Hồ Chí Minh: Một chuyến thăm thắm tình hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ (Phần 1)
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam là cha đẻ của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp ngoại giao của Người mặc dù trực tiếp tham gia không nhiều nhưng để lại cho ngoại giao Việt Nam những di sản đồ sộ, tinh túy, trong đó có di sản về hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc. Bất kỳ trong điều kiện, hoàn cảnh nào, Hồ Chí Minh đều coi trọng “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai” . Và trong Di sản đó, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, một “đất nước vĩ đại” được Người hết sức quan tâm. Quan hệ tốt đẹp do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru dày công vun đắp ngày càng đơm hoa, kết trái.
Hồ Chí Minh: Một chuyến thăm thắm tình hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ
PGS. TS. Vũ Quang Vinh
TS. Nguyễn Thắng Lợi*
1. Bối cảnh lịch sử của chuyến thăm
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam giành được thắng lợi, Hiệp định Genève được ký kết, miền Bắc Việt Nam được giải phóng, miền Nam tiếp tục nằm dưới ách thống trị của thực dân Pháp và tay sai. Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, cách mạng Việt Nam chuyển sang thời kỳ mới, triển khai hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng, củng cố miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thi hành Hiệp định Genève, chống sự can thiệp của đế quốc Mỹ, thực hiện thống nhất nước nhà. Cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam diễn ra khốc liệt, từ bị động phòng thủ, đang chuyển dần sang chiến lược tiến công, kết hợp đấu tranh bằng bạo lực chính trị với vũ trang, tiến tới đồng khởi giành quyền kiểm soát nhiều vùng nông thôn miền Nam. Cuộc đấu tranh cách mạng ở hai miền diễn ra trong điều kiện quốc tế phức tạp. Chiến tranh Lạnh và cuộc đấu tranh sinh tử giữa hai hệ thống chính trị - xã hội có bước phát triển mới, đưa đến những liên minh quân sự, chính trị đối lập nhau. Mặt khác, hòa hoãn cục bộ giữa các nước các nước lớn, đặc biệt hòa hoãn tay đôi, tay ba giữa các nước Mỹ - Liên Xô; Mỹ - Trung cũng bắt đầu xuất hiện, đặc biệt từ sau năm 1955, làm cho quan hệ quốc tế toàn cầu cũng như từng khu vực thêm phức tạp. Trong bối cảnh đó, đấu tranh để thi hành Hiệp định Genève trở thành nhiệm vụ hàng đầu của ngoại giao nước ta. Nhờ kịp thời điều chỉnh đường lối và chính sách đối ngoại cho phù hợp với diễn biến tình hình trong, ngoài, hoạt động ngoại giao và vận động quốc tế của Việt Nam trở nên sôi động, phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược. Cách mạng Việt Nam bước đầu mở rộng đội ngũ đồng minh xa gần, từ các nước láng giềng trong khu vực đến những nước có quan hệ từ trước, đặc biệt các nước xã hội chủ nghĩa anh em, tham gia mặt trận Á, Phi chống chủ nghĩa thực dân.
Góp phần củng cố địa vị của Nhà nước Việt Nam trong quan hệ quốc tế, tranh thủ ngày càng nhiều sự ủng hộ của thế giới bên ngoài và sự chi viện của các nước xã hội chủ nghĩa anh em trong công cuộc xây dựng, bảo vệ miền Bắc và cuộc đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam trong giai đoạn đầu chống Mỹ cứu nước… có phần của cuộc vận động quốc tế, trong đó có chuyến thăm thắm tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ năm 1958 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cộng hòa Ấn Độ là một quốc gia tại Nam Á. Đây là quốc gia lớn thứ bảy thế giới về diện tích với trên 1,2 tỷ người. Ấn Độ tiếp giáp với Ấn Độ Dương ở phía Nam, biển Ả Rập ở phía Tây Nam, và vịnh Bengal ở phía Đông Nam, có biên giới trên bộ với Pakistan ở phía Tây; với Trung Quốc, Nepal và Bhutan ở phía Đông Bắc; Myanma và Bangladesh ở phía Đông. Trên Ấn Độ Dương, Ấn Độ lân cận với Sri Lanka và Maldives; thêm vào đó, quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ có chung đường biên giới trên biển với Thái Lan và Indonesia.
Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Jawaharlal Nehru xây dựng từ sớm đã ngày càng trở nên thắm thiết, nó càng cần thiết trong bối cảnh đế quốc Mỹ tăng cường phá hoại Hiệp định Genève về Đông Dương.
2. Góp phần quan trọng củng cố nhịp cầu hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ
Nhận lời mời của nhân dân và Chính phủ Cộng hòa Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn Đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi thăm chính thức nước bạn.
16 giờ ngày 4-2-1958, Người rời sân bay Gia Lâm (Hà Nội) đi Ấn Độ. Trước đông đảo quần chúng nhân dân tiễn đưa, Người dặn dò những việc ở nhà cần làm và nói rõ mục đích chuyến thăm này là: “…thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ và Miến Điện, đồng thời để tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc Á - Phi, do đó thêm lực lượng giữ gìn hòa bình thế giới ”[1]
Cùng ngày, khi đến sân bay Kolkata, bà Thủ hiến và các vị lãnh đạo xứ Bengal và thành phố Kolkata trọng thể đón tiếp Người. Mặc dù đã cuối ngày nhưng đông đảo nhân dân địa phương vẫn chờ đợi để hoan nghênh người anh hùng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam và là người bạn lớn của nhân dân Ấn Độ.
Trưa hôm sau, Người đến New Dehli - thủ đô nước Cộng hòa Ấn Độ. Tại sân bay Palam, Tổng thống Rajendra Prasad, Thủ tướng Nehru và con gái - bà Indira Gandhi, cùng đông đảo nhân dân Ấn Độ nồng nhiệt đón mừng Người.
Trong chuyến thăm 10 ngày (4-2 đến 14-2), Chủ tịch Hồ Chí minh và phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có nhiều cuộc hội đàm với Chính phủ Ấn Độ, đi thăm nhiều cơ sở sản xuất, nghiên cứu khoa học và tiếp xúc với nhiều tầng lớp nhân dân lao động ở nhiều địa phương.
Những cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với các vị lãnh đạo Ấn Độ thu được kết quả tốt đẹp trong việc phát triển hơn nữa những mối quan hệ giữa hai nước, góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc Á - Phi, giữ gìn hòa bình ở châu Á và thế giới.
Tác phong giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt chuyến đi được nhiều người ca ngợi. Tuần báo Người truyền tin Pangshin ở New Delhi, sau khi ca ngợi đời sống và tác phong giản dị của Người, kết luận: “Vĩ đại trong sự giản dị và sự giản dị đã làm nên sự vĩ đại”[2].
Trong cuộc mittinh chào mừng của nhân dân thủ đô Niu Đêli tổ chức tại “Thành Đỏ”[3] (6-2), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ chối ngồi vào chiếc ngai vàng dành riêng cho mình với lý do “Tôi muốn được bình đẳng với mọi người”[4].
Sau khi tham dự buổi đồng diễn chào mừng Người của 3.000 học sinh thuộc tổ chức “kỷ luật quốc dân” (7-2), Người thân mật dặn dò các cháu học sinh Ấn Độ phải siêng năng học tập, giữ gìn trật tự, bảo vệ sức khỏe, nghe lời bác Nehru. Cuối cùng, Người nói: “Đối với các cháu, Bác là Bác Hồ, chớ không phải là cụ Chủ tịch”[5]. Sau đó, Người đi xem tháp Qutb Minar cao 76 mét, xây dựng từ năm 1199, và leo lên đỉnh tháp. Đưa tin về sự kiện này, báo chí Ấn Độ viết: “Cụ Hồ Chí Minh là vị Chủ tịch quốc gia đầu tiên đã leo tận đỉnh tháp Qutb Minar cao ba trăm bảy mươi chín bậc để ngắm nhìn thủ đô New Delhi”[6].
Viếng thăm Agra, thành phố phía Nam New Delhi (9-2), Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Taj Mahal nổi tiếng, đẹp nhất Ấn Độ và thế giới, được mệnh danh là “Bài thơ bằng đá gấm”, Người trèo lên ngọn tháp của lăng cao chừng 35,5 mét để ngắm nhìn toàn cảnh khu lăng. Phát biểu cảm tưởng cuộc viếng thăm với các nhân viên quản lý lăng, Người nói: “Taj Mahal không chỉ thuộc riêng của Ấn Độ mà của toàn nhân loại”[7]. Trả lời các nhà báo về ấn tượng khi xem lăng, Người khẳng định: “Ngày xưa nhân dân Ấn Độ đã xây dựng những cung điện, lâu đài cực kỳ đồ sộ. Ngày nay nhân dân Ấn Độ dùng tài năng và lực lượng của mình làm những nhà máy to, đắp những đập nước lớn, để làm cho nước nhà giàu mạnh, con cháu mình sung sướng. Điều đó chứng tỏ nhân dân Ấn Độ có một quá khứ vẻ vang và một tương lai càng rực rỡ”[8].
Rất kính trọng Mahatma Gandhi-người anh hùng dân tộc vĩ đại của nhân dân Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời một cán bộ ngoại giao Việt Nam vì phàn nàn về việc ăn mặc quá giản dị của Người, nhất là trong những buổi lễ trọng thể, Người nói: “Bác mặc thế này so với Mahatma Gandhi đã sang chán. Cụ ấy còn giản dị hơn Bác nhiều”[9].
Đặt vòng hoa tưởng niệm Thánh Gandhi ngay khi đến New Delhi (5-2), nơi mà nhân dân và Chính phủ Ấn Độ hết sức coi trọng. Khu tưởng niệm không xa thủ đô New Delhi. Đó là vùng đồi thoai thoải, rộng chừng vài chục hécta, trồng nhiều cây xanh. Thi hài Mahatma Gandhi đã được hỏa táng song Chính phủ Ấn Độ vẫn xây một nấm mồ tượng trưng bằng đá hoa cương đen hình chữ nhật, cao chừng 50 cm, không chạm khắc gì. Đặc biệt, trên tường ở lối vào mộ có khắc mấy câu danh ngôn lên án những việc:
“Chính trị mà không có nguyên tắc.
Giầu sang mà không có lao động.
Hưởng thụ mà không có lương tâm.
Hiểu biết mà không có bản sắc.
Buôn bán mà không có đạo đức.
Khoa học mà không có nhân đạo…”[10]
Đó là những câu danh ngôn hàm chứa tư tưởng triết học sâu sắc của Mahatma Gandhi - tài sản của nhân dân Ấn Độ và của nhân loại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang cây đại - một biểu tượng tôn giáo từ Việt Nam, trồng tại bên trái khu mộ để tưởng niệm Gandhi. (Xem tiếp phần 2)
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, T.9, tr.35
[2] Hoạt động của Bác Hồ ở nước ngoài, Nxb CTQG, H.1998, tr. 117
[3] Thành Đỏ là khu thành cổ ở Niu Đêli, được xây dựng bằng đá đỏ với nhiều tháp tròn mang phong cách Hồi giáo.
[4] Hoạt động của Bác Hồ ở nước ngoài, Nxb CTQG, H.1998, tr.118
[5] Hoạt động của Bác Hồ ở nước ngoài, Nxb CTQG, H.1998, tr.118
[6] Hoạt động của Bác Hồ ở nước ngoài, Nxb CTQG, H.1998, tr.119
[7] Hoạt động của Bác Hồ ở nước ngoài, Nxb CTQG, H.1998, tr.119
[8] Hoạt động của Bác Hồ ở nước ngoài, Nxb CTQG, H.1998, tr.119
[9] Hoạt động của Bác Hồ ở nước ngoài, Nxb CTQG, H.1998, tr.120
[10] Hoạt động của Bác Hồ ở nước ngoài, Nxb CTQG, H.1998, tr.119
* Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục