Con đường tơ lụa trên biển do Trung Quốc khởi xướng thảo luận các tác động đa chiều đến chính sách phát triển cơ sở hạ tầng Nam Á của Ấn Độ (Phần 4)
Bài viết bao gồm ba phần chính: Phần thứ nhất là mô tả về các dự án CSHT liên kết quan trọng nhất của Trung Quốc tại ba nước Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka; Phần thứ hai sẽ phác họa bức tranh tổng thể về các mục tiêu của Trung Quốc thông qua hệ thống các CSHT này; Phần thứ ba sẽ phân tích phản ứng và chính sách của Ấn Độ.
Con đường tơ lụa trên biển do Trung Quốc khởi xướng thảo luận các tác động đa chiều đến chính sách phát triển cơ sở hạ tầng Nam Á của Ấn Độ
TS Trương Minh Huy Vũ*,
Vũ Thành Công**
3. Phản ứng của Ấn Độ
Trước các động thái của Trung Quốc, Ấn Độ - cường quốc truyền thống của khu vực Nam Á cũng cảm nhận được các mối đe dọa về an ninh. Để phản công các chiến lược Trung Quốc giăng ra trong khu vực, Ấn Độ đã chọn cách tiếp cận song phương, lần lượt bẻ từng chiếc đũa mà Trung Quốc dày công gọt dũa.
3.1 Bangladesh
Sự tham gia của Trung Quốc vào cả ba cảng quan trọng bậc nhất tại Bangladesh là Chittagong, Mongla và Sonadia đã làm dấy lên lo ngại tại Ấn Độ. Viễn cảnh Trung Quốc xây dựng các căn cứ quân sự tại Bangladesh và gia tăng hiện diện tại Vịnh Bengal sẽ đe dọa trực tiếp an ninh của Ấn Độ.
Ngày 7/6/2015, Ấn Độ đã ký kết hai thỏa thuận lịch sử với Bangladesh.[1] Thỏa thuận đầu tiên là về việc hai nước quyết định tận dụng vùng biển chung và Bangladesh cho phép tàu hàng của Ấn Độ có thể sử dụng hai cảng Chittagong và Mongla. Thỏa thuận này mang lại ba lợi ích rất quan trọng: Thứ nhất, nó giúp giảm thời gian vận chuyển hàng hóa từ Ấn Độ sang Bangladesh từ 30-40 ngày xuống còn một tuần. Tàu hàng từ Ấn Độ sẽ có thể đi thẳng sang hai cảng kể trên tại Bangladesh thay vì đi vòng sang Singapore rồi quay lại Bangladesh[2]. Thứ hai, nó mang lại ý nghĩa rất lớn về mặt ngoại giao khi đây là lần đầu tiên hai nước thông qua việc sử dụng vùng biển chung. Thứ ba, về mặt chiến lược, thỏa thuận này sẽ giúp củng cố niềm tin giữa Ấn Độ và Bangladesh.
Với sự tham gia của Ấn Độ, Trung Quốc sẽ khó có thể kiểm soát cả hai cảng quan trọng nhất của Bangladesh là Chittagong và Mongla. Các nghi ngờ về Chittagong như một phần của “chuỗi ngọc trai” cũng sẽ được giải tỏa và cam kết của Chính phủ Bangladesh vào 2010 rằng Chittagong sẽ chỉ được sử dụng với mục đích thương mại, không phục vụ cho mục đích quân sự càng được củng cố. [3]
Cùng với thỏa thuận sử dụng cảng, Ấn Độ và Bangladesh cũng đạt được thỏa thuận biên giới lịch sử đối với một khu vực dài 4.096 km đã tranh chấp 41 năm.[4] Đổi lại, Ấn Độ sẽ hỗ trợ cho Bangladesh thêm 2 tỷ USD hạn mức tín dụng đầu tư vào các dự án CSHT, năng lượng, sức khỏe và giáo dục. Ấn Độ cũng sẽ tăng cung cấp năng lượng cho Bangladesh từ 500MW lên 1.100MW.[5] Các thỏa thuận kể trên là một bước tiến đáng kể trong nỗ lực kéo Bangladesh trở lại của Ấn Độ. Cho đến khi Ấn Độ còn đưa ra các thỏa thuận hấp dẫn tương tự, Trung Quốc sẽ khó có thể xây dựng các căn cứ tại Vịnh Bengal thông qua Bangladesh.
3.2 Sri Lanla
Tại Sri Lanka, các động thái tăng cường ảnh hưởng của Ấn Độ không thể hiện rõ ràng như tại Bangladesh, mà thông qua các sự kiện và tuyên bố của Sri Lanka.
Thứ nhất, trong việc tạm dừng xây dựng dự án Cảng Colombo do Trung Quốc đầu tư tại Sri Lanka, trị giá 1,5 tỷ USD. Việc hoãn xây dựng vào tháng 3/2015 diễn ra ngay sau chuyến công du đến Ấn Độ của Tổng thống Sri Lanka - Maithripala Sirisena. Kết quả của chuyến đi là việc kí kết nhiều thỏa thuận, trong đó bao gồm việc Thủ tướng Ấn Độ Modi dành thêm mức tín dụng 318 triệu đô la đầu tư vào Colombo để mở rộng ngành đường sắt. Hai nước cũng đã đạt thỏa thuận cùng nhau phát triển các ngành than, dầu khí của Sri Lanka và phát động một lực lượng đặc trách chung về kinh tế biển.[6]
Thứ hai, trong cuộc gặp vào tháng 2/2015, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Sri Lanka đã nhấn mạnh, Sri Lanka sẽ duy trì quan hệ tốt với cả Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ[7]. Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Ấn Độ, Nerendra Modi, cũng tuyên bố các công ty Ấn Độ và Sri Lanka sẽ hợp tác trong việc xây dựng các cơ sở chứa dầu tại Trincomalee. Thứ trưởng Bộ Hoạch định chính sách và Phát triển kinh tế của Sri Lanka, Harsha de Silva, cũng nhấn mạnh rằng: “Ấn Độ được chào đón đầu tư vào việc xây dựng và nâng cấp các bến cảng Đông và Tây tại cảng Colombo”.[8] Nếu Ấn Độ đầu tư vào Cảng Colombo, Trung Quốc sẽ khó thoải mái đậu tàu ngầm quân sự tại đây như họ từng làm.
Thứ ba, trong sự kiện tàu ngầm Trung Quốc xuất hiện tại Sri Lanka vào tháng 9/2014. Ngay sau khi có thông tin tàu ngầm Trung Quốc neo đậu tại South Container Terminal (Cảng Colombo), Chính phủ Sri Lanka đã ngay lập tức đảm bảo rằng họ sẽ không làm “bất cứ gì đi ngược lại các lợi ích an ninh của Ấn Độ”[9]. Có thể thấy, dù Trung Quốc có thể tiếp tục đầu tư vào Cảng Colombo, họ vẫn sẽ khó để lôi kéo Sri Lanka chống lại “người anh cả trong khu vực” - Ấn Độ. (Xem tiếp phần 5)
* Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Thành phố Hồ Chí Minh.
** Nghiên cứu viên, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Thành phố Hồ Chí Minh
[1] Indrani Bagchi, Now India gets to tug at China’s ‘string of pearls’, The Times of India, 7/6/2015, http://timesofindia.indiatimes.com/india/Now-India-gets-to-tug-at-Chinas-string-of-pearls/articleshow/47570510.cms, truy cập vào ngày 5/8/2016.
[2] Indrani Bagchi, Now India gets to tug at China’s ‘string of pearls’, The Times of India, 7/6/2015, http://timesofindia.indiatimes.com/india/Now-India-gets-to-tug-at-Chinas-string-of-pearls/articleshow/47570510.cms, truy cập vào ngày 5/8/2016.
[3] Mukul Devichand, Is Chittagong one of China’s ‘string of pearls’?, BBC News, 17/5/2010, http://news.bbc.co.uk/2/hi/business/8687917.stm, truy cập vào ngày 5/8/2016.
[4] Surojit Guptal, $2 billion line of credit to Bangladesh to create 50,000 India jobs, The Times of India, 7/6/2016, http://timesofindia.indiatimes.com/business/india-business/2-billion-line-of-credit-to-Bangladesh-to-create-50000-Indian-jobs/articleshow/47570507.cms, truy cập vào ngày 5/8/2016.
[5] Indrani Bagchi, Now India gets to tug at China’s ‘string of pearls’, The Times of India, 7/6/2015, http://timesofindia.indiatimes.com/india/Now-India-gets-to-tug-at-Chinas-string-of-pearls/articleshow/47570510.cms, truy cập vào ngày 5/8/2016.
[6] Hà Phúc, Khi Ấn Độ trực tiếp thách thức vị thế của TQ, Vietnamnet, 12/10/2015, http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/266722/khi-an-do-truc-tiep-thach-thuc-vi-the-cua-tq.html, truy cập vào ngày 5/8/2016.
[7] Chen Qin and Huang Shan, Sri Lanka Tells China It Will Rethink Ties – and a Major Port Project, Caixin Online, 3/10/2015, http://english.caixin.com/2015-03-10/100789883.html, truy cập vào 5/8/2016.
[8] Nilanthi Samaranayake, India’s Key to Sri Lanka: Maritime Infrastructure Development, The Diplomat, 31/3/2015, http://thediplomat.com/2015/03/indias-key-to-sri-lanka-maritime-infrastructure-development/, truy cập vào 5/8/2016.
[9] Vijay Sakhuja, Chinese Submarines in Sri Lanka Unnerve India: Next Stop Pakistan?, The Jamestown Foundation, 29/5/2015, http://www.jamestown.org/programs/chinabrief/single/?tx_ttnews%5Btt_news%5D=43960&cHash=a78005ce4ef4d128216bf3c97b8b9fbe#.VsBO-Pl97IV, truy cập vào ngày 5/8/2016.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục