Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hồ Chí Minh - người đặt nền móng và xây đắp tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ (Phần 1)

Hồ Chí Minh - người đặt nền móng và xây đắp tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ (Phần 1)

Thời gian là giá trị hiện hữu, vĩnh hằng. Còn chia thời, chia năm, chia tháng chỉ là sự quy ước của con người. Năm qua đi, tháng qua đi, thế giới chắc là sẽ còn đổi thay. Nhưng dù vật đổi sao dời, tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ do Hồ Chí Minh đặt nền móng vẫn tươi thắm.

02:03 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hồ Chí Minh - người đặt nền móng và xây đắp tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ

 

                                                    GS. TS. Mạch Quang Thắng*

Từ “Thần giao tự tại” (Mối giao cảm sâu xa)

Hồ Chí Minh[1] sớm nêu lên và có sự nhất quán về quan điểm rằng, cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới; rằng, bạn của nhân dân Việt Nam là toàn bộ những ai cùng đồng cảm, ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập, dựng xây cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của Việt Nam. Có lẽ hai câu thơ như là câu đối của Hồ Chí Minh

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

Thành công, thành công, đại thành công

không chỉ có ý nghĩa về sức mạnh đối với trong nước Việt Nam mà còn có ý nghĩa khi nói về sức mạnh đoàn kết quốc tế. Hồ Chí Minh là hiện thân của văn hóa hòa bình, hữu nghị của các dân tộc trên thế giới. Hồ Chí Minh được rất nhiều người coi là một chiến sĩ kiên cường của phong trào vì sự tiến bộ trên toàn thế giới. Hồ Chí Minh là một chiến sĩ tiên phong của một dân tộc tiên phong dành trọn cả cuộc đời mình đấu tranh không ngừng nghỉ cho sự nghiệp phi thực dân hóa của thế kỷ XX. Hồ Chí Minh là một trong những người khởi xướng nhiệt thành nhất và tích cực xả thân nhất cho sự nghiệp ba giải phóng: Giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

Chính vì vậy, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (Tiếng Anh: United Nations Educational Scientific and Cultural Organization, viết tắt là UNESCO) trong Phiên họp lần thứ 18 của Đại hội đồng tại Pari (Thủ đô nước Cộng hòa Pháp) từ ngày 17-10-1974 đến ngày 23-11-1974 đã ra Nghị quyết 18C/4.351, trong đó nêu “mong muốn thực hiện tổ chức lễ kỷ niệm các nhân vật kiệt xuất và sự kiện lớn tại các quốc gia thành viên nhằm góp phần làm cho mọi người biết đến tên của các nhân vật này và các sự kiện đã để lại dấu ấn trong sự phát triển của nhân loại”. Do đó, Nghị quyết này đã cho phép ông Tổng Giám đốc UNESCO “yêu cầu các Ủy ban quốc gia đệ trình danh sách đã lựa chọn các ngày lễ kỷ niệm (một trăm năm chẵn hoặc nhiều trăm năm) của các nhân vật kiệt xuất và các sự kiện lớn trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa và truyền thông”[2].

Trên cơ sở Nghị quyết khung đó, ngày 14-4-1987, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đồng thời là Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Võ Đông Giang đã trình lên ngài Tổng Giám đốc UNESCO Amadou Mahtar M’Bow Văn thư số 67/BTK/87 về việc đề nghị Đại Hội đồng UNESCO Phiên họp/Khóa 24 thông qua nghị quyết kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Hồ Chí Minh. Đề nghị của Việt Nam được chấp nhận và được ghi vào chương trình nghị sự của khóa họp. Tại Phiên họp lần thứ 24 ở Pari từ ngày 20-10-1987 đến ngày 20-11-1987, Đại Hội đồng UNESCO đã thông qua Nghị quyết 24C/18.6.5 “Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh” với số phiếu tán thành tuyệt đối. Nghị quyết nêu rõ: “Ghi nhận năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm Kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam… Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng kiệt xuất về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội… Những đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”[3].

Đáng chú ý là, cũng tại phiên họp đó và cũng tại Nghị quyết đó của UNESCO, trong 6 nhân vật kiệt xuất được tôn vinh để kỷ niệm ngày sinh, có đồng thời Hồ Chí Minh của Việt Nam và Jawaharlal Nehru của Ấn Độ[4]. Phần Nghị quyết 18.6.6. Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Jawaharlal Nehru, viết: "Xét thấy ngày 14-11-1989 sẽ là ngày kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Jawaharlal Nehru, một trong những nhân vật kiệt xuất nhất của thế kỷ XX, nhà vô địch vĩ đại của các phong trào giải phóng và đoàn kết quốc tế, nhà lãnh đạo tầm cỡ thế giới, người đã gắn liền sự nghiệp bình đẳng giữa con người với con người, giữa các dân tộc và sự nghiệp thống nhất của nhân loại…Ngoài ra, Jawaharlal Nehru đã cống hiến cả cuộc đời mình để thúc đẩy hòa bình và sự cảm thông quốc tế…Tầm nhìn của Jawaharlal Nehru về hòa bình trên thế giới, sự cảm thông và tình hữu nghị giữa các dân tộc và giữa các quốc gia, và về một trật tự thế giới mà trong đó những nền văn hóa dân tộc khác nhau được toàn thể nhân loại đánh giá cao, tầm nhìn đó có ý nghĩa đặc biệt đối với thời đại của chúng ta… Jawaharlal Nehru đã được toàn thế giới tôn vinh như một danh nhân văn hóa của nhân loại…"[5].

Trong mối bang giao hữu nghị giữa Việt Nam với các dân tộc trên thế giới làm nên cái đặc sắc mà UNESCO đã tôn vinh ấy, nổi lên mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, mà người đã đặt nền móng vững chắc cho nó không ai khác chính là hai “nhân vật kiệt xuất” đã được UNESSCO ghi nhận trong Nghị quyết 24C/18.6 năm 1987 là Hồ Chí Minh và Jawaharlal Nehru. Trong con mắt của người Việt Nam và của Hồ Chí Minh, Ấn Độ là một quốc gia Nam Á, nước đông dân thứ nhì trên thế giới, với dân số trên một tỷ người, có nền văn minh sông Ấn (Indus) phát triển rực rỡ cách đây 5.000  năm và là nơi khai sinh ra bốn tôn giáo quan trọng trên thế giới: Ấn Độ giáo (Hindu), Phật giáo, đạo Jaini và đạo Sikh. Ấn Độ là thuộc địa của thực dân Anh. Còn Việt Nam là thuộc địa của Pháp. Việt Nam đã giành được độc lập với thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hai năm sau, vào ngày 15-8-1947, nước Cộng hòa Ấn Độ được thành lập, đánh dấu đỉnh cao cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Á thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Anh. Cùng cảnh ngộ nước châu Á bị thực dân áp bức, bóc lột, dù thực dân Anh hay là thực dân Pháp, có lẽ vì một phần như thế chăng mà Hồ Chí Minh đã sớm có mối cảm tình đặc biệt với đất nước Ấn Độ.

Năm 1927 là mốc thời gian đầu tiên Hồ Chí Minh tiếp xúc với nhà cách mạng giải phóng dân tộc của Ấn Độ. Sau khi Quốc - Cộng hợp tác tan vỡ do sự phản bội của Tưởng Giới Thạch, vào một đêm khuya của ngày đầu tháng 5-1927, Hồ Chí Minh rời Quảng Châu (Trung Quốc), nơi Người có hai năm làm việc trong Văn phòng Cố vấnBôrôđin[6]

nhất là Người đã có hai năm tổ chức, huấn luyện hơn 70 thanh niên yêu nước Việt Nam trong tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Hồ Chí Minh trở lại Liên Xô, tháng 11 năm đó, Người được Quốc tế Cộng sản cử sang Pháp công tác. Sau đó, đầu tháng 12-1927, do Quốc tế Cộng sản phân công, Hồ Chí Minh đi dự cuộc họp của Đại Hội đồng Liên đoàn chống đế quốc tại thủ đô Bruxelles (Bỉ). Chính tại đây, Hồ Chí Minh đã gặp và bắt đầu quen với Motilal Nehru (thân sinh cố Thủ tướng Jawaharlal Nehru sau này). Đây là "nhân duyên" cho mối tình hữu nghị lâu dài của Việt Nam và Ấn Độ.

Hồ Chí Minh là con người tự học, ngay cả học viết báo, Người cũng cho biết là tự học trong thời gian ở Pháp qua những tác phẩm của Đại văn hào Nga Lép Tônxtôi. Và, Hồ Chí Minh coi báo chí là công cụ cực kỳ sắc bén để thực thi những tư tưởng cách mạng. Người đã sớm viết nhiều bài báo về Ấn Độ những năm 20 và 30 của thế kỷ XX. Tạp chí La Revue Communiste, số 18-19, tháng 8, 9 năm 1921 đã đăng bài Phong trào cách mạng ở Ấn Độ. Bài báo đầu tiên này cho người đọc biết rằng, Hồ Chí Minh đã hiểu sâu về lịch sử Ấn Độ và Người cho rằng, việc "nhắc lại lịch sử phong trào cách mạng Ấn Độ lúc này là một việc lý thú"[7]. Hồ Chí Minh có cảm tình đặc biệt với các phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ chống ách cai trị của thực dân Anh. Cuối bài báo, Hồ Chí Minh viết: "Trước làn sóng [đấu tranh - TG ghi thêm] như vậy, lá cờ không bao giờ thấy mặt trời lặn có nguy cơ rơi xuống mặt trăng. Đế quốc Anh không biết xoay xở cách nào. Chúng tưởng rằng ký một hiệp định thương mại với nước Cộng hòa Nga là có thể ngăn chặn tư tưởng cách mạng thâm nhập Ấn Độ, như một tờ giấy thấm hút một giọt mực! Chúng dùng Côngxtăngtin làm cái chụp để dập tắt lò lửa của phong trào Liên Hồi giáo. Chúng nhặt Phayxan lên để chống đỡ tòa nhà đế quốc đang sụp đổ ở phương Đông. Và sau nữa thì sao? Ít ra chúng có thể tự an ủi khi thời hạn rời khỏi Ấn Độ của chúng đã đến, bằng cách tự nhủ rằng chúng đã tàn nhẫn kéo theo sự sụp đổ của đế quốc Pháp đang hoạt động ở Đông Dương một cách xấu xa"[8]. Như vậy là Hồ Chí Minh đã có sự liên tưởng rất hay về mối quan hệ đồng cảnh giữa phong trào chống thực dân của hai nước Việt Nam và Ấn Độ.

Từ cuối năm 1924, Hồ Chí Minh đã trở thành cán bộ trong biên chế chính thức của Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản. Phạm vi hoạt động của Hồ Chí Minh từ đó đã rộng hơn, nhất là ở khu vực châu Á, trong các nước thuộc địa, dù đó là thuộc địa của nước nào. Năm 1928, theo sự phân công của Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh đến Ấn Độ một thời gian ngắn. Tuy chỉ ở đó một thời gian ngắn nhưng Người đã chuẩn bị tư liệu để viết một loạt 4 bài báo liên quan đến Ấn Độ (Thư từ Ấn Độ, bút danh Wang, tiếng Pháp, đăng tập san Inprekorr, số 28, ngày 17-3-1928; Phong trào công nhân ở Ấn Độ, bút danh Wang,  tiếng Pháp, đăng tập san Inprekorr, số 37, ngày 14-4-1928; Nông dân Ấn Độ, bút danh Wang,  tiếng Pháp, đăng tập san Inprekorr, số 38, ngày 18-4-1928; Phong trào công nhân và nông dân mới đây tại Ấn Độ, bút danh Wang, tiếng Pháp, đăng tập san Inprekorr, số 43, tháng 5-1928). Qua những bài báo này, chúng ta thấy trách nhiệm của Hồ Chí Minh lúc này là "hai trong một", tức là vừa thực hiện nhiệm vụ của một cán bộ Quốc tế Cộng sản với trách nhiệm khảo sát và báo cáo tình hình cho Quốc tế Cộng sản và trách nhiệm đối với cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Cũng qua đó, chúng ta thấy sự hiểu biết kỹ càng của Hồ Chí Minh đối với phong trào giải phóng dân tộc ở Ấn Độ. Sự quyện chặt trách nhiệm đó trong những năm 20 của thế kỷ XX ở Hồ Chí Minh là điều kiện thuận lợi, là cái đà để Hồ Chí Minh xây đắp mối tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Ấn Độ suốt cả những thời gian sau này. (Còn tiếp) (Xem tiếp phần 2)

* Giảng viên cao cấp Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

[1] Hồ Chí Minh có rất nhiều tên và bút danh. Trong bài viết này, để tiện theo dõi, tôi chỉ dùng một tên là "Hồ Chí Minh".

[2] Xem GS,TS Mạch Quang Thắng - PGS,TS Bùi Đình Phong - TS Chu Đức Tính (Đồng Chủ biên): UNESCO với sự kiện tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.72,73.

[3] Tiếng Anh: "Noting that the year 1990 will mark the centenary of the birth of Ho Chi Minh, Vietnamese hero of national liberation and great man of culture…President Ho Chi Minh, an outstanding symbol of national affirmation, devoted his whole life to the national liberation of the Vietnamese people, contributing to the mommon struggle of people for peace, national inpependence, democracy and social progress…The important and many-sided contribution of President Ho Chi Minh in the fields of culture, education and the arts crystallizes the cultural tradition of the Vietnamese people which stretches back sereval thousand years, and that his ideals embody the aspiratons of people in the affirmation of their cultural indentity and the promotion of mutual understanding".

[4] Xem GS,TS Mạch Quang Thắng - PGS,TS Bùi Đình Phong - TS Chu Đức Tính (Đồng Chủ biên): UNESCO với sự kiện tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Min

Nguồn:

Cùng chuyên mục