Đối thoại Chiến lược cấp Bộ Ngoại giao nhân tố quan trọng phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ (Phần 3)
Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Ấn Độ được tạo dựng từ khá sớm, biểu hiện cụ thể: Thủ tướng Jawaharlal Nehru thăm Việt Nam năm 1954, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Ấn Độ năm 1955; tiếp đó, hai nước đã thiết lập quan hệ lãnh sự quán vào năm 1956 và đến năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Ấn Độ. Hai nước chính thức nâng quan hệ ngoại giao lên cấp Đại sứ ngày 7/1/1972. Đây là đỉnh cao của cả quá trình phát triển quan hệ trước đó và là bước tiến của mối quan hệ tốt đẹp được thử thách qua suốt dặm dài lịch sử.
Đối thoại Chiến lược cấp Bộ Ngoại giao nhân tố quan trọng phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ
PGS, TS Nguyễn Danh Tiên*
ThS Ngô Hoàng Nam**
Tại cuộc đối thoại, hai bên đánh giá cao những phát triển hết sức tích cực của mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ trong thời gian qua, thể hiện sự gắn kết và tin cậy về chính trị ngày càng cao. Hai nước đã trở thành những đối tác kinh tế, thương mại quan trọng của nhau. Quan hệ hợp tác hai nước trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, khoa học công nghệ và văn hóa giáo dục cũng được mở rộng, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược với Ấn Độ; ủng hộ "Chính sách hành động hướng Đông” hiện nay và việc kết nối về mọi mặt của Ấn Độ với khu vực Đông Nam Á cũng như vai trò ngày càng quan trọng của Ấn Độ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Thứ trưởng Ngoại giao Anil Wadhwa cũng khẳng định Ấn Độ luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược với Việt Nam; coi Việt Nam là trụ cột quan trọng trong “Chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ”.
Hai bên đã trao đổi sâu rộng và nhất trí nhiều biện pháp thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hai nước; nhất trí tăng cường hơn nữa các hoạt động trao đổi đoàn ở tất cả các cấp và các kênh nhằm tạo cơ sở chính trị vững chắc cho các mối quan hệ hợp tác khác; nhất trí đẩy mạnh các biện pháp nhằm đạt kim ngạch thương mại song phương 15 tỷ USD vào năm 2020; tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực trụ cột của mối quan hệ đối tác chiến lược như chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh, khoa học công nghệ, văn hóa và giáo dục.
Tại cuộc đối thoại chiến lược, hai bên trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc, Không liên kết, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ASEAN và các diễn đàn đa phương khác. Ấn Độ khẳng định ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) khóa 2020 - 2021; Việt Nam khẳng định ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên HĐBA LHQ khóa 2021 - 2022 và việc Ấn Độ trở thành thành viên thường trực HĐBA LHQ khi cơ chế này mở rộng.
Về vấn đề Biển Đông, phía Ấn Độ nhất trí tiếp tục ủng hộ lập trường chung của Việt Nam và ASEAN, ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ấn Độ cũng khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí tại các vùng biển của Việt Nam.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam và Ấn Độ đã tiến hành bốn lần đối thoại chiến lược giữa Bộ Ngoại giao hai nước, và trên thực tế, các cuộc đối thoại đã thực sự phát huy tác dụng mọi mặt, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược phát triển.
Nhằm tiếp tục đưa đối thoại chiến lược Việt Nam - Ấn Độ đi vào chiều sâu, thiết thực, ngày 2/8/2016, thực hiện thỏa thuận giữa Bộ Ngoại giao hai nước, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Vũ Hồng Nam và Bí thư phương Đông Bộ Ngoại giao Ấn Độ Preeti Saran đồng chủ trì kỳ họp Đối thoại chiến lược lần thứ 5 cấp thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ.
Tại cuộc họp, hai bên kiểm điểm và hài lòng ghi nhận những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ thời gian gần đây với nhiều thành quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực hợp tác từ chính trị đến kinh tế, quốc phòng, an ninh, khoa học kỹ thuật, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân. Hai bên khẳng định ý nghĩa quan trọng của các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước, nhất là chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi[1].
Trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, hai bên đã thảo luận và thống nhất nhiều biện pháp nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược phát triển sâu rộng hơn nữa, đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo và nhân dân hai nước. Hai bên nhất trí duy trì đà phát triển tốt đẹp hiện nay của hợp tác quốc phòng - an ninh thông qua các chuyến thăm, trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm cũng như chuyển giao kỹ thuật, công nghệ.
Trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, hai bên cho rằng cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để đưa kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt mốc 15 tỷ USD như lãnh đạo hai nước đã đề ra, trong đó trọng tâm là việc nghiên cứu dỡ bỏ các rào cản thương mại trên cơ sở các Hiệp định thương mại tự do song phương mà Việt Nam và Ấn Độ đã tham gia ký kết. Với tinh thần đó, Ấn Độ ghi nhận đề nghị của Việt Nam về việc tạo điều kiện hơn nữa cho các sản phẩm của Việt Nam như cà phê, cao su, hạt điều, chè, quả thanh long, cá tra, v.v… xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ.
Hai bên nhất trí khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ tăng cường đầu tư lẫn nhau; Ấn Độ khẳng định các công ty, tập đoàn lớn cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Ấn Độ đều rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và đang xúc tiến đầu tư nhiều dự án trong lĩnh vực dệt may, chế biến chè, cà phê, năng lượng, hạ tầng, công nghệ thông tin. Ấn Độ hoan nghênh Việt Nam nghiên cứu đầu tư vào Ấn Độ trong khuôn khổ các sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ”, “Ấn Độ số”, “100 thành phố thông minh”, v.v…
Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác thông qua các gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ phát triển, đào tạo nâng cao năng lực trong khuôn khổ song phương cũng như trong hợp tác ASEAN - Ấn Độ nói chung. Hai bên nhấn mạnh cần thúc đẩy kết nối, gồm cả kết nối hạ tầng cứng như hàng không, hàng hải, đường bộ và “kết nối mềm” như kết nối số, hợp tác thông tin, viễn thông, chia sẻ dữ liệu; nhất trí sớm thúc đẩy khai trương các tuyến bay thẳng giữa các trung tâm kinh tế - chính trị lớn của hai nước cũng như sớm mở tuyến vận tải chuyên tuyến giữa các cảng biển của hai bên[2].
Hai bên đánh giá cao truyền thống phối hợp và tham vấn chặt chẽ cũng như dành cho nhau sự ủng hộ tối đa tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Ấn Độ tái khẳng định đề cao và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam đánh giá cao “Chính sách hành động hướng Đông" của Ấn Độ và khẳng định với vai trò là nước điều phối quan hệ ASEAN - Ấn Độ, Việt Nam sẽ làm hết sức để thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác ASEAN - Ấn Độ, góp phần vào việc gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển chung ở khu vực.
Hai bên nhấn mạnh hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải là lợi ích của tất cả các quốc gia trong và ngoài khu vực. Trong vấn đề Biển Đông, hai bên kêu gọi các quốc gia có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực của luật pháp quốc tế; các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), thực hiện kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, nhất là không quân sự hóa, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC).
Tóm lại, trong hơn 40 năm qua, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Ấn Độ luôn là một người bạn tin cậy, thủy chung của nhân dân Việt Nam, luôn sẵn lòng ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trước đây cũng như trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước hiện nay. Đặc biệt, kể từ khi hai nước thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược giữa Bộ Ngoại giao hai nước, quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ đã gặt hái được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần nâng vị thế và uy tín hai nước ở trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh thế giới và khu vực hiện nay, sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng, xu hướng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược đang nổi lên thành một công cụ sắc bén của chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế, mà các nước như Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt và triệt để vận dụng. Với ý nghĩa đó, việc duy trì và phát triển đối thoại chiến lược giữa Bộ Ngoại giao nước là hết sức quan trọng. Đó là cơ sở quan trọng để hai bên trao đổi các đoàn cấp cao, ký kết và triển khai có hiệu quả nhiều thỏa thuận, văn kiện hợp tác song phương và phối hợp tốt trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, góp phần tăng cường hơn nữa sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau cũng như góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn lên một tầm cao mới, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước.
[1]Trong bối cảnh hai bên sẽ kỷ niệm 45 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (7/1/1972 - 7/1/2017) và 10 năm thiết lập đối tác chiến lược, Bộ Ngoại giao hai nước nhất trí tích cực trao đổi và thống nhất danh mục các hoạt động kỷ niệm để trình lên lãnh đạo cấp cao thông qua.
[2] Thứ trưởng Vũ Hồng Nam cho biết, phía Việt Nam đã xây dựng phương án kết nối với tuyến đường bộ cao tốc Ấn Độ - Thái Lan - Myanmar - Lào - Campuchia - Việt Nam; mong muốn Ấn Độ và ASEAN sớm thống nhất về các điều kiện và điều khoản để giải ngân gói tín dụng 1 tỷ USD mà Ấn Độ cam kết dành cho các nước ASEAN để sử dụng vào các dự án kết nối này.
* Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
** Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục