Hợp tác nghiên cứu khoa học nông nghiệp với trường đại học tại Ấn Độ
Trong chuyến công tác tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhóm các giáo sư, trợ lý giáo sư của hai trường đại học ở Ấn Độ đã đến thăm và trao đổi với Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng (NC&PTCT) về tiềm năng hợp tác nghiên cứu khoa học nông nghiệp.
Đây là cơ sở thúc đẩy hợp tác, bổ sung, hỗ trợ trong công tác nghiên cứu chọn tạo, cải tiến giống cây trồng, mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Trong chuyến công tác lần này, nhóm gồm 10 giáo sư, trợ lý giáo sư thuộc trường đại học Dr. Balasaheb Sawant Konkan Krishi Vidyapeeth Dapoli, Maharashtra và Trường Jawaharlal Nehru Agricultural University, Jabalpur - Ấn Độ đã đến thăm và trao đổi với Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng (NC&PTCT) về tiềm năng hợp tác nghiên cứu khoa học nông nghiệp giữa các bên. Viện NC&PTCT trực thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, là đơn vị dẫn đầu trong công tác nghiên cứu, chọn tạo giống lúa lai và ngô thực phẩm cao cấp, các giống ngô ăn tươi giàu anthocyanin, carotenoid tại Việt Nam. Viện đã lai tạo và công nhận lưu hành nhiều giống ngô và giống lúa mới đã phổ biến trên sản xuất đại trà.
Hiện nay, nông nghiệp Việt Nam rất quan tâm phát triển các giống rau, hoa, cây có củ (khoai lang, khoai tây, sắn) phục vụ nhu cầu trong nước. Thông qua cuộc trao đổi này, TS. Phạm Quang Tuân, PGĐ viện NC&PTCT rất mong muốn thúc đẩy hợp tác lĩnh vực này giữa hai bên. Đại diện đoàn Ấn Độ, GS. Anita Babbarthuộc Bộ môn Di truyền và chọn giống cây trồng – Trường Jawaharlal Nehru Agricultural University, Jabalpur đã trân trọng cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của Viện, giới thiệu thành phần đoàn gồm nhiều chuyên ngành khác nhau như thủy sản, lâm nghiệp, thống kê, sinh lý học, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, khoa học đất và bệnh cây.
Tại Ấn Độ, phần lớn người dân ăn chay, ngoài sữa thì các loại hạt, rau, củ quả là những nguồn cung cấp protein và dinh dưỡng. Công tác chọn tạo các giống rau, cây có củ đã có truyền thống và là thế mạnh của Ấn Độ so với các nước khác. Hiện nay, chiến lược chọn tạo giống đang tập trung nâng cao hàm lượng dinh dưỡng trên cây trồng, cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên (đất, nước, phân bón…) tiết kiệm đầu vào và phát triển nhóm siêu thực phẩm. Các giống ngô ăn tươi giàu anthocyanin, carotenoid mà Viện NC&PTCT chọn tạo có thể có tiềm năng lớn để phát triển tại thị trường Ấn Độ.
Ngoài ra nhóm cây có củ như khoai lang, khoai tây, sắn, cũng được Ấn Độ tập trung nghiên cứu rất mạnh. Cây khoai lang, khoai tây, sắn là không chỉ là nguồn thực phẩm mà còn giúp cải thiện thu nhập của nông dân, tăng cường an ninh lương thực và dinh dưỡng, tạo việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp và cải thiện sinh kế của nông dân nghèo. Do vậy, nhóm cây này cũng được đầu tư nghiên cứu lớn và bài bản nhằm mục tiêu phát triển thị trường theo chuỗi. Về cơ hội hợp tác trao đổi cán bộ nghiên cứu, chính phủ Ấn Độ hiện đang tài trợ rất nhiều chương trình tập huấn ngắn hạn cho các nước ASEAN trong đó có Việt Nam như chương trình ITEC, Asean-India research training fellowship (AI-RTF), và có rất nhiều suất học bổng đại học, sau đại học học tập tại Ấn Độ. Cơ hội hợp tác, giao lưu, trao đổi các chuyên gia ở các trường đại học, viện nghiên cứu giữa hai nước là rất lớn.
Buổi thảo luận đã diễn ra rất sôi nổi, hai bên chia sẻ cho nhau rất nhiều thông tin hữu ích. Đây là cơ sở để thúc đẩy hợp tác, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác đào tạo cán bộ, nghiên cứu chọn tạo, cải tiến giống cây trồng, mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia, góp phần nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Giữa Viện NC&PTCT và Đoàn các giáo sư, trợ lý giáo sư Ấn Độ đã thống nhất sẽ thúc đẩy hợp tác thông qua các kênh chính thống, phù hợp với luật pháp của cả hai nước trong thời gian tới.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ: Chứng khoán bùng nổ và cách bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ
Kinh tế 10:00 09-12-2024
Tập đoàn Vietravel mở rộng hoạt động tại Ấn Độ
Kinh tế 03:00 16-11-2024
Ấn Độ đạt kỷ lục trong xuất khẩu hàng hóa
Kinh tế 03:00 17-11-2024
Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và những tác động
Kinh tế 02:00 28-10-2024