Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hội thảo khoa học "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ kinh tế"

Hội thảo khoa học "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ kinh tế"

Ngày 11/5/2015, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ (TTCNAD), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ kinh tế”. Đây là hội thảo khoa học quốc tế lần thứ nhất kể từ khi thành lập TTCNAD do Ngài Pranab Mukherjee, Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ và Đồng chí Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khai trương ngày 15/9/2014. Đây là một trong những hội thảo đặt tiền đề cho Hội thảo quốc tế lớn hơn với chủ đề: “Hợp tác phát triển Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ: Thực trạng và triển vọng” được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh Cộng hòa Ấn Độ và cũng là dịp kỷ niệm một năm ngày thành lập TTCNAD.

02:19 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Bà Preeti Saran, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam; PGS, TS Lê Văn Toan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ cùng chủ trì hội thảo. 

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS, TS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh: Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có nền tảng vững chắc từ lâu, đã được các vị lãnh tụ kiệt xuất là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru gìn giữ, vun đắp lên tầm cao mới. Bước vào thế kỷ XXI, quan hệ Việt - Ấn được nâng tầm toàn diện thể hiện bằng Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa hai nước, những chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai Nhà nước.

Tháng 7 năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm Ấn Độ, hai nước đã ra Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn. Tuyên bố đã nêu bật cam kết của hai Chính phủ sẽ “phát triển toàn diện đối tác chiến lược” đã cho phép hai bên triển khai và mở rộng hợp tác phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Điều này chứng tỏ rằng, quan hệ Việt - Ấn là một câu chuyện lớn hơn so với những gì giới truyền thông đề cập tới.

Xu hướng phát triển tích cực trong quan hệ Việt - Ấn xuất phát từ nguyện vọng chung của Việt Nam và Ấn Độ nhằm mang lại sự phồn vinh cho hai nước và tạo nên một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định, thịnh vượng.

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Preeti Saran tin rằng, buổi hội thảo sẽ đóng góp lớn lao và việc tìm hiểu thêm về sự cần thiết cấp bách phải thúc đẩy mối quan hệ Việt - Ấn.

“Ấn Độ và Việt Nam vốn có mối quan hệ về lịch sử văn minh lâu đời hàng thế kỷ trước…. Kể từ khi mối quan hệ song phương này được nâng lên tầm Quan hệ Đối tác chiến lược năm 2007 nó đã có những bước phát triển vượt bậc. Hợp tác toàn diện giữa hai nước bao gồm mọi lĩnh vực khác nhau như chính trị, quốc phòng, thương mại và đầu tư giáo dục, khoa học và công nghệ, văn hóa và quan hệ giữa nhân dân với nhân dân. Việt Nam là đối tác trước tiên trong "Chính sách Hướng Đông" và bây giờ là "Hành động Hướng Đông" của Ấn Độ. Chúng ta tin tưởng rằng, quan hệ Đối tác Việt - Ấn được đặt trong sự quan tâm tốt nhất của nhân dân hai nước và cũng là vì hòa bình, thịnh vượng và ổn định trong khu vực và trên thế giới” - Bà Preeti Saran khẳng định.

Gần 40 tham luận của 50 tác giả trong và ngoài nước (gồm các nhà lãnh đạo, quản lý, học giả, doanh nhân của Việt Nam và Ấn Độ) được gửi tới và trình bày tại Hội thảo đều tập trung vào những vấn đề chung và vấn đề kinh tế, đặc biệt coi trọng vấn đề kinh tế trên các cấp độ kinh tế vĩ mô và kinh tế vi mô. Các học giả, các nhà nghiên cứu đã đi sâu thảo luận về bối cảnh trong và ngoài nước, tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác, phát triển giữa Việt Nam và Ấn Độ; đánh giá rõ thực trạng hợp tác phát triển Việt - Ấn trên lĩnh vực kinh tế; luận giải sâu nguyên nhân đạt được, những thành tựu cũng như những điều chưa đạt, chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi bên.

Các học giả, các nhà khoa học cũng phân tích kỹ những rào cản ảnh hưởng đến sự phát triển quan hệ hợp tác Việt - Ấn như: Cách tiếp cận của các nước về địa chính trị, địa kinh tế; những tác động ngoại biên đến quan hệ hai nước; khoảng cách địa lý và điều kiện hạ tầng, cơ sở giao thông; khung pháp lý và chính sách thương mại; sự tương đồng và khác biệt trong văn hóa và tập quán kinh doanh; vai trò năng động của các doanh nghiệp Việt - Ấn, trên cơ sở đó đưa ra những phương hướng và các kiến nghị, giải pháp xúc tiến phát triển quan hệ Việt - Ấn trên lĩnh vực kinh tế trong thời gian tới.

(TTNCAD)

Nguồn:

Cùng chuyên mục