IMF: Các công ty Ấn Độ dễ bị tổn thương trước đồng USD mạnh
Theo báo Live Mint số ra ngày 29/7/2015, báo cáo vừa công bố của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, các công ty Ấn Độ có khả năng dễ bị tổn thương về chi phí vay mượn và thu nhập, trong bối cảnh đồng USD tiếp tục mạnh lên trong thời gian gần đây.
IMF cũng khuyến cáo về nguy cơ nợ nần của các công ty do nhà nước quản lý của Ấn Độ có thể tăng đáng kể, lên tới hơn 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Để đưa ra báo cáo “sát hạch về sức ép” trước xu hướng mạnh lên của đồng USD, IMF đã tiến hành cuộc khảo sát đối với 4.797 công ty Ấn Độ, có tổng giá trị tài sản 1.500 tỷ USD.
Kết quả khảo sát cho thấy, chi phí vay mượn sẽ tăng 30%, trong khi thu nhập sẽ giảm 20% và đồng nội tệ (rupee) sẽ sụt giá 30% so với đồng USD.
Báo cáo của IMF được đưa ra trong bối cảnh báo cáo về bình ổn tài chính do Ngân hàng dự trữ Ấn Độ (RBI) công bố trong tháng Sáu vừa qua cho biết, số tiền vay tại các ngân hàng thương mại đã tăng lên tới 11,1% trong tổng các khoản vay hồi tháng Ba vừa qua so với con số 10,7% trong tháng 9/2014.
Các khoản nợ xấu tại các ngân hàng do nhà nước quản lý, vốn chiếm khoảng 2/3 các tài sản của lĩnh vực ngân hàng Ấn Độ, đã tăng lên do tăng trưởng tại nền kinh tế lớn thứ ba châu Á này bị chậm lại trong những năm gần đây, trong khi các dự án bị trì hoãn do bế tắc trong tiến trình thông qua và khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng liên quan đến đất đai. Điều này khiến các công ty bị mất vốn và khó khăn trong việc vay tiền để tái thanh toán nợ.
Tuy nhiên, Bà Vibha Batra, Phó Chủ tịch, đồng thời là người đứng đầu bộ phận xếp hạng về tài chính tại công ty xếp hạng Icra Ltd của Ấn Độ cho rằng, tình hình không quá bi đát như IMF nghĩ.
Theo bà Batra, các công ty Ấn Độ thực tế đã bị sức ép từ hai hoặc ba năm qua và khả năng tình hình trở nên xấu hơn là thấp, đặc biệt khi RBI giảm tỷ lệ lãi suất cho vay và một số lĩnh vực được hưởng lợi khi nhu cầu phục hồi./.
(Theo TTXVN)
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và những tác động
Kinh tế 02:00 28-10-2024
Thuế quan của Trump và cơ hội thương mại của Ấn Độ
Kinh tế 09:00 07-12-2024