Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ với ASEAN và Việt Nam (Phần 2)

Hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ với ASEAN và Việt Nam (Phần 2)

03:50 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

PGS, TS Đỗ Đức Định*

Nguyên nhân hàng đầu khiến quan hệ thương mại giữa hai nước đạt bước tiến quan trọng trong thời gian qua là do hai bên đã xây dựng được một khung pháp lý khá toàn diện như Hiệp định Thương mại song phương, Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định Bảo hộ và khuyến khích đầu tư, Hiệp định hợp tác Khoa học - Công nghệ, Hiệp định hợp tác du lịch, Hiệp định hàng không, Hiệp định hợp tác tài chính, Biên bản ghi nhớ về việc Ấn Độ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ. Ngoài ra, các hiệp định mà Việt Nam cùng với các nước ASEAN khác đã ký với Ấn Độ như Hiệp định về Thương mại hàng hóa (TIG), Hiệp định tự do thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIG), Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Ấn Độ… cũng đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước Ấn Độ - Việt Nam.

Tuy quan hệ thương mại hai nước tăng trưởng khá, nhưng vẫn có không ít những hạn chế, đó vừa là sự tương đồng vừa khác biệt về chủng loại và cơ cấu hàng hóa của hai nước, là sự xuất siêu ngày càng tăng của Việt Nam. Cụ thể, các ngành hàng xuất khẩu của hai quốc gia đều bao gồm phần lớn là chè, gạo, hàng dệt may, hạt điều, hải sản, hồ tiêu, nên khó xuất khẩu sang thị trường của nhau. Về cơ cấu, những mặt hàng Việt Nam có khả năng xuất khẩu như dầu thô, than đá, cao su thiên nhiên, hồ tiêu, chè, linh kiện máy tính, điện tử, thì phần lớn Ấn Độ đã có nguồn cung từ trong nước, nên ít nhập của Việt Nam; trong khi Việt Nam chưa sản xuất đủ hoặc chưa sản xuất được nên đã phải nhập khẩu những sản phẩm là lợi thế của Ấn Độ như thép, da, nguyên liệu dệt may, các loại hóa chất nông nghiệp gồm thuốc trừ sâu, sản phẩm y dược, nguyên liệu thực phẩm, các sản phẩm nhựa, máy móc điện tử hiện đại và phần mềm máy tính; thêm vào đó, nếu như trong các năm từ 1992 đến 1994, Ấn Độ nhập siêu từ Việt Nam, thì ngược lại, từ năm 1994 tới nay, Việt Nam luôn là nước nhập siêu với mức độ ngày càng cao, từ 4.53 triệu USD năm 1994 – 1995 lên trên 2 tỷ USD năm 2015 – 2016, tạo thế có lợi cho Ấn Độ, bất lợi cho Việt Nam.

Về đầu tư, nếu như trong thời kỳ 1991-2000, Ấn Độ chủ yếu đầu tư dưới dạng các khoản vay tín dụng ưu đãi viện trợ cho Chính phủ Việt Nam, thì từ sau khi Việt Nam tổ chức thành công hội nghị APEC (1/2006) và gia nhập WTO (2007), đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam bắt đầu có chiều hướng phát triển nhanh và đa dạng hơn. Trước năm 2007, đầu tư từ Ấn Độ tập trung vào nông nghiệp, công nghiệp chế biến dầu khí, khai khoáng; sau 2007 các dự án dầu khí và công nghiệp đã tăng lên. Địa bàn đầu tư của Ấn Độ mở rộng dần từ Đồng bằng sông Cửu Long đến các tỉnh vùng núi phía Bắc, đã có mặt tại 23 tỉnh, thành phố của Việt Nam, chủ yếu là Tuyên Quang, Bắc Ninh, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, tuy nhiên quy mô dự án còn nhỏ, rải rác ở một số địa phương như Bình Dương, Ninh Thuận, Tây Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai.

Đến tháng 12/2015, Ấn Độ đã có 118 dự án đầu tư tại Việt Nam, với vốn đăng ký 439 triệu USD, đứng thứ 28/62 quốc gia có vốn đầu tư vào Việt Nam, vào tháng 9/2016 Ấn Độ nâng tổng số vốn lên 524 triệu USD, chủ yếu đầu tư vào nông nghiệp, công nghiệp, dầu và khí.

Trong khi đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam tăng cả về lượng và chất, thì các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn ít quan tâm, thiếu chủ động tìm hiểu thị trường Ấn Độ. Tính đến năm 2016, Việt Nam chỉ có 3 dự án đầu tư sang Ấn Độ với tổng vốn 26 triệu USD, tập trung trong lĩnh vực dịch vụ phần mềm và thức ăn chăn nuôi gia súc.

Những lĩnh vực ưu tiên cho các nhà đầu tư hai bên đã được xác định, đó là năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, du lịch, dược phẩm, công nghệ thông tin, các ngành công nghiệp phụ trợ…

Nhìn chung, do năng lực có hạn và do mức độ kém hấp dẫn của thị trường hai bên, nên các hoạt động đầu tư của hai nước còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng của chính phủ và giới doanh nghiệp. 

Tuy vậy, triển vọng quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Ấn Độ có nhiều khả năng để phát triển trong thời gian tới. Điều này càng được khẳng định khi đường bay giữa New Delhi và Hà Nội được mở, gắn với việc phát triển du lịch cùng những lĩnh vực hợp tác khác về chính trị, ngoại giao, văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ…

Nhận xét chung

Các quan hệ kinh tế, nhất là thương mại, đầu tư, giữa Ấn Độ và ASEAN nói chung, Ấn Độ - Việt Nam nói riêng, từ những năm 2000 đến nay đã đạt được những thành công đáng kể, góp phần quan trọng phát triển các quan hệ chiến lược, toàn diện giữa hai bên.

Các yếu tố chính góp phần phát triển quan hệ kinh tế giữa hai bên là chính sách cải cách, mở cửa, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, khả năng bổ sung kinh tế được cải thiện, Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ giành ưu tiên cao cho quan hệ hợp tác, đối tác với các nước ASEAN, đặc biệt là việc hai bên đã lập Khu thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), cũng như đã ký nhiều hiệp định hợp tác khác tạo khung pháp lý cho hợp tác phát triển quan hệ kinh tế. Thêm vào đó, sự hợp tác trong các lĩnh vực ngoài kinh tế như chính trị, ngoại giao, văn hóa, khoa học, công nghệ, giáo dục, du lịch, an ninh, quốc phòng, phát triển đại dương, vũ trụ… cũng góp phần thúc đẩy các quan hệ kinh tế giữa hai bên.

Mặc dù vây, giữa hai bên còn có không ít những khó khăn, trở ngại do năng lực còn hạn chế, mức độ mở cửa thị trường khác nhau, cơ cấu kinh tế và hàng hóa chưa có độ bổ sung cao, mức độ ưu đãi, tỷ lệ thuế quan chênh lệch, khả năng thanh toán, cơ sở hạ tầng còn yếu kém… Cụ thể, một số ý kiến cho rằng các nền kinh tế ASEAN có mức độ mở và liên kết cao hơn so với Ấn Độ, ASEAN đẩy mạnh tiếp nhận nguyên liệu và vốn từ nước ngoài, trong khi Ấn Độ dựa chủ yếu vào các nguồn trong nước, ASEAN có tỷ lệ thuế thấp hơn so với Ấn Độ, nền kinh tế các nước ASEAN đa dạng trong khi kinh tế Ấn Độ là một khối riêng biệt… Khi những khác biệt này càng được thu hẹp thì khả năng mở rộng cửa, tăng cường hỗ trợ, bổ sung cho nhau giữa Ấn Độ và các nước ASEAN sẽ ngày càng cao, thành công trong các quan hệ hợp tác kinh tế ngày càng lớn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đỗ Đức Định, Từ “Nhìn về hướng Đông” đến “Hành đông hướng Đông”: Ấn Độ đang mở rộng và hiện thực hóa các quan hệ hợp tác khu vực từ Nam Á sang Đông Nam Á và toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế, Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị Quốc gia HCM, Hà Nội, 30/9/2015.

2. Trần Ngọc Diễm, “Quan hệ Ấn Độ với ASEAN trong khuôn khổ chính sách hướng Đông của Ấn Độ” (1991 – 2014)”- Luận văn ThS

3. Đỗ Đức Định, Hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế “Vn-ẤĐ 45 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược”, Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị Quốc gia HCM, NXB Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2017.

4. Kinh tế Ấn Độ: Tiến trình tự lực tự cường, NXB Thông tin và Truyền thông, HN 2017, Sách đồng chủ biên PGS.TS. Lê Văn Toan – PGS.TS. Đỗ Đức Định.


* Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục