Hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Ấn Độ - thực trạng và triển vọng (Phần 1)
Là quốc gia lớn nhất của khu vực Nam Á, sau khi giành được độc lập năm 1947, Ấn Độ đã xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường trên cơ sở kế hoạch hóa. Đến nay, Ấn Độ đã trở thành một trong các nước có nền kinh tế lớn trên thế giới, với số lượng dân cư đông thứ hai thế giới, Ấn Độ ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống quốc tế cả về chính trị, an ninh và kinh tế thương mại. Quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ có cơ sở truyền thống lịch sử khá lâu đời và hiện nay, có nhiều bước phát triển mới quan trọng kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2007 và đặc biệt kể từ khi Ấn Độ chuyển từ “Chính sách Hướng Đông” sang “Hành động phía Đông”.
Hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Ấn Độ - thực trạng và triển vọng
PGS, TS Thái Văn Long*
Quan hệ có cơ sở truyền thống lịch sử
Xem xét hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Ấn Độ cần đặt trong tổng thể mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia này và đặt trong bối cảnh của tình hình chung của thế giới, đặc biệt là trong mối quan hệ với các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Ấn Độ là một quốc gia có lịch sử phát triển từ rất lâu đời với nền văn minh sông Ấn, sông Hằng nổi tiếng và là nơi phát nguyên của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới. Là quốc gia lớn nhất của khu vực Nam Á, sau khi giành được độc lập năm 1947, Ấn Độ đã xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường trên cơ sở kế hoạch hóa. Đến nay, Ấn Độ đã trở thành một trong các nước có nền kinh tế lớn trên thế giới, với số lượng dân cư đông thứ hai thế giới, Ấn Độ ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống quốc tế cả về chính trị, an ninh và kinh tế thương mại.
Quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ có cơ sở truyền thống lịch sử khá lâu đời. Ngay sau khi cả hai nước giành được độc lập, các mối quan hệ hữu nghị và hợp tác chính thức giữa hai nước đã dần được tạo dựng. Trên nền tảng quan hệ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng J. Nehru đã dày công vun đắp trong suốt những năm cuối thế kỷ XX, mối quan hệ nhiều mặt giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng phát triển tốt đẹp. Các trụ cột chính trong mối quan hệ đối tác Việt - Ấn đã được xây dựng và hình thành bởi Chủ tịch Việt Nam Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ J. Nehru.
Đến nay, hai bên đã hợp tác phát triển trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm chính trị, an ninh và quốc phòng, thương mại và đầu tư, văn hóa, du lịch và phát triển nhân lực. Ấn Độ đã lên kế hoạch xây dựng “Chính sách Hướng Đông” vào đầu năm 1991, với mục đích tận dụng sự tăng trưởng kinh tế của Đông Á để giúp cả hai nước xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ trong những thập kỷ qua. Thời gian gần đây, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, bao gồm cả hợp tác kinh tế - thương mại, có nhiều bước phát triển mới quan trọng, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2007.
Như vậy, hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Ấn Độ có cơ sở truyền thống lịch sử vững chắc. Song, cũng cần thấy thêm rằng, một trong những nhân tố khiến Ấn Độ thắt chặt quan hệ với Việt Nam là hoạt động tăng cường của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương dưới vỏ bọc của cái gọi là sáng kiến "con đường tơ lụa trên biển", một mạng lưới thương mại mà Ấn Độ cho là hàm chứa âm mưu tạo ra một thế trận bao vây Ấn Độ. Để chống lại âm mưu này, Ấn Độ phải tăng cường sức mạnh trên biển và phải vượt ra ngoài Ấn Độ Dương để tiến vào Biển Đông, thông qua các quan hệ đối tác quân sự và cả kinh tế với những nước liên quan, như Việt Nam. Hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Ấn Độ hiện nay đặt trong khung cảnh như thế.
Trên cơ sở Chính sách Hướng Đông và khuôn khổ ASEAN
Từ đầu thế kỷ XXI, Ấn Độ thực hiện chính sách đẩy mạnh sang hướng Đông, coi trọng với các nước khu vực Đông Nam Á cả về kinh tế và an ninh quốc phòng. Ấn Độ ngày càng thấy rõ lợi ích của mình ở Đông Nam Á và Biển Đông, tham gia hợp tác nhiều mặt với ASEAN, là nước thành viên có vai trò ngày càng quan trọng trong Cộng đồng Đông Á. Việc Ấn Độ và ASEAN chuyển từ đối thoại bộ phận năm 1992, lên đối thoại đầy đủ năm 1996 và từ năm 2002 có thêm có chế họp cấp cao đã cho thấy ASEAN thừa nhận vai trò quan trọng của Ấn Độ đối với Cộng đồng ASEAN.
Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và sức mạnh quốc gia không ngừng được gia tăng, Ấn Độ ngày càng đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực về chính trị, văn hóa, kinh tế, thương mại, du lịch và an ninh, tham gia tích cực hơn trong các tổ chức và diễn đàn khu vực, xác lập và gia tăng ảnh hưởng của mình đối với Đông Nam Á, cạnh tranh ảnh hưởng với các đối thủ khác. Ngoại trưởng Ấn Độ từng khẳng định: “Ở khu vực này chúng ta có thể tìm được gần như những tồn tại vốn có của các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật, ASEAN và Ấn Độ”[1]. Như vậy, Ấn Độ đã coi mình là một trong sáu lực lượng lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có ảnh hưởng cạnh tranh ở Đông Nam Á.
Trong “Chính sách Hướng Đông" của Ấn Độ, Việt Nam có tầm quan trọng chiến lược với vai trò tích cực, trách nhiệm và có tiếng nói ngày càng quan trọng trong khối ASEAN. Ấn Độ thực thi chính sách đẩy mạnh tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại với Việt Nam trên cơ sở Chính sách Hướng Đông của mình và khuôn khổ chung của ASEAN. Nhìn một cách tổng quát, mối quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Ấn Độ đều nằm trong khuôn khổ chung của ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Diễn đàn Khu vực châu Á (ARF) và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới và Liên hợp quốc.
Ấn Độ cùng với những quốc gia khu vực Đông Á, Đông Nam Á đã từng đóng vai trò hết sức quan trọng và là trung tâm phát triển kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Như Thủ tướng Ấn Độ N. Rao đã phát biểu: “Thế giới đã thay đổi, các nước đều thay đổi và không có gì có thể biện minh nếu Ấn Độ không thay đổi. Chúng ta phải điều chỉnh và có cách đề cập thực tế nhưng chúng ta không bao giờ thay đổi nguyên tắc mục tiêu”[2]. Theo Thủ tướng M. Sing, chính sách kinh tế thương mại của Ấn Độ “không phải là một chính sách kinh tế đối ngoại đơn thuần, chính sách này là biểu hiện của sự thay đổi quan điểm chiến lược của Ấn Độ đối với thế giới cũng như vị trí của Ấn Độ trong một nền kinh tế toàn cầu đang phát triển không ngừng”[3]. Bộ trưởng Ấn Độ Gulraj đã từng nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng, chúng tôi có lợi ích kinh tế lớn và ngày càng tăng ở ASEAN. Các thị trường ASEAN tạo thêm hướng đi và giá trị gia tăng cho xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và lao động của chúng tôi. ASEAN là nguồn nguyên liệu thô, ngành trung gian, ngành chế tạo và dịch vụ tiềm tàng mà nền kinh tế đặt mục tiêu tăng trưởng gần 7% mỗi năm của chúng tôi đang cần”[4].
Trên thực tế, Ấn Độ đã trở thành đối tác đối thoại của ASEAN ở ba lĩnh vực quan trọng: mậu dịch, đầu tư và du lịch. Năm 1995, Ấn Độ trở thành đối tác đối thoại đầy đủ, và trở thành thành viên của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) vào năm 1996. Đây là diễn đàn chủ đạo đối thoại về các vấn đề chính trị và an ninh khu vực, có chức năng ứng phó với những thách thức lớn của khu vực. Năm 2009, Hiệp định Tự do thương mại ASEAN - Ấn Độ (FTA) đã được ký kết tại Băng Cốc (Thái Lan), có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2010. Hiệp định này đảm bảo sự cân bằng về lợi ích và phù hợp với Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ[5].
Biểu hiện cao nhất của sự phát triển Chính sách Hướng Đông trong giai đoạn này là việc ASEAN nâng tầm quan hệ đối tác với Ấn Độ lên cấp Thượng đỉnh ngang hàng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước ASEAN lần thứ 7 được tổ chức tại Brunei tháng 11 năm 2001 và tiếp tục khẳng định vào năm 2012. Trên lĩnh vực kinh tế và thương mại, giá trị thương mại giữa Ấn Độ và khối ASEAN đã vượt qua con số 79,3 tỷ USD trong giai đoạn 2011 - 2012. Dự kiến đến năm 2015, trao đổi thương mại song phương giữa Ấn Độ và ASEAN sẽ vượt qua mức 100 tỷ USD vào năm 2015 và hơn 200 tỷ trong vòng mười năm tới.
Năm 2014, quan hệ của Ấn Độ với các nước ASEAN nói chung và quan hệ kinh tế giữa hai bên nói riêng phát triển mạnh, trong đó Chính phủ mới của Ấn Độ do Thủ tướng N. Modi đứng đầu đã chuyển "Chính sách Hướng Đông" thành chiến lược "Hành động phía Đông" nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và mở rộng vai trò toàn cầu của Ấn Độ. Ông Modi đã nêu biện pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ kinh tế ASEAN - Ấn Độ trong năm năm tới, trong đó đề nghị lập một cơ chế đặc biệt để cấp tài chính cho các dự án phát triển, xây dựng các đại lộ thông tin và mời các nước ASEAN tham gia tiến trình chuyển đổi kinh tế đang diễn ra tại Ấn Độ. Các hiệp định tự do thương mại về dịch vụ và đầu tư, được Ấn Độ và ASEAN ký năm ngoái và dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay, sẽ tạo cơ hội rất lớn để các bên khai thác tiềm năng hợp tác kinh tế. Thực tế, các hiệp định tự do thương mại về dịch vụ, đầu tư và hàng hóa giữa Ấn Độ với các nước ASEAN thời gian qua đã thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương tăng gấp nhiều lần. Hiện nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Ấn Độ đạt gần 80 tỷ USD và hai bên hy vọng sẽ đạt mục tiêu 200 tỷ USD vào năm 2020. Có được thành công này là từ sự thúc đẩy quan hệ giữa Ấn Độ với các thành viên của Hiệp hội. Ấn Độ và ASEAN cùng chia sẻ tầm nhìn về một châu Á hòa bình, thịnh vượng và trỗi dậy, góp phần tăng cường hòa bình và an ninh toàn cầu. New Delhi một lần nữa khẳng định, quan hệ với ASEAN là một trong những hòn đá tảng trong chính sách ngoại giao của Ấn Độ và là nền móng của chính sách "Hành động phía Đông". (Còn tiếp) (Xem tiếp phần 2)
* Phó Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
[1] Thông tấn xã Việt Nam, “Ấn Độ những xu hướng mới trong chính sách đối ngoại”, Tài liệu Tham khảo đặc biệt, số 5/2007, tr. 63.
[2] http://www.ASEAN10vn, Ngày 18/10/2010.
[3] Phát biểu của Thủ tướng Manmohan Singh tại buổi đối thoại đặc biệt giữa lãnh đạo Hội đồng tư vấn kinh tế ASEAN, ngày 12 tháng 12 năm 2005 tại Kuala Lumpur
[4] I.K.Gulraj, Statement By His Excellency Mr. I.K Gulraj Minister of External Affairs of India At ASEAN Post Ministeral Meeting 1996, http://www.aseansec.org/4308.htm
[5] Ấn Độ, ASEAN ký hiệp định tự do mậu dịch, http://atpvietnam.com, cập nhật ngày 15/8/2009
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Dòng tiền toàn cầu lại đổ về thị trường chứng khoán Ấn Độ
Kinh tế 10:00 22-09-2024
Mỹ và Ấn Độ: Bước tiến mới trong hợp tác sản xuất chip
Kinh tế 09:00 29-09-2024
Tham vọng trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu của Ấn Độ
Kinh tế 09:00 21-09-2024
Sản lượng gạo Ấn Độ dự kiến tăng bất chấp ảnh hưởng mưa lũ
Kinh tế 09:00 20-09-2024