Đối thoại Chiến lược cấp Bộ Ngoại giao nhân tố quan trọng phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ (Phần 1)
Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Ấn Độ được tạo dựng từ khá sớm, biểu hiện cụ thể: Thủ tướng Jawaharlal Nehru thăm Việt Nam năm 1954, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Ấn Độ năm 1955; tiếp đó, hai nước đã thiết lập quan hệ lãnh sự quán vào năm 1956 và đến năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Ấn Độ. Hai nước chính thức nâng quan hệ ngoại giao lên cấp Đại sứ ngày 7/1/1972. Đây là đỉnh cao của cả quá trình phát triển quan hệ trước đó và là bước tiến của mối quan hệ tốt đẹp được thử thách qua suốt dặm dài lịch sử.
Đối thoại Chiến lược cấp Bộ Ngoại giao nhân tố quan trọng phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ
PGS, TS Nguyễn Danh Tiên*
ThS Ngô Hoàng Nam**
Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Ấn Độ được tạo dựng từ khá sớm, biểu hiện cụ thể: Thủ tướng Jawaharlal Nehru thăm Việt Nam năm 1954, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Ấn Độ năm 1955; tiếp đó, hai nước đã thiết lập quan hệ lãnh sự quán vào năm 1956 và đến năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Ấn Độ. Hai nước chính thức nâng quan hệ ngoại giao lên cấp Đại sứ ngày 7/1/1972. Đây là đỉnh cao của cả quá trình phát triển quan hệ trước đó và là bước tiến của mối quan hệ tốt đẹp được thử thách qua suốt dặm dài lịch sử.
Trên nền tảng quan hệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru gây dựng, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, trong suốt những năm qua, chúng ta tự hào về sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ Việt Nam và Ấn Độ. Đặc biệt, năm 2003, hai bên ký Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện Việt Nam - Ấn Độ bước sang thế kỷ XXI. Đây là định hướng lớn cho sự phát triển sâu rộng quan hệ hai nước sau này. Đến tháng 7/2007, trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai nước ký Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn[1], qua đó nâng tầm quan hệ đối tác giữa hai nước lên một nấc thang mới. Đồng thời, năm 2007 cũng là năm đánh dấu bước chuyển lớn trong đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam và Ấn Độ đứng thứ 6 trong nhóm 10 nước, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam và Việt Nam trở thành nước nhận đầu tư lớn nhất của Ấn Độ trong các nước ASEAN. Ngoài ra, Ấn Độ còn hỗ trợ Việt Nam một số dự án công nghệ thông tin, giáo dục đào tạo,v.v...
Kết quả đó không chỉ tiếp nối truyền thống quan hệ hữu nghị, mà còn làm cho các mối quan hệ ấy không ngừng được mở rộng, thường xuyên được thúc đẩy vươn tới những mục tiêu có ý nghĩa to lớn hơn, quan trọng hơn và thiết thực hơn đối với cả hai nước trên mọi lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và văn hoá. Tuy nhiên, kết quả đạt được so với tiềm năng và lợi thế của hai nước là chưa tương xứng. Để góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ phát triển toàn diện, xứng đáng là một hình mẫu trong quan hệ quốc tế đương đại, hai nước đã nhất trí thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược giữa Bộ Ngoại giao hai nước để thường xuyên đánh giá những kết quả đạt được, từ đó đề ra những chủ trương, chính sách đúng đắn nhằm tham mưu cho lãnh đạo hai nước đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương.
Sau một thời gian chuẩn bị tích cực, ngày 15-10-2009, tại Niu Đê-li (New Delhi) Ấn Độ diễn ra cuộc họp Đối thoại chiến lược lần thứ nhất giữa Việt Nam và Ấn Độ. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đào Việt Trung và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Ni-la-can-tan Ra-vi (Neelakantan Ravi) đồng chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, hai bên đánh giá quan hệ toàn diện hai bên kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (7/2007); đồng thời trao đổi các biện pháp để thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, tín dụng, dầu khí, khoa học công nghệ, thông tin, truyền thông, an ninh, quốc phòng, giáo dục và hợp tác văn hóa... Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trong thời gian tới, đồng thời sớm tổ chức kỳ họp lần thứ 14 Uỷ ban Hỗn hợp hai nước tại Việt Nam.
Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm; đánh giá cao và nhất trí tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có hợp tác ASEAN - Ấn Độ, Cấp cao Đông Á (EAS), hợp tác sông Hằng - sông Mekong(MGC), Cấp cao Á - Âu (ASEM), Phong trào Không liên kết, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tại Liên Hợp quốc. Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Ấn Độ trong bối cảnh Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2010.
Từ kết quả đạt được của đối thoại chiến lược lần thứ nhất, trong hai ngày 8 và 9/8/2011, tại Hà Nội diễn ra các cuộc họp Đối thoại Chiến lược lần thứ hai giữa Việt Nam và Ấn Độ. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ San-giây Xinh (Sanjay Singh) đồng chủ trì cuộc họp.
Hai bên trao đổi sâu rộng về hợp tác song phương trong các lĩnh vực về chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, đặc biệt là về hợp tác quốc phòng và an ninh, công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực; đồng thời, trao đổi các biện pháp để thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trong thời gian tới. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, tổ chức kỳ họp thứ 14 Uỷ ban Hỗn hợp tại Việt Nam vào tháng 9/2011 và các hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (07/1/1972 - 07/01/2012) và 5 năm ngày thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (2007 - 2012) trong năm 2012.
Hai bên cũng trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; nhất trí cần giải quyết vấn đề Biển Đông bằng những biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, các bên liên quan cần nghiêm túc thực hiện Tuyên bố chung về ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (DOC). Hai bên đánh giá cao và nhất trí tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ và tốt đẹp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có hợp tác ASEAN - Ấn Độ, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), hợp tác sông Hằng - sông Mêkông (MGC) và tại Liên hợp quốc[2]. (Xem tiếp phần 2)
[1]Khái niệm “đối tác” lần đầu tiên được Đảng ta đưa ra trong Văn kiện Đại hội IX: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình và phát triển”. Tiếp đó, Nghị quyết Đại hội X của Đảng chỉ rõ “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực”, “đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững”. Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định, Việt Nam “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”.
[2]Hai bên cũng trao đổi quan điểm về các vấn đề an ninh phi truyền thống.
* Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
** Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục