Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Ấn Độ
Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Ấn Độ
Nguyễn Tuấn Quang*
1. Các quy định về pháp lý
Kể từ 1/4/2010, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được điều tiết bởi Chính sách đầu tư hợp nhất do Tổng cục chính sách và xúc tiến công nghiệp (DIPP) thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ ban hành. Chính sách này phản ánh việc thực hiện khung quản lý hiện hành thông qua hợp nhất các quy định trước đó về FDI trong Luật quản lý ngoại hối (FEMA) năm 1999, Quy chế quản lý ngoại hối năm 2000 và các thông tư, quy định của Ngân hàng dự trữ Ấn Độ (RBI). Việc hợp nhất này nhằm mục đích cụ thể hóa chính sách FDI của Ấn Độ và làm cho việc hiểu và thực hiện chính sách FDI được tốt hơn. Mọi sự thay đổi, điều chỉnh chính sách FDI do các bộ đề nghị sẽ được liên bộ thảo luận, nội các thông qua và được DIPP công bố. Những thay đổi này được phản ánh trong chính sách FDI hợp nhất công bố 6 tháng một lần. Các ngành nêu trong chính sách là mở 100% cho FDI thông qua việc cấp phép tự động trên cơ sở luật, quy chế áp dụng và điều kiện an ninh.
Có ba cơ quan tại Ấn Độ phụ trách các vấn đề về FDI là Hội đồng xúc tiến đầu tư nước ngoài (FIPB), Cơ quan thực hiện đầu tư nước ngoài (FIIA) và Ban thư ký trợ giúp công nghiệp (SIA). FIBP thuộc Bộ Tài chính, do Thứ trưởng các vấn đề kinh tế làm chủ tịch, chịu trách nhiệm về kiểm tra và phê duyệt đề xuất đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực không được cấp phép tự động. Đầu tư vào các lĩnh vực đặc biệt cần phải có sự phê duyệt của Ủy ban nội các về các vấn đề kinh tế.
SIA thuộc DIPP, hoạt động với tư cách như Ban thư ký của FIIA. Ban thư ký là một cửa duy nhất cho nhà đầu tư. Ban này xử lý các các đề xuất cần phải được chính phủ phê duyệt, trợ giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư thành lập các dự án (bao gồm việc liên lạc với các tổ chức của chính phủ và các bang) và theo dõi việc thực hiện.
2. Những quy định về phạm vi đầu tư nước ngoài
Chính phủ Ấn Độ rất coi trong đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế tạo, dịch vụ và bán lẻ. FDI góp phần đáng kể cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, giải quyết công ăn việc làm, chuyển giao công nghệ.
FDI được phép đầu tư vào các công ty Ấn Độ (bao gồm các công ty siêu nhỏ và nhỏ), công ty liên danh, quỹ vốn liên doanh và công ty trách nhiệm hữu hạn.
Về trị giá vốn đầu tư, có hai loại hình đầu tư FDI vào Ấn Độ. Trong lĩnh vực mà FDI được phép đến 100% vốn được cấp phép tự động tùy theo quy định và điều kiện. Trong trường hợp này, không cần sự phê duyệt của Ngân hàng dự trữ Ấn Độ hoặc chính phủ.
Tuy nhiên, phải thông báo việc đầu tư cho văn phòng khu vực của Ngân hàng dự trữ Ấn Độ biết trong vòng 30 ngày. Trong lĩnh vực mà FDI bị hạn chế, phải có sự phê duyệt trước của FIPB. Những khuyến nghị của FIBP phải được Bộ tài chính phê duyệt cho các FDI có giá trị dưới hoặc tương đương 12 tỷ Rupee, hoặc do Ủy ban nội các về các vấn đề kinh tế thông qua cho các dự án FDI trị giá 12 tỷ Rupee hoặc cao hơn.
Ngày 5/6/2017, Bộ Tài chính đã thông báo giải thể FIPB. Các dự án FDI cần phê duyệt thì chuyển về các Bộ chuyên ngành như Bộ Quốc phòng; Mỏ ; Nội vụ; Thông tin và Phát thanh ; Hàng không Dân dụng ; Truyền thông; Hóa chất và Phân bón ; Tài chính…
Các lĩnh vực bị cấm đầu tư đến năm 2011 là bán lẻ, sổ số, đánh bạc, bất động sản (trừ phát triển đô thị, nhà, xây dựng cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển – xây dựng), nông nghiệp (trừ trồng hoa, trồng rau, trồng cây lấy hạt, chăn nuôi, nuôi cá, thủy sản, trồng rau và trồng nấm trong nhà và các dịch vụ nông nghiệp có liên quan), sản xuất xì gà, thuốc lá và phụ liệu, xe lửa và năng lượng hạt nhân.
Từ năm 2012, Ấn Độ đã dỡ bỏ hạn chế đầu tư từ các công ty hoặc công dân của một vài nước nhất định. Các công dân hoặc pháp nhân Pakistan được phép đầu tư vào Ấn Độ. Tuy nhiên, các công dân và công ty của hai nước này chỉ được đầu tư vào Ấn Độ khi có giấy phép của chính phủ Ấn Độ, chứ không được qua quy trình tự động. Công dân Ấn Độ sống ở Nepal và Bhutal và người Nepal, nguời Bhutal được đầu tư trên cơ sở chuyển tiền trực tiếp từ trong nước của họ sang Ấn Độ bằng ngoai tệ tự do chuyển đổi thông qua hệ thống ngân hàng thông thường.
Từ năm 1994 đến nay, Ấn Độ đã ký 83 hiệp định xúc tiến và bảo hộ đầu tư song phương và đang đàm phán một số hiệp định khác. Chính phủ trung ương và các bang có nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển.
3. Kết quả đầu tư nước ngoài từ tháng 4/2000 đến tháng 3/2017
Từ nhiều năm nay, Ấn Độ đã chú trọng thu hút đầu tư từ nước ngoài và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong năm 2016-2017, Ấn Độ thu hút 43,478 tỷ USD đầu tư nước ngoài, tăng khá so với mức 40 tỷ USD của năm 2015-2016 (nếu tính cả vốn tái đầu tư và vốn khác thì là FDI 60,082 tỷ USD năm 2016-2017. Năm 2015-2016, con số này là 55,56 tỷ USD và năm 2014-2015 là 45,15 tỷ USD).
Các quốc gia đẫn đầu FDI tại Ấn Độ năm 2016-2017: Mauritius 15,73 tỷ USD; Singapore 8,71 tỷ USD; Nhật Bản 4,71 tỷ USD; Hà Lan 3,37 tỷ USD; Mỹ 2,38 tỷ USD; Vương quốc Anh 1,48 tỷ USD...
FDI chủ yếu trong các lĩnh vực: Dịch vụ 8,68 tỷ USD; Viễn thông 5,56 tỷ USD; Máy tính điện từ (cả phần cứng và phần mềm) 3,65 tỷ USD; Thương mại 2,34 tỷ USD; Công nghiệp ô tô 1,61 tỷ USD...
Từ tháng 4/2000 đến tháng 3/2017, Ấn Độ thu hút 484,351 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài, gồm vốn FDI, tái đầu tư và vốn khác. Nếu loại trừ số tiền chuyển thông qua Ngân hàng dự trữ Ấn Độ (RBI) và Chương trình Người Ấn Độ ở nước ngoài (NRI) thì tổng vốn FDI là 331,911 tỷ USD.
Nước luôn đứng đầu trong danh sách nước đầu tư lớn nhất vào Ấn Độ là Mauritius với trị giá 64,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 38% tổng vốn FDI vào Ấn Độ. Mauritius là một nước nhỏ, nhưng Ấn Độ và Mauritius đã ký hiệp định đầu tư ưu đãi khá rộng rãi. Nhiều nước trên thế giới muốn được hưởng các ưu đãi đầu tư của hiệp định này nên đã thành lập công ty tại Mauritius và các công ty này thực hiện việc đầu tư vào Ấn Độ. Như vậy có thể thấy rằng vốn FDI vào Ấn Độ trên danh nghĩa từ Mauritius, nhưng thực chất là từ nhiều nước khác nhau.
10 nước dẫn đầu về FDI tại Ấn Độ
Đơn vị: Triệu USD
Nguồn: Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (MOCI)
Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, chính phủ đã chấp nhận tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào dịch vụ vận tải hàng không nội địa là 100% và tỷ lệ tương tự cho các Kiều Ấn ở nước ngoài. Đối với lĩnh vực ngân hàng, FDI có thể chiếm tỷ lệ tới 74% trong các ngân hàng tư nhân và 20% với ngân hàng công. Sau nhiều lần điều chỉnh chính sách, Ấn Độ đã cho phép FDI 100% vốn nước ngoài và theo cơ chế tự động vào hầu hết các lĩnh vực: ô tô, sân bay, hạ tầng đường sắt, bán lẻ, dược phẩm, khai khoáng, dầu mỏ và khí đốt, nông nghiệp... Riêng lĩnh vực quốc phòng 49%, ngân hàng tư nhân 74%, ngân hàng công 20%, lọc dầu 49% và có phê duyệt của các bộ ngành liên quan.
Chính sách tăng cường FDI có ban hành ngày 7/6/2017 và có hiệu lực cùng ngày với nhiều điểm thay đổi theo hướng tích cực và tạo điều kiền thuân lợi cho dòng vốn và hoạt động cảa các nhà đầu tư nước ngoài.
Nền kinh tế Ấn Độ nhìn chung mở cửa cho FDI do những thay đổi chính sách gần đây. Tuy nhiên, mặc dù FDI được phép 100% và cấp phép tự động, đầu tư có điều kiện hoặc phải có giấy phép nhưng vẫn còn nhiều hạn chế đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Mức đầu tư tối đa trong lĩnh vực viễn thông được phép 100%. Các công ty nước ngoài có thể thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cho ngành nghề in tạp chí khoa học kỹ thuật, xuất bản phẩm định kỳ và báo chí, marketing các sản phẩm dầu lửa, thăm dò dầu ở quy mô vừa và nhỏ, đường ống dẫn dầu và ga.
FDI theo lĩnh vực đầu tư tại Ấn Độ
Đơn vị: Triệu USD
Nguồn: Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (MOCI)
Theo Báo cáo về Đầu tư trên thế giới của Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), trong năm 2015, dòng vốn FDI trên thế giới đạt mức rất cao là 1,75 ngàn tỷ USD. Năm 2016 giảm xuống còn 1,52 ngàn tỷ USD. Tuy nhiên, FDI vào Ấn Độ lại có xu hướng tăng. Năm 2015-2016, trị giá đầu tư nước ngoài vào Ấn Độ là 55,56 tỷ USD. Năm 2016-2017, đạt 60,08 tỷ USD.
Tính chung, Ấn Độ là xếp thứ 10 trong số các nước thu hút FDI nhiều nhất thế giới, sau: Mỹ, Vương quốc Anh, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Brazil, Pháp, Hà Lan và Australia.
FDI tại Ấn Độ theo khu vực các bang
Đơn vị: Triệu USD
Nguồn: Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (MOCI)
Có thể nhận định rằng, Ấn Độ rất thành công trong thu hút FDI trong thời gian qua, đặc biệt là từ năm 2006/07. Các tập đoàn tài chính và công nghiệp lớn trên thế giới từ các nước như Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Nhật Bản, Đức, Nga, Italia, Hàn Quốc…đều đã có dự án FDI tại Ấn Độ.
4. Triển vọng
Ấn Độ là quốc gia có nhiều lợi thế: là thị trường rộng lớn và phát triển nhanh, đội ngũ quản lý và có kỹ thuật, chi phí thấp và lực lượng lao động được đào tạo tốt, tài nguyên thiên nhiên phong phú, dân chúng sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chính, hệ thống pháp lý tương thích với hệ thống pháp lý hiện đại của nhiều nước trên thế giới. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đánh giá cao lợi thế, môi trường đầu tư tại Ấn Độ và sẵn sàng đầu tư các dự án lớn tại nước này.
Chính phủ trung ương và các bang đang cố gắng tạo các điều kiện đầu tư thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút FDI. Dòng vốn FDI còn lệ thuộc vào điều kiện kinh tế trong nước, xu hướng kinh tế toàn cầu và chiến lược của các nhà đầu tư.
Các nỗ lực của chính phủ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường cơ sở hạ tầng, các chính sách hỗ trợ cả ở trung ương và địa phương đang được thực hiện sẽ làm cho Ấn Độ thực sự trở thành điểm đến của FDI trong tương lai. Dự kiến từ năm 2020, sẽ thu hút trị giá FDI là 80 tỷ USD hàng năm./.
* Nguyên Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ và Anh nối lại đàm phán FTA vào năm 2025
Kinh tế 03:00 20-11-2024
Ấn Độ và Mexico: Đầu tư, thương mại và những con đường hợp tác
Kinh tế 10:00 30-10-2024
Rào cản ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế ở Ấn Độ
Kinh tế 10:00 26-08-2024
Vietnam Airlines, Innovation India seal MoU for collaboration
Kinh tế 10:00 31-07-2024