Hội thảo khoa học quốc tế "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh ”Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở"
Nhằm tạo diễn đàn khoa học để các học giả, chuyên gia hai nước Việt Nam và Ấn Độ trao đổi, thảo luận ý kiến về quan hệ song phương trong bối cảnh mới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ngày 24/8/2018, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Đại sứ quán Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh ”Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở”.
Tham gia Hội thảo lần này, về phía Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện, PGS, TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện, PGS, TS Lê Văn Toan, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, PGS, TS Lê Văn Lợi, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, PGS, TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, TS Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, cùng các lãnh đạo các vụ viện, các chuyên gia và học giả trong Học viện.
Về phía các học giả và các nhà lãnh đạo quản lý ở Việt Nam tham dự Hội thảo có PGS, TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện ngoại giao, Đại sứ Phạm Sanh Châu, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Thiếu tướng, PGS, TS Phan Xuân Tuy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị công an nhân dân, đồng chí Nguyễn Cảnh Huệ, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, Chuẩn Đô đốc, PGS,TS Đỗ Minh Thái, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, các đồng chí Đại sứ, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, cùng đông đảo học giả các Việt Nam đến từ Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học sư phạm Hà Nội, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ và các đơn vị nghiên cứu trong toàn quốc.
Về phía Ấn Độ có ngài P. Harish, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam, TS Grama Balasubramanya, Giám đốc Trung tâm văn hóa Swami Vivekananda, các cán bộ Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, cùng 13 nhà khoa học đến từ các cơ quan trong Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu va các trường Đại học lớn của Ấn Độ, đặc biệt là lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Ấn Độ.
Mở đầu Hội thảo, thay mặt Đại sứ quán Ấn Độ, ngài P. Harish, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam và TS G. B. Harisha, Giám đốc Trung tâm văn hóa Swami Vivekananda, đã trao tặng Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ món quà gồm 40 đầu sách trong chương trình tặng sách “Bharat Ek Parichay” (Chia sẻ kiến thức với thế giới) của Bộ Ngoại giao Ấn Độ năm 2018. PGS, TS Lê Văn Toan, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ và TS Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, đã thay mặt Trung tâm trân trọng cảm ơn món quà quý giá từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ, đồng thời dẫn lời của nhà bác học vĩ đại Lê Qúy Đôn “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng, chẳng bằng kinh sử một vài pho” để nhấn mạnh đến việc chia sẻ tri thức từ phía Ấn Độ là nghĩa cử cao đẹp góp phần xây dựng kho thông tin tư liệu chuyên môn về Ấn Độ với tầm cỡ khu vực và thế giới đặt tại Thư viện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, hội thảo khoa học quốc tế lần này xuất phát từ lý luận và thực tiễn khu vực học, nhằm phân tích rõ hơn về thuật ngữ và thực tiễn hình thành khu vực “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”; luận giải quá trình hình thành, nội hàm sáng kiến “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở”; quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng và an ninh trong bối cảnh đó.
Trên cơ sở đó, PGS, TS Lê Quốc Lý mong muốn các nhà khoa học hai nước cùng nhau trao đổi, thảo luận, đề xuất, kiến nghị chủ trương, chính sách góp phần làm phong phú quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.
Trong phiên thứ nhất của hội thảo, TS Arniban Ganguly, Giám đốc Quỹ S.P. Mookherhee, Cơ quan nghiên cứu chiến lược đảng BJP, đã phân tích sâu sắc quan điểm của Ấn Độ về sáng kiến chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, về sự tích hợp của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương với tầm nhìn của Thủ tướng Modi về SAGAR là rất quan trọng để phát triển khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở; cũng như đề cập đến một nhóm gọi là “Tứ trụ châu Á” (Asian Quad) gồm 4 bước: Ấn Độ - Việt Nam - Indonesia - Nhật Bản. TS Ash Narain Roy, Giám đốc Viện khoa học xã hội Delhi, đã đưa ra lý do tại sao Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong chính sách Hướng Đông của Ấn Độ, đồng thời nhấn mạnh quan hệ song phương Ấn Độ - Việt Nam mang tính chất chuyển đổi, chứ không phải là trao đổi trong bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế mới trong khu vực. TS Rajaram Panda, Cựu chuyên gia cao cấp Ấn Độ, Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng New Delhi, ông Vinod Anand, nghiên cứu viên cao cấp Qũy Vivekananda, TS Pankaj K. Jha, giảng viên cao cấp Trường Vấn đề quốc tế Jindal, Tổng biên tập Tạp chí JSIA, GS Baladas Ghoshal, Tổng Thư ký Hiệp hội Nghiên cứu Ấn Độ Dương… cũng đã đưa ra những đánh giá, bàn luận về thuật ngữ Ấn Độ - Thái Bình Dương từ nhiều góc độ, đồng thời nhấn mạnh đến vai trò của ASEAN với tư cách là trung tâm của khu vực, cũng như vai trò của Việt Nam với tư cách là nhân tố trụ cột trong chính sách ngoại giao hướng Đông của Ấn Độ.
Cũng trong phiên thứ nhất, PGS, TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, Đại sứ Phạm Sanh Châu, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng đã đăng đàn, nhấn mạnh về nội hàm, lịch sử ra đời, bối cảnh của thuật ngữ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vai trò của Ấn Độ trong khu vực, vai trò của ASEAN, cũng như đường hướng chính sách, các nguyên tắc của chính sách đối ngoại của Việt Nam trong kỷ nguyên mới của cạnh tranh địa chiến lược.
Trong phiên thứ hai của hội thảo, các đại biểu đã nghe các học giả từ phía Ấn Độ và Việt Nam tiếp tục trình bày quan điểm về các chủ đề của hội thảo. GS Chintamani Mahapatra, Hiệu trưởng Đại học Jawaharlal Nehru, Ấn Độ đã trình bày về quan điểm của Ấn Độ về khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương, đồng thời nhấn mạnh rằng, với tiềm năng to lớn, chính sách kinh tế năng động, Việt Nam và Ấn Độ hoàn toàn có thể cùng nhau xây dựng một tầm nhìn chung và một kế hoạch làm việc để tăng cường quan hệ song phương và cùng nhau thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. TS Sonu Trivedi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, Delhi, Ấn Độ đã nêu lên vai trò của đối thoại an ninh bốn bên gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đồng thời nêu lên những đường nét chính của nhân tố Ấn Độ với tư cách là một bên tham gia quan trọng các cam kết đa phương, khu vực, tiểu vùng trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Về phía các học giả Việt Nam, nhiều học giả đã bày tỏ quan điểm của mình về chủ đề, nội dung hấn dẫn của Hội thảo, trong đó, GS, TS Đỗ Tiến Sâm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, nhấn mạnh đến việc sự ra đời của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ tạo cơ hội phát triển hơn nữa quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, và xem một nước Ấn Độ mới phát triển năng động, hài hòa, không đe dọa ai, tôn trọng pháp luật quốc tế, và chính sách xem Việt Nam là một trụ cột quan trong trong chính sách đối ngoại hướng Đông sẽ là nguồn năng lượng tích cực giúp Việt Nam và quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ phát triển, đáp ứng được nguyện vọng lâu dài của nhân dân hai nước. Đồng quan điểm, PGS, TS Ngô Tuấn Nghĩa, Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị, cũng trình bày quan điểm về một số khía cạnh tiềm năng, tầm nhìn của Ấn Độ trong việc chủ động tham gia tích cực vào việc hình thành trật tự chiến lược mới Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Nhiều học giả Việt Nam và Ấn Độ đã trao đổi sâu sắc về mọi phương diện trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Các học giả cho rằng, chủ đề hội thảo mới và hấp dẫn nên cần được nghiên cứu, trao đổi nhiều hơn.
Trong một ngày làm việc nghiêm túc, sôi nổi, Hội thảo đã nghe gần 30 học giả Việt Nam và Ấn Độ trình bày tham luận và trao đổi xoay quanh chủ đề chính của Hội thảo khoa học quốc tế về hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở.
Kết luận Hội thảo khoa học quốc tế, PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện, đánh giá cao sự đóng góp trí tuệ, công sức và tình cảm của hơn 200 chính khách, học giả đến tham dự Hội thảo, và khẳng định rằng, đây là hội thảo khoa học quốc tế có chất lượng cao về bối cảnh chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở, cũng như quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng và an ninh trong bối cảnh mới này.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục