Kho lịch sử Ấn Độ Dương (Phần 1)
Trong thời gian chuẩn bị cho hội nghị về biến đổi khí hậu COP26 dự kiến diễn ra vào tháng 11/2021 tại Glasgow, Scotland, tờ bào The Conversation (Úc) đã chuẩn bị một loạt bài gồm 5 phần mang tên Oceans 21 để xem xét lịch sử và tương lai của các đại dương trên thế giới. Đây là bài đầu tiên trong loạt bài nghiên cứu các mạng lưới thương mại Ấn Độ Dương cổ đại.
Trên nhiều bãi biển xung quanh Ấn Độ Dương, những người quan sát tinh ý có thể phát hiện ra những mảnh gốm vỡ. Được rửa sạch bởi nước biển, những mảnh vỡ này rất có thể đã hàng trăm năm tuổi, từ các trung tâm sản xuất gốm sứ cổ đại như Abbasid Caliphate Trung Đông và triều đại nhà Minh Trung Quốc.
Điểm đến ban đầu của đồ gốm là các thành phố cảng ở Ấn Độ Dương, chúng được tiêu thụ các tầng lớp thương nhân quen dùng đồ gốm đẹp tinh. Những thương nhân này đã hình thành nên một phần của mạng lưới thương mại rộng lớn trải khắp Ấn Độ Dương và xa hơn nữa, từ Đông Phi đến Indonesia, Trung Đông và Trung Quốc.
Các mạng lưới thương mại này trải dài hàng nghìn năm, nhờ sức gió mùa. Đảo ngược hướng vào các mùa khác nhau, những cơn gió này từ lâu đã định hình nhịp sống xung quanh đại dương, mang lại mưa cho nông dân, đẩy thuyền buồm ra khơi và tạo điều kiện giao thương giữa các vùng sinh thái khác nhau.
Mô hình gió mùa làm cho Ấn Độ Dương tương đối dễ dàng qua lại cả hai chiều. Ngược lại, ở Đại Tây Dương, gió thổi theo một hướng quanh năm. Đó là lý do tại sao Ấn Độ Dương là thương trường xuyên đại dương đường dài lâu đời nhất thế giới, và đôi khi được biết đến như là “cái nôi của toàn cầu hóa”.
Thế giới vũ trụ từ lâu đã thu hút các học giả và trở thành một lĩnh vực nghiên cứu sôi động. Tuy nhiên, có rất ít tác phẩm nói về đại dương. Các nghiên cứu còn cho rằng con người thụ động trên đại dương. Trong thời đại nước biển dâng và biến đổi khí hậu, điều quan trọng là phải tìm hiểu thêm về biển từ quan điểm vật chất và sinh thái.
Trong vài năm qua, tình trạng này bắt đầu chuyển biến. Trong bài viết này, chúng tôi khảo sát cả các dạng nghiên cứu Ấn Độ Dương cũ và mới hơn, trên bề mặt biển và dưới đáy biển sâu.
Lịch sử bề mặt Ấn Độ Dương
Trong trường thiên của lịch sử thương mại và trao đổi, mối quan tâm chính của các nghiên cứu về Ấn Độ Dương là tập trung vào tương tác văn hóa. Các thành phố bên bờ biển đã duy trì nhiều hình thức trao đổi vật chất, trí tuệ và văn hóa sâu sắc. Cư dân của các cảng này có nhiều điểm chung với nhau hơn là với những cư dân khác trong đất liền.
Thế giới vũ trụ sơ khai này đã nổi tiếng được khám phá trong tác phẩm Ở vùng đất cổ (In an Antique Land) của tác giả Amitav Ghosh. Tác phẩm ghi chép các chuyến du hành của Abram bin Yiju, một thương gia người Tunisia Do Thái giáo sống ở thế kỷ 12, có trụ sở kinh doanh tại Cairo và sau đó là Mangalore, Ấn Độ. Cuốn sách so sánh sự cứng nhắc của các đường biên giới quốc gia trong những năm 1980 với sự tương đối dễ dàng di chuyển trên Ấn Độ Dương cuối thời trung cổ.
Bờ biển Swahili là ví dụ nổi tiếng về chủ nghĩa đô thị hóa ở vùng Ấn Độ Dương. Trải dài một ngàn dặm từ Somalia đến Mozambique, xã hội Swahili nảy sinh từ nhiều thế kỷ của sự tương tác giữa châu Phi, Trung Đông và châu Á.
Tập trung vào các thành phố ven biển như Kilwa, Zanzibar và Lamu, mạng lưới thương mại Swahili đã vươn xa trong đất liền đến Zimbabwe ngày nay và ra ngoài Ba Tư, Ấn Độ và Trung Quốc. Sau khi đạt đến đỉnh cao từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 15, những thành bang này cuối cùng đã bị người Bồ Đào Nha chiếm đóng từ đầu thế kỷ 16, họ tìm cách thiết lập độc quyền buôn bán gia vị.
Trọng tâm của lịch sử giao thông và trao đổi ở Ấn Độ Dương là sự truyền bá của đạo Hồi trên đất liền và trên biển từ thế kỷ thứ 7. Đến thế kỷ 14, các mạng lưới thương mại trên Ấn Độ Dương hầu như hoàn toàn nằm trong tay các thương nhân Hồi giáo.
Cùng với đó là sự phát triển của nhóm học giả, nhà thần học, khách hành hương, thư ký, chuyên gia pháp lý và chuyên gia dòng Sufi. Cùng nhau, các nhóm này đã tạo ra các khuôn khổ chung về kinh tế, tinh thần và luật pháp. Chủ nghĩa Sufi, một hình thức huyền bí của đạo Hồi, là một phần quan trọng trong lịch sử Ấn Độ Dương, cũng như sức mạnh ly tâm của cuộc hành hương Hajj đến thánh địa Mecca.
Thuộc địa hóa châu Âu dọc theo Ấn Độ Dương
Khi người Bồ Đào Nha đến Cape vào cuối thế kỷ 15, họ tiến vào nơi mà nhiều người gọi là “hồ trũng của Hồi giáo”, bị thống trị ở phía bắc bởi đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư và Mughal Ấn Độ. Khi người Hà Lan đến Ấn Độ Dương vào thế kỷ 17, “họ có thể tự do đi từ cực này sang cực kia của Ấn Độ Dương bằng cách mang theo thư giới thiệu của các vị vua Hồi giáo ở các vương quốc duyên hải”.
Như Engseng Ho đã chỉ ra trong tác phẩm Những nấm mồ của người Tarim (The Graves of Tarim), những mạng lưới thương mại Hồi giáo rộng lớn hoạt động mà không có sự hỗ trợ của quân đội hay nhà nước.
Người Bồ Đào Nha, người Hà Lan và người Anh ở Ấn Độ Dương là những thương nhân mới kinh doanh hàng hóa từ quốc gia của họ. Họ đã tạo ra các đế chế quân sự hóa hậu buôn bán ở Ấn Độ Dương, theo tiền lệ của người Venice và người Genova ở Địa Trung Hải, và sẽ không kinh doanh ở nơi có giao tranh vũ trang.
Những người châu Âu mới đến Ấn Độ Dương ban đầu phải thích nghi với trật tự thương mại ở đó. Nhưng đến thế kỷ 19, các đế quốc châu Âu thống trị. Cơ sở hạ tầng quân sự, giao thông và thông tin liên lạc của họ đã hỗ trợ quá trình di chuyển của người dân trên khắp thế giới xuyên Ấn Độ Dương.
Học giả Clare Anderson đã chứng minh trong tác phẩm Các cơ quan hợp pháp: Chủ nghĩa chủng tộc, tội phạm và thuộc địa ở Nam Á (Legible Bodies: Race, Criminality and Colonialism in South Asia) phần lớn quá trình di chuyển này là do bị ép buộc và di chuyển quân sự, liên quan đến dẫn nô lệ, những người lao động đi tìm việc làm, những người lưu vong chính trị và những tù nhân bị vận chuyển giữa các vùng. Đôi khi, những hệ thống này được xây dựng trên nền tảng hiện có của sự bóc lột sức lao động. Như nghiên cứu gần đây đã chỉ ra, lao động Nam Á định cư thường được lấy từ các vùng ở Ấn Độ, nơi có chế độ nô lệ. Hệ thống lao động không tự do cũ và mới đã tạo ra một quần đảo gồm các nhà tù, đồn điền và thuộc địa nơi định cư của những người tù.
Là một kho lưu trữ, Ấn Độ Dương cung cấp một cách nhìn mới về lịch sử thế giới, vốn trước đây bị thống trị bởi các thương gia châu Âu. Thời đại của các đế chế châu Âu chỉ là một quãng ngắn trong một trường thiên lịch sử. Góc nhìn từ Ấn Độ Dương hàm chứa những bất ổn trong mối quan hệ giữa thực dân châu Âu và các nhóm thuộc địa.
Như các nhà sử học như Engseng Ho và Sugata Bose đã lập luận, Ấn Độ Dương là một đấu trường của những yêu sách cạnh tranh.
Ví dụ, những tham vọng của chủ nghĩa đế quốc Anh đã bị chống lại bởi tầm nhìn vĩ đại không kém của Hồi giáo. Thật vậy, đấu trường Ấn Độ Dương đã sản sinh ra một kho tư tưởng xuyên đại dương phong phú, bao gồm cả chủ nghĩa cải cách của Ấn Độ giáo và Phật giáo.
Những ý thức hệ như vậy cuối cùng đã góp phần hình thành ý thức chống đế quốc, điều này cũng đưa vào những ý tưởng về sự đoàn kết và không liên kết giữa các nước Á-Phi. Những điều này nảy sinh từ Hội nghị Bandung năm 1955, tại đó 29 quốc gia mới độc lập tập hợp lại để tạo ra một con đường mới thay vì đi theo một trong hai phe đối địch đang hình thành trong Chiến tranh Lạnh.
Trong thế kỷ 21, các liên minh lâu đời này đã phải chịu áp lực khi Trung Quốc và Ấn Độ cùng muốn thống trị Ấn Độ Dương. Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và cảng, đồng thời nhằm mục đích mở rộng dấu ấn Trung Quốc trên phần lớn Ấn Độ Dương. Đáp lại, New Delhi đã tăng cường hoạt động kinh tế và quân sự trong khu vực này.
Tác giả: Isabel Hofmeyr, Giáo sư văn học châu Phi, Đại học Witwatersrand, và Charne Lavery, Giảng viên, nghiên cứu viên Đại học Pretoria.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: The Rich Historical Archive That Is the Indian Ocean - IDN-InDepthNews | Analysis That Matters
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục