Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” (Phần 1)

Hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” (Phần 1)

03:30 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

PGS, TS Phạm Thị Túy*

Tóm tắt

Nhằm hiện thực hóa chủ trương xây dựng chính sách đối ngoại trên tinh thần “thêm bạn, bớt thù”. Tính tới tháng 3 năm 2018,  Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược với 16 quốc gia (bao gồm cả 3 đối tác chiến lược toàn diện), quan hệ đối tác chiến lược theo lĩnh vực với 2 nước và quan hệ đối tác toàn diện với 11 nước khác[1]. Đồng thời, Việt Nam cũng đã hoàn thành việc xác lập các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Cùng với các mối quan hệ truyền thống, đặc biệt với các nước bạn láng giềng Lào, Campuchia, các nước trong Cộng đồng ASEAN..., các khuôn khổ quan hệ này đã góp phần tích cực triển khai hiệu quả quan hệ hợp tác mọi mặt của Việt Nam với các nước trên thế giới.

Trong số 3 đối tác chiến lược toàn diện (Liên Bang Nga; Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Ấn Độ), thì quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Cộng hòa Ấn Độ được thiết lập gần đây nhất (3/9/2016), trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 2-3/9/2016, hai bên đã thống nhất nâng cấp quan hệ song phương từ Đối tác Chiến lược lên "Đối tác Chiến lược toàn diện"[2]. Do vậy, đến nay (8/2018), với gần 2 năm nâng cấp quan hệ từ “Đối tác Chiến lược” lên “Đối tác Chiến lược toàn diện” nên nhìn nhận một cách tổng thể và có những đánh giá tiến trình hiện thực hóa mối quan hệ này là cần thiết, để có những bước đi, lộ trình phù hợp trong thời gian tới với mỗi quốc gia - đó là nội dung mà bài viết này hướng tới.

1. Vài nét khái quát về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện

Có thể nói, trong bối cảnh hội nhập nói chung, tự do và mở rộng nói riêng, thì những thuật ngữ đối tác, đối tác toàn diện, đối tác chiến lược và đối tacs chiến lược toàn diện ngày càng trở nên quen thuộc, tuy nhiên hiểu một cách căn cốt về nó có lẽ sẽ không nhiều, có chăng là những chính khách, nhà ngoại giao hay các học giả... do vậy, khái lược về những thuật ngữ này theo nghĩa chuẩn chỉnh là cần thiết.

Đối tác: thường để chỉ sự hợp tác giữa hai nước trong một lĩnh vực cụ thể nào đó. Thí dụ như sự hợp tác giữa PetroVietnam và ExxonMobile để thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Nó có tính chất công tác cụ thể cho từng vụ việc.

Đối tác chiến lược: Đối tác chiến lược là đối tác chiến lược là mối quan hệ mang tính chất toàn cục, then chốt và có giá trị lâu dài với thời gian. Mối quan hệ gắn liền với nhiều lĩnh vực phát triển cùng có lợi với nhau (quan hệ cùng thắng) có thể có cả lĩnh vực an ninh quân sự. Số lượng đối tác chiến lược loại này đang gia tăng nhanh chóng.

Theo giáo sư Valerie Lossky (Nga), "đối tác chiến lược" phải bao gồm những nội dung sau:

Không tấn công lẫn nhau; không liên minh chống lại các nước khác; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; phải có lòng tin lẫn nhau.

Đối với Mỹ, đối tác chiến lược phải bao gồm hợp tác chặt chẽ về quân sự, an ninh.

Về hình thức, đối tác chiến lược có thể diễn ra linh hoạt (chính thức hoặc không chính thức, song phương hoặc đa phương, diện và mức độ tham gia rộng hoặc hẹp, nhiều hoặc ít…) và có tính mở vì không hướng tới một kết cục cụ thể.

Hiện nay Việt Nam có 16 nước là đối tác chiến lược (3 nước là đối tác chiến lược toàn diện) trong đó có 5 đối tác là các quốc gia chủ chốt trong ASEAN, gồm: Nga (2001), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Nhật Bản, Hàn Quốc và Tây Ban Nha (2009), Anh (2010), Đức và Italy (2011), Thái Lan, Indonesia, Singapore và Pháp (2013), Malaysia và Philippines (2015), Úc (2018).

Nếu hợp tác ở tầm vóc chiến lược thì thường phải có phần cứng (institution) và phần mềm (policy). Thí dụ Uỷ ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung mà ông Nguyễn Thiện Nhân đồng chủ tịch với ông Đới Bỉnh Quốc của Trung Quốc, được lập ra là do hợp tác chiến lược Việt - Trung.

Hợp tác chiến lược thì có thể toàn diện mọi lãnh vực hoặc có thể chỉ một vài lãnh vực đặc biệt quan trọng hay cần thiết. Thí dụ như Hoa Kỳ hợp tác chiến lược với quân đội Ai Cập ‘mà không toàn diện mọi lãnh vực như Hoa Kỳ hợp tác với Israel.

Đối tác chiến lược lĩnh vực là sự hợp tác trong một lĩnh vực nào đó mà cả hai nước đều có sự tin cậy lẫn nhau. Nhưng sự hợp tác ấy chỉ trong lĩnh vực ấy không sang các ngành và chuyên môn khác.

Đối tác toàn diện: Đối tác toàn diện là quan hệ thông thường giữa các chủ thể đã có một hoặc một vài mặt nào đó đạt đến mức chiến lược, nhưng chưa có sự đồng đều giữa các mặt hợp tác. Do sự tin cậy lẫn nhau chưa đủ hoặc thời điểm chưa chín muồi, nên các chủ thể chọn cách xây dựng một khuôn khổ đối tác toàn diện với hàm ý nhấn mạnh mặt hợp tác, tiếp tục củng cố lòng tin và cùng hướng tới tương lai. Tới 2017, Việt Nam đã có quan hệ Đối tác toàn diện với 11 quốc gia: Nam Phi (2004), Chile, Brazil và Venezuela (2007), New Zealand (2009), Argentina (2010), Ukraine (2011), Hoa Kỳ và Đan Mạch (2013), Myanmar (2017), Canada (2017).

Đối tác chiến lược toàn diện: Đối tác chiến lược toàn diện hay còn gọi là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, tức là hai hay nhiều bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng có lợi. Đồng thời hai bên còn xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược. Hay nói cách khác, đối tác chiến lược toàn diện là sự hợp tác chặc chẽ cấp cao trong mọi lĩnh vực giữa hai nước. Nó đòi hỏi (1) sự tương đồng cao về quyền lợi và hệ thống tổ chức xã hội, (2) sự tin tưởng/thành thật cao giữa chính quyền và nhân dân hai nước, và (3) sự độc lập tối thiểu phải duy trì để không bị mất chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ.

Hiện nay, có 3 nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là: Nga (2012), Trung Quốc (2008) và Ấn Độ (2016).

Thường, hợp tác chiến lược toàn diện được áp dụng cho hai quốc gia có nhiều tương đồng về thể chế chính trị và có độ tin tưởng với nhau rất cao như Anh-Mỹ chẳng hạn. Do vậy, trong điều kiện Việt Nam là một nước nhỏ nên việc có quan hệ đối tác chiến lược với một nước lớn khác, bên cạnh những lợi ích kỳ vọng, chúng ta có thể gặp không ít bất lợi trong quan hệ hợp tác. Chính vì vậy, thúc đẩy phát triển các quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là cần thiết, song cũng rất cần cân nhắc, chọn lựa phương thực hiện thực hóa quan hệ đó để hài hoà quan hệ lợi ích giữa các bên và hướng tới đạt được các lợi ích kỳ vọng của đất nước.

2. Tiến trình hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ

Đến nay (8/2018) - gần 2 năm nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ (9/2016), có thể nói thời gian chưa dài, song cũng có thể coi là đủ để đánh giá những kết quả hợp tác giữa hai nước thời gian qua, từ đó, xác định phương hướng và biện pháp nhằm thúc đẩy Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện sâu sắc và thực chất hơn. Đặc biệt, thúc đẩy hợp tác và tăng cường sự tin cậy về chính trị; làm sâu sắc hơn nữa quan hệ quốc phòng, an ninh; mở rộng hợp tác về kinh tế, đầu tư, du lịch, giao lưu văn hóa và khai thác tốt hơn tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - công nghệ...

Thực tế, gần 2 năm qua, quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ có thể ghi nhận trên các phương diện sau:

Thứ nhất, quan hệ chính trị giữa hai nước ngày càng gắn bó

Quan hệ chính trị giữa hai nước ngày càng gắn bó có thể nhận thấy thông qua việc hai bên thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao và các cấp, trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân.

Trong 5 năm qua, có 5 chuyến thăm quan trọng của lãnh đạo ta tới Ấn Độ, trong đó đáng chú ý là các chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2014. Đặc biệt, ngay sau chưa đầy 03 tháng kể từ khi nâng cấp quan hệ giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có chuyến thăm Ấn Độ vào tháng 12/2016, tiếp đó là chuyến thăm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tháng 7/2017 và mới đây là chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Ấn Độ vào tháng 1/2018.

Về phía Ấn Độ có 2 chuyến thăm quan trọng là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukharjee năm 2014 và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Modi năm 2016.

Việt Nam cũng đã đón Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Hạ viện, Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ tới thăm. Trong Năm Hữu nghị 2017, hai nước đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm triển khai đối tác chiến lược.

Thứ hai, quan hệ hợp tác giữa hai nước được thúc đẩy tích cực

Quan hệ hợp tác giữa hai nước được thúc đẩy tích cực, ghi nhận những kết quả này đó là, các cơ chế hợp tác giữa hai nước cũng được nhóm họp đều đặn, nhất là Tham khảo Chính trị và Đối thoại Chiến lược giữa hai Bộ Ngoại giao, Đối thoại Chiến lược giữa hai Bộ Quốc phòng, góp phần thúc đẩy hợp tác nhiều mặt và phối hợp giữa hai nước trên các diễn đàn quốc tế cũng như hợp tác rất hiệu quả trong các lĩnh vực quốc phòng-an ninh.

Đặc biệt sau khi hai nước đã nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược lên quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, hai bên đã ký kết Chương trình Hành động nhằm triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện nhân dịp Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thăm Ấn Độ năm 2017.

Cũng trong năm 2017 vừa qua, hai nước đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Các hoạt động này cũng góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác văn hóa và giao lưu nhân dân giữa hai nước.

Hai bên cũng triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, tạo thuận lợi thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có Chương trình Hành động giai đoạn 2017 - 2020.

Ấn Độ tiếp tục là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch song phương tăng bình quân 16%/năm trong 10 năm qua; đứng thứ 28 trong 126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 168 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 756 triệu USD trong năm 2017. Trong đó, Ấn Độ đã xác định các lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác kinh tế thương mại với Việt Nam đó là: Điện khí hóa, điện, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, du lịch, dệt may, giày dép, dược phẩm…Việt Nam hiện có 7 dự án đầu tư sang Ấn Độ với tổng vốn đăng ký là 6,15 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực phân phối các sản phẩm thức ăn gia súc, phân phối vật liệu xây dựng, xuất khẩu mỹ phẩm, các sản phẩm tin học. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều ước đạt 7,5 tỷ USD (tăng gần 38% so với 2016). Đến nay, hai nước đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của nhau và đang hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 15 tỷ USD vào năm 2020[1]. Nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ như TATA, ONGC, Essar… đã và đang đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam. (Xem tiếp phần 2)


[1] https://vov.vn/chinh-tri/quan-he-viet-naman-do-ngay-cang-sau-rong-di-vao-thuc-chat-734741.vov


[1] Thủ tướng Việt Nam - Australia ký tuyên bố đối tác chiến lược lịch sử”. Zing News. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2018.

[2]  http://dantri.com.vn/su-kien/viet-nam-an-do-nang-cap-quan-he-len-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-20160903114733102.htm


* PGS, TS Phạm Thị Túy, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

** Bài tham luận Hội thảo khoa học quốc tế "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở" tổ chức tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày 24/8/2018.​​

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục