Hồ Chí Minh - người đặt nền móng và xây đắp tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ (Phần 2)
Thời gian là giá trị hiện hữu, vĩnh hằng. Còn chia thời, chia năm, chia tháng chỉ là sự quy ước của con người. Năm qua đi, tháng qua đi, thế giới chắc là sẽ còn đổi thay. Nhưng dù vật đổi sao dời, tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ do Hồ Chí Minh đặt nền móng vẫn tươi thắm.
Hồ Chí Minh - người đặt nền móng và xây đắp tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ
GS. TS. Mạch Quang Thắng*
Điều thú vị nữa là trong tù của Tưởng Giới Thạch năm 1942, Hồ Chí Minh làm 134 bài thơ chữ Hán (kiểu thơ Đường), trong đó có bài số 88-89[1] như sau:
KÝ NI LỖ
I
Ngã phấn đấu thì quân hoạt động,
Quân nhập ngục thì ngã trú lung;
Vạn lý dao dao vị kiến diện,
Thần giao tự tại bất ngôn trung.
II
Ngã môn tao phùng bản thị đồng,
Bất đồng đích thị sở tao phùng;
Ngã cư hữu giả quyền linh lý,
Quân tại cứu nhân cốc bất trung.
Dịch nghĩa
GỬI NÊRU
Lúc tôi phấn đấu, anh hoạt động,
Lúc anh vào ngục, tôi ngồi tù;
Muôn dặm xa xôi, chưa từng gặp mặt,
Nhưng mối giao cảm sâu xa đã sẵn trong chỗ không lời.
II
Cảnh ngộ của chúng ta vốn giống nhau,
Nhưng không giống nhau lại cũng là ở cảnh ngộ;
Tôi, trong nhà tù của người bè bạn,
Còn anh, trong xiềng xích của kẻ thù.
Dịch thơ (Hoàng Trung Thông dịch)
I
Khi tôi phấn đấu, anh hoạt động,
Anh phải vào lao, tôi ở tù;
Muôn dặm xa vời chưa gặp mặt,
Không lời mà vẫn cảm thông nhau
II
Đôi ta cảnh ngộ vốn không khác,
Cảnh ngộ giờ đây khác bội phần;
Tôi, chốn lao tù người bạn hữu,
Anh, trong gông xích bọn cứu nhân.
Chưa gặp nhau mà tình cảm đã sâu nặng! Hồ Chí Minh mới chỉ gặp Motilal Nehru là thân phụ của J.Nehru ở Bruxelles (Bỉ) đầu năm 1928, đến năm 1942 này trong tù nhớ tới Jawaharlal Nehru, lúc bấy giờ cũng đang bị thực dân Anh bắt giam. Đó thật sự là cơ duyên, hoặc đó là sự cộng hưởng nhịp đập từ hai trái tim của hai người, mà sau này Jawaharlal Nehru trở thành Thủ tướng Cộng hòa Ấn Độ (từ năm 1947 đến năm 1964) và Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (từ năm 1945 đến năm 1969), rồi hai vị trở thành “nhân vật kiệt xuất” do UNESSCO tôn vinh. “Thần giao tự tại” (Mối giao cảm sâu xa) được Hồ Chí Minh viết trong bài thơ chữ Hán trên đây phản ánh có lẽ cũng vì thế mà thấm đượm tình thân thiết, cảm phục nhau hơn giữa hai vị.
Sự tiếp nối tình cảm thân thiết đó của Hồ Chí Minh - Việt Nam với Jawaharlal Nehru - Ấn Độ được nhân lên qua quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và dựng xây đất nước của cả hai dân tộc. Lịch sử quan hệ tốt đẹp của hai dân tộc Việt Nam - Ấn Độ một lần nữa được ghi lại qua hai cuộc thăm lẫn nhau của Hồ Chí Minh tới Ấn Độ năm 1958 và của Jawaharlal Nehru tới Việt Nam năm 1954.
Năm 1958 Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lần đầu tiên sang thăm Ấn Độ với cương vị nguyên thủ quốc gia[2].
Trong cuộc mít tinh hàng vạn người dự tại Red Fort (Thành Đỏ) ở thủ đô New Delhi, phía Ấn Độ đã làm sẵn một chiếc ghế cho Hồ Chí Minh ngồi trên bục danh dự. Chiếc ghế trông như một cái ngai vàng, rất lớn. Lúc đó, Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru ngồi trên một chiếc ghế bình thường như mọi người khác. Khi Jawaharlal Nehru mời Hồ Chí Minh ngồi vào chiếc ghế đó, thì Hồ Chí Minh dứt khoát từ chối. Jawaharlal Nehru nói: “Ngài là khách danh dự của chúng tôi, việc Ngài ngồi lên chiếc ghế này chính là niềm vinh dự của chúng tôi mà”. Hàng vạn người dự mít tinh phía dưới quảng trường đứng theo dõi. Hai vị lãnh tụ của hai nước cứ nhường nhau, cuối cùng chẳng ai ngồi lên chiếc ghế lớn ấy. Thủ tưởng Ấn Độ Jawaharlal Nehru đành cho chuyển chiếc ghế đi, thay bằng một chiếc ghế khác giản dị hơn.
Theo kế hoạch phía Ấn Độ, Hồ Chí Minh từ Thủ đô New Delhi đi bằng xe lửa đặc biệt đến thăm thành phố Bombay. Đông đảo đại diện ngoại giao các nước và nhân dân Thủ đô New Delhi ra tiễn Hồ Chí Minh. Các thành viên của đoàn Việt Nam lên các toa trước để khi Hồ Chí Minh đến là tàu có thể chuyển bánh được ngay. Hồ Chí Minh đến, đi chào các đại diện ngoại giao đang đứng trong phòng khách của nhà ga. Khi ra sân ga chỉ có Hồ Chí Minh, Jawaharlal Nehru và một quan chức lễ tân của Ấn Độ, bước đến toa dành riêng, Hồ Chí Minh không vào ghế ngồi ngay mà đứng lại ở cửa, nói chuyện với Thủ tướng J. Nehru. Khi còi tàu nổi lên báo hiệu tàu sắp chuyển bánh, Jawaharlal Nehru thân mật và ân cần nói với Hồ Chí Minh: “Chủ tịch hãy cẩn thận, tàu sắp chuyển bánh đó”. Hồ Chí Minh nói: “Ông bạn thân mến cứ yên tâm, đây là cánh cửa của hòa bình”. Nghe thấy thế, Jawaharlal Nehru đáp: “Thưa Chủ tịch, cửa hoà bình luôn luôn rộng mở”.
Năm 1947, Kolkata (Calcuta) đã chứng kiến nhiều thanh niên Ấn Độ ngã xuống đòi độc lập cho Việt Nam khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, những bài viết ủng hộ Việt Nam và đòi hòa bình, thống nhất cho Việt Nam luôn nóng hổi trên các mặt báo của Ấn Độ. Tại Kolkata, nhân dân dành tình cảm cho Việt Nam và Hồ Chí Minh nhiều đến mức người dân tự đổi tên một con đường thành Đường Hồ Chí Minh. 10 năm sau, trước nguyện vọng tha thiết của nhân dân, Chính quyền đã chính thức công nhận con đường này. Con đường này giao với đại lộ Jawaharlal Nehru. Đó là biểu trưng cho tình bạn của hai vị lãnh tụ vĩ đại Jawaharla Nehru - Hồ Chí Minh và tình bằng hữu Ấn Độ - Việt Nam. Trong chuyến thăm Kolkata năm 1958, Hồ Chí Minh đã gặp Ranmitra Sen, người sinh viên bị bắn trọng thương trong cuộc biểu tình ủng hộ các chiến sĩ đấu tranh cho tự do của nhân dân Việt Nam vào tháng 1-1947. Bỏ qua nghi thức ngoại giao, Người đến chào anh và ôm anh vào lòng với tình cảm thắm thiết. Hành động thể hiện tình cảm bất ngờ của Hồ Chí Minh đã khiến người dân Kolkata rất cảm động và in đậm vào lòng người dân mãi mãi về sau.
Trong một chuyến thăm Ấn Độ khác, trong bữa tiệc do Thủ tướng Jawaharlal Nehru chiêu đãi Hồ Chí Minh có món thịt gà địa phương rất nổi tiếng. Người Ấn Độ khi ăn cơm không dùng thìa, dĩa mà dùng năm ngón tay để bốc thức ăn. Cả Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ cũng muốn dùng tay bốc thức ăn. Nhưng tại bữa tiệc quốc tế người ta phải dùng dao, thìa, dĩa cho lịch sự. Khi món thịt gà được đưa ra, các quan khách Ấn Độ có vẻ không quen dùng dao, dĩa. Hồ Chí Minh tinh ý, Người nói với Thủ tướng Jawaharlal Nehru: "Thịt gà phải ăn bằng tay thì mới ngon chứ còn ăn bằng thìa dĩa thì khác nào nói chuyện với người yêu lại phải qua ông phiên dịch". Nghe vậy, cả bàn tiệc cười ầm cả lên làm cho không khí bữa tiệc hôm đó rất vui vẻ và thân mật.
Ấn tượng của 10 ngày thăm Ấn Độ đã in đậm vào con tim khối óc của người dân Việt Nam và Ấn Độ, đúng như Hồ Chí Minh đã nói ở Đài Phát thanh Ấn Độ tối ngày 13-2-1958 trước khi rời Ấn Độ: "Mười ngày thấm thoắt qua nhanh. Tục ngữ Việt Nam có nói: "Khi lòng người buồn bã thì thấy thời gian đi rất chậm. Khi lòng người vui vẻ thì thấy thời gian đi rất nhanh". Với sự đón tiếp nhiệt liệt, với sự tổ chức chu đáo, với sự săn sóc tận tình của Chính phủ và nhân dân Ấn Độ, chúng tôi thấy thời gian đi rất nhanh. Chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi hình ảnh tươi đẹp của nước Ấn Độ anh em. Chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi mối tình hữu nghị nhiệt liệt của bà con Ấn Độ, các bạn thanh niên và các cháu thiếu nhi đối với chúng tôi. Khi về nước, chúng tôi sẽ báo cáo lại những điều tai nghe mắt thấy với nhân dân Việt Nam, chúng tôi sẽ chuyển tất cả những lời chào thân ái của bà con Ấn Độ cho đồng bào Việt Nam chúng tôi. Chúng tôi rời đất nước các bạn, nhưng lòng rất quyến luyến các bạn"[3].
Những câu chuyện đó thật cảm động. Có lẽ những điều đó khắc đậm phong cách ngoại giao rất đặc biệt của Hồ Chí Minh. Và, phong cách ngoại giao này chính là sự kết đọng từ mối quan hệ bền chặt, thủy chung giữa hai dân tộc Việt Nam - Ấn Độ. Điều này giải thích tại sao trong lúc cuộc chống Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam đang cam go, bản thân Hồ Chí Minh đang bận rất nhiều công việc nhưng Người vẫn nhớ và kịp thời gửi điện thăm hỏi nhân dân Ấn Độ sau vụ động đất ở Asam tháng 8 năm1950.
Trước đó, lần đầu tiên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đón Đoàn đại biểu Cộng hòa Ấn Độ do Thủ tướng Jawaharlal Nehru dẫn đầu sang thăm. Đây là Đoàn khách quốc tế cao cấp nhất mà Việt Nam có vinh dự được đón ngay sau khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng một tuần lễ (17-10-1954). Đáng nói là ở chỗ: đoàn đại biểu này là đoàn của một nước không phải trong phe xã hội chủ nghĩa; nhưng lại là một đoàn từ đất nước mà nhân dân Việt Nam và bản thân Hồ Chí Minh có mối tình hữu nghị, thân thiết từ lâu. (Xem tiếp phần 3)
*Giảng viên cao cấp Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[1] Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3, tr.400, 401, 402.
[2] Đoàn còn có các ông: Phan Kế Toại, Hoàng Minh Giám, Phạm Hùng, Phan Anh.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.11, tr.282.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục