Hợp tác thương mại Việt - Ấn: Những rào cản và triển vọng (Phần 2)
Hợp tác thương mại Việt Nam - Ấn Độ những năm gần đây khá ổn định. Ấn Độ hiện là thị trường lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á và là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trên thế giới. Với lợi thế về kinh tế - xã hội của mỗi nước và truyền thống hữu nghị tốt đẹp lâu đời giữa nhân dân hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Neru xây dựng, vun đắp, với một “niềm tin chiến lược” giữa hai Chính phủ hiện nay, mối quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ nhất định sẽ thành công, gặt hái được những kết quả tốt đẹp vì lợi ích của cả hai bên.
Hợp tác thương mại Việt - Ấn: Những rào cản và triển vọng
TS Nguyễn Quốc Dũng*
2. Những rào cản trong quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - Ấn Độ thời gian tới
Một là, trong lĩnh vực ngoại thương, Ấn Độ hiện đang khởi động chiến dịch “Make in India” (Sản xuất tại Ấn Độ) do Thủ tướng Narendra Modi khởi xướng nhằm “trải thảm đỏ” cho các nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần hợp tác cùng xây dựng Ấn Độ thành trung tâm sản xuất - gia công lớn nhất thế giới, trong đó có chương trình xây dựng “100 thành phố thông minh”[1]. Theo kịch bản này, Ấn Độ đã nhận được sự đồng thuận quốc tế trong nhiều mặt hàng công nghiệp dân sự và quân sự. Đây sẽ là một rào cản lớn với Việt Nam trong thời gian tới, bởi lẽ, nhiều mặt hàng công nghiệp dân sự của Việt Nam nhìn chung chất lượng còn thấp, giá thành cao, tính cạnh tranh thấp, do đó, khó xâm nhập sâu vào thị trường Ấn Độ. Bên cạnh đó, Ấn Độ là thị trường mở, không khó tính nên việc thâm nhập thị trường dễ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác có lợi thế tương tự về chủng loại hàng hóa (Đặc biệt là Trung Quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á). Cùng với đó, vấn nạn hàng giả và hàng lậu càng gia tăng, sức ép cạnh tranh lớn khi mà các hàng hóa bất hợp pháp được tiêu thụ tại thị trường Ấn Độ.
Ngoài ra, khi chúng ta mở cửa theo hiệp định song phương và đa phương giữa Ấn Độ với Việt Nam và ASEAN - Ấn Độ, do cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam và Ấn Độ có nhiều điểm tương đồng, sẽ có nhiều mặt hàng, ngành, lĩnh vực phải cạnh tranh,... nếu làm không tốt, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải thu hẹp sản xuất hoặc giải thể. Đây là thực tế của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam phải đối mặt và nỗ lực vượt qua.
Hai là, những khó khăn như khoảng cách địa lý xa, giao thông không thuận tiện, thông tin thị trường còn thiếu, điều kiện cơ sở hạ tầng chưa phát triển cân xứng giữ các vùng miền. Sự khác biệt về văn hóa, tập quán, ngôn ngữ, cơ chế thanh toán cũng còn nhiều khó khăn, độ rủi ro cao,… sẽ là lực cản, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Ấn Độ.
Ba là, về cơ chế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện vẫn chưa theo kịp tiến độ hội nhập khu vực và toàn cầu nói chung và với sự biến động của Ấn Độ nói riêng. Ở trong nước, Việt Nam vẫn thiếu cơ chế, chính sách phối kết hợp tốt giữa các nhà đầu tư, để có thể khuyến khích, tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, chưa có chính sách thực sự “hấp dẫn và trúng” đối với phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ;… Đây là những rào cản mà Việt Nam sẽ phải đối diện, nếu không điều chỉnh kịp thời có thể sẽ dẫn đến những rủi ro và thiệt hại trong quan hệ thương mại nói riêng của Việt Nam với các nước, trong đó có Ấn Độ.
Bốn là, Ấn Độ vẫn là thị trường bảo hộ mậu dịch lớn nhất Châu Á. Đối với các quy định về nhập khẩu, đến nay, thị trường Ấn Độ vẫn là thị trường bảo hộ mậu dịch lớn nhất Châu Á với hàng rào bảo hộ thuế và phi thuế ở mức khá cao. Thuế suất hải quan của Ấn Độ được cắt giảm từ năm 1991, khi nước này tiến hành cải cách kinh tế. Đó là mức cắt giảm từ 150% năm 1991-1992 xuống 35% năm 2001-2002. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn thuộc hàng các nước có thuế hải quan cao nhất thế giới. Mức thuế hải quan MFN phổ thông hiện nay của Ấn Độ là 34,442%.
Trong thời gian gần đây, Ấn Độ còn có một số động thái tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng điều nhân và điều tra tự vệ đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như thép cán nguội, máy chế biến nhựa, sản phẩm nhựa Iaminate,…
Năm là, cơ cấu hàng xuất khẩu và nhập khẩu giữa hai nước hiện vẫn chưa hợp lý. Trong quan hệ thương mại, Việt Nam vẫn là nước nhập siêu khá lớn từ Ấn Độ. Việt Nam không thay đổi, cứ để tình trạng này tiếp diễn thì không thể tận dụng được các cơ hội và ưu đãi của các Hiệp định thời gian tới sẽ đi vào thực thi như TPP, FTA,... và tình trạng lệ thuộc và nhập siêu lớn của Việt Nam vào thị trường Ấn Độ sẽ tiếp diễn.
Mặc dù có những rào cản như thế. Song, thương mại Việt Nam và Ấn Độ vẫn là thuận lợi cơ bản. Với lợi thế về kinh tế - xã hội của mỗi nước và truyền thống hữu nghị tốt đẹp lâu đời giữa nhân dân hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Neru xây dựng, vun đắp, với một “niềm tin chiến lược” giữa hai Chính phủ hiện nay, mối quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ nhất định sẽ thành công, gặt hái được những kết quả tốt đẹp vì lợi ích của cả hai bên./.
[1] Lục Minh Tuấn , “Mẫu số chung trong thế trận giữa các cường quốc”, http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/221272/-mau-so-chung--trong-the-tran-giua-cac-cuong-quoc-.html
* Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ: Chứng khoán bùng nổ và cách bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ
Kinh tế 10:00 09-12-2024
Tập đoàn Vietravel mở rộng hoạt động tại Ấn Độ
Kinh tế 03:00 16-11-2024
Ấn Độ đạt kỷ lục trong xuất khẩu hàng hóa
Kinh tế 03:00 17-11-2024
Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và những tác động
Kinh tế 02:00 28-10-2024