Hồ Chí Minh: Một chuyến thăm thắm tình hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ (Phần 2)
Chủ tịch Hồ Chí Minh-Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam là cha đẻ của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp ngoại giao của Người mặc dù trực tiếp tham gia không nhiều nhưng để lại cho ngoại giao Việt Nam những di sản đồ sộ, tinh túy, trong đó có di sản về hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc. Bất kỳ trong điều kiện, hoàn cảnh nào, Hồ Chí Minh đều coi trọng “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai” . Và trong Di sản đó, quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, một “đất nước vĩ đại” được Người hết sức quan tâm. Quan hệ tốt đẹp do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Giaoahaclan Nêru dày công vun đắp ngày càng đơm hoa, kết trái.
Hồ Chí Minh: Một chuyến thăm thắm tình hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ
PGS. TS. Vũ Quang Vinh
TS. Nguyễn Thắng Lợi*
Cuộc đời hoạt động và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh được báo chí ở thủ đô New Delhi và nhiều bang đăng tải, tỏ lòng cảm phục người sâu sắc và những tình cảm nồng thắm với nhân dân Việt Nam.
Báo Ngọn cờ Ấn Độ ở New Delhi đăng cảm tưởng của một bác sĩ về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhiều vẻ vang trong nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền sang hàng nghìn, hàng vạn người dân Việt Nam. Tinh thần dũng cảm, sức chịu đựng và tinh thần bất khuất của Cụ đã phản ánh vào quân đội. Cán bộ Đảng học tập ở Cụ đức khiêm tốn và liêm khiết. Công nhân và nông dân học tập ở cụ lòng yêu nước thiết tha và tinh thần hi sinh cho sự nghiệp của Tổ quốc…Suốt đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không màng gì cho riêng mình, mà tất cả đều hi sinh cho những con người bị áp bức”[1].
Nhân dân Ấn Độ đã đón tiếp rất thân mật và trọng thể con người giản dị và vĩ đại ấy. Tờ Quốc gia Ấn Độ bình luận về cuộc gặp gỡ của Chủ tịch Hồ Chí minh với nhân dân Palm: “Quần chúng ở sân bay có lẽ chờ đợi một sự xuất hiện long trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng Cụ Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tới như một người thường. Không phải vì Cụ muốn gây một ấn tượng về sự giản dị, mà chính con người của Cụ là như thế”[2].
Bày tỏ tình cảm với nhân dân và đất nước Ấn Độ trước lúc chia tay, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chúng tôi rời đất nước các bạn, nhưng lòng rất quyến luyến các bạn”[3].
Chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đất nước Ấn Độ góp phần quan trọng xây đắp quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Ấn Độ. Nhân dân Ấn Độ rất kính trọng và thân ái khi nhắc tới Người: “Bác Hồ, cách gọi trìu mến của chúng tôi ở Ấn Độ, đã kết hợp trong bản thân Người những đức tính lớn của Mac, Lênin, Mahatma Gandhi, và Jawaharlal Nehru. Người đại diện cho sự vĩ đại vốn có của nhân dân Việt nam, bình dị, chuyên cần, yêu quý trẻ thơ và thanh niên, thẳng thắn, trung thực, chân thành và có một ý thức mạnh mẽ về nhân văn kết hợp với nhiệt tình và tinh thần cách mạng. Đó là phương châm cho mọi hành động của Người. Do đó, người ta không ngạc nhiên khi thấy Người có thể lãnh đạo, hướng dẫn, tổ chức và chỉ đạo cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, quân phiệt Nhật và Tưởng Giới Thạch xảo quyệt một cách thành công ”[4]. Và như vậy, chuyến thăm Ấn Độ của Người trở thành một di sản quý báu trong xây dựng và vun đắp quan hệ truyền thống hữu nghị ngày càng tốt đẹp Việt Nam-Ấn Độ.
[1] Hoạt động của Bác Hồ ở nước ngoài, Nxb CTQG, H.1998, tr.121
[2] Hoạt động của Bác Hồ ở nước ngoài, Nxb CTQG, H.1998, tr.122
[3] Hoạt động của Bác Hồ ở nước ngoài, Nxb CTQG, H.1998, tr.120
[4] Hồ Chí Minh sống mãi với dân tộc Việt Nam và bầu bạn quốc tế, Nxb Quân đội nhân dân, H. 2005, tr.157-158.
* Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục