Cơ hội hợp tác Việt Nam - Ấn Độ về nghiên cứu, giáo dục quyền con người trong bối cảnh đa dạng văn hóa và hội nhập quốc tế hiện nay (Phần 1)
Hội nhập quốc tế đã đặt ra những vấn đề cơ hội và thách thức việc hợp tác giữa Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực quyền con người. Những sự tương đồng về văn hóa, lịch sử và mối quan tâm trên lĩnh vực quyền con người của hai quốc gia chính là điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ này. Trong bối cảnh hiện tại, hợp tác nâng cao hơn nữa năng lực nghiên cứu về giáo dục quyền con người của hai quốc gia, xây dựng chương trình đào tạo quyền con người ở các cấp cần được quan tâm.
Cơ hội hợp tác Việt Nam - Ấn Độ về nghiên cứu, giáo dục quyền con người trong bối cảnh đa dạng văn hóa và hội nhập quốc tế hiện nay
PGS, TS Tường Duy Kiên*
NCS Chu Thị Thúy Hằng**
1. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ về giáo dục trong bối cảnh mới
Ngay từ những năm 1945-1954, mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ đã được hai vị lãnh đạo kiệt xuất của hai quốc gia là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đặt nền móng, khởi nguồn từ những giao lưu về văn hóa, tôn giáo và thương mại. Cuộc gặp gỡ giữa hai nhà yêu nước, hai con người tiêu biểu cùng mục tiêu, lý tưởng chống thực dân, gành độc lập cho dân tộc của hai dân tộc Việt Nam và Ấn Độ đã mở đầu cho tình bạn thân thiết của hai nhà yêu nước và cũng có thể nói, mở đầu cho một thời kỳ phát triển mới của quan hệ hai nước.
Ấn Độ có hệ thống đào tạo, nghiên cứu khá phát triển, trong đó nhiều trường, viện nghiên cứu được xếp thứ hạng cao ở châu Á (Viện Công nghệ Ấn Độ), thu hút nhiều nhà khoa học trên thế giới đến học tập, nghiên cứu. Hai nước cũng xác định hợp tác về đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật được là lĩnh vực ưu tiên và hợp tác hiệu quả nhất. Gần đây, mỗi năm, Ấn Độ đã giành cho Việt Nam hàng trăm suất học bổng (đặc biệt là đào tạo nông nghiệp, tin học, tiếng Anh, viễn thám,...). Cho đến nay, Việt Nam là nước được hưởng nhiều học bổng nhất trong số các nước đang phát triển theo chương trình hợp tác kinh tế và công nghệ Ấn Độ (ITEC) với nước ngoài để đào tạo đại học, sau đại học trong hầu hết các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, y tế, nông nghiệp, thú y, ngân hàng, bảo hiểm, năng lượng hạt nhân v.v...Ngoài ra, Ấn Độ cũng cấp mới cho Việt Nam một số học bổng trong khuôn khổ hợp tác Sông Hằng - Sông Mêkông, Kế hoạch Colombo. Ấn Độ cũng giúp Việt Nam thành lập Trung tâm Phát triển doanh nghiệp Việt - Ấn (VIEDC), Trung tâm Đào tạo tiếng Anh tại Đà Nẵng. Ấn Độ đang và sẽ là điểm đến đầy hứa hẹn cho sinh viên Việt Nam, với học phí hợp lý, lại được đào tạo bằng tiếng Anh.
Tháng 9/2014, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjeee và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã khai trương Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cơ quan đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp của Đảng, Nhà nước Việt Nam và là trung tâm nghiên cứu quốc gia về khoa học lý luận chính trị và các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn khác. Đây chính là những cơ hội để Việt Nam - Ấn Độ cùng hợp tác trao đổi, phát triển quan hệ lĩnh vực giáo dục, đào tạo trong bối cảnh mới, trong đó có giáo dục về quyền con người.
2. Nghiên cứu, giáo dục quyền con người ở Ấn Độ: Giá trị tham khảo và cơ hội hợp tác với Việt Nam
Ấn Độ là một trong những nền văn minh lâu đời nhất trên thế giới có một di sản văn hóa phong phú. Quốc gia này có dân số 1,21, tỷ người , thiết lập nền dân chủ liên bang, quản trị với 28 bang và 7 liên minh vùng lãnh thổ. Mặc dù còn nhiều vấn đề về quyền con người cần phải giải quyết, nhưng không thể phủ nhận Ấn Độ đã có những nỗ lực trong việc xây dựng và hoàn thiện các thiết chế bảo vệ quyền con người, cũng như thực hiện các chương trình đào tạo nâng cao nhận thức về quyền con người cho các tầng lớp dân cư trong xã hội.
Xác định vấn đề quyền con người và giáo dục, đào tạo quyền con người là nhiệm vụ quan trọng, Hiến pháp Ấn Độ đã hình thành khái niệm về quyền con người. Lời mở đầu, các quyền cơ bản, nghĩa vụ cơ bản, và nguyên tắc của các chính sách nhà nước là bước đi cụ thể đối với việc thực hiện các quyền con người. Trong khi mục tiêu cơ bản đã được xác định trong Lời nói đầu, việc bảo vệ quyền và tự do của con người được nhấn mạnh trong các quyền cơ bản và nguyên tắc Chỉ thị của chính sách nhà nước. Những quy định này thể hiện ý chí tập thể và nguyện vọng của tất cả người Ấn Độ. Hiến pháp Ấn Độ quy định các quyền con người cơ bản như sau:
• Bình đẳng trước pháp luật (Điều 14);
• Chống phân biệt đối xử trên cơ sở tôn giáo, chủng tộc, giai cấp, giới tính và nơi sinh (Điều 15);
• Bình đẳng về cơ hội (Điều 16);
• Tự do ngôn luận, hội họp, đi lại, cư trú, thu hồi, định đoạt tài sản, nghề nghiệp, thương mại, kinh doanh (Điều 19);
• Cấm cưỡng bức lao động (Điều 23);
• Cấm sử dụng lao động trẻ em dưới 14 năm (Điều 24);
• Tự do tôn giáo (Điều 25);
• Bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết và văn hóa (Điều 29 [1]);
• Quyền của người thiểu số (Điều 30);
• Bảo đảm Nhà nước về trật tự xã hội (Điều 38 [1], Chỉ thị Nguyên tắc của chính sách Nhà nước);
• Trả công ngang nhau cho công việc như nhau cho cả nam giới và phụ nữ, không lạm dụng sức khỏe của người lao động, cơ hội cho trẻ phát triển một cách lành mạnh và trong điều kiện tự do và nhân phẩm (Điều 39, Chỉ thị nguyên tắc của Nhà nước chính sách);
• Quyền làm việc, giáo dục, và trợ cấp xã hội trong các trường hợp cụ thể (Điều 41, Chỉ thị Nguyên tắc của chính sách Nhà nước);
• Cung cấp giáo dục miễn phí và bắt buộc trẻ em lên đến 14 tuổi (Điều 45, Chỉ thị Nguyên tắc của chính sách Nhà nước);
Đây là những quy định trong Hiến pháp Ấn Độ, được lồng ghép trong nội dung các tài liệu phục vụ cho các chương trình đào tạo liên quan đến quyền con người. Có thể nhận thấy, việc nghiên cứu, giáo dục quyền con người ở Ấn Độ được thực hiện một cách có hệ thống. Điều này được minh chứng qua những luận điểm sau:
Ấn Độ đã thành lập Ủy ban nhân quyền theo nguyên tắc Pari nhằm thúc đẩy hơn nữa việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người thông qua các chương trình đào tạo về quyền con người của Ủy ban
Ủy ban Nhân quyền Ấn Độ được thành lập ngày 12/10/1993 theo nguyên tắc Paris, với nhiệm cụ bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, được quy định trong Luật Bảo vệ Nhân quyền Ấn Độ năm 1993 và được sửa đổi năm 2006. Chức năng của Ủy ban được quy định rõ nhằm nâng cao nhận thức về quyền con người trong các tầng lớp xã hội thông qua các ấn phẩm, các phương tiện truyền thông, hội thảo và các phương tiện sẵn có khác [Phần 12 (h)][1]. Bên cạnh đó, Ủy ban còn thực hiện các nghiên cứu trên lĩnh vực quyền con người, khuyến khích các tổ chức phi chính phủ tham gia các hoạt động bảo vệ quyền con người. Các nhiệm vụ tương tự như vậy cũng được giao cho các Ủy ban ở các bang và vùng lãnh thổ. Trong quá trình hoạt động của mình, Ủy ban Nhân quyền Ấn Độ đã thực hiện một chiến lược nhằm đạt được 3 mục tiêu sau đây:
Thứ nhất, kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà lãnh đạo tất cả các đảng phái chính trị đại diện trong Quốc hội hay cơ quan lập pháp của Nhà nước, tạo thành các hạt nhân hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền ở các cấp trung tâm, quốc gia và cấp quận.
Thứ hai, đề xuất ý tưởng với tất cả các bang và vùng lãnh thổ về việc tổ chức các khóa đào tạo nhân quyền cho tất cả cán bộ công chức trong lĩnh vực tương ứng với vị trí của họ.
Thứ ba, tiến hành các cuộc đối thoại ở cấp trung ương với các cơ quan giáo dục có liên quan thuộc Bộ Phát triển nguồn nhân lực, và các tổ chức liên quan ở cấp trung tâm và vùng lãnh thổ, để theo đuổi các vấn đề giáo dục quyền con người ở các cấp độ khác nhau.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân quyền quốc gia của Ấn Độ; Viện Ấn Độ vì Hòa bình, giải trừ quân bị và bảo vệ môi trường (IIPDEP); và nhiều tổ chức NGOs đã phát động một chiến dịch thông tin về quyền con người trong phạm vi cả nước. Chiến dịch này nhằm mục đích giúp cho mọi người ý thức hơn về quyền con người và tự do cơ bản, qua đó bảo vệ quyền của mình được tốt hơn. Đồng thời, tuyên truyền kiến thức về quyền con người ở cấp quốc tế và quốc gia để thúc đẩy, bảo vệ quyền con người và tự do cơ bản.[2]
IIPDEP và nhiều tổ chức phi chính phủ đã tập trung vào việc phát triển kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để áp dụng các quyền cơ bản của con người và tự do, và do đó, giải quyết bất bạo động các cuộc xung đột.
Để thực hiện các hoạt động giáo dục quyền con người hiệu quả, Ấn Độ đã có những chính sách giáo dục phù hợp. Báo cáo của Uỷ ban Giáo dục và các nội dung của chính sách giáo dục đã nói đến tầm quan trọng của quyền được giáo dục và giáo dục quyền con người như là một phần của nỗ lực để cải cách và phát triển giáo dục. Họ khẳng định địa vị đặc biệt của phụ nữ, bộ tộc, dân tộc thiểu số, người khuyết tật trong hệ thống giáo dục quốc dân. Họ cũng xác định các thành phần cơ bản của chương trình giảng dạy, trong đó phản ánh một số vấn đề nhân quyền quan trọng cần quan tâm.
Các chương trình đào tạo về quyền con người tại các cơ sở đào tạo ở Ấn Độ được tổ chức thực hiện rộng rãi và có kế hoạch cụ thể:
Quyền con người là một nội dung được xác định có vai trò quan trọng trong chương trình giảng dạy ở các cấp học của Ấn Độ. Bên cạnh một số chương trình đào tạo mang tính chuyên sâu, Ấn Độ yêu cầu việc lồng ghép các nội dung nhân quyền vào các môn học, coi đó vừa là mục tiêu vừa là yêu cầu của việc giáo dục công dân. Ở các trường đại học, chương trình đào tạo về quyền con người được tiến hành như sau:
Yêu cầu tất cả các Hiệu trưởng và Trưởng khoa Luật kiểm tra để môn học Quyền con người được giảng dạy một cách tốt nhất ở các cấp học khác nhau trong các trường đại học.
Thiết lập nhóm công tác để phối hợp, giám sát và theo dõi các vấn đề liên quan đến giáo dục nhân quyền ở cấp đại học.
Ủy ban Đại học thành lập một Ủy ban thường trực về Nhân quyền. Ủy ban này chuẩn bị Phương pháp tiếp cận để giải quyết tình huống, bao gồm những nội dung về quyền con người cho các khóa học cơ bản cho sinh viên của tất cả các ngành.
Giới thiệu các khóa học để cấp văn bằng hoặc chứng chỉ cho các nhóm đối tượng khác nhau và nhấn mạnh sự cần thiết của việc nghiên cứu, giáo dục mở rộng và các dự án hành động vì quyền con người. (Xem tiếp phần 2)
* , ** Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện CTQG Hồ Chí Minh.
[1] Luật Bảo vệ quyền con người Ấn Độ 1993.
[2] Balkrishna Kurvey, Human Rights Education in India: Needs and Future Actions, tại trang web: http://www.hurights.or.jp/archives/human_rights_education_in_asian_schools/section2/1999/03/human-rights-education-in-india-needs-and-future-actions.html
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục