Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính trị hóa truyền thông mạng xã hội ở Ấn Độ

Chính trị hóa truyền thông mạng xã hội ở Ấn Độ

Bầu cử năm 2014 ở Ấn Độ được coi là “Cuộc bầu cử trên phương tiện truyền thông mạng xã hội đầu tiên” trong lịch sử chính trị của Ấn Độ, và đã khởi động cuộc cách mạng truyền thông xã hội trong chính trị Ấn Độ.

03:34 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Trước cuộc tổng tuyển cử năm 2009, Shashi Tharoor của đảng Quốc đại, từng là Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, là chính trị gia Ấn Độ duy nhất có tài khoản Twitter. Tất cả các đảng chính trị lớn đã gia tăng đáng kể dấu ấn trên mạng xã hội trước cuộc bầu cử năm 2014.

Thành công của Đảng Bharatiya Janata (BJP) trong việc huy động thế hệ kỹ thuật số của Ấn Độ sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội đã buộc các bên cạnh tranh phải cải tiến mức độ tương tác trên mạng xã hội. Kết quả là, hàng triệu thông điệp có động cơ chính trị hiện tràn ngập không gian số của Ấn Độ, khiến các cuộc bầu cử dễ bị thao túng trên mạng xã hội. BJP được báo cáo là đang quản lý hoạt động khoảng 200.000 đến 300.000 nhóm WhatsApp và kiểm soát 18.000 tài khoản Twitter giả. Đảng BJP đã phát triển đội ngũ CNTT làm việc hiệu quả trong mảng công việc liên quan đến thông tin và tuyên truyền, để tác động đến các nhóm xã hội nhằm đạt lợi ích trong bầu cử. Sự lan truyền thông tin sai lệch và phân cực, các chiến dịch truyền thông xã hội do BJP thực hiện quảng bá hướng tới người theo đạo Hindu, làm tăng khoảng cách giữa các cộng đồng người theo đạo Hindu và đạo Hồi. Những điều này kết hợp lại đe dọa sự thật và cấu trúc dân chủ thế tục của Ấn Độ.

 

Thông điệp chính trị trên phương tiện truyền thông mạng xã hội

Theo Chính phủ Ấn Độ, Ấn Độ có trên 500 triệu người dùng mạng xã hội, các mạng xã hội nhiều người dùng nhất là WhatsApp, YouTube, Facebook, Instagram và Twitter lần lượt có 530, 448, 410, 210 và 15 triệu người dùng. Theo khảo sát CSDS-Lokniti năm 2017, cứ 6 người dùng WhatsApp của Ấn Độ thì có 1 người tham gia các nhóm WhatsApp của đảng chính trị hoặc theo dõi tài khoản của lãnh đạo của đảng đó. Để tìm số lượng nội dung có động cơ chính trị, một cuộc khảo sát do CSDS-Lokniti và Konrad Adenauer Stiftung thực hiện năm 2019 đã xác định rằng, cứ ba công dân Ấn Độ trên mạng xã hội thì có một người sử dụng nội dung chính trị hàng ngày hoặc thường xuyên.

Các cử tri tiếp thu nội dung chính trị thông qua WhatsApp và các nền tảng khác ảnh hưởng đến nhận thức chính trị theo cách thức hai bước. Đầu tiên, các tài khoản chính trị tạo ra một loạt các câu chuyện tích cực liên quan đến một đảng phái, át đi những lời chỉ trích. Ví dụ, nội dung chủ nghĩa dân tộc phổ biến từ các nhóm cực hữu liên kết với BJP ca ngợi quân đội và các cuộc không kích ở Balakot, đồng thời né tránh nội dung về tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra. Thứ hai, thông tin sai lệch, đặc biệt lan truyền thông qua các tài khoản truyền thông xã hội giả, củng cố sự ủng hộ của chủ nghĩa dân tộc chống lại “kẻ thù”. Vào đầu năm 2020, người đứng đầu mảng CNTT của đảng BJP, Amit Malviya đã đăng lên Twitter một đoạn video giả về những người biểu tình Chống CAA giơ biểu ngữ “Pakistan Zindabad”. Điều này nhằm mục đích làm sâu sắc thêm sự chia rẽ cộng đồng Hindu giáo-Hồi giáo.

 

Sự phát triển của truyền thông mạng xã hội trong bầu cử chính trị

Chiến dịch truyền thông mạng xã hội của BJP đã phát triển đáng kể từ năm 2014. Sau đó, mạng xã hội của BJP chủ yếu tập trung vào việc PR cho nhà lãnh đạo đảng. Trọng tâm cốt lõi của chiến dịch truyền thông xã hội của BJP vào năm 2014, với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, là xây dựng thương hiệu của ứng cử viên Thủ tướng lúc bấy giờ là Narendra Modi, thúc đẩy chương trình phát triển và phê phán chính phủ của đảng Quốc đại đang cầm quyền lúc đó. Chiến lược truyền thông mạng xã hội của BJP đã có hiệu quả cao, Modi đã vượt Tharoor trở thành chính trị gia Ấn Độ được theo dõi nhiều nhất trên Twitter vào năm 2013. Chiến dịch truyền thông xã hội của BJP đã áp dụng nhiều phương pháp phân cực hơn trong cuộc bầu cử hội đồng nhân dân bang Uttar Pradesh năm 2017 và cuộc tổng tuyển cử năm 2019.

Việc đảng BJP thành công trong sử dụng truyền thông mạng xã hội đã tạo động lực cho các bên khác thể hiện nhiều hơn trong không gian số. Do thất bại liên tục trong các cuộc bầu cử từ năm 2014, và hình ảnh nhà lãnh đạo Rahul Gandhi bị hoen ố do các phương tiện truyền thông xã hội của đảng BJP đặt biệt danh cho ông là “Pappu” (hàm ý chế giễu một cậu bé chưa trưởng thành), đảng Quốc đại đã chi cho truyền thông mạng xã hội nhiều gấp 10 lần trong năm 2019 so với năm 2014. Ngay cả các đảng Cộng sản, vốn có truyền thống phản đối việc dùng mạng xã hội, cũng đã bắt đầu đào tạo sử dụng mạng xã hội cho cán bộ của họ.

 

Vũ khí hóa tinh thần đạo Hindu – Hindutva

Đảng BJP đã tận dụng truyền thông mạng xã hội và lấy tinh thần đạo Hindu - Hindutva làm chủ đề trung tâm. Tính đến năm 2018, chiến dịch truyền thông của BJP tập trung vào bốn nhóm vấn đề liên quan đến tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của người Hindu: Quyền lực và sự vượt trội của người Hindu; Bảo tồn và Phục hưng (Văn hóa Hindu); Tiến bộ và Niềm tự hào dân tộc; Nhân cách và sức mạnh của Narendra Modi.

Một phần quan trọng trong sự thành công của chiến lược truyền thông xã hội của BJP là khả năng tuyên truyền các thông điệp mang tính cá nhân hơn và do đó có tiềm năng lớn hơn để ảnh hưởng đến nhận thức chính trị của nhiều công dân.

Để tối đa hóa tác động đến suy nghĩ của cử tri, BJP, với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, tạo ra nội dung kỹ thuật số bằng ngôn ngữ địa phương và sử dụng meme từ các chương trình và phim nổi tiếng. Ví dụ: BJP đã sử dụng các quảng cáo troll và chiến dịch sử dụng meme từ loạt phim Game of Thrones. Nguồn tài chính dồi dào để thiết lập các chi nhánh CNTT, tuyển dụng kỹ thuật viên và thuê các công ty chuyên PR, kết hợp với mạng lưới tổ chức hiệu quả và rộng lớn trên thực địa để đảm bảo chiến dịch truyền thông xã hội tiếp cận những từng cử tri. Tất cả đã giúp đảng BJP vượt xa các đảng cạnh tranh trong lĩnh vực dùng kỹ thuật số tiếp cận cộng đồng.

 

Kết luận: Tác động đến dân chủ

Hiện tại, chỉ có một phần nhỏ cử tri Ấn Độ sử dụng mạng xã hội nhưng số lượng người sử dụng mạng xã hội tăng đột biến theo từng năm. Vai trò của mạng xã hội trong truyền thông chính trị sẽ phát triển trong những năm tới. BJP là người tiên phong chính thúc đẩy cuộc cách mạng truyền thông mạng xã hội trong chính trị Ấn Độ.

Khi BJP tìm cách thúc đẩy chương trình nghị sự Hindutva, không gian kỹ thuật số là mảnh đất màu mỡ nhất. Do BJP đang nắm quyền, họ có quyền kiểm duyệt các nền tảng truyền thông xã hội, có thể dập tắt những tiếng nói bất đồng chính kiến, việc thành lập một cơ quan độc lập không thuộc chính phủ là giải pháp khả thi nhất.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://southasianvoices.org/the-politicization-of-social-media-in-india/

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục