Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hợp tác quốc tế giữa Cảnh sát Biển Việt Nam với Cảnh sát Biển Ấn Độ trong bối cảnh Biển Đông hiện nay (Phần 1)

Hợp tác quốc tế giữa Cảnh sát Biển Việt Nam với Cảnh sát Biển Ấn Độ trong bối cảnh Biển Đông hiện nay (Phần 1)

03:00 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đại tá, TS Nguyễn Quốc Khánh*

1. Dẫn nhập

Trong xu thế hội nhập toàn cầu ngày nay, các quốc gia ven biển luôn mong muốn khai thác, sử dụng biển ổn định và phát triển kinh tế biển bền vững. Đặc điểm của biển luôn là mở, lợi ích to lớn, có phạm vi ảnh hưởng tác động đa quốc gia, chủ thể hoạt động thường mang tính quốc tế, do vậy, để đảm bảo quản lý, khai thác và bảo vệ biển hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, mỗi một quốc gia ven biển đều phải tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế. Khác với hoạt động hợp tác quốc tế về quân sự buộc phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc nói chung và chính sách quốc phòng của mỗi quốc gia nói riêng, xu hướng hợp tác quốc tế trong quản lý, bảo vệ biển của Cảnh sát biển là hoạt động hợp tác, không phục vụ mục đích quân sự hoặc xâm lược quốc gia khác. Về cơ bản, việc hợp tác quản lý và bảo vệ biển giữa Cảnh sát biển của các quốc gia bao gồm các hoạt động giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn và phòng chống tội phạm trên biển; huấn luyện, diễn tập chống cướp biển; cứu hộ, cứu nạn; bảo vệ môi trường biển; thực hiện cam kết của quốc gia trong thực hiện các điều ước quốc tế về Công ước 1982, DOC, IMO, SOLAS,... Do vậy, việc hợp tác quốc tế để thực hiện mục đích, yêu cầu nêu trên chủ yếu diễn ra giữa các lực lượng phi quân sự hoặc lực lượng thực thi pháp luật trên biển; bản chất của lực lượng này là tính chất dân sự công khai, hoạt động vì mục đích nhân đạo, hòa bình, đảm bảo tránh xung đột quân sự trên biển.

Hợp tác quốc tế luôn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực, khả năng hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển khác (Bộ đội biên phòng, Kiểm ngư, Hải quan, Thanh tra hàng hải,…) trong hoạt động bảo vệ tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp trên biển; cứu hộ, cứu nạn; bảo vệ môi trường và phòng chống tội phạm xuyên quốc gia trên biển. Phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam theo quy định của pháp luật, chủ chương, chính sách về hoạt động hợp tác quốc tế của Nhà nước; bảo đảm hợp tác quốc tế để giải quyết, xử lý các tình huống trên biển, hài hoà hóa các mối quan hệ với đối tác, đối tượng và đối sách của nhà nước; giữ vững ổn định và hoà bình trên biển, góp phần phát triển kinh tế biển bền vững.

2. Vị trí địa lý và các yếu tố khách quan thúc đẩy việc hợp tác giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Ấn Độ về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển

* Vị trí địa lý của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có vị trí là không gian địa lý bao gồm các quốc gia nằm ở ven bờ Ấn Độ Dương và phía Tây Thái Bình Dương, cùng với các vùng biển nối hai đại dương này lại với nhau, chia thành 03 khu vực như sau:

(i) Tây Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gồm phần phía Tây và trung tâm Ấn Độ Dương, bao gồm bờ biển phía Đông châu Phi, Biển Đỏ, vịnh Aden, vịnh Pecxich, biển Ả Rập[1], vịnh Bengan và biển Andaman, cũng như các vùng nước ven biển đảo Madagascar, quần đảo Seychelles, Comoros, quần đảo Mascarene, Maldives và quần đảo Chagos.

(ii) Trung Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gồm rất nhiều biển và eo biển nối Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm: các vùng biển bao quanh quần đảo Indonesia, Biển Đông, Philippines, biển phía Bắc Australia, các vùng biển bao quanh New Guinea, Tây và Trung Micronesia, quần đảo Solomon, Vanuatu, Fiji và Tonga.

(iii) Đông Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gồm hải vực bao quanh hầu hết các hòn đảo núi lửa nằm ở trung tâm Thái Bình Dương, trải dài từ quần đảo Marshall đến Trung và Đông Nam Polynesia, đảo Phục Sinh và Hawaii.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có dân số chiếm gần một nửa thế giới, bao gồm các nước ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á đầy năng động, cùng với nhiều quốc gia thuộc Trung Đông và châu Phi có tài nguyên phong phú và có nhiều tuyến đường biển yết hầu quan trọng của kinh tế thương mại toàn cầu.

Có thể nhìn nhận rằng, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là chìa khóa đảm bảo an ninh toàn cầu, không chỉ là nơi có dân số đông nhất thế giới, mà còn là một trong những khu vực có nền kinh tế phát triển, sôi động, tập trung nhiều của cải, nhưng cũng là nơi tồn tại nhiều điểm nóng của thế giới. Do vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của khu vực, các nước, nhất là các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ đều có những điều chỉnh chiến lược, nhằm tăng cường ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích của mình ở khu vực này.

* Nhu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển của các quốc gia

Biển Đông

Trong những năm gần đây, nạn cướp biển, cướp có vũ trang diễn ra thường xuyên, phức tạp, nhất là cướp biển ở eo biển Malacca, là mối đe doạ lớn đối với an ninh hàng hải, mối lo ngại của ngành vận tải, kinh tế biển của các nước trên thế giới đi trên tuyến đường biển quốc tế từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương và ngược lại. Bên cạnh đó là sự gia tăng các hoạt động tội phạm trên biển như hoạt động buôn bán ma tuý, buôn bán phụ nữ; buôn bán và vận chuyển hàng lậu qua biên giới biển, điều này gây ra những thách thức mới đối với hoạt động quản lý nhà nước trên biển của các quốc gia trong khu vực Biển Đông. Vì thế, hợp tác giữa các lực lượng chức năng thực hiện việc quản lý an ninh, trật tự an toàn trên vùng biển và thềm là hết sức cấp thiết.

Bốn vấn đề lớn về an ninh, trật tự an toàn trên Biển Đông là: (1) tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc; (2) tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa giữa 5 nước 6 bên gồm Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philipinne, Đài Loan và Brunei; (3) phân định ranh giới các vùng biển theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; (4) xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa. Trong đó, việc giải quyết tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đặc biệt phức tạp và khó khăn do vị trí chiến lược của hai quần đảo này; các yếu tố tài nguyên ở khu vực xung quanh hai quần đảo; mối quan hệ mật thiết với các vấn đề biên giới lãnh thổ trên biển, cũng như quan hệ giữa các nước liên quan. Bên cạnh đó, vấn đề thu hút sự quan tâm của các cường quốc là yếu tố đảm bảo sự cân bằng và ổn định trên Biển Đông.

Cướp biển

Trên các vùng biển thế giới, nhìn chung hải tặc hiện nay có 5 địa bàn chính, đó là Tây Phi, vùng biển giáp Somali, Hồng Hải và vùng vịnh Aden, ven bờ vịnh Bengal và toàn bộ vùng biển Đông Nam Á. Số vụ hải tặc ở vùng biển Đông Nam Á chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong tổng số các vụ cướp biển xảy ra trên các vùng biển trên thế giới. Phương thức tấn công của hải tặc chủ yếu là cướp bóc tài sản của các tàu thuyền, cướp hàng hoá trên thuyền, đồng thời cũng có những thuyền viên bị bắt làm con tin để đòi tiền chuộc, một khối lượng lớn tiền bạc mà hải tặc thu về lại chuyển sang mua vũ khí và nhu yếu phẩm khác nuôi dưỡng bọn cướp biển, từ đó đã tạo ra một vòng luẩn quẩn, dẫn đến vận tải đường biển không được an toàn.

Vấn đề khủng bố trên biển

Kể từ sau ngày 11/9/2001 ở Mỹ; ở vùng Biển Đông, các nhóm khủng bố địa phương có liên hệ với Al-Qaeda vẫn đang hoạt động, là lời cảnh tỉnh về một thực tế khủng bố vẫn còn tồn tại ở các quốc gia trong khu vực. Hai vụ đánh bom trên đảo Ba Li thuộc Indonesia diễn ra vào các năm 2002 và 2005 cho thấy rõ sự tàn bạo của hoạt động khủng bố. Các nước xung quanh Biển Đông như Philippinne, Indonesia, Singapore, Malaysia và cả Thái Lan là những khu vực luôn có nguy cơ bị khủng bố cao. Vì vậy, hợp tác khu vực, hợp tác song phương  phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật có tính chất quốc tế là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả nhằm ổn định hoà bình, an ninh, trật tự, an toàn trên biển, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên biển của đất nước.

Buôn lậu xuyên biên giới trên biển có xu hướng gia tăng cả về quy mô và tính chất phức tạp, đã có những dấu hiệu mang tính xã hội đen. Nạn buôn lậu xăng, dầu qua đường biển cũng là một vấn đề nhức nhối kéo dài trong nhiều năm vẫn chưa được ngăn chặn có hiệu quả, đặc biệt trên vùng biển phía Tây Nam. Ước tính, xăng, dầu buôn lậu qua biên giới trên bộ chỉ riêng địa bàn tỉnh Kiên Giang, có thể lên đến hàng chục nghìn lít mỗi ngày đêm. Tuy vậy, con số đó vẫn còn rất khiêm tốn so với nạn buôn lậu xăng, dầu trên biển; ước tính số lượng xăng, dầu buôn lậu trên biển lớn hơn nhiều lần so với buôn lậu xăng dầu qua biên giới trên bộ, vì nhiều tàu, thuyền không dùng xăng, dầu để đi khai thác, đánh bắt hải sản mà ngang nhiên bán xăng, dầu trực tiếp cho tàu thuyền nước ngoài bằng cách sang mạn trực tiếp. Sở dĩ tình trạng buôn lậu trên biển khó kiểm soát vì ngư trường rộng, lưu lượng tàu thuyền dày đặc, mọi hoạt động mua bán xăng, dầu chủ yếu diễn ra ban đêm; trong khi các lực lượng chuyên trách chống buôn lậu lại mỏng, phương tiện, trang bị hạn chế nên hiệu quả hoạt động chưa cao.

Trên thực tế, tình hình buôn lậu ở trên biển vẫn diễn biến hết sức phức tạp không riêng xuất lậu than và xăng dầu. Một số mặt hàng chuyển tải hoặc tạm nhập tái xuất bằng đường biển như ô tô, xăng dầu, thuốc lá, hàng điện tử, đồ phế liệu, rác thải công nghiệp…, xuất đi nhưng rồi lại bằng chính con đường này, thẩm lậu trở lại; bởi vậy, trong tình hình hiện nay, buôn lậu trên biển vẫn là vấn đề khó kiểm soát nhất.

Buôn bán ma tuý. Việt Nam không những là nơi tiêu thụ, mà còn là một địa điểm trung chuyển qua đường biển của bọn buôn lậu ma tuý quốc tế với số lượng lớn trên tuyến đường biển quốc tế quan trọng nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, gần nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động của bọn cướp biển làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn trên Biển Đông.​ (Xem tiếp phần 2)


* Đại tá, TS. Nguyễn Quốc Khánh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam.

[1] Arabian Sea.

Nguồn:

Cùng chuyên mục