Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hội thảo “Ấn Độ năm 2030: nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới”

Hội thảo “Ấn Độ năm 2030: nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới”

Hội thảo khoa học quốc tế “Ấn Độ năm 2030: nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới” do trường Jesus và Mary (JMC) thuộc đại học Delhi tổ chức ngày 29 và 30 tháng 1 năm 2024. TS Mạch Lê Thu, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày tham luận chính tại hội thảo.

07:18 10-02-2024 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Sự tiến bộ của Ấn Độ trong thập kỷ qua khá đáng chú ý. Mười năm trước đây, Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ mười thế giới, hiện nay Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Ấn Độ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất và nổi lên như một điểm sáng vào thời điểm thế giới đang đối mặt với nguy cơ suy thoái sắp. Dự kiến, Ấn Độ sẽ vượt Đức và Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba, sau Trung Quốc và Mỹ vào năm 2030. Ấn Độ cần xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, thúc đẩy công nghiệp hóa toàn diện và bền vững, ưu tiên đổi mới sáng tạo, để đạt được mục tiêu đầy tham vọng trở thành nền kinh tế trị giá 10 nghìn tỷ đô la.

Thập kỷ tới đây là giai đoạn vô cùng quan trọng để Ấn Độ định hình tương lai với cơ hội phát triển bình đẳng cho tất cả mọi người, và vạch ra con đường cho các nước đang phát triển khác trong bối cảnh toàn cầu đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch, xung đột và những thách thức do biến đổi khí hậu đặt ra.

Chính phủ Ấn Độ đã phát động chiến dịch Aatma Nirbhar Bharat Abhiyaan (Ấn Độ tự lực) vào tháng 5 năm 2020, tầm nhìn của một Ấn Độ mới nhằm chống lại đại dịch COVID-19 bằng cách xây dựng nền kinh tế mạnh hơn có thể chống chọi với sự cạnh tranh toàn cầu. Một Ấn Độ tự lực đứng trên năm trụ cột là: Nền kinh tế - có bước nhảy vọt chứ không phải sự thay đổi tăng dần đều; Cơ sở hạ tầng - sẽ trở thành bản sắc của Ấn Độ; Hệ thống - dựa trên các thỏa thuận định hướng công nghệ của thế kỷ 21; Nhân khẩu học - năng động, là nguồn năng lượng cho Ấn Độ tự lực; và Nhu cầu - sức mạnh của chuỗi cung ứng và nhu cầu phát triển phải được tận dụng hết công suất.

Năm 2022, Ấn Độ kỷ niệm 75 năm Ngày Độc lập: Azadi Ka Amrit Mahotsav. 25 năm tiếp theo được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gọi là “Amrit Kaal”, một thuật ngữ lấy cảm hứng từ kinh Vệ Đà, có nghĩa là một thời kỳ tốt lành độc nhất vô nhị đại diện cho cơ hội của Ấn Độ báo trước một kỷ nguyên thế giới mới. Chính phủ Ấn Độ đã đặt ra mục tiêu trở thành nền kinh tế phát triển vào năm 2047. Thế giới đã chứng kiến Ấn Độ nổi lên với tư cách là quốc gia dẫn đầu, nhà cung cấp giải pháp và người xây dựng sự đồng thuận khi tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G-20 vào năm 2023. Chủ đề của nhiệm kỳ Ấn Độ làm chủ tịch G-20 là “Vasudhaiva Kutumbakam” hay “Một Trái đất, Một Gia đình, Một Tương lai” - được rút ra từ văn bản tiếng Phạn cổ của Maha Upanishad. Chủ đề này gói gọn tầm nhìn của Ấn Độ trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, tập trung vào tăng trưởng kinh tế toàn diện, chuyển đổi kỹ thuật số và hành động khí hậu. Những thế mạnh hiện tại của Ấn Độ như xuất khẩu dịch vụ có giá trị cao, hệ sinh thái kỹ thuật số đang phát triển, lực lượng lao động lớn, thành tích trong việc tạo ra năng lực năng lượng tái tạo và các xu hướng lớn như hệ sinh thái khởi nghiệp, và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi Ấn Độ trở thành một Ấn Độ mới - một quốc gia hùng mạnh, an ninh và thịnh vượng, nơi mọi người đều có cơ hội phát triển.

Hội nghị khoa học quốc tế này bắt nguồn từ sự cần thiết phải hình dung về mặt học thuật một Ấn Độ mới trong tương lai sẽ như thế nào và khai thác các chiến lược, chuyên môn và nguồn lực trên phạm vi tư tưởng học thuật để giải phóng một loạt sáng kiến cần thiết nhằm xây dựng một tương lai tăng trưởng, đổi mới và bền vững cho Ấn Độ và thế giới.

Hội nghị có 6 phiên song song và 2 phiên toàn thể. Tại phiên toàn thể sáng 30/1/2024, Tiến sĩ Mạch Lê Thu, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ đã trình bày tham luận “Mô hình dự án tác động nhanh của Ấn Độ: góc nhìn từ Việt Nam”. Tham luận cập nhật những phát triển mới nhất tính tới tháng 1/2024 của các dự án tác động nhanh do Chính phủ Ấn Độ thực hiện tại Việt Nam. Tham luận rút ra những hàm ý về mô hình quản trị dự án, mô hình hợp tác giữa chính phủ Ấn Độ và chính quyền cấp cơ sở ở Việt Nam, và phương thức hợp tác vì sự phát triển bền vững. Tham luận cũng nhấn mạnh, trong con đường trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, Ấn Độ vẫn đang thực thi những chính sách hợp tác phát triển với các quốc gia láng giềng phía Đông của Ấn Độ, trong đó có Việt Nam, và thúc đẩy hợp tác khối Nam – Nam để không có quốc gia nào bị bỏ lại phía sau. Bài tham luận được cộng đồng khoa học đánh giá cao về mặt học thuật và thực tiễn.

Hội thảo còn là cơ hội để Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giao lưu học thuật, chia sẻ ý tưởng và cơ hội hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tại các quốc gia khác như Thái Lan, Úc, New Zealand, và Arập Saudi.

Nguồn:

Cùng chuyên mục