Công nghiệp Dầu mỏ và khí tự nhiên Của Ấn Độ
Công nghiệp Dầu mỏ và khí tự nhiên Của Ấn Độ
Nguyễn Tuấn Quang*
Công nghiệp dầu mỏ và khí tự nhiên của Ấn Độ là một trong những ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất và có vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển đất nước và đối với các ngành công nghiệp khác. Ngành này tạo điều kiện cơ sở cho các ngành công nghiệp khác như xây dựng, bao bì, dược phẩm, nông nghiệp, dệt,... Ước đóng góp của ngành công nghiệp này (dầu mỏ, khí đốt, sản phẩm dầu) năm 2016-2017 là 15% GDP.
Tính đến đầu năm 2015, Ấn Độ có trữ lượng 635 triệu tấn dầu thô, 1.500 tỷ m3 khí tự nhiên và 2.717 tỷ m3 khí đá phiến. Đồng thời, có 637 giếng thăm dò và khai thác với 1.352.000 mét chiều dài đường ống khoan.
Theo số liệu của BP Stastical Review of World Enenergy, năm 2015, Ấn Độ đứng thứ ba (4,1 triệu thùng/ngày) trên thế giới về tiêu thụ dầu, sau Mỹ (19,39 triệu thùng/ngày), Trung Quốc (11,96 triệu thùng/ngày).
Khai thác dầu thô và khí tự nhiên
Sản lượng dầu thô năm 2016-2017 là 36 triệu tấn, giảm 2,4% so với mức 36,9 triệu tấn năm 2015-2016. Nhìn chung, sản lượng dầu trong 8 năm vừa qua của Ấn Độ trong khoảng 34 – 39 triệu tấn. Sản lượng khí tự nhiên là 31,897 tỷ m3 so với mức 32,249 tỷ m3 năm 2015-2016. Lượng dầu đưa vào lọc là 245,4 triệu tấn so với mức 232,9 triệu tấn năm 2015-2016.
Sản lượng dầu thô và khí tự nhiên
Nguồn: Bộ Dầu mỏ và Khí tự nhiên Ấn Độ
Các công ty hoạt động khai thác dầu tại Ấn Độ chủ yếu là các tập đoàn, công ty nhà nước. Lớn nhất là Oil and Natural Gas Corporation (ONGC), chiếm khoảng 70% sản lượng dầu khai thác cả nước. Tiếp đó là Oil India Limited (OIL), chiếm khoảng 28%. Các công ty khác là India Oil Corporation (IOC) và Gas Authority of India Limited (GAIL). Tập đoàn tư nhân Reliance Industry Limited (RIL) ngày càng có vai trò lớn trong ngành dầu khí Ấn Độ. Các tập đoàn, công ty nước ngoài đang đầu tư tại Ấn Độ: Cairn Energy, BP, Shell, Niko Resources (Canada), Oilex Limited (Australia), Hardy Oil & Gas Plc. (Vương quốc Anh).
Hầu hết các mỏ dầu của Ấn Độ đều năm ở ngoài khơi, phía Tây nước này. Các mỏ mới được phát hiện ở vùng Đông Bắc tại Vinh Bengal và Bang Rajasthan. Vùng có các mỏ lớn nhất là ngoài khơi, phía Tây Bắc Mumbai do ONGC khai thác với công suất 300.000 thùng/ngày. RIL khai thác Lô D6 tại Vịnh Bengal từ tháng 9/2008. Nhà máy lọc dầu của Tập đoàn IOCL công suất 15 triệu tấn/năm với kỹ thuật hiện đại tại Paradip, Bang Odisha đã đi vào hoạt động tháng 2/2016. Nhà máy phát điện sử dụng khí ga công suất 720 MW tại Palatana, Bang Tripura của ONGC đã vận hành tháng 12/2014. Ấn Độ hiện có chính sách đẩy mạnh khai thăm dò và khai thác dầu mỏ khí đốt ở các vùng miền của đất nước, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu thô, phục vụ cho phát triển kinh tế và nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn.
Sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm dầu
Trong năm 2016-2017, sản xuất các sản phẩm dầu lửa từ dầu thô là 242,7 triệu tấn, tăng 5,% so với năm 2015-2016. Tiêu thụ các sản phẩm dầu mỏ trong nước là 194,2 triệu tấn, tăng 5,1% so với năm 2015-2016.
Xuất nhập khẩu
Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu thô. Trong những năm vừa qua, kinh tế tăng trưởng mạnh, đặc biệt GDP đạt mức tăng liên tục 7% trong các năm 2014 – 2017. Nhu cầu tiêu thụ dầu tăng mạnh. Ấn Độ chỉ tự túc được khoảng trên 20% nhu cầu và phải nhập khẩu khoảng 80%.
Sản xuất và xuất nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt
Nguồn: Bộ Dầu mỏ và Khí tự nhiên Ấn Độ
Năm 2016-2017, nước này nhập khẩu 213,9 triệu tấn dầu thô, tăng 5,4% so với mức 202,9 triệu tấn, nhưng tăng 11% về trị giá nhập khẩu do giá thế giới tăng mạnh so với năm 2015-2016. Năm 2001-2002, nhập khẩu dầu thô chỉ là 78,706 triệu tấn, nhưng đã tăng lên 128,155 triệu tấn năm 2008-2009, mức tăng 63% giai đoạn 2001-2002 đến 2008-2009. Ấn Độ nhập khẩu dầu thô từ các nước: Ả rập Xê út, Iran, Nigeria, Kuwait, U.A.E., Malaysia, Yemen...
Giá quốc tế bình quân của dầu thô đã tăng từ 22,75 USD/thùng năm 2001 lên 94,1 USD/thùng năm 2008, với mức tăng 414,5%. Đặc biệt trong năm 2012, giá bình quân tăng mức đỉnh chưa từng có 109,45 USD/thùng.
Việc giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng có tác động mạnh đến nền kinh tế Ấn Độ, góp phần làm cho nhập siêu của nước này ngày càng cao. Tuy nhiên, giá dầu thô đã giảm xuống mức bình quân 40,68 USD/thùng năm 2016 và dự kiến 51,33 USD/thùng trong năm 2017.
Mức giá quốc tế giảm trong những năm qua là một trong những nhân tố ảnh hưởng tới việc giảm sản lượng khai thác dầu thô và khí đốt trong nước, nhưng lại có tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế vì trị giá nhập khẩu của Ấn Độ tăng lên không tương ứng với khối lượng nhập khẩu.
Dù giá thế giới có biến động trong những năm tới, nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ vẫn sẽ tăng để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và phục vụ cho việc tái xuất khẩu các sản phẩm dầu.
Trong năm 2016-2017, xuất khẩu các sản phẩm dầu đạt 65,5 triệu tấn, tăng 8,3% về lượng và 10,7% về trị giá so với mức 2015-2016.
Dự án lớn của Ấn Độ về dầu mỏ và khí tự nhiên với các nước liên quan là Đường dẫn khí đốt Turmenistan – Afghanistan – Pakistan – Ấn Độ (TAPI) với sự trợ giúp của Ngân hàng Phát triển châu Á đã được khởi công ngày 13/12/2015 tại Turmenistan. Đường dẫn khí này có chiều dài 1.814 km, công suất 3 tỷ m3 khí/năm và trị giá 10 tỷ USD.
Đồng thời, nước này hiện có ý định khởi động lại Dự án đường đẫn khí đốt Iran – Pakistan – Ấn Độ (IPI) với các nước có liên quan để nhập khẩu khí tự nhiên từ Iran. IPI bị ngưng trệ từ năm 2008 do lệnh cấm vận của Mỹ với Iran. Đường dẫn khí này có chiều dài 2.135 km, công suất vận chuyển 60 triệu m3 khí /ngày và trị giá 7 tỷ USD. Dự án IPI nếu được thông qua và vận hành cùng với Dự án TAPI sẽ tạo bước ngoặt lớn cho công nghiệp dầu mỏ khí đốt.
Hóa dầu
Ấn Độ bắt đầu phát triển công nghiệp hóa dầu vào những năm 1970 và có những bước phát triển nhanh chóng vào những năm 1980 và 1990. Nguyên nhân chính của việc tăng trưởng nhanh là do nhu cầu rất lớn về các sản phẩm hóa dầu với mức tăng 13 – 14 % hàng năm kể từ cuối những năm 1990.
Hóa dầu Ấn Độ là ngành công nghiệp tập trung cao độ. Hiện nay có 4 tập đoàn lớn chi phối hầu hết các hoạt động hóa dầu: Reliance Industries Ltd. (RIL), Indian Petrochemicals Corporation Ltd. (IPCL), Gas Authority of India Limited (GAIL) và Halida Petrochemicals Ltd. (HPL). Gần đây, việc IPCL sát nhập với RIL đã làm cho mức độ tập trung của ngành này ngày một cao vì sau khi sát nhập, chiếm đến trên 70% năng lực hóa dầu của cả nước. Tuy nhiên, lĩnh vực phân phối dầu có trên 40 công ty đang hoạt động trên toàn lãnh thổ.
Công suất và sản lượng lọc dầu
Đơn vị: Triệu tấn
Nguồn: Bộ Dầu mỏ và Khí tự nhiên Ấn Độ
Cũng như tại nhiều nước trên thế giới, công nghiệp hóa dầu Ấn Độ mang tính chu kỳ, phụ thuộc vào sản xuất và giá cả của dầu mỏ trên thế giới. Hiện nay, mức tiêu thụ bình quân dầu người các sản phẩm hóa dầu của Ấn Độ thuộc hàng các nước thâp nhất thế giới. Đo đó, dư địa tăng nhu cầu trong nước còn rất lớn. Cũng cần biết rằng, động lực tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ là tiêu dùng và đầu tư trong nước.
Năm 2016-2017, sản lượng lọc dầu trong nước là 245,4 triệu tấn so với 232,9 triệu tấn của năm trước. Hiện nay, Ấn Độ là nước nhập khẩu các sản phẩm dầu như naphta, xăng, dầu diesel và xăng máy bay,...
Thăm dò và khai thác ở nước ngoài
Trong những năm gần đây, các công ty dầu Ấn Độ chú trong mở rộng việc thăm dò và khai thác ở nước ngoài. Công ty hoạt động mạnh nhất là ONGC Videsh Ltd. (OVL), công ty đầu tư hải ngoại của ONGC. OVL hiện có các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại 13 nước trên thế giới: Việt Nam, Myanmar, Nga, Iran, Iraq, Sudan, Columbia, Brazil... OVL tham gia vào khai thác tại Sudan từ năm 1997 (OVL chiếm 25% cổ phần, China National Petroleum Company – CNPC 40%, Petronas 30% và Sudan National Oil Company – Sudapest 5%). OVL có 20% cổ phần trong Dự án Sakhalin I tại Nga với trữ lượng 2,3 tỷ thùng.
Hiện nay, các công ty dầu khí Ấn Độ đang tiếp tục các dự án thăm dò và khai thác tại nước ngoài: Gabon, Nigeria, Sudan, Qatar, Australia, Bờ Biển Ngà, Togo...
* Nguyên Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ: Chứng khoán bùng nổ và cách bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ
Kinh tế 10:00 09-12-2024
Tập đoàn Vietravel mở rộng hoạt động tại Ấn Độ
Kinh tế 03:00 16-11-2024
Ấn Độ đạt kỷ lục trong xuất khẩu hàng hóa
Kinh tế 03:00 17-11-2024
Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và những tác động
Kinh tế 02:00 28-10-2024