Theo các chuyên gia về vàng, Ấn Độ hiện có khoảng 20.000 tấn vàng nằm "nhàn rỗi" trong các cung điện, đền đài, các kho lưu trữ vàng của các ngân hàng và trong dân, với trị giá khoảng 700 tỷ USD theo giá vàng hiện tại.
Quốc gia này đang cạnh tranh với Trung Quốc danh hiệu nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới và riêng trong năm ngoái đã nhập khẩu khoảng 900 tấn vàng - mặt hàng nhập khẩu lớn thứ hai của Ấn Độ, sau dầu mỏ.
Chính phủ Ấn Độ hiện đang khuyến khích người dân cho các ngân hàng vay vàng thông qua một chương trình gọi là "Tiền tệ hóa vàng", sẽ được bắt đầu từ tháng 11 tới, với hy vọng đưa khối của cải cất giấu khổng lồ này vào nền kinh tế.
Theo kế hoạch trên, người dân và các đền đài sẽ gửi vàng của họ vào các ngân hàng và ngân hàng sẽ trả tiền lãi mà họ không phải chịu thuế. Sau đó, các ngân hàng sẽ cho cửa hang kinh doanh đồ trang sức vay lại số vàng đó và tạo nên một vòng thanh khoản cho tài sản này.
Tuy nhiên, theo Gopal Krishna Agarwal, phát ngôn viên về các vấn đề kinh tế của Đảng cầm quyền Bharatiya Janata, rất nhiều người, đặc biệt là phụ nữ và người dân ở các vùng nông thôn, sẽ giữ vàng và không muốn gửi vào ngân hàng, bởi một phần do vàng không được coi như một kênh đầu tư đối với họ.
Một số khác, thuộc tầng lớp trung lưu ở thành phố, lại nói rằng họ thấy không bảo đảm về việc gửi vàng cho nhà nước. Với an sinh xã hội chưa được bảo đảm, vàng là một tài sản an toàn sống còn ở Ấn Độ, đặc biệt là đối với phụ nữ, khi mà vàng hầu như là tài sản tiết kiệm duy nhất họ có.
Đối với các vùng nông thôn, việc giữ vàng còn đặc biệt quan trọng bởi không có nhiều người có điều kiện tiếp cận với hệ thống ngân hàng chính thức.
Một chương trình huy động vàng trong dân tương tự hồi năm 1999 đã hầu như bị thất bại hoàn toàn do lãi suất thấp.
Chính phủ đang hứa hẹn chương trình mới này sẽ khác, với việc gửi vàng ít hơn, hạ từ 500 gram xuống chỉ còn 30 gram, nghĩa là chỉ tương đương với ba chiếc dây vàng. Các ngân hàng cũng sẽ được phép đặt ra các mức lãi suất riêng, dự kiến là từ 2 - 4%, và các bưu điện sẽ đưa chương trình này đến với những vùng nông thôn.
Có điều đáng lo ngại là những người gửi vàng có thể sẽ phải đối mặt với những câu hỏi không mấy dễ chịu về nguồn gốc số vàng họ có trong bối cảnh chính phủ đang đẩy mạnh chương trình chống "tiền bẩn". Một vấn đề nan giải khác là vàng sẽ bị nung chảy để kiểm tra độ nguyên chất của nó, dù người gửi được chứng kiến, song nguy cơ ở đây là nó có thể không đáng giá như người gửi vẫn nghĩ trước đó.
Còn đối với những người buôn bán đồ trang sức tại Karol Bagh ở New Dehli, nơi tập trung đông đúc các cửa hàng, cửa hiệu buôn bán kim cương và đồ cổ, thì kế hoạch "Tiền tệ hóa" lượng vàng tích trữ trong dân của Ấn Độ là một tin tốt bởi nó sẽ giúp họ giảm bớt được việc nhập khẩu vàng giá cao.
Tuy nhiên, tại khu chợ cổ sầm uất Zaveri Bazaar ở Mumbai - trung tâm giao dịch đồ nữ trang của Ấn Độ - một số người vẫn hoài nghi về sự thành công của kế hoạch này, khi cho rằng người ta có thể dễ dàng cho vay bằng vàng hoặc bán vàng để lấy tiền mặt khi cần, mà không cần phải gửi vàng vào ngân hàng để lấy lãi.
(AFP, http://www.baotintuc.vn/)