Đối thoại Chiến lược cấp Bộ Ngoại giao nhân tố quan trọng phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ (Phần 2)
Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Ấn Độ được tạo dựng từ khá sớm, biểu hiện cụ thể: Thủ tướng Jawaharlal Nehru thăm Việt Nam năm 1954, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Ấn Độ năm 1955; tiếp đó, hai nước đã thiết lập quan hệ lãnh sự quán vào năm 1956 và đến năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Ấn Độ. Hai nước chính thức nâng quan hệ ngoại giao lên cấp Đại sứ ngày 7/1/1972. Đây là đỉnh cao của cả quá trình phát triển quan hệ trước đó và là bước tiến của mối quan hệ tốt đẹp được thử thách qua suốt dặm dài lịch sử.
Đối thoại Chiến lược cấp Bộ Ngoại giao nhân tố quan trọng phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ
PGS, TS Nguyễn Danh Tiên*
ThS Ngô Hoàng Nam**
Có thể nói, kể từ khi hai nước thiết lập đối thoại chiến lược giữa Bộ Ngoại giao hai nước, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam và Ấn Độ phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, tiếp tục được khẳng định bằng các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước. Theo đó, tháng 11-2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm tới Ấn Độ. Chuyến thăm đã mở ra một giai đoạn phát triển mới về chất trong quan hệ song phương, thúc đẩy hợp tác giữa hai nước một cách mạnh mẽ và sâu rộng hơn, xác định rõ các cam kết mang tính chiến lược trên các lĩnh vực hợp tác trụ cột.
Thứ nhất, về chính trị, lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường các chuyến thăm, tiếp xúc ở cấp cao; mở rộng tiếp xúc trên tất cả các kênh đảng, chính phủ, Quốc hội, địa phương; làm sâu sắc hơn nữa các cơ chế hợp tác đã có giữa hai nước.
Thứ hai, về an ninh - quốc phòng, lãnh đạo hai nước nhất trí coi đây là những lĩnh vực trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược, góp phần cho hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng tại châu Á. Hai nước cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác về an ninh, an toàn và tự do hàng hải, chống cướp biển, tiến hành các hoạt động tìm kiếm cứu nạn; chống khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia; đối phó hiệu quả với các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh năng lượng.
Thứ ba, về kinh tế, lãnh đạo hai nước nhất trí hợp tác kinh tế là một trong những nội dung chính quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược; thúc đẩy trao đổi thương mại song phương, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015 và 15 tỷ USD vào năm 2020; thúc đẩy các dự án đầu tư giữa hai nước trong hàng loạt các lĩnh vực giáo dục, kết cấu hạ tầng, dầu khí, năng lượng, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, nông nghiệp, dệt, công nghệ thông tin, y dược. Lãnh đạo hai nước cũng quyết định tăng cường sự kết nối giữa Việt Nam và Ấn Độ về vận tải đường bộ, đường biển và đường không; đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác về khoa học, công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ nano, thông tin, hải dương học.
Thứ tư, về hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và giao lưu nhân dân, cụ thể trong các dự án khảo cổ học, bảo tồn di sản, du lịch, thể thao, truyền thông, giáo dục, giao lưu và hợp tác giữa các trường đại học và viện nghiên cứu, thiết lập quan hệ kết nghĩa giữa các thành phố, địa phương của hai nước.
Thứ năm, hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ quan hệ ASEAN - Ấn Độ, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM +), Diễn đàn hàng hải ASEAN mở rộng (EAMF), Hợp tác Mekong - Sông Hằng (MGC)[1].
Kết quả chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Ấn Độ một lần nữa khẳng định việc thiết lập đối thoại chiến lược giữa Bộ Ngoại giao hai nước là đúng đắn, kịp thời giải quyết những vấn đề thực tiễn đề ra và đưa quan hệ “Đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ” lên tầm cao mới.
Trên tinh thần đó, cuộc đối thoại chiến lược lần thứ ba giữa Việt Nam và Ấn Độ tổ chức tại New Delhi từ ngày 16 đến ngày 17/4/2014 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tại cuộc họp, hai bên đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ trong thời gian qua, nhất là sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Ấn Độ tháng 11/2013. Đồng thời, hai bên cùng khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và quan hệ hợp tác chiến lược tin cậy giữa hai nước. Ngoài ra, hai bên đã cùng trao đổi và thống nhất đề xuất triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ trên năm trụ cột chính là hợp tác chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ và văn hóa - giáo dục. Đáng chú ý, hai bên nhất trí phối hợp chuẩn bị tốt cho chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Ấn Độ PranabMukherjee tới Việt Nam vào cuối năm 2014; phấn đấu ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng trong chuyến thăm này.
Trên tinh thần hữu nghị và tin cậy, hai bên cũng chia sẻ đánh giá và nhất trí quan điểm về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có việc bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển, thực hiện đầy đủ DOC và sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)[2].
Trong những năm gần đây, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, năm 2014 là năm ghi dấu ấn đậm nét trong mối quan hệ Ấn Độ và Việt Nam với các chuyến thăm và trao đổi cấp cao giữa hai nước. Theo đó, ngay sau khi Chính phủ mới của Ấn Độ tuyên thệ nhậm chức tháng 5/2014, vào tháng 8/2014, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj sang thăm Việt Nam và ngay sau đó, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee có chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 9/2014. Tháng 10/2014, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng chuyến thăm chính thức Ấn Độ.
Trong năm 2015, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định thay đổi "Chính sách hướng Đông" sang một bước mới đó là "Hành động hướng Đông". Mục tiêu của kế hoạch này là hiện thực hóa những quyết định, trao đổi thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước Việt Nam và Ấn Độ đã ký kết qua các chuyến thăm cấp cao. Bởi vậy, mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước sẽ ngày càng được tăng cường. Trong xu thế của sự dịch chuyển cán cân quyền lực về phía Đông bán cầu đòi hỏi Việt Nam cần phải khôn khéo và uyển chuyển trong việc xử lý các mối quan hệ đối ngoại của mình, góp phần vào việc củng cố an ninh, hội nhập khu vực và quốc tế. Việc phát huy các mối quan hệ chiến lược giữa Việt Nam với Ấn Độ một cách thực chất sẽ tạo điều kiện tận dụng lợi thế so sánh của các bên, đáp ứng yêu cầu phát triển nội tại của mỗi nước.
Tiếp tục hoạt động đối thoại chiến lược, ngày 25/5/2015, tại Hà Nội diễn ra kỳ họp thứ 4 cơ chế đối thoại chiến lược Việt Nam - Ấn Độ. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung làm Trưởng đoàn; phía Ấn Độ là Thứ trưởng Ngoại giao Anil Wadhwa làm trưởng đoàn. (Xem tiếp phần 3)
[1]Hai nước cũng quyết tâm tăng cường phối hợp tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế như Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Liên hợp quốc và Phong trào Không liên kết.
[2]Nhân dịp này, Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác với Viện Nghiên cứu Quốc tế Vivekananda của Ấn Độ, tạo điều kiện tăng cường và mở rộng hợp tác nghiên cứu trong các vấn đề mang tính chiến lược và trao đổi học giả giữa hai viện nghiên cứu.
* Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
** Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục