Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hợp tác quốc tế giữa Cảnh sát Biển Việt Nam với Cảnh sát Biển Ấn Độ trong bối cảnh Biển Đông hiện nay (Phần 2)

Hợp tác quốc tế giữa Cảnh sát Biển Việt Nam với Cảnh sát Biển Ấn Độ trong bối cảnh Biển Đông hiện nay (Phần 2)

03:58 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Đại tá, TS Nguyễn Quốc Khánh*

* Thực hiện những nội dung, chính sách hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh

Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục phát triển sâu rộng, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập Đối tác Chiến lược năm 2007 và nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện và năm 2016. Trong thời gian dài, quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và Ấn Độ đã thể hiện ngày càng rõ quan điểm về sự phát triển sâu rộng và các cam kết được tăng cường trên nhiều phương diện giữa hai nước. Ấn Độ và Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và củng cố cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ và trong tăng cường hơn nữa hợp tác với ASEAN. Những quan điểm, chủ trương lớn của hai bên thể hiện trong hợp tác quốc phòng, an ninh như sau:

Hợp tác quốc phòng - an ninh là trụ cột quan trọng, hiệu quả của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Hai bên hoan nghênh trao đổi đoàn cấp cao về quốc phòng-an ninh, duy trì các cơ chế đối thoại, tăng cường hợp tác giữa các quân, binh chủng và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực an ninh mạng, chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực dưới mọi hình thức, tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán người, buôn bán ma túy và an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu và an ninh lương thực.

Nhấn mạnh cam kết đối với không gian mạng mở, tự do, an toàn, ổn định, hòa bình và có thể tiếp cận dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc và nhất trí tăng cường hợp tác và triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã ký giữa hai nước về an ninh mạng. Hai bên nhất trí thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Hội đồng An ninh Quốc gia Ấn Độ và khởi động đối thoại cấp Thứ trưởng nhằm tăng cường hợp tác trong các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, cũng như triển khai các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực.

Ấn Độ khẳng định luôn sẵn sàng phối hợp với Việt Nam trong hợp tác quốc phòng, đào tạo nâng cao năng lực cho Việt Nam. Hai bên nhất trí đẩy nhanh thực hiện gói tín dụng 100 triệu USD đóng tàu tuần tra cao tốc cho Bộ đội Biên phòng Việt Nam và thúc đẩy sớm ký Hiệp định khung về sử dụng gói tín dụng 500 triệu USD cho công nghiệp quốc phòng. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng, bao gồm trao đổi đoàn quốc phòng cấp cao, đối thoại, hợp tác giữa các quân binh chủng, các chuyến thăm của tàu Hải quân và tàu Cảnh sát biển, các dự án nâng cao năng lực, mua sắm trang thiết bị, chuyển giao công nghệ và hợp tác trên các diễn đàn khu vực như ADMM+.

Hai bên nhất trí về sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác hàng hải, bao gồm chống cướp biển, bảo đảm an ninh các tuyến đường biển, trao đổi thông tin hàng hải phi quân sự. Trên tinh thần đề xuất về thiết lập Đối thoại Chiến lược ASEAN - Ấn Độ về Hợp tác Hàng hải được nêu tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ tại New Delhi vào 01/2018, hai bên nhất trí thúc đẩy tham khảo song phương về các vấn đề trên biển.

Lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, bao gồm cả khủng bố xuyên biên giới. Việt Nam chia sẻ quan ngại của Ấn Độ rằng, chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với hòa bình, an ninh và ổn định toàn cầu. Hai bên cho rằng, chủ nghĩa khủng bố là không thể biện minh được với bất kỳ lý do gì, không nên và không được gắn với bất kỳ tôn giáo, dân tộc, văn minh hay sắc tộc nào.

Kêu gọi các bên thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện về chống khủng bố, bao gồm chống chủ nghĩa cực đoan, tuyển dụng, huấn luyện và di chuyển của các phần tử khủng bố nước ngoài qua biên giới, ngăn chặn các nguồn cung cấp tài chính cho chủ nghĩa khủng bố, như thông qua các tổ chức tội phạm, rửa tiền, buôn lậu vũ khí hủy diệt hàng loạt, vận chuyển ma túy và các hoạt động tội phạm khác, triệt phá các căn cứ, khu ẩn náu, và ngăn chặn việc các tổ chức, phe nhóm khủng bố lợi dụng internet, không gian mạng, kể cả mạng xã hội và các công cụ thông tin khác. Hai bên cũng nhất trí hợp tác nhằm xây dựng đồng thuận rộng rãi trong việc sớm đạt được Công ước Toàn diện về Khủng bố quốc tế (CCIT).

3. Thực tiễn hoạt động hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam và kết quả hợp tác giữa Cảnh sát biển Việt Nam với Cảnh sát biển Ấn Độ trong thời gian qua.

* Thực tiễn hoạt động hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam

Nội dung hợp tác quốc tế dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam, tiến hành các phương thức hợp tác phong phú, đa dạng nhằm phát huy tối đa khả năng của các bên, góp phần thực hiện chiến lược biển của mỗi quốc gia, những nội dung hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển trên cơ sở pháp luật, đáp ứng nhu cầu quản lý biển hiện nay nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả quản ý nhà nước sau đây:

Thực hiện chức năng hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam chính là đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam đã được quy định trong Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam năm 2008 và các văn bản hướng dẫn xác định: “Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có nhiệm vụ thực hiện hợp tác quốc tế” là quy định phát sinh quyền và nghĩa vụ của Cảnh sát biển Việt Nam trong thực hiện các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Điều 22 của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam năm 2008 đã quy định nội dung quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm: (i) Ban hành, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam; (ii) Tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy Cảnh sát biển Việt Nam; (iii) Tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam; (iv) Thực hiện chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; (v) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; và (vi) Hợp tác quốc tế.

Về cơ bản, các nội dung hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam đã được thực hiện trên thực tế, như: thực hiện hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; chia sẻ thông tin phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; thông tin chống cướp biển, cướp có vũ trang; tiếp nhận ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt; xác minh các hành vi vi phạm của tàu cá Việt Nam; tổ chức tuần tra chung trên biển và thăm xã giao, giao lưu văn hoá thể thao giữa các tàu Cảnh sát biển của các quốc gia đã ký kết các bản ghi nhớ với Cảnh sát biển Việt Nam. Cụ thể như sau:

Cảnh sát biển Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ song phương, đa phương với 7 tổ chức và 15 lực lượng thực thi pháp luật trên biển thuộc các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Kết quả hợp tác quốc tế đã bảo đảm cho Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm có tổ chức, có yếu tố nước ngoài; đồng thời, nâng cao vai trò, vị thế và trách nhiệm của Việt Nam là quốc gia ven biển đối với các nước trong khu vực và thế giới. Thu thập, tiếp nhận, xử lý thông tin và thông báo, tổ chức đấu tranh phòng, chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền, kiểm soát, ngăn ngừa và đấu tranh với các hoạt động xuất, nhập cảnh bất hợp pháp trên biển với các quốc gia: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Philipinne, Indonesia, Malaysia; hợp tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát về bảo tồn và quản lý các nguồn tài nguyên trên biển; tìm kiếm cứu nạn, phòng chống ô nhiễm môi trường với các nước có biển tiếp giáp. Ký kết bản ghi nhớ hợp tác; trao đổi đoàn; cử cán bộ học tập, tham gia các lớp tập huấn; tổ chức hội nghị, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm.

Thực hiện Hiệp định hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2000, Cảnh sát biển Việt Nam có vai trò là một trong 05 cơ quan giám sát phía Việt Nam và đồng thời là Cơ quan đầu mối phối hợp liên lạc phía Việt Nam. Tại Điều 2 của Hiệp định quy định: “Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng của phía Việt Nam và cơ quan Quản lý giám sát ngư chính ngư cảng, Công an biên phòng, Bộ đội hải quân của phía Trung Quốc (Cơ quan giám sát) chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra các hoạt động nghề cá trong Vùng đánh cá chung và tiến hành xử lý các hoạt động đánh bắt trái quy định. Cơ quan làm đầu mối phối hợp liên lạc của phía Việt Nam là Cảnh sát biển, của phía Trung Quốc là cơ quan Quản lý giám sát ngư chính ngư cảng”. Về giám sát nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ: Cảnh sát biển Việt Nam làm Cơ quan đầu mối, chủ trì đã phối hợp chặt chẽ với Hải quân, Bộ đội Biên phòng và Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong Vùng Đánh cá chung, Vùng Dàn xếp quá độ. Quá trình thực hiện nhiệm vụ đã kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự trên biển với nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động nghề cá; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động vi phạm của tàu cá Trung Quốc; tăng cường công tác tuyền truyền. Cảnh sát biển Việt Nam và Cục Ngư chính khu Nam Hải đã tổ chức 09 đợt kiểm tra liên hợp trong Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ và 09 hội nghị rút kinh nghiệm được tổ chức luân phiên tại mỗi nước. Hoạt động nói trên đã góp phần tăng cường hiểu biết, xây dựng niềm tin, góp phần củng cố môi trường hòa bình ổn định, tuân thủ pháp luật trong Vịnh Bắc Bộ.

Cảnh sát biển Việt Nam là cơ quan thường trực, đại diện của Việt Nam tham gia thực hiện Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang, chống lại tàu thuyền tại châu Á; đồng thời là cơ quan đầu mối trong việc hợp tác với Trung tâm chia sẻ thông tin trong khuôn khổ Hiệp định theo quy định tại Điều 5 của Quyết định số 12/2008/QĐ-TTg ban hành Quy chế phối hợp thực hiện Hiệp định hợp tác chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền tại châu Á. Vì thế, Cảnh sát biển Việt Nam đã trực tiếp trao đổi cung cấp thông tin và đấu tranh giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển, như phối hợp với Trung tâm chia sẻ thông tin ReCAAP, Trung tâm chống cướp biển của Cục Hàng hải quốc tế tại Kuala Lumpur, Malaysia trong vụ bắt 11 tên cướp biển trên tàu Zafiah; phối hợp với Cơ quan thực thi pháp luật Malaysia trong vụ tàu Orkim Hamony. Cảnh sát biển Việt Nam đã thường xuyên duy trì thông tin liên lạc với Trung tâm Chia sẻ thông tin ReCAAP ISC tại Singapore; quản lý và duy trì việc lưu chuyển nhanh chóng các thông tin liên quan đến các vụ cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền trên vùng biển Việt Nam đến Trung tâm. Điển hình trong công tác chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền của Cảnh sát biển Việt Nam là vụ bắt giữ và xử lý cướp biển trên tàu chở dầu ZAFIRAH năm 2013 trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. (Xem tiếp phần 3)

* Đại tá, TS. Nguyễn Quốc Khánh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam.​

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục