nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, đưa mục tiêu tăng tỷ lệ đầu tư nước ngoài đóng góp cho nền kinh tế từ mức 31% GDP năm 2013 lên cao hơn là 38-40% GDP trong thời gian tới.

3.3. Tăng đầu tư cho nông nghiệp

Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của Ấn Độ, hiện chiếm 14% GDP và trực tiếp đảm bảo cho cuộc sống cho 55% dân số. Qua các cuộc “cách mạng xanh” (lần thứ nhất năm 1963 và lần thứ 2 năm 1983), đến năm 1984, Ấn Độ đã cơ bản tự giải quyết được nhu cầu lương thực. Tuy nhiên, trong khi GDP những năm qua tăng trưởng cao (2003 – 2011 đạt trung bình 7%) thì tăng trưởng của ngành nông nghiệp chỉ ở mức khoảng 2%. Có thể khẳng định, nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng liên quan trực tiếp đến cuộc sống của hàng trăm triệu nông dân Ấn độ, tuy nhiên, trong thời gian đảng BJP vận động tranh cử, hồ sơ nông nghiệp đã bị coi nhẹ. Nhưng ngay sau khi Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi lên cầm quyền, nông nghiệp đã trở thành lĩnh vực quan trọng chiến lược, được Chính phủ đầu tư mạnh mẽ.

Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi rất coi trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp và coi nhiệm vụ đưa khoa học kỹ thuật “từ phòng thí nghiệm ra đồng ruộng” (Lab to land) là yếu tố then chốt để phát triển ngành nông nghiệp[1]. Ông phát động cuộc “Cách mạng xanh” mới, hỗ trợ người nông dân áp dụng công nghệ mới, tiếp tục trợ giá phân bón, phát triển hệ thống thủy lợi, quy hoạch lại đất nông nghiệp và phi tập trung hóa hệ thống kho tàng, đưa hệ thống đường sắt vào hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tiến hành cơ cấu lại ngành chăn nuôi, phát triển mạnh đàn gia súc, tăng sản lượng sữa với cuộc “Cách mạng trắng” lần thứ hai, ứng dụng khoa học vào chăn nuôi, xây dựng hệ thống hỗ trợ đảm bảo sức khỏe đàn gia súc.

4. Gợi mở một số hướng hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ

Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Ấn Độ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đặt nền móng, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Năm 2007, Việt Nam và Ấn Độ đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, đánh dấu bước chuyển hết sức cơ bản trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Kể từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ được hai bên quan tâm thúc đẩy và đã phát triển ngày càng sâu rộng và thực chất. Để mở đường cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, đầu tư, Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ đã ký nhiều thỏa thuận quan trọng như Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (1994), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (1997); Hiệp định thương mại và hợp tác kinh tế (1997)...Đặc biệt, triển khai Hiệp định vận chuyển hàng không (2011), hãng hàng không Jet Airways của Ấn Độ da triển khai đường bay đến Việt Nam (Delhi – Bangkok – TP HCM) và Vietnam Airlines cũng đang chuẩn bị mở đường bay thẳng đến Ấn Độ trong thời gian tới. Sắp tới, chi nhánh Ngân hàng Ấn Độ (Bank of India) cũng sẽ sớm được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi về thanh toán và tín dụng cho doanh nghiệp hai nước[2].

Ngay khi Ấn Độ có Chính phủ mới, Việt Nam và Ấn Độ đã trao đổi một loạt các chuyến thăm cấp cao, gồm chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj thăm Việt Nam (24 - 26/8/2014); Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee (từ 14 - 17/9/2014) và chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (từ 27 - 28/10/2014). Các hoạt động ngoại giao cấp cao này đã làm cho quan hệ hai nước trở nên hết sức sôi động, gần gũi và thể hiện mức độ tin cậy cao. Đáng chú ý, Thủ tướng Modi khi đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã công khai phát biểu “Ấn Độ dành ưu tiên cao nhất trong quan hệ với Việt Nam trong nỗ lực tăng cường quan hệ với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”[3]. Đây là những tiền đề rất quan trọng cho việc tăng cường quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Trên cơ sở mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước và với những chính sách kinh tế mới của Chính phủ Ấn Độ, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tăng cường hợp tác, đầu tư kinh doanh với Ấn Độ, đặc biệt trên một số lĩnh vực hai bên có thế mạnh bao gồm cơ khí chế tạo, năng lượng, công nghệ thông tin, chế biến, nông nghiệp, dầu khí, hóa chất…Hiện nay, tính đến hết tháng 3/2015, các doanh nghiệp Ấn Độ đã đầu tư vào Việt Nam 274 triệu USD, đứng thứ 30 trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các dự án của Ấn Độ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và khai khoáng, công nghệ thông tin, dệt may, thức ăn gia súc... Ấn Độ cũng đầu tư nhiều vào lĩnh vực dầu khí, trong đó đáng chú ý có dự án đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao và có dự án lại đáp ứng được lợi ích chiến lược của ta về chủ quyền lãnh thổ. Dự án đầu tư lớn nhất đang xúc tiến triển khai của Ấn Độ tại Việt Nam là dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 tại Sóc Trăng (trị giá 1,8 tỷ USD) của Tập đoàn TATA.

Lĩnh vực dệt may cũng là một lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng giữa hai nước. Ấn Độ có nguồn nguyên liệu dệt may phong phú trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu các sản phẩm dệt may hàng đầu thế giới. Hai nước hoàn toàn có thể hợp tác cùng có lợi, giảm sự phụ thuộc quá lớn của Việt Nam về nguyên liệu dệt may vào thị trường Trung Quốc. Trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến Ấn Độ (27 - 28/10/2014), Thủ tướng Narendra Modi đã cam kết hợp tác và hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất, nhất là ngành dệt may; đồng thời cam kết cho Việt Nam vay 300 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu và ủng hộ các doanh nghiệp Ấn Độ tăng cường đầu tư vào ngành dệt may cũng như mở các kho ngoại quan ngành nguyên liệu dệt may tại Việt Nam.

Ngoài việc tăng cường thu hút các doanh nghiệp Ấn Độ đến đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tận dụng cơ hội hợp tác liên doanh, đầu tư vào Ấn Độ trên các lĩnh vực như công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng, sản xuất chế biến, nông nghiệp… để tận dụng các cơ hội từ thị trường khổng lồ này và tận dụng các cơ hội từ chương trình cải cách kinh tế của Chính phủ Ấn Độ.

--------------------

Đảng BJP và liên minh dưới sự dẫn dắt của ông Narendra Modi đã giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Hạ viện Ấn Độ (5/2014) do đã đánh trúng tâm lý cử tri chán nản trước tình trạng kinh tế trì trệ và tâm lý muốn thay đổi sau 10 năm cầm quyền của đảng Quốc đại ở Trung ương. Người dân Ấn Độ đang hy vọng, với những kinh nghiệm thành công trong thời gian là Thủ hiến bang Gujarat, Thủ tướng Narendra Modi sẽ nhanh chóng đưa Ấn Độ trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh, có vai trò ngày càng quan trọng ở khu vực và trên thế giới.

Ngay sau khi lên nắm quyền, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã tập trung đẩy mạnh cải cách kinh tế bằng cách tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư mạnh phát triển cơ sở hạ tầng với những mục tiêu đầy tham vọng như sớm đưa GDP trở lại mức tăng trưởng 7% trong vòng 3 năm tới.

Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược đang phát triển rất tốt đẹp. Chính phủ hai nước đã có nhiều thỏa thuận, cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai bên. Trong bối cảnh Chính phủ Ấn Độ đang đẩy mạnh cải cách kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tăng cường liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư với Ấn Độ, nắm bắt những cơ hội hợp tác to lớn đang mở ra giữa hai nước.


*Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ, Vụ trưởng, Bộ Ngoại giao.

[1] Thủ tướng Narendra Modi phát biểu tại Hội đồng Nghiên cứu nông nghiệp Ấn Độ (ICAR) nhân kỷ niệm 86 năm thành lập Hội đồng (29/6/2014).

[2] Nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Ấn Độ (27 - 28/10/2014), đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cam kết cấp giấy phép cho Bank of India sau khi ngân hàng này hoàn thành thủ tục xin cấp phép.

[3] Phát biểu của Thủ tướng Modi với báo chí ngay sau cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng ngày 28/10/2014.

Nguồn:

Cùng chuyên mục