Con đường diệt khổ của Phật giáo với đạo đức truyền thống trong văn hóa Việt Nam (Phần 1)
Phật giáo là một trong ba trường phái triết học không chính thống, một trào lưu tư tưởng lớn ở Ấn Độ cổ đại xuất hiện vào khoảng thế kỷ VI trước Công nguyên, đã nhanh chóng phổ biến và trở thành một quốc giáo ở Ấn Độ. Phật giáo từ lâu đã vượt ra khỏi biên giới Ấn Độ, lan tỏa khắp mọi nơi trên thế giới cho đến tận ngày nay. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Phật giáo trở thành một tôn giáo thế giới đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống văn hoá tinh thần của nhiều dân tộc, trong đó có Việt Nam.
Con đường diệt khổ của Phật giáo với đạo đức truyền thống trong văn hóa Việt Nam
PGS, TS Vũ Trọng Dung*
Phật giáo là một trong ba trường phái triết học không chính thống, một trào lưu tư tưởng lớn ở Ấn Độ cổ đại xuất hiện vào khoảng thế kỷ VI trước Công nguyên, đã nhanh chóng phổ biến và trở thành một quốc giáo ở Ấn Độ. Phật giáo từ lâu đã vượt ra khỏi biên giới Ấn Độ, lan tỏa khắp mọi nơi trên thế giới cho đến tận ngày nay. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Phật giáo trở thành một tôn giáo thế giới đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống văn hoá tinh thần của nhiều dân tộc, trong đó có Việt Nam.
Dân tộc Việt Nam có một nền văn hoá giàu bản sắc, được hình thành và phát triển từ ngày dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm trước đây, trên cơ sở của môi trường địa lý gió mưa, bán đảo; cư dân lao động trồng lúa nước cư trú thành những làng, xã trong nền sản xuất nông nghiệp.
Ở Việt Nam, trong suốt mấy ngàn năm ấy, không có một tôn giáo, một hệ tư tưởng nước ngoài nào chi phối các khuynh hướng phát triển của văn hoá; không có một tôn giáo, một hệ tư tưởng nước ngoài nào chi phối phong tục, tập quán, đạo đức người Việt.
Thế rồi, vào những năm đầu Công nguyên, Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo và sau này là Gia tô giáo đều từ Ấn Độ, Trung Quốc hay phương Tây được tiếp biến vào Việt Nam và được Việt Nam hoá để phù hợp với trình độ phát triển của các cư dân từng vùng canh tác nông nghiệp.
Phật giáo đã được nhân dân Việt Nam đón nhận, lựa chọn tiếp biến vào đời sống văn hoá người Việt khá sớm. Thực chất thì Nho giáo xâm nhập vào văn hoá Việt Nam chậm hơn Phật giáo và Đạo giáo. Vì vậy, Dù nhà Lý đã xây Văn Miếu, tổ chức nhà thái học, mở khoa thi, nhưng theo sử sách thì cho đến tận đầu đời Trần, Phật giáo vẫn chiếm ưu thế. Mãi đến các đời vua Trần Anh Tông, Hồ Quý Ly, nho sĩ mới được trọng dụng và tăng ni, phật tử mới phải tòng chinh đánh Chiêm Thành.
Những tư tưởng cơ bản của Phật giáo được thể hiện tập trung trong lý giải về thế giới và lý giải về con người. Mục đích của hệ thống lý luận đó là nhằm giải phóng con người khỏi mọi khổ đau bằng chính cuộc sống đức độ của con người. Bởi vậy, Phật giáo cảnh báo con người tránh xa những điều ác, điều dữ, và khuyên bảo con người làm những điều thiện, điều tốt lành. Phật giáo nêu trách nhiệm của đạo làm người là không được làm ngơ trước cái khổ của người khác; trái lại, phải dốc tâm, dốc sức cứu khổ, cứu nạn cho người. Đó cũng chính là yêu cầu đối với mình; bởi vì, mình có làm điều thiện thì mới thoát khổ được.
Để đạt được mục đích giải thoát, Phật giáo nhấn mạnh sự hoàn thiện đạo đức cá nhân và đưa ra nhiều phương pháp để thực hiện. Trả lời câu hỏi: Con người cần phải làm gì để thoát bể khổ cuộc đời này? Phật giáo dạy: “Con người phải thực hiện bằng chính cuộc đời nhân đức của mình để thoát khỏi luật định nhân quả”. Một trong số đó là bát chính đạo, nghĩa là có tám con đường tu luyện đúng đắn, gồm: chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tinh tiến, chính niệm, chính định. Trong tám con đường tu luyện đó, thì chính kiến, chính tư duy thuộc về môn tu luyện trí tuệ; chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh thuộc về môn tu luyện đạo đức; chính tinh tiến, chính niệm, chính định thuộc về môn tu thiền định.
1. Về tu luyện trí tuệ
Phật giáo cho chính kiến là điều tu luyện trước tiên. Phật tổ dạy rằng, chính kiến là phải có nhận thức đúng đắn, nhìn nhận rõ phải trái, ý nghĩ trong sáng, không để những điều sai trái che lấp điều sáng suốt của mình; phải hiểu biết đúng tứ diệu đế, thấy đúng. Thấy đúng có lợi gì? Thấy đúng mới bỏ được thói ích kỷ, trừ bỏ được mọi nguyên nhân của mọi sự xung đột giữa người và người dẫn đến tàn sát lẫn nhau, hại cho tất cả.
Theo Phật giáo, chính kiến là phải có bản lĩnh, lập trường trong cuộc sống. Dù bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào; dù trong hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn, nhất là những khi thời thế có gay cấn, sóng gió nổi lên phải thể hiện rõ quan điểm của mình. Trái lại, không dược “dĩ hòa vi quý”, lựa gió xoay chiều, chớ nên tỏ thái độ nửa vời, nước đôi, ba phải, dung hòa, thỏa hiệp để rồi đi đến trung dung, trung gian, trung lập, trung hòa, rằng đừng thái quá (đừng quá mức), đừng bất cập (đừng không đạt mức), nghĩa là đừng quá tả và cũng đừng quá hữu trong cuộc đời.
Rõ ràng, Phật giáo lên án lối sống cơ hội chủ nghĩa, cốt lấy lòng người, nghĩa là sống thế nào cho hòa đồng với mọi người, chẳng mất lòng ai. Khi đã hòa đồng với mọi người, tức là hòa với bên ngoài thì sẽ yên cho bản thân mình. Đó chính là chủ nghĩa cá nhân vị kỷ cần phải được phê phán loại bỏ tận gốc.
Lẽ sống của đạo Phật rất phù hợp với thang giá trị chân - thiện - mỹ của dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam từ lâu đã có câu châm ngôn phê phán lối sống cơ hội như: “Gió chiều nào che chiều ấy”; “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”; “Đi với bụt, mặc áo cà sa; Đi với ma, mặc áo giấy.”
Trái hẳn với lối sống đó, dân tộc ta ngợi ca tinh thần cốt cách dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đứng mũi chịu sào, dám đương đầu với mọi khó khăn thách thức để làm việc nghĩa cho đời, cho người. Câu tục ngữ : “Có cứng mới đứng đầu gió” đã chứng minh điều đó.
Người Việt Nam không bỏ quá làm ngơ, làm thinh, ngậm miệng trước những việc làm xấu xa, trước những tai ương, trước những bất bằng của thế thái, nhân tình như tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, chỉ chú trọng lợi ích vật chất mà chà đạp lên những giá trị tinh thần truyền thống, nhất là tệ sùng bái đồng tiền, chạy theo đồng tiền đã dẫn đến lối sống thực dụng không tình nghĩa, làm băng hoại mọi giá trị đạo đức và chi phối đến ngay cả những quan hệ vốn là thiêng thiêng nhất. Từ ngàn đời xưa, Người Việt Nam đã khẳng định triết lý sống: “Sóng cả mặc sóng, chèo cho có chừng” ; “Chớ thấy sóng cả mà ngả tay chèo”; “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi, Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.
Triết lý “Chết trong còn hơn sống đục” của dân tộc Việt Nam có từ ngàn đời xưa được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ lớp người này sang lớp người khác mãi mãi như là chuẩn mực bền vững, là lý tưởng, là khuôn mẫu của đạo lý làm người Việt Nam. Quan niệm nhân sinh cao đẹp đó đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Trong điều kiện kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập đa phương đã và đang nảy sinh nhiều mối quan hệ phức tạp, khi chúng ta đang xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh chúng ta đã có mặt tại Diễn đàn Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và đã tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nghĩa là chúng ta đã, sẽ và còn phải hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Chúng ta đã chấp nhận các luật chơi của cơ chế thị trường tự do, và chính cơ chế này đã giằng đứt nhiều dây neo chúng ta với chủ nghĩa xã hội để nó thả nền văn hóa của chúng ta cuốn vào những cơn sóng của đế quốc văn hóa. Những chuẩn mực, những công nghệ của đế quốc văn hóa đang thu hút giới trẻ trên mạng thông tin toàn quốc và toàn cầu. Những thước phim tình dục và bạo lực, những hệ tư tưởng khác lạ, những quan điểm văn hóa thác loạn đang gạ gẫm và rủ rê những chàng trai, cô gái thích cái lạ đến với chúng .… Tất cả những điều đó đòi hỏi chúng ta phải tỏ rõ quan điểm, lập trường kiên quyết phê phán những cái không phù hợp với các chuẩn mực đạo đức đã được xã hội thừa nhận. Vì vậy, chính kiến của Phật giáo vẫn có ý nghĩa thực tiễn lớn lao.
Phật giáo nêu ra chính tư duy nhằm khuyên bảo con người phải có suy nghĩ đúng đắn. Có suy nghĩ đúng đắn thì mới đạt tới giác ngộ. Giác ngộ là thấu hiểu thực chất mọi điều tốt đẹp. Khi đã thấu suốt, suy xét đến cùng tất cả mọi lẽ, mới có thể chỉ bảo giúp người. Nghĩa là mình muốn giúp người, yêu cầu trước hết đối với mình là phải có hiểu biết, phải có trí tuệ. Không thể người tốt mà lại thiếu trí. Nếu người tốt mà thiếu trí thì sẽ yếu mềm, làm sao mà giúp người được.
Rõ ràng, chính tư duy của Phật giáo yêu cầu con người không ngừng, không nghỉ phấn đấu tu luyện, học tập để có tri thức. Muốn vậy, phải có sự kiên nhẫn, không nản chí trong tu luyện. Như vậy, chính tư duy của Phật giáo cũng hòa đồng với tư tưởng của nhân dân Việt Nam, như: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”; “Năng nhặt, chặt bị” ; “Kiến tha lâu cũng đầy tổ”. (Xem tiếp phần 2)
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục