Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ với ASEAN và Việt Nam (Phần 1)

Hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ với ASEAN và Việt Nam (Phần 1)

03:52 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

PGS, TS Đỗ Đức Định*

Mở đầu

Quan hệ kinh tế của Ấn Độ với các nước ASEAN đã có từ lâu, nhưng chỉ thực sự được đẩy mạnh từ khi Ấn Độ triển khai Chính sách Hướng Đông, tiếp đó là Hành đông Hướng Đông, xác định Đông Nam Á trở thành đối tác chiến lược trọng điểm, thúc đẩy các quan hệ toàn diện từ chính trị - ngoại giao, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng. Bài viết sẽ tập trung nghiên cứu chủ yếu hai lĩnh vực hợp tác kinh tế trọng điểm là quan hệ thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ với ASEAN nói chung, với Việt Nam nói riêng.

1. Quan hệ hợp tác kinh tế Ấn Độ - ASEAN

1.1. Quan hệ thương mại Ấn Độ - ASEAN

Nhằm thúc đẩy các quan hệ kinh tế, Ấn Độ và ASEAN đã thỏa thuận thành lập các cơ chế hợp tác gồm Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Ấn Độ - ASEAN; Hội đồng kinh doanh Ấn Độ - ASEAN; Các Hội nghị Bộ trưởng kinh tế Ấn Độ - ASEAN; Ủy ban đàm phán thương mại Ấn Độ - ASEAN; Nhóm Công tác về Đầu tư và Thương mại Ấn Độ - ASEAN. Những cơ chế này đã góp phân to lớn đưa quan hệ thương mại hai bên tăng trưởng nhanh chóng từ 2,5 tỷ USD năm 1993 - 1994 lên đỉnh cao 75,86 tỷ USD năm 2012 - 2013, sau đó tuy giảm đi chút ít, nhưng hiện nay vẫn đạt 71,6 tỷ USD, đóng góp 10,9% cho tổng thương mại Ấn Độ. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 8-9%/năm.

Một trong những yếu tố hàng đầu dẫn tới sự tăng trưởng nhanh của quan hệ thương mại Ấn Độ - ASEAN là do hai bên đã thỏa thuận lập Khu vực mậu dịch tự do, cam kết xóa bỏ trên 90% dòng thuế quan đối với các loại hàng hóa được buôn bán giữa hai bên, gồm cả những “mặt hàng đặc biệt” như dầu cọ, cà phê, trà đen và hạt tiêu.

Phần lớn các loại hàng hóa Ấn Độ xuất vào ASEAN là vàng bạc, đá quý; sợi cotton, hàng dệt may; hàng hóa chế tạo như máy móc, phương tiện vận tải, đồ điện gia dụng; dầu ăn; hải sản; các chế phẩm là từ thịt; rau quả, gạo; dược phẩm; hóa chất; ngược lại, nhập từ ASEAN nhựa thông nhân tạo; đồ nhựa; cao su tự nhiên; gỗ và các sản phẩm từ gỗ; đồ điện gia dụng; kim loại màu; quặng kim loại; các hóa phẩm hữu cơ; than đá; phân bón.

Cùng với tốc độ tăng trưởng thương mại cao, Ấn Độ cũng chịu mức độ thiếu hụt thương mại ngày càng cao, từ 5 tỷ USD năm 2006 lên 15 tỷ USD năm 2015.

Các bạn hàng thương mại lớn nhất của Ấn Độ trong ASEAN là Singapore và Indonesia.

1.2. Quan hệ hợp tác đầu tư Ấn Độ - ASEAN

Sau thương mại, Chính sách hướng Đông cũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ đầu tư giữa Ấn Độ và các nước ASEAN. Trong giai đoạn từ năm 2004 đến 2010, tổng số vốn Ấn Độ đã đầu tư vào thị trường ASEAN là 21,8 tỷ USD, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư của Ấn Độ ra bên ngoài. Bước ngoặt trong quan hệ đầu tư Ấn Độ - ASEAN là khi Hiệp định tự do thương mại trong lĩnh vực đầu tư và dịch vụ chính thức có hiệu lực vào năm 2015, theo đó chỉ trong 1 năm, vốn đầu tư trực tiếp từ Ấn Độ vào ASEAN đã tăng 164% từ 606 triệu USD năm 2014 lên 1,6 tỷ USD năm 2015.

Những lĩnh vực mà Ấn Độ đầu tư ở ASEAN tập trung vào năng lượng, thủy lợi, đường sắt. Các nước được công ty Ấn Độ quan tâm và đầu tư nhiều nhất là các nước hạ lưu sông Mekong.

Đáng kể nhất trong số các công ty Ấn Độ đã đầu tư vào ASEAN là Tập đoàn Aditya Birla kinh doanh về lĩnh vực vải sợi và dầu thực vật ở Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia; Tập đoàn Tata mua công ty Natsteel của Singapore với giá 478 triệu USD; liên doanh giữa Tập đoàn Bharti của Sunil Mittal và Singtel. Ngoài ra, hàng trăm công ty khác của Ấn Độ đã tham gia đầu tư thông qua thị trường chứng khoán và mở văn phòng đại diện tại Singapore, Malaysia.

Ấn Độ đánh giá cao nguồn vốn FDI từ các nước ASEAN, do đó đã có những biện pháp khuyến khích ngày càng cao, tạo cơ hội để đầu tư của ASEAN vào Ấn Độ ngày càng tăng. Trong những năm từ 2011-12 đến 2015-16, FDI của ASEAN vào Ấn Độ đã tăng từ 23,473 tỷ USD lên 36,068 tỷ USD, chiếm trên 10% tổng lượng FDI vào Ấn Độ.

Các nguồn vốn FDI chính trong khối ASEAN đầu tư vào Ấn Độ xuất phát từ ba nước Malaysia, Thái Lan và Singapore.

Những lĩnh vực chính mà FDI vào Ấn Độ tập trung đầu tư là dịch vụ (28%), viễn thông và xây dựng (8%0), dầu lửa, khí ga, phần cứng và phần mềm (mỗi loại 7%).

Những dự án đầu tư lớn của ASEAN tại Ấn Độ là dự án đường cao tốc và xây dựng công nghiệp ở Ấn Độ do một số công ty Malaysia tham gia thực hiện; Công viên phần mềm do Công ty Ascendas của Singapore đầu tự tại Bangalore, Công ty Ascendas nắm giữ tới 80% cổ phần của Công viên phần mềm Bangalore thông qua việc mua cổ phần của Công ty Tata vào tháng 4/2005; Dự án kho chứa công-te-nơ DistriPark ở Mumbai, New Delhi và Chennai; Tập đoàn lớn San Miguel của Philippines cũng đã liên doanh thành công với công ty Ấn Độ.

2. Quan hệ hợp tác kinh tế Ấn Độ - Việt Nam

Cả Việt Nam và Ấn Độ đều xác định mỗi nước có tầm quan trọng chiến lược trong chính sách phát triển của nước kia, vì thế hai bên đều có nhiều nỗ lực để tăng cường các quan hệ kinh tế, nhất là thương mại và đầu tư, trong khuôn khổ chung của sự hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN.

Quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ tăng nhanh từ khi Ấn Độ đẩy mạnh thực thi Chính sách hướng Đông bắt đầu năm 2002, theo đó kim ngạch thương mại song phương đã được nâng từ 50.9 triệu USD năm 1991 – 1992 khi Ấn Độ bắt đầu cải cách lên vượt ngưỡng 9 tỷ USD trong giai đoạn 2014 – 2015. Hiện hai nước đang nỗ lực phấn đấu để nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 15 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, giá trị thương mại song phương trong tổng giá trị thương mại của Ấn Độ chỉ tăng từ 0,32% lên 1.22 % vào năm 2015 – 2016, một tỷ lệ thấp so với mức tăng trưởng thương mại chung của Ấn Độ.

So với các nước ASEAN khác, quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ không lớn, nhưng tăng trưởng nhanh, năm 2011-2012 xếp thư 5 sau Singapore (26,459 tỷ USD), Indonesia (21,301 tỷ USD), Malaysia (13,538 tỷ USD), Thailand (8,344 tỷ USD), trên Myanmar (1,870 tỷ USD), Brunei (1,647 tỷ USD), Phillipnes (1,448 tỷ USD), Campuchia (107 triệu USD), và Lào (104 triệu USD).

Trong tổng giá trị thương mại giữa hai nước, giá trị xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam đã tăng từ 45,80 triệu USD năm 1993-1994 lên hơn 3,9 tỷ USD năm 2013, sau đó giảm xuống 2,560.39 tỷ USD năm 2015-16. Các mặt hang xuất khẩu chính từ Ấn Độ sang Việt Nam là sắt thép, sản phẩm da, hóa chất nông nghiệp, nhựa, điện, phần mềm…

Xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ tăng từ 29,05 triệu USD năm 1993-94 lên 5,266.15 tỷ USD năm 2015-16. Các mặt hang xuất khẩu chính từ Việt Nam sang Ấn Độ là dầu thô, than, cao su tự nhiên, hạt tiêu, chè, phụ tùng máy tính, điện tử, quế, gia vị, hang dệt may… (Xem tiếp phần 2)


* Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục