Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hợp tác quốc tế giữa Cảnh sát Biển Việt Nam với Cảnh sát Biển Ấn Độ trong bối cảnh Biển Đông hiện nay (Phần 3)

Hợp tác quốc tế giữa Cảnh sát Biển Việt Nam với Cảnh sát Biển Ấn Độ trong bối cảnh Biển Đông hiện nay (Phần 3)

03:55 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

Đại tá, TS Nguyễn Quốc Khánh*

* Kết quả hợp tác giữa Cảnh sát biển Việt Nam với Cảnh sát biển Ấn Độ trong thời gian qua

Ngày 25/5/2015, tại New Dehli, trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ của đoàn đại biểu Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Ấn Độ đã ký kết Biên bản ghi nhớ về thiết lập quan hệ phối hợp nhằm phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và phát triển hợp tác chung. Theo đó, hai Bên cam kết thiết lập quan hệ phối hợp thông qua đường dây liên lạc trực tiếp bằng điện thoại, fax, thư điện tử nhằm nhanh chóng trao đổi thông tin, hợp tác với nhau 24/24 giờ trên các lĩnh vực an toàn hàng hải, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia trên biển và phát triển hợp tác chung, cụ thể là:

(i). Trao đổi thông tin liên quan đến phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm trên biển như cướp biển, cướp có vũ trang, vận chuyển trái phép vũ khí, các chất gây nghiện, buôn lậu, nhập cư trái phép, mua bán người bằng đường biển.

(ii). Trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động phòng, chống tội phạm trên biển, bao gồm cả việc bắt giữ người có liên quan khi những người này đi vào hoặc đi qua các cảng của hai Bên.

(iii). Thực hiện các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển phù hợp với khả năng của mỗi Bên khi có yêu cầu của Bên kia.

(iv). Trao đổi thông tin liên quan đến ô nhiễm môi trường biển.

(v). Trao đổi kinh nghiệm thực thi nhiệm vụ thông qua các khóa huấn luyện, hội thảo, tập huấn và các chương trình hoạt động chung.

(vi). Trao đổi đoàn các cấp nhằm thúc đẩy sự hợp tác và vì sự phát triển hợp tác chung của hai lực lượng cũng như hai đất nước Việt Nam - Ấn Độ.

Thời gian qua, tàu Cảnh sát biển Ấn Độ bắt đầu đến thăm Việt Nam trong những năm 2001 đến 2016. Phía Ấn Độ đánh gia cao Cảnh sát biển Việt Nam đã đón tiếp tàu Cảnh sát biển Ấn Độ trong những năm qua và mong muốn được đón tiếp tàu của Cảnh sát biển Việt Nam đến thăm Ấn Độ vào năm 2018. Trên cơ sở các nội dung tại Biên bản ghi nhớ, Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Ấn Độ đã tích cực trao đổi thông tin, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác đạt được mục đích, yêu cầu đặt ra. Tàu Cảnh sát biển Ấn Độ đã đến thăm xã giao Cảnh sát biển Việt Nam; tổ chức huấn luyện cứu hộ, cứu nạn trên biển với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 3 (9/2015); thao diễn xử lý sự cố tràn dầu trên biển Đà Nẵng với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 2 (10/2016).

Từ ngày 28 đến ngày 31/5/2017, hai Bên đã tổ chức Cuộc họp song phương lần thứ nhất để Tổng kết đánh giá 02 năm (2015-2016) thực hiện Bản ghi nhớ và đề xuất các nội dung hợp tác trong năm tiếp theo giữa hai Lực lượng.

Việc hai Bên tổ chức họp song phương thể hiện kết quả của sự hợp tác tích cực, hiệu quả giữa hai Lực lượng trong thời gian qua và thể hiện quyết tâm xây dựng quan hệ hợp tác giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Ấn Độ ngày một hiệu quả hơn để góp phần đảm bảo sự ổn định, an ninh, an toàn, trên biển của mỗi quốc gia và khu vực. Hai bên đã đánh giá cao những nỗ lực của nhau trong việc thực hiện Bản ghi nhớ, đồng thời cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực hai Bên đã ký kết trong Bản ghi nhớ. Tại Cuộc họp, hai Bên đã trao đổi tình hình phát triển của hai Lực lượng. Qua trong quá trình hợp tác; hiểu biết về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, trang thiết bị hiện nay và kế hoạch phát triển trong tương lai của mỗi Bên. Phát huy truyền thống hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Ấn Độ có xu hướng ngày càng sâu rộng, đồng thời thực hiện nội dung hợp tác đã ký trong Bản ghi nhớ năm 2015, hai Bên thống nhất tiếp tục nâng cao hợp tác để thực hiện thành công các nội dung đã ký trong Bản ghi nhớ và thực hiện các giải pháp cơ bản sau:

Tăng cường hợp tác trao đổi cán bộ chuyên môn cấp làm việc: Hai bên nhất trí rằng việc trao đổi chuyên môn giữa hai Lực lượng là cần thiết nhằm nâng cao khả năng thực hiện nhiệm vụ của hai Bên. Cảnh sát biển Ấn Độ đề nghị hai Bên xem xét việc trao đổi chuyên môn giữa các cán bộ cấp làm việc trong các lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, đối phó ô nhiễm môi trường biển và thực thi pháp luật trên biển. Đề xuất Cảnh sát biển Việt Nam xem xét cử cán bộ sang thăm Trung tâm phối hợp cứu nạn hàng hải (MRCCs) Cảnh sát biển Ấn Độ và Đội chống ô nhiễm (PRT) để trao đổi chuyên môn.

Thúc đẩy và nâng cao chất lượng hợp tác huấn luyện trên biển: Cảnh sát biển Ấn Độ đề xuất trong quá trình tàu thăm nhau, hai Bên xem xét việc tổ chức các mô hình huấn luyện. Lĩnh vực huấn luyện bao gồm ngăn chặn và lên tàu, điều tra đối tượng khả nghi, thực thi pháp luật, TKCN và chống ô nhiễm. Cảnh sát biển Việt Nam đề nghị hai Bên xem xét tổ chức luyện tập trên sa bàn cùng với luyện tập trên biển trong chuyến thăm tiếp theo của tàu Cảnh sát biển Ấn Độ đến Việt Nam.

Tham dự luyện tập cấp quốc gia về TKCN và chống ô nhiễm tại Ấn Độ: Phía Ấn Độ cho biết hàng năm, Cảnh sát biển Ấn Độ tổ chức Chương trình luyện tập cấp quốc gia giữa các cơ quan liên quan đến tìm kiếm, cứu nạn và chống ô nhiễm có các nước khác tham gia. Cảnh sát biển Ấn Độ đề xuất Cảnh sát biển Việt Nam xem xét cử cán bộ với tư cách là quan sát viên của chương trình nhằm chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Ấn Độ là đối tác tốt và hỗ trợ nhau trong các diễn đàn đa phương như HACGAM và ReCAAP. Hai bên đã hợp tác và hỗ trợ lập trường, quan điểm của nhau trong hoạt động tại các diễn đàn trên. Hai Bên nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong các diễn đàn hợp tác đa phương. Hội nghị song phương giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Ấn Độ lần thứ hai tại Việt Nam sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Thời gian, nội dung, chương trình sẽ được hai Bên thảo luận những vấn đề cơ bản của Bản ghi nhớ nhằm tiếp tục hợp tác nâng cao hiệu lực hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi lực lượng, góp phần giữ vững, ổn định an ninh trật tự, an toàn và hoà bình trên biển của quốc gia và khu vực.

Những nội dung cơ bản cần tiếp tục thực hiện: Tăng cường thăm xã gia, tập huấn huấn luyện của Cảnh sát biển Việt Nam trên cơ sở lời mời của phía Cảnh sát biển Ấn Độ.  Cử cán bộ sang thăm và trao đổi chuyên môn tại Trung tâm phối hợp cứu nạn hàng hải (MRCCs) Cảnh sát biển Ấn Độ, Đội chống ô nhiễm (PRT) khi có thư mời. Cử cán bộ tham dự Luyện tập cấp quốc gia về TKCN và chống ô nhiễm tại Ấn Độ với tư cách là quan sát viên. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin giữa các bên nhằm hỗ trợ tích cực nâng cao năng lực tổ chức quản lý an ninh trật tự, an toàn trên biển

4. Kết luận

Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động hợp tác giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Ấn Độ là hết sức cần thiết, góp phần thể hiện chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; tương xứng với mối quan hệ hữu nghị, truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Ấn Độ.

Việc mở rộng hợp tác giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Ấn Độ tạo điều kiện cho mỗi bên tăng cường hiểu biết, củng cố niềm tin, thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng giữa lực lượng thực thi pháp luật mỗi nước, qua đó, góp phần xây dựng lòng tin vững chắc, tạo thuận lợi cho hoạt động hàng hải, bảo đảm an ninh, trật tự trên biển, góp phần phát triển kinh tế và giữ gìn vùng biển hoà bình, ổn định./.

 

Tài liệu tham khảo chính

1. LeszekBuszynski (2012), Biển Đông: Dầu, tuyên bố hàng hải và sự cạnh tranh chiến lược Hoa Kỳ - Trung Quốc, The Washington Quarterly, Vol. 35, 2, tr. 139-140.

2. Joseph ChinyongLiow (2016), Hoa Kỳ và Ấn Độ có thể cùng nhau làm điều gì trên Biển Đông, Brookings, 10/6/2016.

3. David Scott (2015), Sự gia tăng cân bằng của Ấn Độ ở Biển Đông.

4. Rajaram Panda (2016), Xu hướng đi lên của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ sau chuyến thăm của ParikkaThe Pioneer, 19/6/2016.

5. Background Briefing:  Philippines: Duterte’s Pivot to China Carlyle A. Thayer, October 21, 2016.

6. Xem thêm Nguyễn Thanh Minh (2017), Xây dựng lòng tin góp phần làm giảm căng thẳng ở Biển Đông, Tạp chí Cảnh sát biển, số 4.

7. Nguyễn Thanh Minh (2017), Quan điểm của Nhật Bản về Biển Đông và những tác động đối với Trung Quốc, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 3, tháng 9/2017.

8. Nguyễn Thanh Minh (2018), Thực trạng và triển vọng hợp tác quốc tế trên Biển Đông giữa các nước ASEAN trong bối cảnh hiện nay, Tạp chí Khoa học Quân sự, số 4.


* Đại tá, TS. Nguyễn Quốc Khánh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục